Những vần thơ đẹp

Những vần thơ đẹp
Tôi gọi những bài thơ của Bùi Thanh Huyền trong tập thơ Trái Tim Thức, do nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành là những vần thơ Đẹp. Đẹp không chỉ ở hình thức sang trọng hiếm gặp, tập thơ còn là những tâm tình Đẹp của một người đàn bà Đẹp, của những cảnh sắc thiên nhiên Tuyệt Đẹp.


Tôi gọi những bài thơ của Bùi Thanh Huyền trong tập thơ Trái Tim Thức, do nhà xuất bản Hội Nhà Văn phát hành là những vần thơ Đẹp.


Đẹp không chỉ ở hình thức sang trọng hiếm gặp, tập thơ còn là những tâm tình Đẹp của một người đàn bà Đẹp, của những cảnh sắc thiên nhiên Tuyệt Đẹp.


 Người đọc sẽ được sống trong một không gian nghệ thuật sang trọng lộng lẫy, đầy xao xuyến của thế giới “Âm Thanh Của Lặng Im” vừa xôn xao, rạo rực, vừa lặng trầm da diết. Tập thơ mang vẻ đẹp của tâm hồn, trí tuệ, lấp lánh những giá trị nhân văn cao đẹp.


Đọc Trái Tim Thức, độc giả sẽ được ngắm bức “Tranh Thơ” với những sắc màu rất đỗi dịu dàng, rất đỗi thu. Có những cảnh sắc lạ ở mùa thu nước Nga xa xôi – nơi tác giả đã sống với một thuở thanh xuân “chẳng thể là nơi mình gặp nhau/ thành phố vẫn bình yên trong sắc màu của nó/ em trở lại dòng Nêva lộng gió/ gặp trong chiều một dáng Olga”, hoặc “nỗi nhớ như ngọn đèn cứ cháy run lên/ những đại lộ, hàng cây trống vắng”. Mùa thu xứ bạn dịu dàng và da diết đến xôn xao: “Có phải mùa thu đang gọi em/ bằng màu vàng cháy lên rừng rực/ bằng tiếng xạc xào, xạc xào day dứt/ lá hát điệu buồn, vừa hát vừa rơi”. Mùa thu trong thơ Bùi Thanh Huyền lãng mạn bay bổng đẹp như miền cổ tích: “Em thấy mình bay trong mênh mang/ là chiếc lá vàng, là con chuồn chuồn nhỏ/ là điệu hát buồn, là mơ màng hạt cỏ/ là dải mây chiều chớp mắt mùa thu”… Thơ Huyền có nhiều hình ảnh đẹp lạ:“bước chân nàng Digan/ Không đi trên mặt đất/ đi bằng tiếng hát/ bằng những vòng quay tung áo xiêm”, hay là: “Mùa xuân là chú chim non bất chợt/ bay ra từ ý nghĩ của em”…


Nhưng thơ Huyền cũng có những hình ảnh đẹp dịu ngọt, thân thương: “Đợi em một mùa thu/ sương len vào giấc ngủ/ mây đậu bên cửa sổ/ hương em về trên môi”.


Vẫn là thiên nhiên quen thuộc nhưng thi sĩ luôn có những cảm nhận mới mẻ và được biểu đạt bằng những ngôn từ độc đáo: “Tay em mềm lá sen/ níu hương thu ở trọ/ nụ hôn vương trong gió/ bay bay búp nắng vàng”, hoặc “ Bàn chân em tựa cánh chim non/ vẽ một nét nghiêng trên bầu trời xanh biếc”, hoặc non tơ, căng tràn sức sống: “Một mặt trời đằm mình đáy nước”, “Có chút gì rất mỏng, rất xanh/ khẽ chạm vào áo em non nớt”, trong những bài thơ: Chỉ Có Thể Là Em, Đợi Em, Mùa Thu, Đôi Hài Của Em


Thơ Huyền sang trọng ngay cả khi viết về những điều bình dị. Nàng có nhiều bài thơ viết về gia đình thật cảm động như: Thời Gian Cho Ba, Mẹ Và Anh. Trong bài Mẹ ơi, Nàng viết những câu thơ mà nhà thơ Kim Chuông gọi đó là “câu thơ quả núi”. Có bao nhiêu cô gái sẽ tìm thấy bóng dáng tâm hồn mình trong những vần thơ: “Mẹ ơi, con sợ lúc nào có một chàng trai đến với con/ con sẽ nhớ người ta nhiều hơn nhớ mẹ”, và cũng sẽ nao lòng “Bây giờ con đi xa mẹ hơn/ xa nhà mình và tuổi thơ ở lại/ năm tháng cứ trôi đi mãi mãi”...


