Thơ lục bát của Trần Huyền Tâm trong “Mây ngàn năm vẫn đợi”

Thơ lục bát của Trần Huyền Tâm trong “Mây ngàn năm vẫn đợi”
Đầu năm 2020, Trần Huyền Tâm cho ra mắt tập sách riêng thứ 4: Tập thơ “Mây ngàn năm vẫn đợi”.Tập thơ là những khúc ca dịu lành tươi sáng lấp lánh ngọn lửa trí tuệ, thanh tao với cảm hứng thiền và ấm áp yêu thương. Trong số 56 bài của tập thơ tôi đặc biệt thích thú với những bài lục bát. Bởi đó là những bài thơ mộc mạc từ hình thức thể hiện, từ thi liệu đến nội dung nhưng kết tinh trong đó những ý tưởng sâu sắc được đúc kết từ chính trải nghiệm cuộc đời.

 

Đầu năm 2020, Trần Huyền Tâm cho ra mắt tập sách riêng thứ 4: Tập thơ “Mây ngàn năm vẫn đợi”.

 

Tập thơ là những khúc ca dịu lành tươi sáng lấp lánh ngọn lửa trí tuệ, thanh tao với cảm hứng thiền và ấm áp yêu thương. Trong số 56 bài của tập thơ tôi đặc biệt thích thú với những bài lục bát. Bởi đó là những bài thơ mộc mạc từ hình thức thể hiện, từ thi liệu đến nội dung nhưng kết tinh trong đó những ý tưởng sâu sắc được đúc kết từ chính trải nghiệm cuộc đời. Những vần thơ được thôi thúc viết ra từ tình yêu cuộc sống, từ tình thương con người. Những vần thơ như mang sứ mệnh đặc biệt: giúp người đọc thêm yêu thương, hiểu và cảm ngộ thêm nhiều điều sâu sắc, để sớm quay trở về với bản nguyên gốc rễ của mình, để hướng tới cái Thiện, cái Đẹp.

 

Nếu những bài thơ viết theo thể thơ tự do của Tâm thường thuyết phục và tìm được sự đồng điệu với trái tim người đọc bằng ý tưởng sáng đẹp, nội dung mạch lạc, cảm xúc dạt dào thì thơ lục bát của Tâm lại thú vị không chỉ ở cảm xúc, ý tưởng mà ẩn ở chính hình thức thể hiện. Phần lớn các tác phẩm đều là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chất cổ điển và tính hiện đại, khép lại mỗi bài đều thấy sáng lên giá trị nhân văn.

 

Có thể nói: Trần Huyền Tâm đã khéo léo khai thác những điển tích, điển cố, những hình ảnh quen thuộc trong ca dao, biết chọn lọc những hình ảnh gần gũi thân thương trong đời sống để viết lên những vần thơ mang tư tưởng, mang hơi thở của cuộc sống hôm nay qua những liên tưởng mới, mang tầm khái quát.

 

Trần Huyền Tâm đã lý giải về việc sử dụng nhiều chất liệu văn học dân gian trong sáng tác: “Tôi muốn sử dụng ca dao, điển cổ, điển tích để nhắc nhớ mọi người về lời thệ ước ngàn năm”.

 

Tôi thích đọc những câu thơ mộc mạc như ca dao nhưng hình ảnh thơ rất mới, rất giàu sức gợi hình, gợi cảm:

 

“Chiều về buông hạt châu sa

Hình như trời rắc phù hoa thử người

Thả dây dò đáy giếng đời

Mang đêm dài vắn thử cơi đựng trầu

Thử người tãi nắng trên đầu

Ngón tay lỡ nhịp rớt sầu xuống sông”

(Thử)

 

Những câu thơ trên gợi nhớ đến câu ca dao:

 

“Tưởng nước giếng sâu anh (em) nối sợi dây dài

Ai ngờ giếng cạn anh (em) tiếc hoài sợi dây”

 

:

 

“Đàn ông nông nổi giếng khơi

Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”

 

Huyền Tâm đã chọn lọc vận dụng để đưa vào trong sáng tác của mình khá nhiều hình ảnh quen thuộc của ca dao như: “dây gầu”, “giếng”, “cơi đựng trầu”, những trái “cam” “quýt” “khế”…, để từ đó khái quát thành những nỗi đời và gửi gắm vào thơ cả tấm lòng xót xa thương cảm trước những mảnh đời, những số phận thua thiệt đắng cay:

 

