Gửi lại dấu yêu - những trang văn giàu hiện thực và ý nghĩa nhân văn

Gửi lại dấu yêu - những trang văn giàu hiện thực và ý nghĩa nhân văn
Sau hai tập thơ “Ý nghĩ ban mai” và “Khoảng xanh miền nắng” (NXB Hội Nhà văn Việt Nam, ấn hành 2015 - 2018), “Gửi lại dấu yêu” là tập Bút ký mà Bùi Thị Biên Linh vừa tiếp tục công bố trước công chúng bạn đọc.

 

 

Sau hai tập thơ “Ý nghĩ ban mai” và “Khoảng xanh miền nắng” (NXB Hội Nhà văn Việt Nam, ấn hành 2015 - 2018), “Gửi lại dấu yêu” là tập Bút ký mà Bùi Thị Biên Linh vừa tiếp tục công bố trước công chúng bạn đọc.



Không bất ngờ, nhưng tôi nghĩ: Cách đây 42 năm, khi mới mười một tuổi, Bùi Thị Biên Linh đã được chọn về “Lớp đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học” của Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình tới năm khóa mùa hè liên tục, từ 1976 - 1980. Ngày ấy, sau hàng loạt tác phẩm văn xuôi của Biên Linh được giới thiệu, in trên các Báo Văn nghệ, Thiếu niên Tiền Phong, Tạp chí Văn nghệ Thái Bình, Báo Thái Bình, Nhà văn Tô Hoài, Vũ Tú Nam, Phạm Hổ những người thầy được mời về lớp giảng dạy, đều có chung nhận xét. “Văn xuôi của Bùi Thị Sóng Biển (Bút danh của Biên Linh ngày ấy) thật tinh tế, da diết và đằm”. Sở trường của tâm hồn này là “cái nhạy”, “sức rung” với nghệ thuật tái tạo sinh động một “thế giới hiện thực.”


Có thể nói, lắng đi một quãng dài, Bùi Thị Biên Linh theo gia đình vào Nam. Trước công việc bộn bề của một nhà giáo, Bùi Thị Biên Linh vẫn âm thầm viết truyện ngắn, cả tiểu thuyết và thơ. Ở Bình Dương – Sông Bé, Linh đã giành được nhiều giải thưởng Văn học của Hội Văn học Nghệ thuật Sông Bé, rồi giải thưởng Văn học “Miền Nam sau 10 năm giải phóng”, giải Văn học viết về “Cách mạng tháng Mười Nga vĩ đại của Hội hữu nghị Việt-Xô”. Vậy mà, khi chọn lựa, tập hợp để công bố tác phẩm của mình, Bùi Thị Biên Linh, đắn đo trước lao động văn xuôi còn cần phải có nhiều thời gian, công sức hơn nữa cho sửa chữa, hoàn chỉnh trang viết? Hay, do cái “ngộ,” “cái lắng” nào đó, Linh đã quyết, trình làng hai ấn phẩm trước nhất là thơ.


Năm 2016, tập thơ “Ý nghĩ ban mai” của Bùi Thị Biên Linh ra đời, đã giành được giải thưởng của Ủy Ban Toàn quốc Liên hiệp Các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam. Mùa thu năm 2018 này, “Gửi lại dấu yêu” là tập Bút ký được Biên Linh “tung ra” trong cái “tự thức,” mà Linh “Biết”: “Lưng túi văn chương” đang có của Linh là tất cả tâm huyết, tất cả nội lực phong lưu, trường sức của người viết đã tích lũy từ lâu. Nhất là, năm 2017, sau khi đoạt Giải Nhất chùm Bút ký Cuộc thi viết về người thầy do báo Sinh viên và Trung ương Đoàn tổ chức. Chùm văn xuôi của Linh đã vượt qua hàng vạn bài thi, vượt qua không ít các tác giả có tên, có nhiều thành công trên trang viết, mà Linh đã giành về mình ngôi vị cao trong lao động sáng tạo và khẳng định chất lượng có được.


Và, Bùi Thị Biên Linh cho ra đời Bút ký “Gửi lại dấu yêu” từ niềm tin ấy. Nó là khơi nguồn từ một “tiếng lòng rờn xanh” của “người trong cuộc.” Của một cô giáo, gần trọn đời mình, gắn bó với học sinh, trường lớp từ những năm mới ở tuổi đôi mươi, mười tám. Phải nói, hầu hết các trang bút ký Linh viết đều bộn bề, ngổn ngang sự kiện. Những truyện kể khá sinh động, hấp dẫn. Bằng lối tự sự có duyên, người viết biết mô tả, biết “dựng” khi cần gây được “sức động” ở cảnh, ở việc, ở người. Từ truyện kể về nhà văn Tô Hoài, trang viết làm người đọc rơi nước mắt ở những cư xử thật tận tụy của người thầy, của một nhà văn lớn, với tấm lòng và nhân cách lớn, trước “lũ trẻ nhà quê cầm bút” như Linh, trong “Lò luyện văn chương” một thuở.


