• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

"Chiếc vé về tuổi thơ" Trong "Diệu khúc thời gian" của Trần Huyền Tâm

Thứ tư - 23/10/2019 11:24

Cuối 1983, tại quán sách trước cửa Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, trên đường Nguyễn Trãi, tôi đã mua một tập thơ trong đó có một bài thơ đã đi theo tôi suốt cuộc đời. Đó là bài Vé đi tuổi thơ trong tập thơ Phép lạ hàng ngày của nhà thơ Nga Robert Rozhestvenski do NXB Tác phẩm mới ấn hành:

 

 

“Cho tôi xin một vé đi Tuổi thơ.

Vé hạng trung

Người bán vé hững hờ

Khe khẽ đáp:

Hôm nay vé hết!

Biết làm sao!

Vé hết, biết làm sao!

Đường tới Tuổi Thơ còn biết hỏi nơi nào?

( Thái Bá Tân dịch)

 

Và hôm nay, thật tuyệt vời, tôi đã có được một chiếc vé đi tuổi thơ khi đọc Những vần thơ thời niên thiếu trong Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm.

 

Gọn ghẽ 17 bài thơ được sáng tác từ 1975 đến 1981 Trần Huyền Tâm đã mang đến cho chúng ta một thế giới tuổi thơ ở làng quê xưatuyệt đẹp:

 

“Con đê đất đỏ quê mình

Ngày mưa rả rích

Cả lũ đi học về trượt ngã lấm lem

Vẫn nhìn nhau cười khúc khích.

Cây ổi vườn nhà

Buổi trưa ôn bài, vòm cây rộng mở

Cánh hoa rơi đầy trang sách thơm…”

(Tuổi mực tím)

 

Nếu Trần Đăng Khoa bắt đầu làm thơ từ Góc sân và khoảng trời thì có thể nói Trần Huyền Tâm lại bắt đầu đời viết của mình từ một Ngõ nhỏ. Một ngõ nhỏ sớm - trưa - chiều - tối rộn rã bao âm thanh, bao hương sắc thân quen của tuổi thơ và chỉ tuổi thơ của những ai đã từng là người nhà quê xưa mới có:

 

Sớm, bà đi ra ngõ

Mùi hương trầu vấn vương

Bước chân em tới trường

In trong lòng ngõ nhỏ

 

Trưa, mặt trời thêm tỏ

Chân bố lấm bùn tươi

Ngõ thơm hương đất mới

Ngõ thấm giọt mồ hôi

 

Chiều, gặt về, tóc mẹ

Đựng đầy hương lúa đồng

Ngõ vang tiếng guốc ông

Ngõ tròn bao lỗ luyến

 

Khi hoàng hôn xa tím

Bộn bề tiếng chổi tre

Em lại cùng bạn bè

Đón trăng về ngõ nhỏ.

(Ngõ nhỏ)

 

 

Tuổi thơ trong thơ Trần Huyền Tâm ngát hương hoa lá, rộn ràng âm thanh mùa vụ và sống động bao sắc màu làng quê. Trong 17 bài thơ thời niên thiếu của Trần Huyền Tâm, tôi thích nhất Cây bàng trong vườn trẻ. Một bài thơ thể hiện con mắt thơ rất tinh tế của Tâm:

 

Cây bàng trong vườn trẻ

Vòm lá xanh xoè ô

Cái nắng lúc ban trưa

Thường chui vào đó ngủ.

 

Cây bàng trong vườn trẻ

Chứa bao lời ru êm

Buổi trưa chăm cái ngủ

Cây hát lời của đêm.

 

Khi cây bàng trút lá

Khoác mùa đông trên cành

Là khi thương bé lạnh

Cây chịu rét một mình.

 

Cây bàng trong vườn trẻ

Búp lá non gọi mời

Cho màu xanh vòm lá

Ríu rít muôn tiếng cười.

 

Cho màu xanh mắt trẻ

Xanh trọn màu non tươi.

