Hát cùng Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm

Hát cùng Diệu khúc thời gian của Trần Huyền Tâm
Hình như cái tên con người nhiều lúc đã mặc định cho họ một thế giới, một tính cách khó nhầm lẫn. Mình cứ tủm tỉm hoài với cái tên ấy: Trần Huyền Tâm. Phải chăng Tâm có dây mơ rễ má gì với quan Tư Đồ cùng họ nhà mình là Trần Nguyên Đán?

 

 

Ngẫu nhiên mà hoá ra là tất nhiên vậy!

 

Mình không ngờ khi rẽ ngoặt khỏi con đường đại lộ mà người ta đua tranh theo ba chữ “Danh Lợi Tình”, mình lại gặp những người bạn như đã ở trong những ngôi nhà cổ xưa từ tiền kiếp. Cứ như là anh em. Cứ như là bè bạn. Cứ như là tri kỷ tri âm. Và hơn thế nữa, mình gặp một Tri Tâm của một người em có cái tên đọc lên nó xa lăng lắc. Nhưng đọc thơ của bạn ấy lại thấy rất gần. Gần đến nỗi mình cứ tưởng đó là những bài thơ của một “mình” nào đó được viết ra vậy!

 

Hình như cái tên con người nhiều lúc đã mặc định cho họ một thế giới, một tính cách khó nhầm lẫn. Mình cứ tủm tỉm hoài với cái tên ấy: Trần Huyền Tâm. Phải chăng Tâm có dây mơ rễ má gì với quan Tư Đồ cùng họ nhà mình là Trần Nguyên Đán? Cụ Trần vốn lương đống Quốc gia. Vậy mà lại trở thành một Đạo Gia gắn với động Huyền Không, gắn với chữ “huyền” nhiều bí mật của thiên cơ, đất trời…

 

Nhìn những ngày tháng khai sinh các bài thơ trong “Diệu khúc Thời gian” của Trần Huyền Tâm, mình không khỏi ngạc nhiên là giữa bộn bề của công việc chuyên môn; giữa những việc không tên của một người mẹ, người vợ... Tâm lại có thời gian dành cho Thơ (và cả những tác phẩm tản văn) nhiều như vậy!

 

Cứ y như là một nhà thơ, nhà văn chuyên nghiệp…

 

Thực ra, nếu là “nhà chuyên nghiệp” làm thơ theo đường mòn thời cuộc để đưa bể dâu vào thơ thì có lẽ, Tâm có viết nhiều hơn nữa, cũng chỉ là ghi danh số lượng nhạt nhòa. Cái bế tắc của thơ hôm nay là thế. Hình như cái thời Mạt Pháp này đang đẩy những giá trị của tinh thần vào tàn lụi. Thơ ca vì thế mà đang nhạt mờ chăng? …

 

Thế nhưng, không phải Huyền Tâm vật vã tự chọn cho mình một con đường khai phá mới lạ. Tâm không hề có tuyên ngôn. Tâm chỉ lặng lẽ. Khẽ hát, khẽ reo. Và nối với trái tim người những gì sâu kín của cái “Tâm” chứa chữ “Huyền” mà không dễ ai cũng có được.

 

Huyền Tâm hát những diệu khúc tháng năm. Nhưng hình như không phải của thời hiện tại. Dù nói với cơn mưa Hà Nội đang rì rào, dù nói về hoa sen trước mắt trong ánh hồng buổi sáng, thì thơ của Tâm cứ trong veo, theo suốt, dẫn ta về cái ngày xửa ngày xưa, như cổ tích. Xa xăm hơn là những cánh hạc Tiên đang đợi ta ở mây ngàn suối khe. Cái hiện hữu chỉ là chất liệu, là cái cớ để cho Tâm uốn cầu vồng, bắc cầu quá khứ tới tương lai. Người đọc có thể coi đó là “cầu vồng” nhưng Huyền Tâm lại cho đó mới chính là điều mình đang đi tới để có hạnh phúc tròn đầy.

 

Ở đây mình chỉ lấy một số bài thơ rất ngẫu nhiên trong tập “Diệu khúc Thời gian” để giới thiệu tới mọi người. Mình tin rằng, có rất nhiều những câu thơ hay nhất của Huyền Tâm đã bị bỏ qua. Và độc giả sẽ là người tinh anh nhất.

