Chuyện về người “Cất nắng” trên sông

Chuyện về người “Cất nắng” trên sông
Hình như Nguyễn Tuân có một ý kiến khá thú vị: Muốn biết một bát phở có ngon hay không thì phải xem cách thái miếng thịt bò. Muốn biết một nhà thơ có phải thứ thiệt hay không thì phải nếm mùi Lục Bát.

 

Hình như Nguyễn Tuân có một ý kiến khá thú vị: Muốn biết một bát phở có ngon hay không thì phải xem cách thái miếng thịt bò. Muốn biết một nhà thơ có phải thứ thiệt hay không thì phải nếm mùi Lục Bát.

 

Thể loại này mấy trẻ chăn trâu chửi nhau cũng có thể làm được. Nhưng để đạt cái chất lượng như cụ Nguyễn Du thì phải là nhà thơ thứ thiệt. Tôi nghĩ trước lúc có “Lục bát” cho đời thì phải thành công ở rất nhiều các thể loại khác. Kể cả văn xuôi, kể cả vốn sống đã trải nghiệm trong đời.

 

Trần Huyền Tâm đã có cái nền ấy. Nhà thơ rất tinh tế trong tản văn; rất “bác học” trong thơ tự do; rất nhuần nhụy trong việc sử dụng những điển cố của văn học cổ điển uyên áo. Tâm sử dụng thi liệu dân gian tự nhiên như hái chính những bông hoa do mình trồng trong vườn của mẹ mình.

 

Vì thế, tôi thấy hầu hết các bài lục bát của Tâm, bài nào cũng hay. Bài nào cũng mang hương sắc lạ.

 

Tôi tin rằng nếu làm một tuyển thơ Lục bát thì tập thơ của Trần Huyền Tâm sẽ có mặt trên rất nhiều kệ thơ của các bạn yêu thơ.

 

Chính cái thể thơ dân tộc này đã làm cho tình cảm của Huyền Tâm được giãi bày từ nhiều cung bậc. Cái khả năng đối ý, đối câu của Tâm đã làm cho lục bát mà Tâm viết gần Nguyễn Du, tạo nên những cảm nhận thật thấm thía.

 

Nhưng như đã nói trên kia. Thơ Tâm đã đưa cái chất Thiền, đưa cả mùa Giác Ngộ và niềm hạnh phúc được rời cõi Mê vào Lục Bát. Vì thế mà Lục Bát của Tâm trở nên độc đáo. Nó nhuốm mùi Đạo. Câu chữ chứa đựng cái thánh thiện văn vắt của một trái tim trong sáng thanh cao và muốn sẻ chia.

 

Cũng lưu ý rằng, hiện nay có nhiều người cũng dùng những ngôn từ nhà Phật nhưng họ chẳng ở trong cảnh giới ấy. Tôi tin Huyền Tâm đang “thân nằm trong cảnh” ấy thì mới viết về nó một cách thực như vậy, hồn nhiên đến vậy!

 

Nguyên văn của bài thơ CẤT NẮNG là thế này:

 

”Bỏ công chưng cất nắng trời

Một chiều cả rét rót mời gió Đông

 

Rót men cho má thêm hồng

Cho môi thêm ấm tiếng nồng lời say

Ngọt ngào ấp ủ đôi tay

Bình yên riêng gửi tháng ngày nhiễu nhương.

 

Buông vui cho ngắn dặm trường

Xả buồn cho thoát vô thường can qua

Nhắn người ở chốn phù hoa

Vuông tròn được mất cũng là tùy duyên.

 

Cây nghiêng theo ngọn gió nghiêng

Tĩnh tâm sẽ được an yên đủ đầy

Trách gì vôi bạc trầu cay

Mà xưa vướng quýt mà nay đèo bòng.

 

Chưng vàng cất nắng trên sông

Có người thả ngược gió Đông về trời...”

 

Hai câu đầu như cách nói vu vơ của ca dao. Có ai làm được cái việc “chưng cất nắng”?

 

Cái “công” ấy là biến nắng thành “rượu” nắng có đủ độ nóng, có năng lượng để mời gió Đông vốn là hữu hình mà trừu tượng!

 

Gió Đông trong một buổi chiều vốn cô quạnh, lại là chiều đông, “chiều cả rét” buốt giá được uống “rượu nắng“ nữa thì còn gì bằng. Có cái trẻ thơ trong cách nhân hoá ấy. Nhưng câu lục bát này lại nghiêm trang đến lạ. Không giả lả mà hướng tới một điều nghiêm túc:

 

“Bỏ công chưng cất nắng trời

Một chiều cả rét rót mời gió Đông”

 

Nói nắng, nói chiều, nói Đông thực ra đó là con đường quanh ngắn nhất để:

 

“Rót men cho má thêm hồng

Cho môi thêm ấm tiếng nồng lời say”

 

Nói với ai thì cũng là nói với mình:

 

“Ngọt ngào ấp ủ đôi tay

Bình yên riêng gửi tháng ngày nhiễu nhương.”

