Gửi lại nhé

Gửi lại nhé
Gửi lại nhé, giảng đường xanh mơ ước Tiếng đời vang náo nức qua phòng Đường đi học bước chân dài khát vọng Nghe bác tài gắt gỏng lúc nhờ xe

GỬI LẠI NHÉ


                                       



(Gửi các bạn sinh viên Ký túc xá Mễ Trì khóa sau)

Gửi lại nhé, giảng đường xanh mơ ước

Tiếng đời vang náo nức qua phòng

Đường đi học bước chân dài khát vọng

Nghe bác tài gắt gỏng lúc nhờ xe (1)

 

Gửi lại nhé, tháng ngày vui vẻ

Ký túc rung điệu nhảy ngang tàng

Ban công trắng, xếp hàng dàn nhạc trẻ (2)

Sân Mễ Trì, những mùa bóng say mê

 

Gửi lại nhé, những vé cơm sắp tới

Khi người đông đứng đợi cuối hàng dài

Và những lần chung mâm cùng bạn gái

Bụng đói meo mà vẫn để cơm thừa (3)

 

Gửi lại nhé, tình yêu, ngọn lửa

Tim đập dồn, lúc gõ cửa làm quen

Sau những mộng mơ ngọt ngào tình ái

Là thư về “Con nhớ, gửi tiền thêm!” (4)

 

Gửi lại nhé, vườn hoa Thư viện

Ghế đá mòn, nhớ bao cuộc tình duyên

Và bằng lăng tím những chiều kỷ niệm

Bãi cỏ mềm, ồn ã chuyện hàn huyên (5)

 

Gửi lại nhé, mái trường ơi thương mến

Giảng đường ươm khát vọng tuổi sinh viên

Ký túc đơn sơ chứa đầy kỷ niệm

Một quãng gửi lại nhé, đừng quên.

 

Mễ Trì 12/4/1987

THÁI VĂN SINH

-------

 

Chú thích

(1) Những năm 80 thế kỷ trước, sinh viên Đại học Tổng hợp Hà Nội ở Ký túc xá Mễ Trì phải lên giảng đường ở Thượng Đình để học. Thời bấy giờ rất nghèo, chỉ vài người có xe đạp, còn lại  phải đi bộ hoặc xin đi nhờ xe buýt, tàu điện nên bị tài xế  mắng.

(2) Buổi chiều tối thường có các nhóm đánh đàn ghi ta gõ xoong, nồi, ống bơ hát rộn ràng.

(3) Bấy giờ sinh viên ăn tập thể bằng vé cơm, góp đủ 6 vé một mâm và phải xếp hàng để nhận. Tôi có biệt tài sửa vé mà Viện trưởng Viện Ngôn ngữ - GSTS. Nguyễn Văn Hiệp, (K27 Văn)  từng kể trên facebook (vé cơm vì lý do gì đó không ăn nhưng bị quá ngày, quá buổi nên phải sửa lại ngày, buổi để ăn chứ không phải là vé giả ). Mỗi khi có khách đến chơi là tôi lại được bạn bè nhờ sửa vé để mời khách ăn cơm.  Trước mỗi giờ cơm là nhà ăn đánh kẻng báo đến giờ cơm. Thời ấy đói đến mức: “Nghe tiếng kẻng lăn vào trong giấc ngủ/ Cơn đói dài theo dọc tuổi sinh viên”. Đói nhưng khi chung mâm với các bạn gái thường sĩ diện, ăn nhỏ nhẻ để cơm thừa cho lịch sự?!!.

(4) Ngày ấy các phương tiện liên lạc chủ yếu là thư. Sinh viên thường viết thư rất mùi mẫm để xin tiền bố mẹ ở dòng tái bút (như chợt nhớ, như không chủ đích nhưng kỳ thực tất cả mục đích của lá thư thường nằm mục này). Thế nên ngày xưa mới có câu: “Con tái bút – Bố mẹ tái mặt”

(5) Trước Thư viên tại Ký túc xá Mễ Trì có một vườn hoa nhỏ trồng rất nhiều bằng lăng. Vườn hoa có ghế đá và bãi cỏ dành cho các đôi trai gái và các nhóm bạn bè tâm sự.