Nơi tình yêu sống mãi

Nơi tình yêu sống mãi
Đọc bài thơ “Hoa Đã Nở Sao Người Không Đến Hái” trong tập thơ Nỗi nhớ nghiêng của Nguyễn Diệu Liên, tôi cảm nhận được: Ở nơi ấy một tình yêu trắng trong thuần khiết; Nơi tình yêu sống mãi lung linh.



NƠI TÌNH YÊU SỐNG MÃI

(Bùi Thị Biên Linh)
 
Đọc bài thơ “Hoa Đã Nở Sao Người Không Đến Hái” trong tập thơ Nỗi nhớ nghiêng của Nguyễn Diệu Liên, tôi cảm nhận được: Ở nơi ấy một tình yêu trắng trong thuần khiết; Nơi tình yêu sống mãi lung linh.
 
Bài thơ xinh xắn, câu chữ không nhiều nhưng nó đã chở được tiếng lòng của tác giả đến với muôn trái tim đồng điệu:
 
“Hoa đã nở sao người không đến hái
Lại mang về mấy trái sầu riêng
Thôi đành vậy sao sầu chung được nữa?
Mắt dẫu buồn
Hoa vẫn cứ tỏa hương.
Người không hái vì người yêu thương quá
Người sợ tan một chấm đỏ bên trời
Người đứng ngắm lặng chìm trong giông gió
Nghe góc hồn
Nhè nhẹ sắc hương... trôi“
 
Nhan đề tác phẩm cũng là câu đầu tiên trong bài như một câu thầm hỏi khẽ khàng thôi nhưng da diết băn khoăn. Hoa đã nở sao người không đến hái? Nghịch lý này không chỉ cuốn hút người đọc mà còn gợi ra cảm giác bâng khuâng ngay từ câu thơ đầu tiên. Theo lẽ thường, từ cổ chí kim, người trồng hoa bỏ bao công chăm chút. Họ ngóng trông đợi đến ngày hoa nở. Mỗi bông hoa sẽ dâng tặng cho người sắc đẹp, hương thơm. Hoa để ngắm, để hái về, trân trọng cắm trong lẵng, trong bình, làm tươi đẹp, trang trọng… cho không gian sống. Cũng có khi hoa hái về để bày tỏ niềm tôn kính và tình yêu thật đẹp của con người. Nhưng hoa nở có thì. Nếu không kịp hái, hoa sẽ tàn, sẽ tan đi hương sắc. Người không hái vì người Không muốn hái hay người Không Thể/Không Nỡ /Không Dám hái?
 
Bài thơ có hai nhân vật. Nhân vật Người hiển hiện, nhân vật Ta ẩn thân trong hình tượng của Hoa. Họ từng gắn bó với nhau cùng bao kỷ niệm. ”Hoa đã nở“ là biểu tượng cho tình yêu của Ta đã tự nguyện trao gửi cho Người. Người không Hái - nghĩa là người không đón nhận. Vì sao? Tại sao? xoáy vào lòng câu hỏi da diết băn khoăn.
 
“Hoa đã nở sao người không đến hái?
Lại mang về mấy trái Sầu Riêng
Thôi đành vậy sao Sầu Chung được nữa“
 
Vẫn là câu tự vấn lặng thầm đau đáu: Sao? Vì sao: Hoa “đã nở“ đẹp, thơm, tươi thắm thế mà “Người không đến hái?”. Ý thơ mở ra cùng những lời thơ tự sự. ”Lại mang về những trái Sầu Riêng“? Sầu Riêng là loại quả nhiều gai sắc nhọn. Mùi Sầu Riêng chín là mùi “Khó chịu “ với những ai thưởng thức chưa quen.
 
Biết làm sao được, vì người đã chọn nó rồi. Câu thơ như tiếng thở dài. ”Thôi đành vậy. Sao Sầu chung được nữa!“ Sử dụng từ “sầu Riêng “, “sầu chung” mang ý chơi chữ  bằng từ đồng âm. Sầu Riêng là tên một loài quả nhưng cũng là tên gọi của trạng thái cảm xúc buồn sầu âm thầm của con người. Khi nỗi niềm ấy được sẻ chia, được đồng cảm được cùng quan tâm san sẻ nó trở thành Sầu Chung. Nhưng Người không chia sẻ, như trước đây từng chia sẻ. Người chỉ giữ Sầu Riêng ở trong lòng trên con đường không chung bước. Thái độ ấy, cách hành xử ấy khiến cho Ta tủi hờn. Vì sao người không còn muốn chia sẻ cùng ta? Vi sao?? Có điều gì uẩn khúc mà Người không thổ lộ? Dẫu thế Ta vẫn lặng thầm thiết tha nuối tiếc và mong đợi “Mắt dẫu buồn/Hoa vẫn cứ tỏa hương”.
 