 

Từ “bình yên” sao nhẹ vậy. Giản đơn mà tĩnh tại. Lấy cái bình yên của riêng mình mà chế ngự cái ngày, cái tháng vốn dài rộng và nhiều biến số của hai tiếng “nhiễu nhương”!

 

Cái từ láy này đúng là cái vô thường không đoán được!


(Ảnh: Nhà thơ Trần Huyền Tâm)

 

Hoá ra, để có hai chữ bình yên trong tâm thì cần đến cả bản lĩnh của “tâm bất động chế vạn động“.

 

Thế gian luôn tìm vui trong Danh, Lợi, Tình. Cái vui chỉ là thoáng chốc, cái buồn của “nghiệp lực” mới là dai dẳng ngàn năm.

 

Cha ông ta xưa “an bần lạc đạo”. Mấy câu lục bát của Huyền Tâm làm cho những triết lý cao xa ấy trở nên nhẹ mà thấm:

 

“Buông vui cho ngắn dặm trường”

 

Đọc đến đây, chợt nhớ câu Kiều:

 

Đêm khuya thân gái dặm trường”

 

Chỉ có “buông” thì mới thấy kiếp đoạn trường của cõi nhân sinh bớt oan khổ lưu ly , bớt nhọc nhằn...

 

Xả cũng là buông. Xả đến tận cùng thì nó mới “vô lậu”. Mới tìm được thế giới tự tại của mình.

 

Can qua, chiến tranh loạn lạc thường xuất phát từ những nơi nghiệp lực tích tụ. Nơi nào nhiều vô thường thì nơi ấy dù hoàn cảnh hẹp như trong gia đình cũng bớt những ì xèo, lục đục...

 

“Xả buồn cho thoát vô thường can qua

Nhắn người ở chốn phù hoa

Vuông tròn được mất cũng là tùy duyên.”

 

Bốn dòng lục bát sử dụng dày đặc các từ ngữ có tính khái niệm của Phật gia. Nào là “buông, xả, vô thường”; nào là “dặm trường, vô thường, can qua”. Cả câu: “Vuông tròn được mất cũng là tuỳ duyên” đều nhiều hàm nghĩa…

 

Thế nhưng, lạ chưa, các câu thơ thanh thoát tự nhiên chẳng nặng nề, xa lạ…

 

Trong xã hội hôm nay, ai tin vào thuyết số phận thì được coi là lạc hậu, mê tín. Nhưng Phật gia từng giảng đời con người, đời của những sinh mệnh khác to lớn hơn cũng đều đã định.

 

Ý nghĩa cuộc sống là để Buông, Xả, có Duyên có Phận cả rồi. Cho nên, thuận theo tự nhiên là cách sống khôn ngoan nhất:

 

“Cây nghiêng theo ngọn gió nghiêng”

 

Điều khiển được cái Tâm của mình là có đủ đầy những an bình thực tại:

 

“Tĩnh tâm sẽ được an yên đủ đầy”

 

Mọi sự đều có nhân duyên, đâu ngẫu nhiên vô cớ. Không oán, không hận người là đã hiểu được cái luật nhân quả chẳng sai sót bao giờ! Có ai biết kiếp trước mình gây Nghiệp cho người khác bao nhiêu mà hôm nay cứ đòi lẽ công bằng không trả nợ:

 

“Trách gì vôi bạc trầu cay

Mà xưa vướng quýt mà nay đèo bòng.”

 

Hai câu cuối:

 

“Chưng vàng cất nắng trên sông

Có người thả ngược gió Đông về trời..”

 

thừa tiếp hai câu đầu:

 

“Bỏ công chưng cất nắng trời

Một chiều cả rét rót mời gió Đông”

 

Nhìn về trần gian nơi có dòng Trường Giang cuộc đời đang chảy. Cái dòng sông mải miết chảy ra biển Đông “bôn lưu đáo hải bất phục hồi” ấy mới là thực tại.

 

Cất nắng hoàng hôn trên sông để luyện vàng mười. Đó là giá trị thật chứ không phải là chút men làm say những buồn vui nóng lạnh viển vông.

 

Ai chẳng biết đời là bể khổ? Nhưng nhờ cái khổ ấy mình mới có những thỏi vàng mười chưng luyện từ cay đắng khổ đau.

 

Chợt nhớ câu ca dao mẹ ru em mình thuở bé:

 

À ơi!

Cầm vàng mà lội qua sông

Vàng rơi không tiếc, tiếc công cầm vàng

 

Không lội qua sông.

Không rơi vàng xuống sông.

Còn chưng cất được vàng.

Lại thả ngọn gió Đông xanh xao cái rét về Trời…

 

Hoá ra buông bỏ chuyện chanh chua bưởi ngọt, chúng ta có nhiều thứ để mình đi hết sông dài ra biển.

 

Hơn thế nữa, còn có vầng Bạch Vân đang đón đợi…

 

Ấy là khi ta bước ra khỏi cái vòng quẩn quanh luân hồi trong cuộc chơi đằng đẵng trăm năm..


Sài Gòn 11/09/2019
Anh Vũ