Trường ca Vượt Biển

Trường ca Vượt Biển
Vượt Biển, tiếng Tày gọi là Khảm hải hay Khẳm khái nói theo tiếng Tày cổ, là một đoạn trong nghi lễ Hắt Pựt, tiếng phổ thông gọi là làm Pựt hay Hát Bụt. Nghi lễ này được tổ chức cho người già, ốm yếu, sắp về với tổ tiên. Gọi là trường ca vì nó là một bài hát dài đến hàng tiếng đồng hồ do các nghệ nhân Pựt diễn xướng.

 

Vượt Biển, tiếng Tày gọi là Khảm hải hay Khẳm khái nói theo tiếng Tày cổ, là một đoạn trong nghi lễ Hắt Pựt, tiếng phổ thông gọi là làm Pựt hay Hát Bụt. Nghi lễ này được tổ chức cho người già, ốm yếu, sắp về với tổ tiên. Gọi là trường ca vì nó là một bài hát dài đến hàng tiếng đồng hồ do các nghệ nhân Pựt diễn xướng. Lời của bài hát còn có ở dạng thơ giống như sử thi của các dân tộc khác vậy. Mỗi vùng Pựt được diễn xướng một cách khác nhau, có nơi chỉ có thầy Pựt hát, có nơi có hai ba người hát phụ, hát cùng hoặc chia đoạn ra thay nhau hát. Nhạc đệm cho hát Pựt là một túm các chuỗi nhẫn kim loại nối với nhau, thỉnh thoảng có thêm các con xúc xắc bằng đồng. Thầy Pựt tay cầm quạt giấy, tay nhấc lên đặt xuống nhạc cụ này trên mặt chiếu, tạo ra các âm thanh rất vui tai, nhịp điệu nhanh chậm tùy vào cao trào của từng khúc hát.

Theo lời kể của tác giả Hoàng Thị Na trên trang Văn học Nghệ thuật Yên Bái, người Tày ở Xuân Lai Yên Bình Yên bái là nơi lưu truyền được lối hát Pựt hay nhất và lời hát Khảm hải đầy đủ nhất. Hắt Pựt có nhiều đoạn và trường đoạn khác nhau, Khảm hải là một trường đoạn hay nhất, hấp dẫn nhất, được diễn vào lúc đêm khuya, khi tiếng gà đã báo hiệu một ngày mới, đoạn này kéo dài chừng hai tiếng đồng hồ. Lúc này thầy Pựt hát trong vai Sa Dạ Sa Dồng (một nô lệ chèo thuyền) vượt biển. Lời hát cảm động, khiến nhiều người rơi nước mắt, nỗi lòng người nghe như theo Sa Dạ Sa Dồng vượt biển, cùng xót thương cuộc đời của Sa Dạ Sa Dồng. Thầy Pựt dẫn dắt người xem, người nghe không rời ra được bằng những lời hát tha thiết: 

“Cỏi dú nớ ăn sích mạy bay

Cỏi dú nớ ăn đây mạy viền

Ăn đây sam vằn hắt

Ăn đây chất vằn tó

À lới, đét nàng ới!

Dám lồng tháng tài ết

Mìa ngò nhằng bâư yểm đâư đang

Kẻ hẩư pây seo tàng tối khảu

Đảy boóc se hung hang

Đảy chang se pây tàng khảm hải lố nò!...” 

(Ở lại nhé sàn thích gỗ bay

Ở lại nhé thang gỗ viền

Chiếc thang ba ngày làm

Cầu tháng bảy ngày đóng

Chao ơi! Trời đất ơi!

Bước xuống bậc thứ nhất

Vợ chỉ còn chiếc yếm che thân

Cởi trao mang theo đường đổi gạo

Được ống để nấu ăn

Nửa ống để dành phần vượt biển…).


Tiếp đến là lời hát thương Sa Dạ Sa Dồng dù nghèo khó, chết thê thảm thành kiếp khác nhưng cuộc sống vẫn thắm đượm tình người. Cuộc vượt biển của Sa Dạ Sa Dồng diễn ra rất khó khăn, vượt qua 12 rán nước đầy thuồng luồng, quỷ dữ chặn đường. Lời hát đôi lúc là tiếng lòng trầm buồn: 

“Khỏ bấu thai chắng nhằng

Chèo pây lố chèo pây

Nặm hải đeng pền lượt

Nặm hải đướt pền phày

Khôm lai tởi Sa Dồng khảm hải… lố nò” 

(Khổ không chết mới sống

Chèo đi thôi chèo đi

Nước biển đỏ như máu

Nước biển nóng như lửa

Cay đắng lắm đời Sa Dồng vượt biển…). 