Gửi lại dấu yêu” là không gian đậm của trường lớp, của thầy giáo, học trò. Của một phạm vi cuộc sống được Biên Linh tập trung khai thác. Ở “Gửi lại dấu yêu” có biết bao câu chuyện cảm động. Từ hình ảnh người thầy chân trần, lội qua bao đèo cao, dốc thẳm, vượt qua mưa lũ, đường xa, tìm về một học trò nơi vùng sâu, nghèo khó. Khi cơm không đủ ăn. Áo rách. Tiền không có để mua sắm giấy bút. Một chỗ trống của “ghế ngồi thiếu vắng trong lớp” là nỗi niềm quặn thắt, lo mất ăn mất ngủ trong trái tim nhân hậu, người thầy. Rồi hình ảnh người thầy lặn lội, đi hàng trăm cây số tìm gặp lại trò xưa, trân trọng nâng niu, tặng bài viết của mình được đăng trên báo về thành tựu của người mình từng dìu dắt.


Từ cái “phông” lớn “nhà trường,” ở đấy Biên Linh đã biểu hiện sự quan sát tinh tế. Tất cả sự vận động của biểu hiện, biểu cảm đều có từ sức nén của nhiều tình huống, cảnh ngộ. Trang viết đã sống dậy một cách cuốn hút tất cả bóng hình đời thực với khá nhiều lấp lánh của cách chọn lựa “chi tiết điển hình” làm sống dậy một thế giới tâm tình, thế giới của những nghĩa cử sáng trong, cao đẹp của người thầy, của học trò, trường lớp.


Không ai có thể quên, hình ảnh người thầy lo đến rạc người trong trở trăn câu hỏi khi học trò của mình, vì đâu chưa giỏi, chưa ngoan? Rồi, kỳ thi sắp tới này, liệu các em có đạt điểm khá? Rồi hình ảnh một củ khoai, học trò “dúi” cho cô khi thương cô trễ giờ, lúc đường xa trở về đói bụng. Rồi một học sinh yêu thương, kính trọng thầy đến nỗi, phút nằm trên giường bệnh trong cơn đau, trong nhớ trường, nhớ bạn cứ chứa chan nước mắt và khóc gọi tên thầy.


Đọc “Gửi lại dấu yêu” người đọc gặp một khoảng trong xanh, nặng sâu hiếm có của đạo đức, của giá trị lớn lao trong ý nghĩa “Làm Người”. Sẽ có rất nhiều những liên tưởng, khát khao trong ngước nhìn của người đọc với câu hỏi: “Liệu bây giờ, thời này, trong nhiễu nhương học đường, trong đạo đức xuống cấp, trong “đồng tiền quay quắt, lên ngôi”, xã hội rộng lớn kia, còn ở đâu, nơi nào, giữ được cái vẻ đẹp trong trường lớp, trong tình thầy trò như thế nữa hay không?” Thật quý khi đằng sau mỗi trang viết, nhà văn đã đem lại cho người đọc cái giá trị nhận biết ấy. 


Thực ra, những trang viết thuộc về thể “Ký”, cái hay thường nhìn rõ ở hiện thực sinh động. Ở chi tiết độc đáo và lạ. Ở vấn đề người viết phát hiện mang ý nghĩa tư tưởng, với giá trị hữu ích trước đời sống nhân sinh. Bút ký “Gửi lại dấu yêu” của Bùi Thị Biên Linh có được vẻ đẹp của chân dung “đời sống”. Ở đó là nét đậm “trường lớp, thầy trò” với thế mạnh của giọng văn giàu cảm xúc của một tâm hồn thi sĩ, luôn nồng đượm, trữ tình.

Ở “Gửi lại dấu yêu,” để mở rộng biên độ khai thác, mở rộng “đề tài,” cái phạm vi cuộc sống mà tác phẩm đề cập. Để khám phá mình trước nhiều thử thách khác, Bùi Thị Biên Linh còn có những trang miêu tả sống động những nét đẹp thôn làng. Những trang viết thật cảm kích về tình mẹ, tình cha, về các nhà văn, các bầu bạn văn chương, về người chị, về đứa con rất mực yêu thương, quý mến trên đời.


Bằng giọng lối dẫn dắt cuốn hút và gợi. Những câu chuyện thật điển hình, riêng biệt của mỗi vùng quê, của mỗi giai đoạn, cái gọi là “chuyện của một thời” (mà ngày nay đã qua đi, mất bóng). Qua tái dựng, sáng tạo, từ ký ức, hoặc từ chứng kiến, trải nghiệm, người đọc thật lý thú, ở cái vui, cái xót xa, cái cười ra nước mắt mà Biên Linh còn chép ghi và nhớ. Ví như, chuyện nông dân vào hợp tác xã. Chuyện phân phối thời bao cấp, chuyện Tết xưa, chuyện nuôi lợn giết chui để cúng giỗ ông bà, chuyện trường lớp một thời nghèo nàn, gian khó.


Có thể “Gửi lại dấu yêu” còn đi trên dòng chảy đều của lối kể. Đôi chỗ chưa được cô đặc và chặt. Có thể còn ít những lát cắt, những góc nhìn, với cách dựng, gây ấn tượng mạnh và sâu, song “Gửi lại dấu yêu” của Bùi Thị Biên Linh là những trang bút ký thực sự “dính đến máu thịt của mình”. Nó là chuyện đời, là tất cả tâm tình, bóng dáng của cuộc đời một nhà giáo với học trò, với trường lớp thân thương. Nó thực sự mang giá trị hữu ích và ý nghĩa nhân văn cao đẹp.

 


Nhà văn KIM CHUÔNG

Hải Phòng, mùa Thu 2018