Về thơ bốn câu

Về thơ bốn câu
Trong các hình thức, thể loại thi ca, gặp loại thơ bốn câu, dù là lục bát hay thơ tự do, mỗi câu bốn, năm, bảy chữ... thông thường chúng ta gọi đấy là thơ “Tứ tuyệt”. Trước hết, với những bài thơ ngắn này, từ ngôn ngữ, âm điệu, ảnh hình... thi pháp của nó đòi hỏi sự dồn nén, cô đặc trong vận động ở việc chuyển nghĩa, ở cấu trúc, ở cảm xúc thăng hoa với cái bất ngờ trong triết luận, trong tâm tư ký thác của người viết được gửi gắm.


Trong các hình thức, thể loại thi ca, gặp loại thơ bốn câu, dù là lục bát hay thơ tự do, mỗi câu bốn, năm, bảy chữ... thông thường chúng ta gọi đấy là thơ “Tứ tuyệt”.


Trước hết, với những bài thơ ngắn này, từ ngôn ngữ, âm điệu, ảnh hình... thi pháp của nó đòi hỏi sự dồn nén, cô đặc trong vận động ở việc chuyển nghĩa, ở cấu trúc, ở cảm xúc thăng hoa với cái bất ngờ trong triết luận, trong tâm tư ký thác của người viết được gửi gắm.


Nghĩ về thi hào Nguyễn Du, thi sĩ Chế Lan Viên viết:


Khi ta kỷ niệm Nguyễn Du, chắc chẳng có ích gì với Nguyễn

Chẳng qua, để bạn đọc yêu thơ đỡ thấy tủi trong lòng

Nguyễn đã hóa mây bay trên bầu trời xa thẳm

Nâng đời Kiều cao gấp mấy lần ông


Rõ ràng, với khoảnh khắc của ý nghĩa được tỏa sáng, thơ bốn câu vừa chứa đựng sức mở, vừa vươn tới cái vang động của yêu cầu cần được khép lại, ở ngay trong lối mở ấy. Ở mạch đi này, chiêm nghiệm về thân phận con người đi trong cõi thế, Nhà thơ Lê Bính viết:


Trăng thành vô nghĩa, gió vô duyên

Suốt chặng đường xa anh vắng em

Trời ở trên đầu muôn sao sáng

Mỗi vị đau riêng một nỗi niềm


Cũng như các thể loại thơ khác, ở nội dung thơ bốn câu thường được người viết mở rộng ở nhiều biên độ khám phá. Thơ nghiêng về cảnh, thơ bộc lộ tâm tình, thơ gây ấn tượng mạnh ở năng lực tư duy. Có điều, tất cả là sự cô đúc ở thi pháp “chạy trên cự ly ngắn”, cần có sự bất ngờ ở phút “nước rút” làm cái đế nâng dậy toàn bộ ý thơ”.


Ví như, viết về mưa, Vân Long có những nét quan sát thật gợi:


Qua dải sân mưa tôi ngắm em

Màn mưa hòa những nét thân quen.

Tình yêu mới nở sao mà đẹp

Một thoáng nhìn nhau, mưa cũng ghen


Hoặc, thơ bốn câu của Kim Phủ Vĩnh, vẫn là cái bất ngờ của ý tưởng mở ra từ câu kết khép lại:


Mưa bay trắng xóa một màu

Hạt mưa nói hộ lòng nhau đêm dài

Tay nâng khuy cửa em cài

Đêm nay có trận mưa ngoài cơn mưa…


Có thể trích dẫn nhiều bài thơ bốn câu mà chúng ta đang gọi là thơ “tứ tuyệt” với nhiều dáng vẻ của nó. Song, ở hình thức thơ đang được gọi là thơ “tứ tuyệt” này, trong các từ điển không hề nhắc tới.


Theo nhà thơ Nam Trân và nhà nghiên cứu văn học dân gian Phạm Đức Duật thì không nên gọi là thơ tứ tuyệt. Vì, ở Trung Quốc, thơ “tứ tuyệt” là bài thơ chỉ có bốn câu và mỗi câu chỉ có bốn chữ. Còn trong thơ Đường luật từ câu thứ nhất đến câu thứ tư gọi là một tuyệt. Câu thứ năm đến câu thứ tám lại gọi là một tuyệt nữa. Như vậy, mỗi khổ thơ được gọi là một tuyệt. Còn ở tám câu, mỗi câu bẩy chữ trong thơ Đường thì từ câu thứ ba đến câu thứ sáu trong bài, bốn câu này từng cặp đối nhau, cũng được gọi là một tuyệt. Thơ Đường có tám câu, ba tuyệt.


Qua nghiên cứu, thơ bốn câu xuất hiện đầu tiên ở nước Tề, nước Lương Trung Quốc. Từ thời Đường về sau được gọi là thơ “Tuyệt cú”. Trong từ điển Hán Việt của học giả Đào Duy Anh có ghi: “Tuyệt cú” là bài thơ bốn câu, mỗi câu năm hoặc bảy chữ”. Từ điển “7 giác hiệu mã tân” của Trung Quốc cũng viết: “Tuyệt cú” là lối thơ cổ, mỗi bài có bốn câu. Mỗi câu có năm chữ gọi là ngũ tuyệt. Bài thơ có bốn câu, mỗi câu có bảy chữ gọi là thất tuyệt.


