Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (Phần II)

Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (Phần II)
Thơ của Trần Nguyên Đán chỉ còn 51 bài. Chúng tôi lựa chọn những bài tiêu biểu mà vị Đạo Sỹ Chân Nhân này trình bày tư tưởng của mình. Đây quả là những mặt hồ tĩnh lặng của cái tâm cao khiết rất hiếm gặp của thi gia nước nhà .Phải có một trạng thái tâm thế nào thì mới chưng cất được những vần thơ đặc biệt như vậy!

Quan tư đồ Trần Nguyên Đán (Phần II)

Nhà Búp xin gửi tới quý độc giả bài viết của tác giả Anh Vũ về một nhân vật lịch sử ấn tượng: đại thần, nho sĩ, nhà thiên văn kiêm đạo gia Trần Nguyên Đán (1325 – 1390). Trần Nguyên Đán hiệu Băng Hồ, là tôn thất nhà Trần, dòng dõi Chiêu Minh vương Trần Quang Khải. Làm quan tới Tư đồ dưới thời các vua Trần Nghệ Tông, Trần Duệ Tông và Trần Phế Đế, tước Chương Túc quốc thượng hầu. 


Thơ của Trần Nguyên Đán chỉ còn 51 bài. 

Chúng tôi lựa chọn những bài tiêu biểu mà vị Đạo Sỹ Chân Nhân này trình bày tư tưởng của mình. Đây quả là những mặt hồ  tĩnh lặng của cái tâm cao khiết rất hiếm gặp của thi gia nước nhà .

Phải có một trạng thái tâm thế nào thì mới chưng cất được những vần thơ đặc biệt như vậy! 

Thực ra, nếu phân ra một cách tương đối những bài thơ của quan Tư Đồ viết nó có ảnh hưởng qua lại của ba luồng Tam Giáo Nho Phật Lão. 

Thời trẻ ông hăng hái nhập thế. Thơ ông mang dấu ấn của những thế sự vui buồn thời triều mạt. Những lần cầm quân chiến chinh thảo phạt, những lúc ngậm ngùi khi nhìn dân tình khốn khó bởi thiên tai giặc giã; những bài thơ bằng hữu với người tâm đắc; những bài họa vần với nhà vua có khoảng cách tôn kính nhưng không khúm núm lạy quỳ...

Sau này thơ của cụ Trần hướng vào đề tài Phật Giáo. Những cảnh đẹp chùa chiền giảm dần cảm hứng. Cụ Trần thấy thời Mạt Pháp trong cảnh trang hoàng vàng ngọc lộng lẫy chốn Thích Giáo khiến ông muốn đứng ngoài. Hãy đọc bài "Bảo Nghiêm tháp"

寶嚴塔

九層倚漢築堅牢, 

萬古靈蹤佛骨韜。 

晚日光臨奎畫動, 

夜風吹起鐸聲高。 

三摩地上簪蒼玉, 

那舍城中湧白毫。 

一笑無懮粧七寶, 

龍蛇追琢役民勞。


Phiên âm: Bảo Nghiêm tháp

Cửu tằng ỷ hán trúc kiên lao, 

Vạn cổ linh tung Phật cốt thao. 

Hiểu nhật quang lâm khuê hoạch động, 

Dạ phong xúy khởi đạc thanh cao. 

Tam ma địa thượng trâm thương ngọc, 

Na xá thành trung dũng bạch hào. 

Nhất tiếu vô ưu trang thất bảo, 

Long xà đôi trác dịch dân lao.


 Dịch nghĩa: Tháp Bảo Nghiêm

Chín tầng cao vút trời, cấu trúc kiên cố, 

(Là) nơi cất giữ xương Phật, di vật thần diệu muôn đời. 

Nắng sáng soi xuống, nét sao khuê như lay động, 

Gió đêm nổi lên, tiếng chuông lắc vang cao. 

(Trông tháp như) chiếc trâm ngọc xanh cài trên cõi thanh u, 

Như ngọn bút trắng vút cao trong thành Na xá. 

Buồn cười việc đem thất bảo điểm trang chùa tháp, 

Chạm trổ, dũa mài hình rồng rắn khiến dân lao nhọc.


Dịch thơ: Tháp Bảo Nghiêm

Vững vàng kiến trúc chín tầng cao 

Cốt Phật dấu thiêng cất đựng vào 

Nắng sớm soi lên hàng chữ động 

Gió đêm thổi đến mõ vang cao 

Tam ma cắm chiếc trâm xanh ngọc 

Na xá dựng cây bút trắng mao 

Cười kẻ vô lo ham đắp vẽ 

Trạm rồng trổ rắn khổ dân sao. 

(Đỗ Đình Tuân dịch)


Ghi chú:

(1). Tháp bảo Nghiêm: chưa rõ ở đâu

(2). Chùm sao Khuê có 16 sao. Giữa các sao có đường khuất khúc như chữ viết trên tháp như chùm sao Khuê. Ánh sáng chiếu vào lay động.

(3+4). Tam ma, Na xá: đều chỉ nơi tu hành của nhà Phật. Chưa rõ xuất xứ.

(5).Cây bút trắng (bạch hào): ngày xưa dùng ngòi bút lông, ngòi bút hình tháp, vì vậy tác giả dùng hình tượng này để tả ngôi tháp. "Bạch hào" cũng còn có một nghĩa nữa: Như Lai có 80 tướng lạ. cái lông mày trắng rất dài (bạch hào) là một trong những tướng lạ đó.

(6).Thất bảo: bảy thứ quý: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, trân châu, san hô.


Tương truyền, sư Huyền Quang (1254 – 1334) xây tháp Bảo Nghiêm 9 tầng trang trí hình hoa sen tại địa điểm nay là chùa Bút Tháp, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Tháp hiện không còn.

