• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Đêm đông nghe tiếng trùng kêu não nề!

Thứ năm - 02/01/2020 21:28

 


Bạch Cư Dị (772 - 846), biểu tự Lạc Thiên, hiệu Hương Sơn cư sĩ, Túy ngâm tiên sinh hay Quảng Đại giáo hóa chủ, là nhà thơ Trung Quốc nổi tiếng thời nhà Đường. Ông là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Những người yêu thơ Đường xếp ông  chỉ sau Lý Bạch và Đỗ Phủ. Đường Tuyên Tông thường gọi ông là Thi Tiên.

Thơ ông mạch lạc, dễ hiểu, giản dị, khi thì da diết buồn thấm thía với nỗi đời vời vợi mênh mang, khi thì nói về thiên nhiên, nhàn tản với cách nói u hoài, vương một nỗi buồn riêng kín đáo. Ông từng nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết". Ông hòa đồng cùng dân chúng, coi nhẹ việc làm quan của mình và đặc biệt là thích đàm đạo về thiền, về Lão Trang. Ông để lại khoảng hơn 2.800 bài thơ. Bài “Đông dạ văn trùng” được giới thiệu dưới đây là một trong những bài thơ nổi tiếng của ông.


Nguyên tác: 


冬夜聞蟲

白居易

蟲聲冬思苦於秋

不解愁人聞亦愁

我是老人聽不畏

少年莫聽白君頭


ĐÔNG DẠ VĂN TRÙNG


Trùng thanh đông tứ khổ ư thu

Bất giải sầu nhân văn diệc sầu

Ngã thị lão nhân thính bất úy

Thiếu niên mạc thính bạch quân đầu


Dịch nghĩa:


Tiếng dế đêm đông ý tứ não nùng hơn mùa thu

Kẻ không biết buồn nghe cũng phải buồn

Ta đã già rồi,nghe chẳng sợ gì

Tuổi trẻ đừng nghe vì nghe thì sẽ bạc đầu.


Dịch thơ (bản dịch của Hoàng Tạo):


Tiếng trùng, đông não hơn thu,

Người ngây thơ mấy nghe ru cũng sầu!

Ta già nghe chẳng sao đâu

Tuổi xanh nghe, khéo bạc đầu như chơi



Bài thơ được mở đầu bằng tiếng than, một sự trải lòng não nề của một người từng trải, đang bị nỗi buồn giăng kín trong tâm can: 


Trùng thanh đông tứ khổ ư thu - Tiếng trùng, đông não hơn thu 


Thơ xưa, dày đặc phong cảnh và tâm sự của con người dính đến thiên nhiên, đến các mùa, nhất là với mùa thu. Đọc thơ, ta có thể cảm nhận được những suy nghĩ của tác giả trong đêm Đông, khi phải nghe tiếng trùng kêu, thấy não nề, thấy buồn khổ hơn đêm mùa Thu.  Họ Bạch lấy cảm hứng từ âm thanh của tiếng côn trùng trong đêm Đông rét mướt đơn côi làm đề tài. Mùa nào, đêm nào ở những không gian yên ả như vườn ruộng, ao đầm lại chẳng có tiếng côn trùng? Nhưng giữa mùa Đông lạnh lẽo, khi một mình thức suốt đêm, đang miên man suy nghĩ thì tiếng côn trùng kêu gợi cho người buồn bao nhiêu vướng mắc đớn đau? 



Trùng kêu đêm Thu đã buồn. Kêu mùa Đông lại buồn hơn! Mọi cái vẫn nguyên: đêm, tiếng trùng, không gian cô đơn, và ông họ Bạch đang bạch mái đầu. Cái khác là mùa. Không biết day dứt nỗi gì mà Thu thức với trùng, 3 tháng Đông lại, lại thức nghe côn trùng than vãn. Chắc bản nhạc buồn này của thiên nhiên vẫn như xưa. Bản nhạc ấy, nếu chăng, thì chỉ bị biến tấu bởi người nghe nó!


Bất giải sầu nhân văn diệc sầu - Người ngây thơ mấy nghe ru cũng sầu!


Người không biết gì về nỗi buồn, chỉ nghe tiếng côn trùng kêu, là cũng cảm thấy buồn rồi. Đây chỉ là một giả định. Chúng ta thường nghe giảng rằng: Làm người là khổ. Vì là làm người thì phải trải qua lục đạo luân hồi, phải trải qua vòng Sinh - Lão - Bệnh - Tử. Đạo gia khuyên con người “phản bổn quy chân”, Phật gia khuyên người lấy khổ làm vui, tích Đức trả Nghiệp…, Vãng hồi tu..


