Từ giải nhất tượng đài Trần Hưng Đạo - nghĩ về ý tưởng và không gian nghệ thuật

Từ giải nhất tượng đài Trần Hưng Đạo - nghĩ về ý tưởng và không gian nghệ thuật
Trong lịch sử lâu dài đất nước ta đã ghi bao kỳ tích. Mỗi kỳ tích đều xứng đáng ghi lại cho hậu thế một tượng đài. Nhiều tượng đài đã được dựng lên. Nhưng rất tiếc, không ít công trình chưa xứng tầm nhân vật hay sự kiện. Có công trình còn phạm những thiếu sót khó sửa chữa: vị trí đặt tượng, tỷ lệ môi trường, việc định hướng tượng, không chú ý đến sự vận hành từ đông sang tây của mặt trời, làm cho khối tượng bị nhòa vỡ ra v.v...

 


Trong lịch sử lâu dài đất nước ta đã ghi bao kỳ tích. Mỗi kỳ tích đều xứng đáng ghi lại cho hậu thế một tượng đài.

Nhiều tượng đài đã được dựng lên. Nhưng rất tiếc, không ít công trình chưa xứng tầm nhân vật hay sự kiện. Có công trình còn phạm những thiếu sót khó sửa chữa: vị trí đặt tượng, tỷ lệ môi trường, việc định hướng tượng, không chú ý đến sự vận hành từ đông sang tây của mặt trời, làm cho khối tượng bị nhòa vỡ ra v.v... "Thất bại là mẹ thành công". Các tác giả nhóm làm tượng đài Trần Hưng Đạo đặt trên núi An Phụ (Hải Hưng) bằng chất liệu đá do nhà điêu khắc Hà Trí Dũng chủ trì gồm có các nhà điêu khắc: Khúc Quốc Ân, Vũ Ngọc Thành và họa sĩ hoành tráng Hoàng Nhân đã sớm nhận biết, tiến hành khảo cứu nghiêm túc và mời một số chuyên viên giàu kinh nghiệm nghề nghiệp, như nhà điêu khắc Phạm Công Hoa, nhà phê bình mỹ thuật Khương Huân, thuộc "Trung tâm UNESCO tu bổ di tích văn hóa và làng nghề truyền thống" làm tư vấn, để tìm ra giải pháp cho hiệu quả nghệ thuật cao nhất

Công trình tượng đài Trần Hưng Đọ đặt trên núi An Phụ. Dãy núi An Phụ nằm giữa hai con sông rất đẹp: sông Kinh Thầy và sông Thái uốn khúc giữa cảnh núi non hùng tráng. Núi An Phụ có nhiều ngọn, ngọn cao nhất trên đỉnh có đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu, thân phụ của Trần Hưng Đạo. Phía trước cửa đền nhìn ra ngọn núi Yên Ngựa, cao bằng 2/3 ngọn núi cao nhất có đền thờ Trần Liễu. Đây là tỷ lệ tuyệt vời, công trình tượng đài Trần Hưng Đạo được tính toán trên cơ sở thiên tạo này. Pho tượng Trần Hưng Đạo đặt theo hướng đông nam, hơi nghiêng về phía đông. Cách xác định tỷ lệ và hướng tượng thấy rõ sự tiếp thu nét độc đáo của cột đá chùa Dạm (Hà Bắc). Hướng tượng hơi chếch một chút về mé đông là một sự sáng tạo, làm cho công trình tượng đài đồng hòa với thiên nhiên. Ánh sáng mặt trời lan tỏa hợp lý theo đường vận hành từ đông sang tây, do đó, bất kể thời điểm nào, sáng, trưa, chiều đều phát huy được hiệu quả nghệ thuật. Từ tỷ lệ môi trường so với vị trí đặt tượng, ta có một hệ số trùng hợp với "tỷ lệ vàng" truyền thống. Tượng và bệ cao 12m, trong đó tượng 9m, bệ 3m, như thế phần bệ có tỷ lệ bằng 1/3 chiều cao của tượng. Độ cao của vị trí đặt tượng so với độ cao của đền thờ An Sinh Vương Trần Liễu có tỷ lệ 2/3, còn các ngọn núi thấp có tỷ lệ từ 2/3 đến 1/3 so với núi Yên Ngựa. Tất cả điều đó đã tạo cho công trình tượng đài Trần Hưng Đạo có độ chuyển động và tạo tầm nhìn từ nhiều góc độ nhiều chiều. Sở dĩ có sự chuyển động hợp lý của khối tượng ở đường bộ, đường sông, đường núi là do khối tượng được đặt đúng vị trí, xác định tỷ lệ môi trường hợp lý, hướng tượng phù hợp với độ chiếu sáng của mặt trời và góc nhìn luôn chuyển động của du khách.

Từ ý tưởng và cách xử lý không gian có tính toán tới những tương quan của khối điêu khắc ở các đỉnh núi kề bên. Với những tên tuổi lẫy lừng khác của cuộc kháng chiến chống Nguyên Mông: Trần Quang Khải, Trần Quốc Toản, Trần Khánh Dư, Yết Kiêu, Dã Tượng v.v... đều có tác dụng tôn tạo hiệu quả nghệ thuật đối với tượng đài Trần Hưng Đạo và tất cả trở thành một quần thể nghệ thuật mang tính hoành tráng rõ rệt.

Ngoài công trình tượng đài Trần Hưng Đạo và các nhóm tượng khác, các tác giả còn chú ý nhất rất nhiều đến mảng phù điêu. Những bức phù điêu cũng được đặt trong không gian hợp lý, làm rõ nội dung những chiến công hiển hách, đặc biệt là các trận thủy chiến. Công trình tượng đài và các mảng phù điêu được nghiên cứu kỹ từ những tinh hoa nghệ thuật thời Trần, gợi nhớ tinh thần quyết chiến quyết thắng của quân dân nhà Trần. Các tác giả không bỏ qua những khối điêu khắc đơn giản mà khỏe, các mô-típ trang trí rồng yên ngựa hay sóng nước trên các cánh cửa, bệ đá, trán bia thời Trần. Đây là một việc công phu "ôn cố tri tân", để rồi nâng cao hơn những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống cho phù hợp với cách nhìn thời mở cửa.

Các tác giả nhóm tượng đài Trần Hưng Đạo đã có được nhiều ý tưởng trong việc xử lý không gian nghệ thuật tại dãy núi An Phụ. Việc tính toán kỹ, lại biết tranh thủ ý kiến tư vấn của các nhà chuyên môn, bước đầu đã đạt được những thành công nhất định. Nhóm tác giả tượng đài Trần Hưng Đạo đã được hội đồng chấm thi tuyển chọn và trao giải nhất. Chúng ta có quyền hy vọng rất nhiều ở các tác giả sẽ tạo dựng một công trình tượng đài tương xứng với tầm vóc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và chiến công oanh liệt của quân dân đời Trần. 


THIỆN TÂM