“Cũng đành vít ngọn gió đông

Bẽ bàng ươm đọt trầu không bên chùa

Đèo bòng cam quýt cớ mùa

Hèn chi chanh khế chát chua tới giờ”

 

Hay:

 

“Một lần dò đáy giếng khơi

Thương đời vật vã nỗi cơi đựng trầu”

 

Trong bài: Chuyện tình cầu Ô thước”, Tâm viết:

 

“Hận rằng duyên phận long đong

Nhạt hồng… chát ổi… rám bòng… vì đâu”

 

Qua thủ pháp ẩn dụ, người đọc cảm nhận được nỗi niềm, thân phận con người trong mỗi dòng thơ:

 

“Quái chiều nhớ đọt nắng xiên

Cạn lòng… ngâu vẩy sầu lên tím trời”

 

Câu thơ: “Cạn lòng… ngâu vẩy sầu lên tím trời” là câu có hình ảnh thơ thật lạ, đầy sáng tạo. Nỗi tủi buồn những lứa đôi yêu nhau mà chẳng được cùng nhau trong điển tích xưa đã được khái quát thành nỗi đau nhân thế nên câu thơ của Tâm thêm một lần nữa trở thành tiếng lòng xót xa, thương cảm thấm đẫm giá trị nhân văn:

 

“Tiếng yêu trót lụy một thời

Xót xa nhân thế vạn đời điêu linh”

 

Những “Khúc ly tao”, “Cầu ô Thước”, “ông Giẳng ông Giăng”, “Vũ khúc nghê thường”, “Hậu Nghệ bắn rơi 9 mặt trời”… thường được nhắc đến gợi ra không gian nghệ thuật cho mỗi bài thơ đẫm màu huyền thoại, đậm chất cổ điển, từ đó mà gợi về “lời thệ ước ngàn năm”. Dẫu thế, nhà ngoại giao này luôn làm người đọc bất ngờ, thú vị khi đọc những câu thơ với những cách nhìn, cách cảm mới mẻ:

 

“Một lần vướng lúm tiền xinh

Mấy đời ngồi gỡ cái tình đa đoan”

(Nói với người xưa)

 

hay:

 

“Chiều gom bao sợi nắng ngà

Dát lên đĩa ngọc thế là thành trăng”

(Trăng thu)

 

 

Thêm một hình thức thể hiện mới lạ nữa cũng góp phần tạo nên sự hấp dẫn cho thơ lục bát của Trần Huyền Tâm: Đó là sự kết hợp giữa hình thức tổ chức ngôn ngữ trên mỗi dòng thơ vừa truyền thống vừa hiện đại. Hãy xem Tâm viết:

 

“Thang mây chắp cánh thiên di

Cổng trời đã mở, đường đi đã rành

Rộn ràng những bước nhạc xanh

Nào tôi!

Nào bạn!

Nào anh!

Ta về!”

(Trăng Thu)

 

Tính hiện đại trong lục bát của Tâm không chỉ dừng ở hình ảnh, ở hình thức thể hiện mà còn ở tư tưởng.

 

Nếu ca dao xưa:

 

“Bao giờ chạch đẻ ngọn đa

Sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình

Bao giờ rau diếp làm đình

Gỗ lim làm ghém thì mình lấy ta”

 

mang hàm ý của lời “chối từ, lời cự tuyệt” của ta với mình thì Trần Huyền Tâm lại thể hiện sự gắn bó trong một mối duyên tha thiết mãnh liệt đến mức có thể thay đổi quyền của tạo hóa tạo nên những nghịch lý phi thường:

  

“Ai đem chạch bỏ ngọn đa

Để tơ trời níu duyên ta với mình

Xanh xanh rau diếp làm đình

Gỗ lim hóa giải nợ tình nơi nhau"

 

Hoặc, nếu ca dao “Tưởng nước giếng sâu em nối sợi dây dài/ Ai ngờ giếng cạn, em tiếc hoài sợi dây” thì Trần Huyền Tâm lại nồng nàn mãnh liệt với một cách đề cập rất mới, rất thiện lành:

 

“Nước trong mà giếng thì sâu

Thương nhau ta nối dây gầu dài thêm

Để rồi quá khứ dịu êm

Không vu vơ gọi riêng tên chúng mình”

 

Trong thơ lục bát, Trần Huyền Tâm sử dụng nhiều từ láy. Tác dụng to lớn của từ láy là làm tăng sức gợi hình, gợi cảm cho diễn đạt nhờ khả năng gợi hình, gợi thanh, gợi tâm trạng… Trong bài “Tìm về giữa những lặng thinh”, cô viết:

