Sự tương tác giữa luật pháp và tập quán xã hội

Sự tương tác giữa luật pháp và tập quán xã hội
Pháp luật và phong tục tập quán có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi chính phong tục tập quán là nguồn hình thành pháp luật, đồng thời rất nhiều quy định mang tính pháp luật trong lịch sử đã trở thành phong tục tập quán.


Xét nội dung thể chế theo nghĩa rộng thì "phong tục tập quán" là bộ phận quan trọng không thể không nói tới trong phạm trù thể chế. Cùng với pháp luật, phong tục tập quán là công cụ hữu hiệu, quan trọng trong việc điều chỉnh, chi phối những hành động của mọi cá nhân trong xã hội. Pháp luật và phong tục tập quán có mối quan hệ mật thiết với nhau bởi chính phong tục tập quán là nguồn hình thành pháp luật, đồng thời rất nhiều quy định mang tính pháp luật trong lịch sử đã trở thành phong tục tập quán. 


Chúng ta đều biết rằng "phong tục tập quán" có phần giao thoa và có phần biệt lập so với "luật pháp". "Phong tục tập quán" và "pháp luật đều" là những quy tắc xử sự chung của cộng đồng, định hướng cách xử sự cho mọi người trong xã hội, cho nên cả hai phạm trù này có nhiều đặc điểm giống nhau. Chúng là tiêu chuẩn để xác định giới hạn và đánh giá hành vi của con người xem hành vi đó của chủ thể là đúng hay là sai; từ đó trở thành những khuôn mẫu, chuẩn mực định hướng cách xử sự cho mọi người trong xã hội, giúp chủ thể biết mình phải/nên làm gì trong những hoàn cảnh nhất định. Phong tục tập quán và pháp luật đều tham gia điều chỉnh các mối quan hệ xã hội nhằm thiết lập và giữ gìn trật tự xã hội.
 

Tuy nhiên, "Luật pháp" có sự khác biệt khá lớn so với "phong tục tập quán", và giữa "phong tục" và "tập quán" cũng có nhiều điểm khác biệt đáng lưu ý. Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự do nhà nước ban hành và thừa nhận, được bảo đảm thực hiện,thể hiện ý chí của giai cấp hay lực lượng cầm quyền trong xã hội, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội. Nhà nước pháp quyền quản lý xã hội bằng pháp luật, đề cao vai trò của pháp luật. Việc điều chỉnh các mối quan hệ xã hội bằng pháp luật đóng một vai trò đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển của xã hội, nhưng đây là một sự điều chỉnh rất công phu, tốn kém, phức tạp, với nhiều công đoạn và không thể đi vào mọi khía cạnh của cuộc sống. 


Trong khi đó các phong tục, tập quán nói chung bao gồm những truyền thống, quy phạm đạo đức, quy ước bất thành văn... của cộng đồng dân cư, tuy không mang tính cưỡng chế cao như pháp luật, song lại có hiệu quả đặc biệt ở chỗ có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cưỡng chế với tự nguyện; giữa xử phạt với giáo dục, răn đe và thuyết phục. Do đó, phong tục, tập quán không chỉ trực tiếp điều tiết mọi hành vi mà còn chế ngự cả tư tưởng và tâm lý của từng người. Về khía cạnh hiệu quả quản lý xã hội, việc tôn vinh, bảo vệ truyền thống tập quán tốt là giải pháp an toàn, lâu dài và rẻ hơn nhiều so với những công cụ pháp luật, trong đó có việc xây dựng bộ luật, nuôi dưỡng bộ máy quản lý, điều tra, giám sát, xét xử, thi hành luật.


Từ thực tiễn xã hội, có thể thấy được một điều chắc chắn rằng truyền thống phong tục tốt của một xã hội là một tiêu chí xác định sự tốt đẹp của cả thể chế xã hội ấy. Với cách nhìn nhận như vậy, phong tục tập quán tốt có ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến quá trình ra quyết định hành vi của mỗi cá nhân, mà kết quả có thể dự kiến là tỷ lệ tội phạm có xu thế giảm đi, xu thế đầu tư mạo hiểm giảm bớt. Sự sáng tạo của mọi cá nhân được khuyến khích, tài năng và nhiệt huyết của những người lãnh đạo, quản lý được thúc đẩy. Truyền thống phong tục tốt của một xã hội chính là điều kiện quan trọng để làm gia tăng phúc lợi xã hội, bao gồm cả những tác động vật chất và tác động tinh thần.


Thực tiễn phát triển của nhân loại có nhiều ví dụ nổi tiếng, phản ánh sự tương tác khăng khít giữa “luật pháp” và “tập quán xã hội”. Vào Thế kỷ 17, Quốc hội nước Anh ban hành luật thuế theo diện tích cửa sổ với lập luận khá thuyết phục rằng người giàu có những ngôi nhà lớn và nhiều cửa sổ to, rộng; trong khi người nghèo thì nhà hẹp và ít cửa sổ hơn. Do đó, căn cứ vào diện tích cửa sổ giúp đánh thuế nhiều đối với người giàu và ít đối với người nghèo. Tiêu chí định lượng này không sai nhưng là một căn cứ phiến diện và thiếu hiểu biết về xã hội. Hệ quả là gần 200 năm sau đó cho đến trước khi luật này bị bãi bỏ, người Anh xây bịt, thu hẹp, hoặc xây những ngôi nhà mới không có cửa sổ để tránh thuế. Cả xã hội xứ sương mù phải chịu sống trong cảnh tối tăm ngay trong ngôi nhà của mình, và phải thèm khát ánh sáng trời vô tư chiếu rọi bên ngoài. Ngay cả từ “Sunday” chỉ ngày Chủ nhật trong tiếng Anh, mà nghĩa đen là “ngày có mặt trời” cũng liên quan ít nhiều tới niềm khát khao ánh nắng ấy. 


Nhà Tần (Thế kỷ 3 TCN) áp dụng chính sách “Tam gia liên bảo, Thất gia liên bảo” nhằm quản lý xã hội. Chính sách này có điểm mấu chốt là buộc 3 gia đình (nơi thưa dân) hoặc 7 gia đình (nơi đông dân) ở cạnh nhau phải quản lý lẫn nhau và cùng chịu tội nếu có một người trong những gia đình ấy làm phản chống lại triều đình. Nhà Tần nổi tiếng là triều đại đầu tiên thống nhất được Trung Quốc mà chính sách hà khắc này đóng vai trò không nhỏ. Hệ quả là một xã hội hình thành tập quán soi mói, rình rập hàng xóm, đề phòng và thủ thế với láng giềng, sẵn sàng vu cáo hoặc nói sai cho người vì lợi ích bản thân. Tập quán này đến hơn 20 thế kỷ sau vẫn còn là nét đặc trưng khác biệt giữa Trung Quốc với nhiều quốc gia khác. Tác giả Bá Dương trong tác phẩm “Người Trung Quốc xấu xí” (Xuất bản tại Trung Quốc năm 1989) cũng viết rằng “những thói xấu thâm căn cố đế của người Trung Quốc” là luôn “không có cảm giác an toàn”, và “hay đấu đá nội bộ”.


Thành ngữ có câu: “Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài”. Tương tự như vậy, luật pháp và tập quán xã hội có mối quan hệ tương tác mật thiết với nhau và cả hai có vai trò quan trọng như cái “khuôn” định hình tính cách, tác phong, nếp nghĩ của đa số cá nhân trong một xã hội. 


Bùi Đại Dũng