Từ Nguyên của Trung Quốc còn giải nghĩa kỹ hơn về thơ “tuyệt cú” này. Sách viết: “Tuyệt cú” là lối thơ cổ, mỗi bài có bốn câu. Mỗi câu năm chữ, hoặc sáu chữ, hoặc bảy chữ... Bốn câu làm thành một bài, hoặc dùng vần bằng, hoặc dùng vần trắc... ”.


Với thơ, cái cốt lõi là nội dung với nhiều phía sáng tạo của thi sĩ làm rung động người đọc ở ý, ở hình, ở tâm tưởng sâu xa của người viết. Còn “thơ bốn câu,” thơ “tứ tuyệt” hay thơ “tuyệt cú” chỉ là hình thức, thể loại của thi ca. Nhưng, có lẽ, chúng ta cũng cần có sự thống nhất về cách gọi những bài thơ bốn câu như thế nào là chính xác hơn?


KIM CHUÔNG




 

Nhà Búp xin giới thiệu tại đây một số bài thơ 4 câu của Nhà thơ Kim Chuông


TRIẾT LÝ CỦA CÂY

 

Bóng cây lớn chim muông tìm đến đậu

Ánh trăng qua luênh loáng triệu ánh vàng

Sau bão táp người đi ngơ ngẩn ngắm

Bóng cây đâu?

Mô đất nhỏ lại còn


CÂY XANH VÀ MẶT TRỜI

 

Mặt trời mải miết ra đi

Cái cây đứng lại thầm thì với hoa

Cái cây đứng ở  vườn nhà

Nhưng cho nắng biết đường xa bóng mình


HOA

 

Hoa không rụng xuống đất này

Thì sao cành biếc dâng đầy quả non

Hoa rơi, hoa cũng vẫn còn

Từ hoa đến quả vòng tròn tái sinh


BIỂN

 

Biển khoe sóng ầm ào cao muôn trượng

Trải mênh mang,

Biển có khác chi trời

Chợt gió lặng dấu mình vào mây biếc

Biển chết chìm gục mặt mép bờ trôi


NÉT RIÊNG

 

Hoa Hồng đỏ, hoa Huệ thơm, hoa Xương Rồng gai góc

Bao nhiêu hoa là có bấy nhiêu hình

Cúc Đại đóa không làm lay-ơn được

Tre ngút ngàn không thể hoá Trúc xinh


CÁI NHÌN

 

Đứng trước cái Chén, cái Ly này cao

Đứng trước cái Bình, cái Ly cao này lại thấp

Còn so đo, khập khiễng còn tràn ngập

Câu hỏi, LÀ MÌNH,

MÌNH có thật MÌNH không ?


NGHE


Mưa long bong rơi xuống chậu hiên nhà

Tiếng kêu ở mưa hay là ở chậu

Gió vật vã hay cây gào bên giậu

Tiếng vang nào trong ta đang nghe ?



LỬA 


Đốm lửa bập bùng sáng cả vùng đêm

Vì  Lửa sáng ? Hay vì đêm đen đấy

Cãi nhau mãi, cái nắng oà thức dậy

Lửa nhạt nhoà, này lửa,

biến về đâu ? 


BIỂN


Biển khoe sóng ầm ào cao muôn trượng

Trải mênh mang, 

Biển có khác chi trời


Chợt gió lặng dấu mình vào mây biếc

Biển chết chìm gục mặt mép bờ trôi


NÉT RIÊNG


Hoa  Hồng đỏ, hoa Huệ thơm, hoa Xương Rồng gai góc

Bao nhiêu hoa là có bấy nhiêu hình


Cúc Đại đóa không làm lay-ơn được

Tre ngút ngàn không thể hoá Trúc xinh


VIẾT VỀ MƯA

 

Mưa bay trắng xóa một màu

Hạt mưa nói hộ lòng nhau đêm dài

Tay nâng khuy cửa em cài

Đêm nay có trận mưa-ngoài-cơn-mưa !


VÀ, LẠI VIẾT VÈ MƯA

 

Hạt mưa nối đất liền trời

Nối dòng sữa ngọt tới chồi tươi xanh

Mưa bay lên thác, xuống ghềnh

Hạt mưa cũng có riêng mình bước đi


CON TẰM

 

Thả mình ra giữa sân phơi

Đem lòng uống cạn mặt trời vào trong

Tìm về dài rộng tháng năm

Ngàn tơ rút tự lòng tằm ra vương

 

CÁI TÊN

 

Khác nhau một sắc áo vàng

Và qua xay giã giần sàng, người ơi

Thóc mang tên: Hạt Gạo rồi

Diệu kỳ thay sự ra đời

- Cái Tên!


 

VÔ ĐỀ 1

 

Ly biệt nhau rồi, em về với người ta

Ta ngược đường em, ta đi tìm người khác

Chỗ cuống lá rời cây, nơi cái mất

Lại chồi lên cuống búp

- Một nụ mầm



VÔ ĐỀ 2

 

Trời bắt ta lấy cô vợ trẻ

Đừng đổ lỗi cho ta thấy gái mắt tít vào

Trời mờ mịt, bảy tỷ người đi

nhập nhòa trên đất

Không tại Trời?

Ta tán đổ: Em … Sao?


LỬA

 

Đốm lửa bập bùng sáng cả vùng đêm

Vì Lửa sáng ? Hay vì đêm đen đấy

Cãi nhau mãi, cái nắng oà thức dậy

Lửa nhạt nhoà, này lửa,

Biến di đâu?

Kim Chuông