Thơ Bùi Thanh Huyền có những câu thật sâu lắng mà khái quát được quy luật của tâm hồn – thơ giàu chất trí tuệ. “Dẫu cuộc đời dài rộng bao nhiêu/ sông chảy đến đâu chẳng có bến bờ/ mẹ chỉ sợ những dòng sông không chảy/ mẹ mãi là một góc riêng tư”. Đọc những câu thơ ấy, ta bất chợt như nghe đâu đây lời hát: “Ngày con tung cánh hoa xuân chào tương lai/ mẹ hiền vẫn đứng bên hiên đầy mưa bay/ trong mỗi bước đi, con mãi khắc ghi lòng mẹ bao la biển trời”.


Bài thơ Thời Gian Cho Ba là một trong những tác phẩm khiến người đọc thổn thức nhận ra những phút giây vô tâm lầm lỗi với đấng sinh thành. Lời thơ bao xúc động: “Con trách mình một thuở quá vô tư/ lúc ở bên ba thấy đủ đầy tất cả/ không hiểu hết những nhọc nhằn vất vả/ những mất mát tháng năm với mỗi đời người…”. Phút vô tư lơ đãng của những đứa con trên những nhọc nhằn vất vả lặng thầm của mẹ cha đã khiến bao người bàng hoàng nhận ra “thời gian cho ba không có đêm”, để thốt lên lời khẩn cầu như dồn tụ tất cả niềm khao khát: “Mong đêm thật dài để ba thêm giấc ngủ/ và đêm giao thừa ơi, hãy chậm thêm chút nữa/ ngày mai ba đừng già thêm!”.


Thơ Bùi Thanh Huyền không chỉ làm người đọc thấy yêu ở cảnh vật, ở những tình cảm gia đình tha thiết, yêu thương, mà nữ sĩ còn đem đến cho người đọc những bài thơ tình yêu được kết tinh từ tột cùng cảm xúc: Những ngọt ngào mãnh liệt của tình yêu, cả những khổ đau giận hờn cay đắng, và bao nhiêu nuối tiếc bâng khuâng. Thơ tình của Huyền là thơ của một người đàn bà có những khao khát bản năng, có cả những phút giây thánh thiện. Điều đáng nói là ở đó bỗng bật lên một tương phản rất tự nhiên, mang đến cho người đọc ấn tượng bất ngờ và hứng khởi khó tả.


Có những câu thơ tình yêu thật trong sáng ngây thơ của một thời thiếu nữ: “Hạnh phúc xôn xao quá /như mưa trong lòng tay”/ đường tình xanh màu mây/ bàn chân đi mê mải”…Đọc thơ Bùi Thanh Huyền, người ta liên tưởng đến những câu thơ của Xuân Diệu trong bài Thơ Duyên: “Buổi ấy lòng ta nghe ý bạn / Lần đầu rung động nỗi thương yêu”.


Tuổi thanh xuân, những ai đó đã gặp mình trong những vần thơ: “Em trở về phương Nam/ Bàn chân run trên cỏ/ Sao anh làm ngọn gió/ Cho nỗi nhớ lang thang”, để rồi qua những tháng năm cái khoảnh khắc ấy sẽ hóa thành ngọn lửa cháy âm thầm trong sâu thẳm con tim “Bỗng giật mình ngoái lại, tình yêu đầu trông theo/ đi suốt cuộc đời tôi / mối tình đầu thơ dại / không thể nói nên lời / đôi mắt còn thức mãi”...


Thơ Bùi Thanh Huyền là tiếng lòng của một người đàn bà với những khao khát đắm say rất đỗi Con Người. Chối từ ánh sáng ngày trần tục /nàng đi tìm tình yêu trong đêm/ Đêm- Nàng kiều diễm / Đêm- Nàng viên mãn / đêm êm dịu và cồn cào/ dâng cao và nhấn chìm / đê mê và thao thức”. Trong bài thơ Sao Băng cũng có nhiều đoạn thật nồng nàn mãnh liệt: “Là khi anh hôn em /sao thấy mình bỗng khát, anh biết rồi sa mạc/ Sẽ khát em cả đời”. Nữ sĩ này có những vần thơ “sexy” táo bạo, vừa rất bản năng, vừa lung linh thánh thiện. Chùm thơ Yếm Đào đặc biệt là bài Tắm Khuya gợi nhiều liên tưởng: “Rón rén trong đêm/ yếm đào trốn mẹ/tắm ao khuya/ tha hồ thắm/ tha hồ căng lộng/ cánh buồm no biển rộng/ ngân lên/ cởi mình vào đêm/ trăng giàn dụa rơi trên yếm thắm”… Vẻ đẹp căng tràn sức sống khiến cho nước phải xôn xao, trăng phải hổn hển đầy khao khát. Cái Yếm đào lả lơi mà trở thành một ranh giới, khiến người cứ rạo rực, thiết tha: “Yếm đào ơi thắt dây/ yếm đào ơi mỏng mảnh/ giấu của tôi hy vọng/ dấu của tôi khát khao/ Khi nào đến được nhau/ khi nào tôi được chín?”.