Hương Sơn cư sỹ rất rành Đạo và Phật chẳng lẽ không hiểu lẽ “Thành trụ hoại diệt” là cái Khổ của vũ trụ và Sinh Lão Bệnh Tử là cái Khổ của nhân sinh? Vậy thì Đông khổ hơn Thu? Hạ có khổ hơn Xuân? Chẳng phải trong đêm Xuân Bạch ra ngắm 2 cành Mẫu Đơn để ngày mai hết cơ hội thưởng hoa?


Như vậy, người không khổ chỉ có thể là người đã ở ngoài Tam Giới, đã thoát Mê. Ấy vậy mà, Bạch phát hiện một quy luật: Dẫu Thần Phật có xuống Tam Giới này thì nghe trùng kêu đêm Đông cũng cảm nhận được nỗi sầu đau của con người. Quả thật, Phật Thích Ca chuyển sinh bao nhiêu ức kiếp mới đi từ bến Mê sang bờ Ngộ, sang Giải Thoát "Bất giải sầu chi nhân" nếu cứ nằm nghe trùng kêu để suy ngẫm nhân sinh thế sự ắt hẳn Phật tính mờ đi. Cái ý nghĩ: Ta cứ tưởng xuống trần gian chơi ít bữa, Ắt sẽ là: Nào ai ngờ phút chốc đã trăm năm.


Câu thơ thứ ba “Ngã thị lão nhân thính bất úy - Ta già nghe chẳng sao đâu”  nghe như thấy cái kiểu một anh hùng về già đang tự trấn an mình. Ta là lão nhân, nghe không sợ.  Kẻ thù cũng ít ai đòi mạng nhau khi người ta đang sống tuổi trời cho. Mới hay, những người già có vẻ luôn chuẩn bị hành lý. Hễ Trời kêu là Dạ! Là vâng mệnh Thiên Ý. Già rồi, trải nghiệm nhiều rồi. Đi dọc cái hành lang 3 vạn 6 ngàn thăm thẳm thế. Đâu là tiếng trùng kêu, đâu là đầy những nỗi buồn kế tiếp nỗi buồn...Người già rồi, nhiều trải nghiệm, thì ít biết sợ. Đặc biệt là chốn miệng hùm nọc rắn của chốn quan trường. Sáng chầu triều, chiều bị phế chức rời ngay kinh thành bỏ vợ, bỏ con. Hôm sau, chỉ cần một mặt thư của Triệu Cao, Tần Cối là đầu rời khỏi cổ. Làm quan ngày xưa quả là khó. 




Thiếu niên mạc thính bạch quân đầu - Tuổi xanh nghe, khéo bạc đầu như chơi 


Nhà thơ nhắn nhủ rằng, tuổi chưa trưởng thành chớ nghe tiếng côn trùng kêu não nề trong đêm, nếu không thì đầu chư vị sẽ bạc trắng ra đấy! Một lời cảnh báo của một người “mặn ngọt chua cay” đã từng nghe sao mà nghiêm trọng, mà đậm đầy tâm sự. Nghe trùng kêu trong đêm Đông mà lại đến mức thế sao? Hay là, Họ Bạch đang khuyên những người trẻ là đừng lặp lại cuộc đời của ông. Cả một đời lận đận giữ 2 chữ ĐỘC THIỆN, cả một đời bị lưu đày.. Kẻ sỹ ưu thời mẫn thế nào không thao thức?


Gọi "thiếu niên" là QUÂN, có lẽ Bạch thi tiên đặt nhiều hy vọng vào tuổi trẻ, vào những con đường khác khiến quốc phú dân an. Từ “quân” trong câu kết của bài thơ như gợi ra một tương lai sáng hơn, cho người trẻ niềm hi vọng hơn, nếu như có thể lắng đọng được những đúc kết trải nghiệm của lớp người đi trước.


Ở bình diện hẹp, bài thơ “Đông dạ văn trùng” được cho là lời tụng ca sức mạnh của âm nhạc. Đọc câu thơ nào lên thì cũng thấy có Nhạc trong đó. Nhạc có trong ngôn từ, trong họa, trong tâm sự, hình ảnh, sắc màu. Thấy trào lên sức mạnh của Lời, sức mạnh của tư tưởng, của trí huệ... Nó có thể xóa Tỉnh thành Mê. Và từ trong cái nghĩa phản biện ấy mà phá mê, mà khai ngộ.


La  Vinh


Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.