 

* Về bài thơ “Viết ở đường thơ”

 

Chiều về, nắng tắt. Chỉ vì nắng bịn rịn chờ ai mà chiều đã đóng khung cái nhân vật “em“ thành một dáng ngồi. Màu tím rịm gợi ta một vọng phu chung thủy đợi chờ mỏi mòn:

 

“Nắng chờ ai mà bước về bịn rịn 

Để chiều lơi tím rịm dáng em ngồi”

 

Hai câu thơ có cái lạ của chiều và nắng, của nhân vật ai và em. Có sự đồng hoá âm thầm của màu nắng tự nhiên và màu tím rịm mang tính ẩn dụ. Nhưng thật bất ngờ:

 

“Vầng Bạch Vân vẩn trắng lưng trời

Mây ngàn năm chùng chình cánh gió.”

 

Chiều hoá ra buổi sáng tinh khôi. Khi nhìn lên một không gian khác.

 

Có điều Vầng Dương ngời đỏ lại thay bằng vầng Bạch Vân. Mây trắng thật mong manh chỉ còn “vẩn trắng lưng trời” thế mà nó đâu tan? Thật kỳ lạ, vầng ấy, vẩn mây ấy đã ngàn năm tuổi!

 

Những cánh gió của thời thế Lợi Danh vẫn thổi. Mây có chùng chình nhưng nó vẫn định vị trong không gian như vầng mặt trời kia.

 

Có điều mặt trời thì dễ thấy. Còn vầng mây kia chỉ có thể thấy được thông qua cái nhìn tím rịm muốn gắn bó thủy chung với một không gian một con đường mà ai đó đang muốn về lại ngôi nhà mình.

 

Đó là cái nhìn của những người đang mơ giấc Tiên và tin rằng nó có thật. Cái nhìn này không phải cõi “Thôi Hiệu” nhưng là cùng cảnh giới:

 

“Bạch Vân thiên tải không du du”. 

(Hoàng Hạc Lâu)

 

Hoá ra nhà thơ đang nhớ giấc mơ xưa. Và tin giấc mơ ấy không là mơ. Muốn đến nơi cao khiết thì mới thấy quán trọ trần gian này là nơi mê lầm. Những hẹn hò chỉ hao gầy. Trăm năm thoáng chốc để gặp cái ngẩn ngơ không tìm ra lối. Vẫn trong quán trọ thì đâu thấy nhà mình:

 

“Thương cái hẹn hao gầy nơi quán trọ

Tóc bạc nhàu còn đong nỗi ngác ngơ”

 

(Ảnh: Trần Bảo Toàn)

 

Vầng Bạch Vân trên kia đã câu thông với Lầu Hoàng Hạc, với cỏ Anh Vũ dưới mặt đất này. Hoá ra em tím rịm đợi chờ một chuyến viễn du vào cõi mới:

 

“Lầu Hạc vàng vẫn ngóng đợi khách thơ

Cỏ Anh Vũ mãi thơm lời gió biếc.”

 

Hiển nhiên, cái tâm thái hạnh phúc đang cần đạt tới sẽ rất tự nhiên phát hiện những giả tướng hư không chốn Ta Bà:

 

“Chốn hồng trần thi nhân còn mải miết

Vét đêm dài hong cạn nỗi đầy vơi

Xót lòng người bạc phếch lời vôi

Từng con chữ mãi mòn năm tháng.”

 

Mải miết, vét đêm để có những lời vôi làm xót lòng thêm nhân thế thì có giúp gì cho cuộc thế vốn là như thế?

 

Cấu trúc của bài thơ như một bản xô nát. Bè trầm vừa xuống những cung trầm buồn bã thì bè kết thúc lại trong sáng rộn ràng vui tươi:

 

“Bay lên nhé những dáng thiền thù thắng

Tấm tình xuân biêng biếc cánh đang về

Vần thơ em ngân diệu phúc cận kề

Khúc nhạc tiên vui đón mùa Giác mới!”

 

Thật khó nói những âm vang diệu phúc trong những câu thơ này.

 

Rất dễ liên tưởng nhân vật em trên kia đang ngồi Thiền tĩnh lặng. Có đám mây thiên tải đợi chờ. Khi đã bay lên với cảm nhận vào cảnh giới thù thắng thì người ấy đã rời quán trọ. Ít nhất cái tư tưởng quẩn quanh đã được giải toả.

 

Cánh gió mùa xuân và khúc nhạc Tiên đã thần thánh một tâm hồn. Bởi mùa Giác tới, cho người ta Tỉnh thức. Mùa Giác tới, cho người ta được sống trong “Phật ân hạo đãng”...

 

Thấy lòng mình chợt muốn hát theo tiếng ca của tuế nguyệt đang tới độ tròn đầy:

 

“Nắng chờ ai mà bước về bịn rịn

Để chiều lơi tím rịm dáng em ngồi”

(Còn nữa )

 

Sài Gòn 16/7/2019

Anh Vũ

----------

* Diệu khúc thời gian: Tập thơ của Trần Huyền Tâm - NXB Hội Nhà văn 2019