 

“Chùng chình hong nắng gội mưa

Nhắn người xưa nhớ hẹn xưa cùng về”

 

hay:

 

“Tìm mình trong cõi mộng mê

Chênh chao đôi bóng chìm về nơi nhau”

 

Còn trong bài: “Con cò đi đón cơn mưa”:

 

“Sầm sì một khoảng trời quê

Ngàn không bỗng chốc dầm dề lời ngâu

Sầm sì mây cuộn trong nhau

Rưng rưng mí ướt bạc nhàu ngác ngơ”

 

Còn rất nhiều các từ láy như: thẫn thờ, sùng sũng, chơi vơi, phân vân, bần thần, đong đưa… xuất hiện với tần suất dày góp phần làm nên nét duyên riêng, đầy sức gợi cho thơ.

 

 

Dù đã nói khá nhiều về vẻ đẹp của tập thơ ở hình thức, cách thức biểu đạt, tôi vẫn muốn đề cập đến vẻ đẹp ở khía cạnh khác của tác phẩm. Đó là vẻ đẹp của tư tưởng – vẻ đẹp của cảm hứng thiền. Đây cũng là tư tưởng được thể hiện xuyên suốt các tác phẩm của Trần Huyền Tâm: từ “Giọt nắng vô thường” đến “Diệu khúc thời gian” hay “Tản mạn miền sương khói” và “Mây ngàn năm vẫn đợi”.

 

Đọc thơ Thiền nói chung và những bài thơ của Huyền Tâm nói riêng, người đọc sẽ thấy tâm hồn như được gột rửa, trở nên thanh sạch hơn, hướng về thiện lành, trong sáng. Trong tác phẩm “Nợ duyên”, Tâm nhắn gửi:

 

“Lặng thinh gánh nỗi phong trần

Chút thanh tao chắc tới phần nay mai

Lòng lành thiện giải trần ai

Hong mây cho trắng nét ngài cõi thiên

Để xưa trong vắt tịnh nguyên

Hồn nhiên kết lại chút duyên trả đời”.

 

Mỗi bài thơ Tâm viết không chỉ là để ký thác những cảm xúc, suy tư, mà hơn hết mỗi bài đó đều là một phương tiện để biểu đạt tư tưởng hướng Thiện, hướng về bản nguyên trong trẻo, đẹp đẽ của vũ trụ, của con người. Thơ như lời thức tỉnh: Con người hãy biết sống thiện lành, biết buông bỏ những sân si, dục vọng… để được quay về:

 

“Vũ điệu hồi thiên dìu dặt gần xa

Thân thương quá phút duyên ngày hội tụ

Nấc thang mây nối tầng tầng vũ trụ

Đón bước về nhẹ bỗng giữa ngàn xanh”

(Viết cuối đường mây)

 

Trần Huyền Tâm cho rằng:

 

“Bao năm nhạt bóng phai hình

Cao xanh giờ đã cho mình có ta

Để rồi đòn gánh nở hoa

Hạc vàng mây trắng đón ta về mình”

 



Trong bài “Nắng về Thiên quốc” những câu thơ của Tâm như bức tranh về cõi thênh thênh tươi đẹp:

 

“Hồng trần mấy nẻo phù du

Đâu hay cánh bướm Trang Chu khát về

Dáng thiền thức giữa cơn mê

Sen vàng độ những bước về tươi vui

Nhạc thiền khúc mới tinh khôi.

Đường về thiên giới ngợi ngời thang mây”

 

Lời nhắn gửi “tìm về” “quay về” luôn vang lên như khắc sâu, như nhắc nhớ lời thề nguyền hẹn ước ngàn năm:

 

“Dõi theo tám hướng tứ bề

Thiên thanh vẫn thắp lời thề năm nao”

 

Hoặc:

 

“Thênh thênh những bước sum vầy

Quảng Hàn cung lại tràn đầy ánh khuê

Người xưa quy khứ lai hề

Nắng chiều viên mãn bước về thiên thanh

Mắt huyền lại ngút trời xanh

Thiên cung chốn cũ viên thành giấc tiên”

(Tìm người nơi ấy)

 

Trong thơ mang cảm hứng thiền của Tâm hay nhắc đến từ “Người xưa”. Có người từng lầm tưởng “Người xưa” mà Huyền Tâm nói là “người yêu cũ”. Thực ra đây là từ dùng để chỉ chính ta. Ta - con người của ta xưa – con người của bản nguyên lương thiện chân thành. Nhớ “người xưa” là nhớ lại, là khao khát tìm về với bản ngã của chính mình, với bản chất chân thật, thiện lành và bao dung, yêu thương của con người.

