• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

“Giọt nắng vô thường” của Trần Huyền Tâm - một giọt nắng cho đời

Thứ tư - 23/10/2019 11:33

Trần Huyền Tâm làm thơ từ nhỏ với những thành công được ghi nhận trên phương diện chính thức, như được chọn đăng trên báo chí, được các giải thưởng thơ từ những năm 1970s của Thế kỷ 20. Tuyệt vời hơn, nhiều câu thơ của Huyền Tâm đã trở thành ký ức, thành dấu ấn sâu đậm trong tâm hồn bạn bè và người đọc sau nhiều năm tháng. Có thể đây chính là thành công và là giải thưởng đích thực mà mỗi người cầm bút đều mong có được.


 
Năm 2018 này lại ghi thêm một dấu ấn nữa của Trần Huyền Tâm bằng tập thơ “Giọt nắng vô thường” với hơn một trăm bài. Hình như, vấn đề ở đây không phải là nỗ lực mà là cơ duyên gì đó mà Huyền Tâm có thể duy trì, phát triển hồn thơ của mình sau bằng ấy năm trời, với biết bao đổi thay, biến động. Vẫn các thứ “Giá áo nhớn nhao, rồi túi cơm vụn vặt…” như mọi người trong xã hội, việc giữ được sức viết để cho ra đời một tập thơ trên 200 trang như “Giọt nắng vô thường” là điều hiếm có.
 
Đọc “Giọt nắng vô thường”, có thể thấy được vẫn còn đâu đó trong đôi câu chữ, một Huyền Tâm sâu lắng trước đây:
 
“Con sinh ra
Đêm tháng Tám nực trời
Gầu nước mát
Lao xao vầng trăng khuyết”.
(Bài ca đất)
 
Đọc đến đây, tôi vớ điện thoại hỏi Tâm: “Có phải lúc mẹ sinh Tâm thì bố ở xa không?” Tâm trả lời: “đúng là như vậy”. Cái cảm nhận vắng cha đã vô tình hay chủ ý đi vào câu thơ, có chút man mác buồn: “Lao xao vầng trăng khuyết”.
 
Tâm ngày xưa còn được thấy trong “Mòn đêm chờ đợi”“Đợi chờ”. Hai bài gần giống nhau, hai câu gần như nhau, mà khác nhau đến lạ. Tâm viết thay cho mẹ: “Đợi anh, em còn đêm thôi”; và Tâm viết cho mình: “Đợi anh, đêm còn em thôi”. Chỉ khác vị trí một chữ mà là sự thay đổi kỳ diệu. Cha đã đi xa, mẹ chờ, chờ mãi mà mẹ chỉ còn có đêm dài. Còn Tâm chờ đợi, các con đã ngủ, TV đã tắt, tiếng ồn ngoài phố cũng hết; đêm chỉ còn có một mình Tâm ngồi chờ chồng về muộn. Đúng là như “Hào ly hữu sai/ thiên địa huyền cách” trong Tín Tâm Minh của Tổ Tăng Xán,  chỉ “khác biệt nửa đường tơ” đã là một chân trời mới.
 
Tâm của ngày xưa là những vần thơ xuất thần và hầu như là những cảm xúc, suy tưởng duy tình. Nhưng hầu hết những bài khác trong tập “Giọt nắng vô thường” lại bộc lộ một Huyền Tâm mới, không chỉ duy tình mà còn duy lý và nhiều câu thể hiện sự hòa quyện giữa tình và lý, và hướng đến sự buông bỏ, an nhiên:
 
“Trở về từ những chơi vơi
Tịnh không sắc thân chật chội
Cõi xưa an nhiên quá đỗi
Xuân ngời diệu phúc bình yên!”
(Xuân đến bình yên)
 
Từ sự an nhiên nhưng còn nổi lên xao xuyến ấy đến sự buông bỏ vẫn còn cần sự cố gắng:
 
“Cả những cũ càng xin gửi vào ký ức
Chiều ba mươi khi bóng ngày lịm tắt
Vĩnh biệt giọt buồn còn luẩn quất trong đêm”.
(Trước thềm xuân)
 
Hay:
 
“Gói đau buồn, buông hỉ, nộ chơi vơi,
Ai đã tự tin tìm về biển biếc,
Để nước mênh mang, mặn mòi, tinh khiết,
Tĩnh tại tâm người bằng thần thái bao dung”.
(Nước mắt của Phật)
 
Tập thơ cho thấy sự thị hiện thú vị. Nhiều bài dùng chữ “an nhiên” mà dường như chưa thực an nhiên, nhiều câu chẳng có chữ “an nhiên” nào lại cho cảm giác an nhiên tràn ngập. Dường như Huyền Tâm đã đạt được sự buông bỏ, an nhiên như nhiên trong đó. Ta hãy đọc những câu:
 
“Qua xuân hoa tàn héo cả
Riêng hoa sấu đợi sang hè”.
(Hoa Sấu)
 
Đó là nhắc đến “tàn héo” mà không buồn, nhắc đến “đợi chờ” mà không náo nức.
 
Hay… nói về náo nức mà thực không náo nức gì:
 
“Vui như thế mọi hân hoan náo nức
Cứ ùa về, cứ thế, tự nhiên thôi”.
 (Chuyện đời của lá)
 
Thơ Huyền Tâm đã có sự biến chuyển lớn lao, từ công cụ chuyển tải cảm xúc trước đây sang chuyển tải nhận thức hiện nay với thành tựu giống như đã “ngộ” được “chân” của buông bỏ, an nhiên, giác ngộ. Có thể thấy cơ duyên mà Huyền Tâm duy trì hồn thơ trong suốt quãng thời gian qua và nay xuất bản một tập thơ dày dặn cả về hình thức lẫn nội dung chính là sự nhận thức, sự tiến hóa về trí tuệ trên con đường đạo. Tuy còn những chỗ “bung biêng” nhưng “Giọt nắng vô thường” là điều trân quý. Đây hẳn là một “giọt nắng” đã soi tỏ, đã đọng lại một Huyền Tâm an nhiên, cùng nhiều thành tựu khác trên bước đường giác ngộ.
 
Hà Nội, ngày 10/8/2018
Bùi Đại Dũng

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.