Đến đây chắc sẽ có người hỏi bao đời nay người Tày sống ở trên núi, đa phần trong số họ còn không biết biển là gì. Các thầy Pựt cũng không biết trường ca Vượt biển có từ đâu từ bao giờ. Họ chỉ hát như được truyền lại từ đời này qua đời khác. Chưa có một công trình nghiên cứu nào đưa ra giả thuyết về những chuyến vượt biển gian truân như thế trong lịch sử tổ tiên của người Tày. 



Theo tác giả Trần Trúc Lâm trong bài Người Miêu – Lịch sử của một dân tộc lưu vong có nhắc tới một chi tiết rằng, huyền thoại của người H’Mong vẫn nhắc đến tổ tiên của họ đã sống ở một vùng băng giá và tuyết phủ kéo dài đến cả 6 tháng mỗi năm. Theo một cán bộ người H’Mong làm trong ngành văn hóa của Tỉnh Lào cai, Việt nam, thì truyền thuyết này được nhắc tới trong trường ca Kể Chuyện Đường Đi của người H’Mong. Trường ca này là một phần trong nghi thức cúng của thầy mo khi trong nhà có người già ốm yếu. Cũng giống như trường ca Vượt biển của người dân tộc Tày, người Mèo (H’Mong) ở trên triền núi cao Việt nam, hàng bao nhiêu đời nay tổ tiên con cháu họ không hề biết băng tuyết là gì. Cụ thể hơn, không có cả từ tuyết và băng trong ngôn ngữ của người Mèo Việt nam, nên họ gọi băng tuyết là “nước cứng” và “cát trắng mịn”. Các thầy mo khi thực thi các nghi lễ này cũng chẳng biết tại sao, chỉ biết là tổ tiên về chỉ đạo làm như thế, người già ngồi đây, thầy mo ngồi đây, hát như thế, bởi lúc thường ngày bảo họ hát họ cũng không hát được. Tổ tiên về hỏi người già sống đã đủ chưa, đã muốn đi về với tổ tiên chưa. Tổ tiên của người già là như thế này, ở chỗ này.


Ở đây tôi không có ý định khuyên độc giả đi học làm Pựt, làm Mo hay nghiên cứu sâu về truyền thuyết của các dân tộc. Tôi chỉ muốn đề cập tới một sự trùng lặp trong hai nền văn hóa vốn là rất tách biệt nhau. Người Tày và người H’Mong đều thực hiện một nghi thức tương tự khi có người cao tuổi ốm yếu trong nhà. Trong các nghi thức ấy, họ nhắc lại những câu chuyện nghe như huyền thoại, song chắc chắn có gắn liền với sự khởi đầu của một dòng tộc trong quá khứ và một cuộc sống rất khác lạ so với cuộc sống của chúng ta hôm nay. Chỉ có điều là năm tháng đã làm cho những câu chuyện về tổ tiên của các dân tộc mờ nhạt, xa vời và khó tin. Nhưng các thầy Mo thầy Pựt vẫn gợi lại quá khứ qua những câu hát, đặc biệt là vào thời khắc sắp chia tay con cháu để trở về với tổ tiên. Người ta tin rằng có làm như vậy thì người già mới tìm được đường về nơi họ đã ra đi, cho nên người già phải mặc đúng trang phục của dân tộc dòng tộc của mình lúc làm lễ để tổ tiên họ nhận ra họ, chính là vì lẽ ấy.


Đôi lời cảm ngộ:


Thế mới biết là ai ai trên cõi đời này cũng đến đây từ một nơi nào đó. Vấn đề cốt lõi ở đây là ta phải biết ta là ai, ta đang ở đâu, ta đến từ đâu và đang đi về đâu. Thật là đại họa khi ai đó còn chưa tìm ra được câu trả lời cho những câu hỏi này, nhất là khi ngày rời đi đã cận kề.


Tuấn Khanh