Đây là thắng cảnh được Trương Hán Siêu chiêm ngưỡng. Nhưng hãy đọc 2 dòng cuối của cụ Trần. Cụ chẳng mặn mà với "thất bảo điểm trang trong chùa tháp" đã đành. Cụ thấy những công trình này khiến "dân lao nhọc".

Có lẽ vậy mà cuối đời, cụ Trần Nguyên Đán tìm tới Đạo. Cảm hứng thơ bàng bạc "Đạo Đức Kinh" của Lão Tử

Rõ ràng, người theo Lão chủ trương sống thanh sơ đạm bạc. Do đó, cụ Trần dị ứng với không gian đầy thất bảo của Phật giáo đương thời.

Bài “Ngẫu đề” đã giải bày chủ trương “thánh nhân bất tích” (聖人不積), thánh nhân không tích trữ cho riêng mình (Chương 81 trong Đạo Đức Kinh). Đối tượng của “bất tích” ở bài thơ  không chỉ vàng ngọc mà gồm cả tạp niệm.

 NGẪU ĐỀ

偶題

中心認得本來空, 

便佇虛空在箇中。 

天下有為皆正理, 

人間無處不春風。 

清茶好酒供佳客, 

瘦竹疏梅伴老翁。 

覽鏡自慚惟一事, 

力扶衰病作三公。


*Phiên âm: Ngẫu đề

Trung tâm nhận đắc bản lai không, 

Tiện trữ hư không tại cá trung. 

Thiên hạ hữu vi giai chính lý, 

Nhân gian vô xứ bất xuân phong, 

Thanh trà hảo tửu cung giai khách, 

Sấu trúc sơ mai bạn lão ông. 

Lãm kính tự tàm duy nhất sự, 

Lực phù suy bệnh tác Tam công.


*Dịch nghĩa: Ngẫu đề

Nhận biết tâm vốn là không, 

Bèn tích lũy hư không trong đó. 

Nếu mọi hành vi sửa trị thiên hạ đều theo lẽ chính, 

Thì cõi nhân gian chẳng nơi nào không có gió xuân. 

Chiêu đãi khách quý có trà trong rượu tốt, 

Làm bạn với ông già chỉ trúc gầy mai thưa. 

Soi gương, thấy còn một việc đáng thẹn với mình, 

(Đó là) cố nương theo suy bệnh để giữ chức Tam công.


*Dịch thơ: Ngẫu Đề

"Cái lòng nhận được vốn là không 

Cái vốn không này vẫn để trong 

Thiên hạ "hữu vi" là lẽ chính 

Nhân gian đâu chẳng có xuân phong 

Trà ngon rượu quý mời người quý

Trúc khẳng mai gầy bạn lão ông 

Ngắm bóng một điều ta vẫn thẹn 

Gượng già giữ mãi chức Tam Công". 

(Đỗ Đình Tuân dịch)

*Ghi chú:

+ Hữu vi: ý nói mọi vật đều do nhân duyên mà sinh ra

+ Tam Công: Thái Úy, Tư đồ, Tư Không. Tác giả lúc bấy giờ giữ chức Tư Đồ. Vì vậy gọi chung chức quan của mình là Tam Công. 


Trần Nguyên Đán nói mình có tích trữ, nhưng ông  tích trữ là cái Hư Không trong Tâm. 

Vâng, cần có "Hư Tâm" thì người tu luyện mới  có thể trực giác ngộ được Đạo. Đó là con đường đi tới viên mãn của Đạo Gia!

Trong "Đạo Đức Kinh" chương 48, Lão Tử đã trình bày nguyên lý này rất súc tích :

"為道日損。損之又損,至於無為"

Vi Đạo nhật tổn. Tổn chi hựu tổn, chí ư vô vi.

(Theo Đạo thì mỗi ngày mỗi bớt. Bớt lại bớt, cho đến mức Vô Vi)

Với "hư tâm", vua chúa trị dân không thiên lệch, không bóc lột, không thủ đoạn trí trá và ham thích chiến tranh. Như thời Nghiêu Thuấn, các Ngài làm theo đạo đức để dân chúng noi theo chứ không ràng buộc họ bằng lập pháp. Theo Lão Tử, sự hà khắc, câu thúc chỉ khiến dân chúng trở nên xảo quyệt, xã hội thêm rối loạn và khó quản trị.

Lão Tử muốn bậc vương giả  “Dĩ chính trị quốc” (以正治國), Lấy ngay thẳng để cai trị (Chương 57). 

Muốn vậy cần phải ngay chính. Chữ chính 正 ở đây có nghĩa ngay thẳng chất phác, là không thiên lệch quanh co.Nó được đặt tương phản với chính 政 là luật lệ, quy tắc của trường phái Pháp gia sau này. Hai chủ soái của nó là Thương Ưởng và Hàn Phi Tử đã chết như quả báo khủng khiếp, nhắc nhở sự đáng khinh của khái niệm Chính Trị mà con người ngày nay càng vin vào để say sưa quyền lực, làm lệch lạc Đạo Đức Chân Chính! 

 Lão Tử khẳng định rằng “Thiên hạ thần khí, bất khả vi dã” (天下神器,不可為也), [Thiên hạ là đồ vật thần diệu, không thể hữu vi (chương 17)].

Trong chương 78, Lão Tử cũng khẳng định: “Chính ngôn nhược phản” (正言若 反), [Lời ngay thẳng nghe như ngược đời].

Những năm cuối đời, cụ Trần sống trong động Thanh Hư. Nơi  ẩn cư đó cho thấy cụ Trần có ý di dưỡng tinh thần theo phương pháp Hoàng Lão. Cụ là môn đệ của người viết Ngũ Thiên Tự…

Anh Vũ