Còn tha thiết  nên Ta hoài khắc khoải đi tìm. Và Ta đã hiểu được uẩn khúc trong tâm tư sâu thẳm của Người:
 
“Người không hái vì Người yêu thương quá
Người sợ tan một chấm đỏ bên trời”
 
Nguyên do “Người không đến hái “được lý giải nhẹ nhàng, đầy xúc động. Nguyễn Diệu Liên đã tìm được tứ thơ hay. Cách thể hiện tuy không thật mới nhưng lại thật Riêng. Mượn câu chuyện về Hoa để kể về chuyện Của Người. Bài thơ kể về một  tình yêu Thuần Khiết, Nâng Niu, Tôn Thờ nhưng đầy Nuối Tiếc của một thời vụng dại. Nó chạm đến miền bâng khuâng xao xuyến của những ai đã từng giữ trong tim một thời như thế. Đọc thơ Nguyễn Diệu Liên, tôi nhớ đến những câu thơ của Phan Thị Thanh Nhàn:
 
“Ta như hai đứa trẻ nghèo
Quả non chỉ dám nâng niu ngắm nhìn
Đừng bao giờ nhé chín thêm
Sợ tan cả giấc mơ em tuyệt vời”
 
Cùng diễn tả một khoảnh khắc đời người nhưng Nguyễn Diệu Liên đã sáng tạo một hình ảnh thơ thật dịu dàng thiết tha trân trọng để diễn tả cái Thuần Khiết Nâng Niu đến độ Tôn Thờ của Tình Yêu Cao Đẹp. Vì yêu thương Hoa quá nên Người không dám hái. Người sợ “tan một chấm đỏ bên trời”. Hình ảnh “chấm đỏ bên trời” là một hình ảnh đẹp, sáng tạo của người  cầm bút. Đốm lửa đỏ nhỏ bé thôi nhưng sao ấm áp sáng  tươi và lung linh quá! Nếu không giữ gìn, đốm lửa sẽ tan đi. Câu thơ lay động! Có thể xem đây là nhãn tự của bài thơ. Câu thơ là lời lý giải rõ ràng, thi vị cho câu tự vấn đầy khắc khoải: “Hoa đã nở sao người không đến hái”. Ý thơ xua đi những băn khoăn, khắc khoải được gợi ra từ phần đầu của tác phẩm. Giá trị Nhân Văn tỏa sáng. Vì Người quá yêu nên không dám làm cho người mình yêu phải héo hon trong cuộc sống nhiều gian nan giông gió. Tình yêu thánh thiện thiêng liêng quá nên Người không nỡ để nó tan đi trong cõi Trần Thế của con người.
 
Người ta làm thơ để ngợi ca sự huyền diệu Vĩnh hằng của tình yêu cũng có, để trải lòng về những hạnh phúc khổ đau trong tình yêu nơi nhân thế, hay để ký thác những ước vọng thẳm sâu,những diết da tiếc nuối .... cũng có. Phong phú vô cùng.Tuy nhiên những bài thơ tình chạm được vào trái tim người đọc, gọi được những ngân rung đồng điệu như Hoa đã nở sao người không đến hái cũng chưa nhiều.
 
Trên thế gian này có rất nhiều tình yêu đẫm màu trần thế nhưng cũng có không ít tình yêu thánh thiện mang vẻ đẹp cao cả của sự tôn thờ. Ranh giới giữa chúng tuy mong manh nhưng có sức cản có quyền năng vô lượng vô cùng. Bước qua ranh giới ấy, tình yêu đưa con người về Trần Tục. Có thể vì nhiều lý do nó bị biến dạng hoặc tan vỡ đi trong dung tục của kiếp người. Ngừng lại thôi, nơi cái ranh giới vô hình mong manh ấy, nó giữ lại được vẹn nguyên sự cao đẹp lung linh, nó mãi là những ngọt ngào đắm say khao khát. Phải chăng Tình yêu hấp dẫn, lôi cuốn con người muôn thuở, muôn đời, nó là nguồn cảm hứng bất tận của thơ ca nói riêng, nghệ thuật nói chung cũng vì lẽ đó?
 
Tuy nhiên, đâu có nhiều những “Vĩ nhân” đủ bản lĩnh giữ được mình trước ranh giới mong manh của “Sở hữu” và “Tôn Thờ” ấy.
 
Tôi biết có câu danh ngôn rằng “Tình yêu đích thực là tình yêu biết hy sinh cho người ta yêu hạnh phúc“.
 
Tôi cũng từng nghe câu chuyện xúc động có chàng trai từng yêu tha thiết một người con gái. Họ có bao kỉ niệm đáng yêu… Nhưng anh không thể đem đến cho người mình yêu cuộc sống đủ đầy hạnh phúc. Hoặc anh không dám ngỏ lời vì sợ người ta sẽ chối từ Anh đành nén lòng lặng lẽ rời xa, mang theo trái tim dìu dịu nỗi buồn, lắng đọng niềm tiếc nuối… Còn cô, sau những hao gầy, cô đã tìm được bến đỗ bình yên. Không biết những ai đã gặp bóng dáng mình trong câu chuyện này và trong những câu thơ của Nguyễn Diệu Liên?
 
Người đứng ngắm lặng thầm trong giông gió
Nghe góc hồn
Nhè nhẹ ...sắc hương trôi “
 
Họ không chung đường nhưng tình cảm của họ là báu vật tinh khôi, nó mãi là điểm tựa tâm hồn cho Ta và Người  tìm về giữa những tháng ngày giông gió. Nó mãi là đốm đỏ bên trời ấm áp lung linh trong tâm hồn suốt những tháng năm đời người xa ngái, mênh mông.
 
Bài thơ khép lại trong nỗi buồn man mác nhưng không bi lụy. Nó đẹp và cao cả. Nó nâng tình yêu đến miền bất tử của tâm hồn. Rồi mai đây, trên hành trình đi về mỗi hướng của Ta và Người, những ký ức xưa mãi hóa thành nơi nương náu dịu êm của tâm hồn  trong những khoảnh khắc bão giông.
 
Tôi đã tìm thấy Một thời vụng dại thiêng liêng thánh thiện trong “Hoa đã nở sao người không đến hái” của Nguyễn Diệu Liên. Còn bạn?
 
 
Bùi Thị Biên Linh