Niềm tin

Niềm tin
Một trong những khủng hoảng lớn nhất trong xã hội loài người ngày nay là khủng hoảng niềm tin. Thoạt nghe tưởng là chuyện nhỏ nhưng nếu suy ngẫm ta sẽ thấy được chiều sâu chiều rộng của vấn đề.

 


Một trong những khủng hoảng lớn nhất trong xã hội loài người ngày nay là khủng hoảng niềm tin. Thoạt nghe tưởng là chuyện nhỏ nhưng nếu suy ngẫm ta sẽ thấy được chiều sâu chiều rộng của vấn đề. 

Khi sự nghi ngờ ngự trị trong các mối quan hệ xã hội, nó làm cho các vấn đề trở nên căng thẳng. Sự hoài nghi làm cho các bên đối thoại phải gia tăng các biện pháp đề phòng rủi ro khi đưa ra quyết định. Hãy lấy việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân ở các quốc gia làm ví dụ. Vì cơ quan thuế không tin người dân sẽ trung thực khi kê khai nộp thuế, nên đưa ra các biểu mẫu, yêu cầu xác minh chồng chéo, sao lục các loại hóa đơn, chứng từ, giấy phép đăng ký loại hình kinh doanh làm nhiều bản để dễ đối chiếu. Ngược lại, người nộp thuế cũng không tin cơ quan thuế tính toán cân đối chiết khấu công minh, cho nên họ cũng rà soát các khoản thu chi, khiếu nại, yêu cầu cơ quan thuế giải thích thật rành mạch từng con số. Tất cả là để chứng minh số tiền hoàn thuế của cơ quan thuế đưa ra khớp với sự tính toán của người nộp thuế. Hoàn toàn không có thêm một chút giá trị nào được tạo ra sau tất cả các nỗ lực của cả hai bên.

Bạn hãy thử dùng công thức suy luận này để soi vào các mối quan hệ chồng chéo trong xã hội. Thầy không tin trò, bố mẹ không tin con, vợ không tin chồng, sếp nghi ngờ nhân viên, rồi đến cơ quan chức năng của nước này chần chừ trước quyết định của cơ quan chức năng nước khác. Cứ vậy mà nhân lên để thấy rằng phần lớn các hoạt động xã hội diễn ra chỉ là để bù đắp vào lỗ hổng trong lòng tin của nhân loại. 

Đến đây, tôi tin bạn đã tưởng tượng ra khủng hoảng lòng tin gây ra sự lãng phí to lớn đến mức nào cho cả xã hội này. Bên cạnh đó còn là nỗi thống khổ mà ai ai cũng phải chịu đựng. Vì không tin nhau nên người ta luôn tìm cách chứng minh bên kia không đúng. Đúng sai, giả thật, trắng đen cứ lẫn lộn với nhau làm cho xã hội mất cả phương hướng. Đa phần người dân người chả biết tin ai và làm sao cho đúng nên đành đặt chọn niềm tin vào khoa học. Họ cho rằng những gì mắt thấy tai nghe, khoa học giải thích rõ ràng thì mới là đáng tin cậy, mới đáng nghe theo. Những gì mà họ không giải thích được thì họ cho là huyễn hoặc, mê tín. Tôi xin kể một câu chuyện ở đây chúng ta cùng suy ngẫm thêm về việc tin ai, nghe ai.

Một người thanh niên bị lạc trong rừng. Tìm được một cây có quả chín màu vàng trông rất ngon bèn định hái xuống để ăn cho đỡ đói đỡ khát. Vừa lúc đó có một người đi rừng đi đến và bảo người thanh niên đừng ăn quả chín đó. Vì nghĩ rằng người đi rừng kia nói vậy là để dành toàn bộ quả chín cho mình, nên khi người đi rừng quay lưng đi, người thanh niên vội hái rồi ăn thử. Đúng như anh ta nghĩ, quả vừa ngọt vừa mọng nước, thảo nào người đàn ông kia bảo mình đừng ăn. Nhưng một lúc sau anh ta bắt đầu thấy mẩn ngứa khắp mình, và hình như cả trong ruột nữa. Người đi rừng quay lại đưa cho anh ta một nắm lá và bảo hãy ăn đi. Quẫn quá, người thanh niên đành cầm nắm lá và nhai ngấu nghiến, mặc dù trong lòng anh còn chưa tin người lạ kia.  Lạ thay, cơn ngứa dần dần biến mất. Lúc này anh ta mới hỏi: 

- Sao ông biết con bị trúng độc mà quay trở lại giúp?

- Là vì ta biết con không tin lời ta nói. 

- Ông có học sinh vật không mà biết về các loài cây? 

- Ta chỉ là một người đi rừng thôi con ạ.

- Làm sao con có thể tin ông nếu ông chưa hề được học môn khoa học?

 Thay vì trả lời, người đi rừng hỏi lại:

- Thế rừng này có trước hay khoa học của con có trước?

- Hẳn là rừng có trước rồi!” chàng trai trả lời. 

- Thế theo con thì ta phải đợi cho đến khi khoa học giải thích rõ hạt rơi xuống đất rồi trao đổi chất như thế nào để biến thành cây lúa như thế nào trước khi đi gieo hạt làm mùa để lấy hạt gạo cho con ăn ư? Nếu đợi khoa học đi trước thì chắc gì con đã ngồi đây với ta hôm nay vì ba mẹ con chắc còn đang bận nghiên cứu thụ thai và sinh nở. 

Vậy đó, con người hiện đại trở nên phụ thuộc và tin tưởng mù quáng vào cái mà họ tin là khoa học, để rồi để cho các “nhà khoa học” mặc sức móc hầu bao của họ mà họ không hề biết. Trong dân gian gọi vấn đề này là vô minh. Vì vô minh nên không nhận ra được chân lý của cuộc sống. Vì vô minh nên không biết mình đang mê muội, cũng vì vô minh nên coi nhẹ những lời răn dạy của cổ nhân, rồi tự đưa mình đến hồi kết không có gì để gọi là vui vẻ lắm.

Xã hội loài người sẽ tốt đẹp biết bao, cuộc sống của chúng ta sẽ trở nên đơn giản và hạnh phúc biết bao nếu ai ai cũng cố gắng lắng nghe những lời khuyên cảnh tỉnh, có cho mình một đức tin và không ngừng bước quay về với chân lý cuối cùng của cuộc sống.


Tuấn Khanh