 

Theo quan niệm của nhà Phật, trần gian là “cõi diêm phù, là bể đầy nước mắt”. Con người bị cuốn đi, phải vất vả trong cuộc mưu sinh để thỏa mãn những nhu cầu không có điểm dừng, không ngừng thay đổi của chính mình. Họ đắm chìm trong ái, ố, hỉ, nô, sân, si… tưởng chừng không lối thoát. Biết làm sao tìm được lại chính mình trong tự tại an nhiên?

 

“Tìm mình trong cõi mộng mê

Chênh chao đôi bóng tìm về nơi nhau

Thương mình khói tóc bạc nhàu

Vần thơ vỡ giữa xót đau nhân tình”.

 

 

Ánh sáng trí huệ sẽ giúp con người tìm ra lối thoát: Ấy là biết buông bỏ, biết hướng thiện. Khi ấy, con người sẽ thoát khỏi cõi mê tìm được hướng quay về.

 

“Thấy mình nhẹ bỗng nỗi đời

Thang mây tọa giữa đất trời an nhiên

Bão dông thôi rắc ưu phiền

Bước về đã rạng nắng miền thiên thai”.

(Tìm về giữa những lặng thinh)

 

Gần hai chục bài lục bát là gần hai chục khúc tâm tình thấm đẫm giá trị nhân văn, lấp lánh ánh sáng trí huệ giúp người đọc cảm nhận được bao điều sâu sắc. Đọc thơ Trần Huyền Tâm ta luôn thấy tâm hồn thanh nhẹ hướng về những lẽ sống cao đẹp sáng tươi.

 


Mây ngàn năm vẫn đợi” thêm một lần bộc lộ vẻ đẹp tâm hồn của Trần Huyền Tâm. Trong đời sống, Tâm luôn là người bạn, người chị, người em tận tụy, nhiệt tâm. Làm việc gì cũng hết lòng, chu đáo. Sống thiện lành và yêu thương. Là một nhà ngoại giao, lại thêm trọng trách của một người làm công tác quản lý, dù bận mải với bao công việc của đời thường, nhưng Trần Huyền Tâm vẫn luôn dành thời gian cho văn chương. Ngoài việc sáng tác của riêng mình Tâm luôn cần mẫn cùng người thầy văn chương của “nhóm Búp trên cành” - Nhà thơ Kim Chuông nâng niu, biên tập cho bạn bầu từng bài thơ, câu chuyện, chắp cánh cho từng tác phẩm đến được với bạn đọc xa gần.

 

Với Tâm, những tác phẩm văn chương, nghệ thuật không đơn thuần chỉ là “Bức tranh phản ánh hiện thực cuộc sống” để “Ai soi vào cũng thấy có mình trong đó”; mà nó còn mang một sứ mệnh thiêng liêng - Đó là lời nhắn nhủ, nhắc nhớ con người tìm về những giá trị sống cao đẹp, thiện lành.

 

Đọc Tâm tôi hiểu rõ hơn vì sao nhà thơ Huy Cận lại nhận xét “Cái đích đến cuối cùng của thơ là: Nâng sự sống dậy”. Có thể nói: “Mây ngàn năm vẫn đợi” là một tập thơ Đẹp. Cái đẹp tỏa ra từ nội dung và từ tư tưởng nhân văn. Đẹp bởi hình ảnh, ngôn từ và cách thức thể hiện vừa truyền thống, vừa hiện đại. Cái đẹp của Đời và của Đạo được thể hiện trong từng vần thơ, đặc biệt là phần thơ lục bát. Hê-ghen từng nói “Chỉ những tác phẩm nghệ thuật mà nội dung và hình thức đồng nhất với nhau mới là tác phẩm nghệ thuật đích thực”. Mặt khác, cái đẹp của tác phẩm chính là cái đẹp từ tình cảm, từ tấm lòng yêu thương con người của tác giả, đúng như lời một nghệ sĩ thiên tài từng nhắn nhủ: “Không có gì đẹp hơn bản thân lòng yêu quý con người”.

 

Ngày 09/01/2020

Bùi Thị Biên Linh