Ngộ

Ngộ
Lũ chúng tôi ngồi bên nhau trong một quán cà phê vào một buổi chiều thu. Nhân lúc nói về đời sống thường nhật ngày càng khó khăn, một đứa nói: “Tớ ngộ ra rằng để mua được cái nhà tử tế để ở, tớ cần 40 năm nữa để tích cóp”.

 

Lũ chúng tôi ngồi bên nhau trong một quán cà phê vào một buổi chiều thu. Nhân lúc nói về đời sống thường nhật ngày càng khó khăn, một đứa nói: “Tớ ngộ ra rằng để mua được cái nhà tử tế để ở, tớ cần 40 năm nữa để tích cóp”. Đứa thứ hai: “Cậu nói gì mà ngộ thế. Đợi đến 40 năm nữa thì lũ ta đi đâu rồi còn gì”. Thế là câu chuyện của chúng tôi lại xoay sang hướng khác: tranh cãi xem chữ “ngộ” nên hiểu như thế nào mới đúng. Người nói thế này, người nói thế kia, cuối cùng, để tránh cho cuộc tranh cãi có vẻ chưa biết đến bao giờ mới kết thúc, chúng tôi quyết định đi hỏi bác Gúc (Google).

 

Thật không thể tưởng tượng nổi là chỉ sau mấy giây thôi chúng tôi đã có cả triệu kết quả liên quan đến chữ “ngộ” với nhiều ý nghĩa khác nhau, nhìn từ nhiều góc độ khác nhau. Hăm hở với kết quả kiếm được, chúng tôi lao vào đọc và suy ngẫm, rồi không ai bảo ai, đều thầm cảm ơn cái giây phút khiến cả bọn quyết định đi tìm hiểu về chữ “ngộ” này.

 

Hầu hết các kết quả viết về cuộc sống đời thường đều cho thấy chữ “ngộ” nếu hiểu theo cách phổ thông thì là kỳ lạ, buồn cười, giả sử. Đôi khi nó còn có vẻ có chút tiêu cực như trạng thái bất thường, dị dạng, điên khùng. Cũng có khi nó dùng để chỉ một trạng thái có bệnh như ngộ độc, ngộ gió. Rồi chữ “ngộ” còn có nghĩa là “gặp” qua câu ca dao:

 

“Đôi ta mới ngộ hôm nay,

Một đêm là ngãi, một ngày là duyên.”

 

Thật thú vị là trong một biển chữ “ngộ” ấy, chúng tôi đã tìm được một số bài viết của Nhà Phật, là những bài duy nhất có thể mang đến cho chúng tôi tâm trạng nhẹ nhàng, thanh thoát trong cảm ngộ về tâm thái của những người tu luyện. Đọc các bài viết này, chúng tôi như được khai mở trí tuệ bởi nội hàm của “Ngộ” hoàn toàn khác với cái nhìn của người thường. Nó là một quá trình nhận thức từ cái nhỏ cho đến cái lớn, từ cái đơn giản cho đến cái phức tạp để nhìn thấy rõ tất cả và quan trọng hơn hết là nhìn thấy rõ về bản thân. Trong chữ Hán thì “ngộ” cũng có nghĩa là bản thân, tự thân tương tự như từ “ngã”.

 

Lời giảng của Nhà Phật cho chúng tôi hiểu rằng, “ngộ” thâm sâu lắm; điều chúng tôi hiểu được chắc chỉ là chút xíu bề mặt. Nó là trạng thái cảnh giới tinh thần cao của một người từ khi gặp được Phật Pháp, dần hiểu ra những điều liên quan đến bản thân mình, đến sinh mệnh con người và vạn vật, vũ trụ xung quanh, dần dần không ngừng bỏ đi các chủng loại dục vọng, những ràng buộc của con người để thăng hoa lên một cảnh giới tinh thần cao hơn, và cuối cùng chạm tới cái đích: cảnh giới của bậc giác ngộ tu thành. Những người giác ngộ biết được, họ đang đóng một vai gì ở nơi thế gian con người, còn ngôi nhà thực sự hay đích đến cuối cùng của họ ở đâu….

 

Nhà Phật giảng rằng “Ngộ” được dùng để chỉ trạng thái của một người tu luyện đã đạt tới cảnh giới tinh thần cao, hòa nhập vào trí tuệ to lớn của vũ trụ, đi kèm là trạng thái kết nối và ngập tràn từ bi từ sâu thẳm bên trong… Người đã “ngộ” là người hiểu được mục đích sống của họ trên thế gian này là gì:

 

“Không phải ngẫu nhiên tôi có mặt trên đời

Vui với gió lành, trời trong, biển rộng

Tôi chợt hiểu bởi vì sao tôi sống

Ở chốn hồng trần, khi Pháp chính càn khôn!”

 

Cái “ngộ” thể hiện trong cảnh giới tinh thần cao ấy luôn có trong những người trải nghiệm trên con đường giải thoát chân chính, con đường tu luyện. Họ là những người không màng đến cái danh, cái lợi nơi cõi người thường.

 

Họ có khả năng tập trung định lực cao trong mọi thời khắc của hiện tại, có năng lực phân biệt thật và giả, tốt và xấu; biết được cần làm gì để vững bước đi trên con đường trở về, đi trong Đại Đạo. Họ có sự đồng cảm, thấu hiểu, từ bi đối với những người xung quanh. Họ không giữ định kiến hay phán xét người khác mà luôn thể hiện từ bi và nuôi dưỡng một tâm tính ‘thần thánh”, với sự chân thật, dễ gần, hòa ái, khoan dung, tịnh khiết và đầy trí tuệ.

 

Có thể nhiều người cho rằng đây là điều mơ hồ, nhưng thực sự là có những người đã có thể tìm đến một thế giới khác, nơi có thể chính là ngôi nhà thật sự của họ.

 

Cuối cùng, thay cho lời cảm ơn Người đã khai mở cho chúng tôi về một trạng thái cảnh giới tinh thần tuyệt diệu này, tôi còn muốn nói thêm rằng:




 

Nếu một sớm mai nào đó, bạn thức dậy với lòng biết ơn vì được ban thêm một ngày để sống, bạn sẽ cảm nhận được một lực lượng vô hình, một sức mạnh đến từ nơi tĩnh lặng, từ bi, bao dung viên dung vạn sự vạn vật, tinh khiết không gì so sánh được. Rồi sau đó, bạn còn cảm nhận được một sự thôi thúc bạn vượt qua và đi đến con đường tu luyện để giải thoát, để buông cái tự ngã của mình, để biết được bạn là ai, bạn từ đâu tới, để bạn nhận ra thực tại và bừng tỉnh. Đó chính là lúc bạn đã ở trong trạng thái cảm nhận được “Ngộ” là gì và ta phải làm gì để đạt được điều đó.


 

Trần Huyền Tâm