(Cây bàng trong vườn trẻ)

 

Sự tinh tế đó còn được thể hiện khá nhiều trong thơ Trần Huyền Tâm:

 

Nghe thoảng thốt trong đêm

Tiếng những tàu cau trăn trở

Ánh trăng theo mơ vào giấc ngủ

Tóc mẹ lưu vết mòn thời gian.

(Bài ca đất)

 

Hay:

 

Gió sớm mai nhẹ đùa

Hoa rơi đầy vại nước

Con nhặt hoa tới trường

Hương cứ bay đi trước

( Hương cau)

 

Trần Đăng Khoa từng có một phát hiện rất hay: “Tiếng rơi rất khẽ như là rơi nghiêng”, nhưng với Trần Huyền Tâm lại có một khám phá thật mới mẻ: âm thanh không chỉ là âm thanh mà âm thanh còn có cả sắc màu:

 

Con sông say gió mát

Đã ngủ quên từ lâu

Chỉ còn tiếng đập đất

Đang làm nên sắc màu.

(Tiếng đập đất)

 

Tuổi thơ xưa của Trần Huyền Tâm và rất nhiều người trong đó có tôi, không chỉ là một tuổi thơ thú vị, dung dị ở chốn làng quê mà còn là một tuổi thơ đầy vất vả, cam go do cuộc chiến tranh chống Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc. Trần Huyền Tâm phải quen với mũ rơm, hầm chữ A và người cha ra trận mãi mãi không về:

 

Mẹ chưa kịp dạy chữ A

Thì máy bay B52 ào tới

Mẹ dắt con chạy vội

Xuống căn hầm chữ A.

Máy bay đi rồi, mẹ bận dọn ngoài hiên

Bên gốc bưởi, một mình con tự học

Ơi mẹ ơi con đã thuộc

Chữ A - tên của căn hầm.

(Căn hầm chữ A)

 

Hay:

 

Chiến tranh chen vào ấu thơ

Con trú ẩn đạn bom

nhiều hơn chơi ú tim với bạn

Cha cứ đi xa, dài dài năm tháng

Lần gặp cuối cùng… con nhớ… nụ hôn!

Cái cảm giác xa xôi, dịu êm

Khi con hiểu thì cha không còn nữa

(Nhớ nụ hôn đã xa)

 

Sẽ còn rất nhiều điều để nói về Những vần thơ thời niên thiếu trong Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm nhưng tôi xin được dừng tại đây để nhường chỗ cho sự cảm thụ phong phú của bạn đọc. Cảm ơn Trần Huyền Tâm đã cho tôi và những bạn bè đồng lứa chiếc vé về tuổi thơ trong sáng, ngọt ngào.

 

Và trước khi kết thúc bài này, tôi xin nói thêm một điều là chỉ trong vòng 2 năm nay Trần Huyền Tâm đã xuất bản liên tục 4 tập sách: Giọt nắng vô thường - Tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2018; Diệu khúc thời gian - Tập thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019; Tản mạn miền sương khói - Tập Tản văn - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019; Diệu khúc Sen - Tập văn - thơ - Nhà xuất bản Hội Nhà văn, 2019.

 

Thành quả này thật phi thường. Rõ ràng nó không phải là kết quả của 2 năm mà là kết quả của trên nửa thế kỷ sống, chiêm nghiệm của Trần Huyền Tâm trong cõi đời vô thường này. Nó khẳng định độ chín của Trần Huyền Tâm khi bước qua tuổi “tri thiên mệnh” đã biết mình phải làm gì, phải đi đường nào để TRỞ VỀ VỚI CHÍNH MÌNH.

 

Xin chúc mừng Trần Huyền Tâm.

 

Xin chúc mừng bạn đọc có thêm một thi phẩm để cảm nhận về sự vi diệu của THƠ và của THỜI GIAN./.

 

Vườn Vua Resort & Villas Thanh Thuỷ, Phú Thọ - 13/7/2019

Thái Văn Sinh


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.