Có hình ảnh người đàn bà nổi loạn lại có cả hình ảnh người đàn bà ngoan hiền dễ thương, dịu ngọt: “Anh hãy sưởi bàn tay bên bếp lửa em/ rồi ngả xuống đệm cỏ khô thơm ngát/ những nỗi buồn sẽ ngủ yên, sẽ chỉ còn thao thức/ tiếng tình yêu xôn xao...” Một thú nhận hiền thục: “Bây giờ anh đã có em/ quá khứ ấy thuộc về anh tất cả/ tóc có bay muôn chiều muôn ngả/ đã trở về ngoan ngoãn ngủ trong anh”.


Vậy mà cuộc đời thật đa đoan. Tình yêu càng nồng nàn đắm say mà sao mong manh dễ vỡ. Nó để lại những vết thương sâu hoắm, những vết thương tan nát tâm hồn. Nó để lại cho người đàn bà muôn nỗi tủi buồn xót xa, nuối tiếc. Tương phản với hình ảnh người đàn bà nổi loạn, người đàn bà yêu đến tận cùng của khao khát tôn thờ và tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu là những nỗi hụt hẫng cô đơn bàng hoàng khi tình yêu đã bay đi. Có những nỗi niềm thảng thốt trong những bài thơ: Thu Cạn, Chạy Dọc Mùa Thu, Trái Tim Mỏi, Trái Tim Thức, Xóa. “Em chạy dọc mùa thu tìm anh /chạy tức tưởi chạy âm thầm trong lá rụng/ cả yêu thương tủi hờn trách giận/ em ùa vào em trút xuống mùa thu”. Có một người đàn bà đau khổ, có một người đàn bà lụy tình, có sự tương phản của cái “một thời mùa thu là hạnh phúc”, “để bây giờ em không còn biết khóc”, để có lúc “gửi về đâu nỗi nhớ/ về đâu thì thầm yêu/ đường em đi về đâu/ chênh chao và xa ngắt”...


Có bao nhiêu người đàn bà đã từng đau khi tình yêu tan vỡ tìm thấy nỗi niềm của mình trong những nỗi niềm thơ ấy. “Bỗng tình yêu giật mình thảng thốt/ như cánh chim vụt bay/ người đã xòe bàn tay/ thả tình yêu bay đi/ rỗng trong lòng một chiều thu tiếc nuối”. Người ta từng nói về nỗi đau của trái tim vỡ. Đau đến nỗi, Trăng cũng biết đau, và Đêm nín lặng. “Thức cùng em vầng trăng mười bảy/ đêm rón rén đi vào/ đêm trốn/ đêm sợ em đau”! “Ánh trăng lặng thinh/ trăng không dám sáng về bên ấy nữa/ đêm từng mảng từ phía ấy vỡ/ vỡ nỗi buồn trên môi”.


Có những khi nghe thấy những tiếng nấc trong thơ, nỗi nghẹn ngào không thốt được thành lời, đó là những “âm thanh của lặng im” giữa đêm sâu khắc khoải vừa xôn xao vừa xa xôi thổn thức: “Tiếng hát ngân lên/ dựng đất cao thành núi/ khoét nỗi buồn đau thành song, thành vực tối/ tiếng hát sõng soài trên những cánh đồng hoang”. Có tiếng thì thầm an ủi: “Nhắm mắt ngủ đi tim/ Bàn tay xoa tiếng nấc”.


Có những khi là những khao khát âm thầm “Thèm được nghe một lời/ dẫu mội lời giả dối/ một lời cả ngàn năm không đợi/ bao lâu  rồi lời bỏ tôi đi/… “Tôi mò mẫm tìm tôi/ chạm vào nước mắt/ chạm vào tiếng nấc/ chạm vào nỗi đau lặng câm”. Hoặc da diết “Tìm những ngón tay run/ em níu vào một kiếp/ tìm lại da thịt khát/ uống cạn đáy hương nhau”.


Thêm một lần đối lập và tương phản nữa trong nỗi niềm của người đàn bà có những lúc vì yêu, quá yêu, đến lụy tình, khiến người ta thương lắm nỗi đau, niềm cô đơn ( phận là đàn bà, khi đã yêu bằng tất cả con tim thử hỏi có mấy ai không lụy vì tình?). Nhưng người ta cũng trân trọng và ngưỡng mộ lắm hình ảnh người đàn bà bước lên trên nỗi đau, mà đi, mà kiêu hãnh. “ Trả lại người mảnh tình cuối mong manh/ người đàn bà bước vào chiều thu rộng”.


