Nôi nhớ nghiêng - Từ đời thường đến vô thường

Nôi nhớ nghiêng - Từ đời thường đến vô thường
Tôi không thực sự quen biết Diệu Liên, có chăng chỉ vài lần thoảng qua nhau tại những sự kiện do “Nhà Búp” tổ chức. Ấy vậy mà khi đọc bản thảo tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng” của Diệu Liên thì không hiểu sao lại



“NỖI NHỚ NGHIÊNG” – TỪ ĐỜI THƯỜNG ĐẾN VÔ THƯỜNG

 (Đọc “Nỗi nhớ nghiêng”, Thơ, NXB Hội Nhà văn, 2021 của Nguyễn Diệu Liên)
Thái Văn Sinh
 
Tôi không thực sự quen biết Diệu Liên, có chăng chỉ vài lần thoảng qua nhau tại những sự kiện do “Nhà Búp” tổ chức. Ấy vậy mà khi đọc bản thảo tập thơ “Nỗi nhớ nghiêng” của Diệu Liên thì không hiểu sao lại có cảm giác như gặp một người đã quen thân từ lâu. Và tôi chợt nhận ra cái quen thân ấy chính là thơ của một người học toán làm thơ. Diệu Liên là một giáo viên toán, làm thơ từ hồi còn là một học sinh chuyên toán Thái Bình.
 
Tôi đã đọc và rất yêu thơ của những người học toán làm thơ như: Xuân Hoài, Thạch Quỳ, Nguyễn Thành Tâm (Đại học Sư phạm Toán), Vương Trọng (Đại học Tổng hợp Toán)…Có lẽ câu “văn là người” thực sự ứng nghiệm ở đây.
 
“Nỗi nhớ nghiêng” gọn ghẽ 35 bài với đủ cung bậc cảm xúc, suy tư về những điều thường nhật của cuộc sống xung quanh, từ những “Thanh âm cuộc sống”, “Viết cho con”, “Về chốn cũ”, cho đến “Đôi mắt mùa thu”, “Nghe tiếng chuông Chùa Keo”, “Vô vi”…Tôi sẽ không nói về một bút lực khá thâm sâu mà chỉ nói về sự nhạy cảm, tinh tế của một nàng thơ:
 
Bất chợt một ngày
ta gặp vì sao rơi
Nằm lặng lẽ
nơi cánh đồng lúa chín
(Ngôi sao đơn lẻ)
 
Hay:
 
Hoa đã nở sao người không đến hái?
Lại mang về mấy trái sầu riêng
Thôi đành vậy! Sao sầu chung được nữa?
Mắt dẫu có buồn thì hoa vẫn cứ tỏa hương.
               (Hoa nở người không hái)
 
Ai đó từng nói “nhạy cảm quá đôi khi thành nghiệt ngã”. Nhưng thế gian này nhạy cảm như là một định mệnh của người làm thơ. Nhạy cảm chảy từ nỗi đau, nỗi cô đơn, thành thơ:
 
Em lại làm thơ sau những nỗi buồn đau
Thơ về nhau, về những điều không thể nói
Gói tin yêu xưa cho nắng chiều đốt vội
Em trở về can đảm trước hoàng hôn.
                 (Nhớ)
 
Và:
 
Ta lạc mất nhau
Lạc cả những bao la bộn bề nhung nhớ
Lạc cả những khát khao, cả niềm trăn trở
Lạc cả lời thương, lạc cả lối tim mình.
        (Đã biết rằng)
 
Thơ Liên mộc mạc, không cầu kỳ, xiếc chữ. Dường như nó vọt ra một cách tự nhiên từ một tâm hồn chân thành, chan chứa yêu thương cuộc đời mà không cần trau chuốt:
 
Bão tan rồi
ta lại về với biển em ơi!
Về với bao la biển và trời lộng gió
Về với muối trắng mặn mòi kết những hạt tin yêu.
                        (Bão tan)
 
Và:
 
Anh về nơi ấy!
Em đã xa rồi!
Chỉ còn nỗi nhớ
Vương hoài bước chân
         (Về chốn cũ)
 
Mộc mạc, chân thành nhưng lại đầy khám phá. Đây là điều làm nên sự quyến rũ của thơ Diệu Liên:
 
Nhà mới và nhà cũ
Cách nhau một cây cầu
Nghiêng hai đầu nỗi nhớ!
Chợt thấy mình đa đoan.
      (Nỗi nhớ nghiêng)
 
Hay:
 
Tháng Tư ùa về vội vã
Mùa xuân nỡ bỏ ta đi
Đất trời giao mùa lặng lẽ
Khiến hồn ta rẽ làm đôi
(Tản mạn tháng Tư)
 
Và đây nữa:
 
Người đi xa vời vợi
Đâu hay gió mùa về
Vạt cỏ héo triền đê
Vẫn lời thề con gái.
(Chông chênh heo may)
 
Sự khám phá độc đáo của Diệu Liên nhiều lúc làm ta sửng sốt:
 
Vai mẹ gầy trĩu nặng
Gánh cả trời tháng Ba
(Nhớ quê nhà Tháng Ba)
 
Hay:
 
Uống rượu không có bạn
Nâng chén mời ánh trăng
Một mình với chiếc bóng
Thành một đôi tri âm
Uống rượu không có bạn
Nghiêng chén cười với trăng
Cạn hết ly rượu tràn
Lãng mạn vào giấc ngủ
                 (Rượu và trăng)
 
Đọc những dòng này ta có cảm giác như gặp một tiên tửu, một Lý Bạch,  chứ không phải là một cô giáo Diệu Liên hiền thục, mô phạm.
 
Trong “Nỗi nhớ nghiêng”, hình như sau những trở trăn của đời thường, người thường, Diệu Liên đã biết vượt thoát lên tất cả để đi đến cõi vô thường:
 
Chuông ngân trút hết ưu phiền
Khách hành hương nhẹ bước miền phương xa     
Ta về lễ hội quê ta            
Chùa Keo mở giữa Thu và Xuân sang. 
                  (Lễ hội quê ta)
 
Hay:
 
Tiếng chuông hay tiếng hồn quê
Chợt xao xuyến, chợt gọi về cõi thiêng
Về Chùa Keo, hết ưu phiền
Trong ta gần lắm một miền quê xa.
                   (Nghe tiếng chuông Chùa Keo)
 
Và cuối cùng thực sự là Diệu Liên đã tìm được chốn ấy, nơi đó đâu xa ngái, nó ở ngay chính trong tâm hồm mình, trong thơ mình:
 
Thảnh thơi
Đón ngọn gió chiều
Ung dung
Nghe tiếng sáo diều thiết tha
An nhàn
Ngồi nhấp chén trà
Thả hồn
Theo khói
La đà
Chờ trăng
(Vô vi)
 
Chúc mừng cô giáo dạy toán, thi sĩ Diệu Liên đã ngộ ra được cõi riêng, cõi thiêng của mình./.
 
Hà Tĩnh, 20/11/2021
Thái Văn Sinh