• dau-title
  • Lý luận - Phê bình
  • cuoi-title

Sẽ muôn thuở trường tồn

Thứ hai - 02/03/2020 06:16

Có một câu hỏi, con người đã và đang tồn tại qua bao nhiêu thiên kỷ trên trái đất? Văn học nghệ thuật cũng đã hiện diện qua bao nhiêu niên đại trước đời sống xã hội con người. Trong dài xa, trong biến thiên của vũ trụ rộng lớn, văn học nghệ thuật liệu còn chăng trên dặm dài đãi lọc?

Ngược dòng lịch sử, chúng ta thấy, khi con người còn thấp kém về trí tuệ, nền văn hoá chưa có, văn học nghệ thuật chưa ra đời… Hình ảnh con người những năm tháng ấy trên trái đất thật tĩnh, thật giản đơn, khô cứng… Ai đó coi trạng thái này là sự tồn  tại thuần tuý, là những gì rất gần hoặc không khác hình ảnh của cái chết.

Thật diệu kỳ, “để ban cho mình niềm vui”, niềm hạnh phúc lớn lao, con người đã sáng tạo ra ngữ ngôn, sáng tạo ra văn chương, nghệ thuật. Những tiết tấu âm nhạc được mô phỏng âm thanh cuộc sống, diễn tả tình cảm, tâm lý, gợi những nghĩ suy, những mối giao cảm đẹp đẽ của con người. Một bức tranh, bằng nét chấm phá nào đó mà tìm được cái động giữa thiên nhiên bề bộn, để rồi người ngắm nhìn, cảm suy qua các trường phái tả thực, gợi cảm hay ấn tượng, khái niệm… Mà có được vệt loang chảy dài của cảm rung, nhận biết về thế giới quanh mình.

Một trang văn tái tạo lại đời sống bên ngoài, nhưng qua chọn lọc, qua khái quát hoá, điển hình hoá, trong chữ nghĩa lại có cả “một-chân-trời mở”,  ai đọc lên cũng chạm phải dư vang.

 Một câu thơ tả núi, tả sông, tả gió mây hoa lá, nhưng khi đọc lên lại thấy không chỉ còn là gió mây hoa lá nữa. Mà sau đó những gì thật tĩnh lại thấy động. Qua những gì phi lý lại thấy thật có lý. Bởi vậy, sau câu thơ nói gì gì cũng nén đọng lại sức dội vang và thấy rõ hơn bóng dáng lớn là Đời. Là con người với tất cả buồn vui hay yêu thương, hờn giận .

Cái hay, cái đẹp của văn học nghệ thuật là thế. Rồi, văn học nghệ thuật là cái Tôi có được trước cái Ta, cái hiện thực xã hội vô cùng phong phú và sinh động kia. Bởi vậy, tôi viết về tôi, nhưng muôn triệu người đều thấy dính líu đến mình, đều thấy có mình trong đó.

Mars lại nói: “Văn học là nhân học” đó sao? Một câu thơ: “Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay không?” Thi hào Nguyễn Du viết câu này cho Kim Trọng, Thuý Kiều thuở xa xưa đấy chứ, nhưng sau hơn hai trăm năm rồi, trong lặng thầm, biết bao lứa đôi bây giờ trong gặp gỡ, yêu thương, họ vẫn còn kêu lên như thế. Họ ngỡ đấy là câu nói cuả chính lòng mình mà ai kia đã nói hộ.

Cái hay nữa là, văn học nghệ thuật đi vào trái tim con người theo con đường riêng biệt của nó. Đối tượng sáng tạo và đối tượng cảm thụ đều rung lên trong sợi dây hoà đồng. Nó tự nhiên uống thấm và neo đậu vào tâm tình, suy nghĩ của người đọc. Nó hóa thành nhịp cầu tâm tưởng cho mỗi ai níu vịn và hướng bước chân đi. Bởi vậy, văn học nghệ thuật đạt tới giá trị đích thực sẽ mãi mãi trường tồn.

Một gốc rễ, nguồn cội cao đẹp nữa là, văn học nghệ thuật luôn hướng về giá trị Chân-Thiện-Mỹ. Văn học làm cho con người nhân ái, nhân hậu, nhân bản hơn. Chỉ có văn học mới gắn kết con người sống yêu thương, tốt đẹp với con người. Bởi, ở đời, một chuyện riêng của cá nhân ai đó, ai dại dột, ai thô thiển, tọc mạch mà “buôn chuyện” riêng tư của họ mà xem?  Họ sẽ nổi đóa lên mà xỉ vả, lăng mạ, chứ chả nể. Thế mà, trong văn chương, một chuyện riêng, đời riêng của Chí Phèo, Thị Kính, nàng Kiều…Hàng trăm năm xa còn bao nhiêu lời bàn, bao nhiêu nước mắt với muôn triệu tiếng nói còn vang lên, rằng: “Người này phải thế này. Người kia phải thế kia. Đâu là cái đẹp, đâu là cái ác, đâu là cái xấu xa, đê tiện?  Con người đâu? Xã hội đâu? Cái Đẹp đâu? Chân lý lẽ phải đâu? Chúng ta phải lật mặt, loại trừ, phải xây đắp một cuộc sống tốt đẹp”  …        

Như vậy đấy, khi công nghiệp phát triển,  công nghệ thông tin càng ở độ cao của sự tiến bộ văn minh, “cái Tôi” - Con người càng đẩy mỗi cá nhân tách ra, khác hẳn lối sống của văn minh cộng đồng làng xã. Con người dễ đơn lẻ, cô đơn trong những mối liên hệ của đời sống.

Vậy, văn học nghệ thuật sẽ mãi mãi trường tồn. Bởi, văn học nghệ thuật  không những là hình ảnh thứ hai của thế giới thứ nhất, mà chính nó mới làm được sợi dây gắn kết con người gần nhau trong tâm tình, trong đời sống yêu thương và trong rất nhiều ý nghĩa cao đẹp.

 

Nói về nghệ thuật, Mars từng viết: “Nghệ thuật là niềm vui cao cả mà loài người tự ban cho mình”.

Kim Chuông

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.