Niệm hồng danh Phật

Niệm hồng danh Phật
Ngày 08/4 Âm lịch (30/4/2020) là ngày kỷ niệm Phật Thích Ca đản sinh. Ngoại trừ người chuyên sâu thì ít ai hiểu ý nghĩa câu niệm Phật cửa miệng mà ta hay dùng.

 


Ngày 08/4 Âm lịch (30/4/2020) là ngày kỷ niệm Phật Thích Ca đản sinh. Ngoại trừ người chuyên sâu thì ít ai hiểu ý nghĩa câu niệm Phật cửa miệng mà ta hay dùng. 



Cách kỷ niệm Phật đản thiết thực nhất không phải là đi chùa, thắp hương mà là ngồi đọc, học kinh Phật, hay ngồi nghĩ về lời dạy của Phật để hiểu và rút ra kết luận cho mình, đặng mà làm theo.


Nhân dịp này, xin giới thiệu lại ý nghĩa câu niệm theo lời giảng của các vị tăng ni Hàn Quốc.

*****


I. Ý nghĩa câu niệm hồng danh Phật Thích Ca Mâu Ni (석가모니불- 釋迦牟尼佛): 나무 삼계도사 사생자부 시아본사 석가모니불 (南無 三界道師 四生慈父 是我本師 釋迦牟尼佛 - Nam mô tam giới đạo sư tứ sinh từ phụ thị ngã bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật).


Ở đây:


1. "Nam mô" là dịch âm từ "Namas" , thường được viết bên chữ Nho là 南無, còn được viết với các chữ Nho khác là 南摸 (나모), 南牟 (나모), 那謨 (나모), 那藦 (나마), suy cho cùng đều là dịch âm của từ "Namas", có nghĩa là quy mệnh (귀명-歸命), kính lễ (경례-敬禮), quy lễ (귀례-歸禮), thường được dịch là "kính lễ", đảnh lễ; khi đặt trước hồng danh của ai thì hàm ý quy y (귀의-歸依)về người đó.


* Do là phiên âm nên Hàn Quốc cho rằng khi viết bằng chữ Hàn, không nhất thiết phải viết đúng là "남모", chỉ cần viết "나모" cũng được.


2. Tam giới ( 삼계- 三界) là thế giới có các chúng sinh vẫn sống trong Mê (미-迷), tức cảnh giới hữu tình (유정-有情) gồm 6 tầng trời (6천) của Dục giới (욕계-欲界), 18 tầng trời (18 천) của Sắc giới (색계-色界) và 4 tầng trời (4 천) của Vô sắc giới (무색계-無色界).


3. Đạo sư ( 도사- 導師) là người Thầy dẫn đường cho chúng sinh, ở đây là Phật Thích Ca Mâu Ni.


 4. Tứ sinh (사생-四生) là 4 hình thái sinh trưởng của vạn vật trong thế giới này gồm:

(i) Thai sinh (태생胎生): như loài người, thú sinh ra từ thai bào.

(ii) Noãn sinh (난생-卵生): loài sinh ra từ trứng như điểu lưu (chim, gà...)

(iii) Thấp sinh (습생-濕生): Loài sinh ra từ ẩm thấp, sình lầy như sâu bọ, giun...

(iv) Hóa sinh (화생-化生): Loài tự sinh, tự thành bởi nghiệp lực (업력-業力) mà không phải dựa vào thai, noãn, sống trong thế giới hữu tình trung hữu (중유-中有) như các chư thiên trên trời, hay ngạ quỷ dưới địa ngục.


5. Từ phụ (자부-慈父) là người Cha từ bi, từ ái


6. Thị ngã bổn/bản sư (시아본사-是我本師): thị ngã tức là chính bản thân mình, bản sư là người Thầy thực sự của mình, hàm ý Phật Thích Ca là người Thầy của mình, giảng về mọi điều và giới thiệu về các Phật quốc, các vị Phật giáo chủ, các Bồ tát khác cho chúng sinh ở Ta Bà nghe.


Như vậy, câu "Nam mô tam giới đạo sư tứ sinh từ phụ thị ngã bản sư Thích Ca Mâu Ni Phật" có nghĩa là: Tôi nguyện quy y Phật Thích Ca Mâu Ni, bậc Đạo sư dẫn đường cho mọi chúng sinh trong Tam giới, người Cha từ bi của tất cả chúng sinh tứ sinh thai noãn thấp hóa, người Thầy chân chính của tất cả chúng sinh ở Chân pháp giới (진법계), Hư không giới (허공계) trong đó có bản thân tôi.


II. Về niệm hồng danh Phật, cần lưu ý:


- Nếu niệm Phật Thích Ca thì ta nên niệm Hồng danh của Ngài như trên, hoặc gọn lại là "Nam mô bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật". 


- Nếu thực hướng về Phật A Di Đà thì hãy niệm "Nam mô A Di Đà Phật" bởi đây là hai vị Phật khác nhau, quản hai thế giới khác nhau, Phật Thích Ca quản thế giới Ta Bà, Phật A Di Đà quản thế giới Tây phương Tịnh độ và ai theo Tịnh Độ tông mới niệm. 


- Người theo Phật giáo nguyên thủy không niệm ai khác ngoài Phật Thích Ca Mâu Ni vì họ chỉ thừa nhận Ngài là vị Phật duy nhất.


- Người theo Mật tông, hay các tông khác (không phải Tịnh độ) của Phật giáo cũng không niệm "Nam mô A Di Đà Phật".


Hiểu như vậy, ta sẽ thấy Tây Du ký có chút gì đó chưa ổn, bởi khi đó Pháp sư Huyền Trang còn chưa mang Đại thừa về mà các sư ở Trung Thổ và các nơi đã niệm "A Di Đà Phật". Tây phương Tịnh Độ và A Di Đà giáo chủ, Lưu lý Phật quốc, các vị Phật, Bồ tát chỉ xuất hiện sau khi Đại thừa xuất hiện mà thôi.


Dương Chính Chức