Tôi thích dùng từ “Kiêu Hãnh” để diễn tả những gì tôi cảm nhận được từ vẻ đẹp của người phụ nữ biết “vịn nỗi buồn em đi”/ vẫn không vơi niềm khát khao hạnh phúc” “Chạm được vào bàn tay/ ấm và tin cậy/ đặt vào đó: Một Tin yêu. Yếu mềm . Một Cô đơn. Run rẩy - Em”. Người đàn bà “nuôi tình yêu như nuôi đứa con hoang/ không hề đợi ngày Người trở lại/ kiêu hãnh giữ cho mình những năm tháng ấy/ người đàn bà hóa thạch thời gian”.


Dẫu tình yêu chia lìa, dẫu sự tôn thờ bị bội phản, nhưng trong thơ Bùi Thanh Huyền không chỉ có nỗi buồn sự thảng thốt cô đơn mà người ta còn thấy trong đó cả sự bao dung vị tha và cao thượng thấm đẫm giá trị nhân văn. Không một lời chát chua, không một lời cay nghiệt. “Trả lại người mảnh tình cuối mong manh/ người đàn bà bước vào chiều thu rộng”. Người đàn bà ấy đủ trí tuệ để kiêu hãnh giữ lại cho mình nỗi đau, mà “hóa thạch thời gian”. 


Nữ thi sĩ Xuân Quỳnh từng viết “ Hôm nay yêu mai có thể xa rồi” vì thế tôi thương người đàn bà một mình đối diện với thăm thẳm cô đơn, với mênh mông kỉ niệm ấm nồng, với hiện tại lạnh lẽo. Người ta bảo “nơi lạnh nhất không phải là Bắc cực mà là nơi thiếu tình yêu thương”. Đối lập với những nồng nàn đắm say thuở nào “đam mê anh và khát khao em / nhà của mình xây bằng long lanh kỷ niệm”,  “Em rót cho anh nồng nàn ánh mắt em trong ly rượu vang tinh khiết/ vị tình yêu ngọt chát trên môi”, là sự trống vắng, cái khoảng trống không lời. “ Anh bây giờ ở bên/ trái tim không gọi nữa”, “Căn phòng rộng, căn phòng nức nở/ Bình yên cứa máu trong lòng”, hoặc “Muốn tìm lại nhịp tim/ đã từng tha thiết gọi/ đã từng làm bão nổi…”  Nhưng dù cho có hết lòng hết sức tìm lại và vun đắp thì cuối cùng vẫn là “Em như giọt nước mắt/ cõng một trái tim đau”.


Tôi yêu những vần thơ buồn nhưng Rất Đẹp. Tôi khám phá thêm một điều: “Cái đẹp có cả ở trong nỗi buồn” khi đọc thơ Bùi Thanh Huyền. Tôi quý cái cách người đàn bà đi qua nỗi đau mà vẫn ngẩng cao đầu. Người ấy đã lựa chọn cách để đi và sống của riêng mình. Bài thơ Xóa là một trong những bài thơ như thế: ”Anh giơ tay bóc tờ lịch hôm qua / có một ngày rơi đi không ai còn nhớ nữa/ một ngày của một năm, của vô biên vũ trụ/ anh xóa trong lòng dấu vết thời gian” người đàn bà nhận về mình những đắng đót nhưng vẫn mở lòng: “Hãy bay đi chú ngựa nhỏ của em/ hãy bay về miền khao khát mới”. Trên thế gian này, có mấy ai giã từ mà bao dung, mà “quân tử” như thế!


Thơ Bùi Thanh Huyền như một cơn gió, như một ngọn sóng, cuốn theo, trào dâng một tiếng gọi Phụ nữ, hãy luôn là mình, hãy kiên định vun đắp, nhưng cũng dũng cảm bước đi, để lại ý nghĩa cuộc đời trong bao dung, độ lượng.


Tôi đã nghĩ về chữ Duyên trong cuộc đời. Hiểu thấu chữ Duyên con người sẽ trở nên bình tâm, sáng suốt và cao thượng trước những tổn thương mất mát đắng cay. Có lẽ Bùi Thanh Huyền đã thấu hiểu lẽ đời bằng trí tuệ của một người thông minh học rộng hiểu nhiều và đã ứng  xử với cuộc đời bằng trái tim nhân ái .


Xuyên suốt tập thơ là cái Đẹp, những hình tượng Đẹp, những ý tưởng Đẹp, cảm xúc Đẹp... Với tôi tập thơ Trái Tim Thức thực sự là tập thơ của cái Đẹp: cái Đẹp của con người, của cuộc đời, cái Đẹp của trí tuệ, của cảm xúc và của những giá trị nhân văn quyện hòa lấp lánh.


21/08/2020

Bùi Thị Biên Linh