Ba lần đọc Hoàng Tử Bé

Ba lần đọc Hoàng Tử Bé
Đó là một tác phẩm văn học lạ kỳ và trong trẻo của ngài quý tộc Pháp họ Đờ, Antoine de Saint-Exupéry. Tôi đọc nó lần đầu khi chưa đầy chục tuổi, không còn nhớ bản dịch của ai. Chỉ còn nguyên những cảm giác say mê và cuốn hút, trong cả những giấc mơ của nó.

Đó là một tác phẩm văn học lạ kỳ và trong trẻo của ngài quý tộc Pháp họ Đờ, Antoine de Saint-Exupéry. Tôi đọc nó lần đầu khi chưa đầy chục tuổi, không còn nhớ bản dịch của ai. Chỉ còn nguyên những cảm giác say mê và cuốn hút, trong cả những giấc mơ của nó. Cùng với tác phẩm “Những cuộc phiêu lưu kì lạ của Karik và Valia”, tác phẩm của nhà văn Nga Yan Leopoldovich. Hai cuốn sách đã kích thích trí tưởng tượng, sự ham mê khám phá… của tôi, đã định hình khát vọng trí tuệ của đời tôi. Đến cuốn thứ ba là “Không Gia Đình” của Hector Malot, tôi lại hầu như sống cùng với cậu bé Rê Mi, má Bác Bơ Ranh, cụ Vitali, con chó Capi và con khỉ Giô li cơ… trong suốt một mùa hè làm tôi quên ăn quên ngủ, không ít đoạn khiến nước mắt tôi giàn dụa.

Ba cuốn sách ấy đã đến trước với tôi, sau đó mới tới những Tây Du Ký, Thủy Hử, Tam Quốc Diễn Nghĩa… Tất nhiên không thể thiếu những Robinson Cruso, Người Cá… Thứ tự này tưởng như tình cờ, nhưng mãi sau này tôi mới biết, rằng cái cơ duyên ấy đối với tôi là không thể xem thường. Nếu cái "mục lục” ấy nó diễn ra ngược lại, thì biết đâu suốt đời, tôi sẽ không mơ ước khám phá chuyện thần tiên, mà rất có khả năng sẽ trở thành yêu quái, hoặc theo đuổi nghề kiếm cung… thì anh hùng đâu chưa thấy, có khi thành lục lâm thảo khấu chưa biết chừng…

Không có những hấp dẫn nghẹt thở, những mê ly thần tiên, những hồi hộp yêu quái như Tây Du. Không có những anh hùng, thảo khấu như Thủy Hử, cũng không hút hồn bởi kiếm cung, thán phục bởi mưu mẹo như Tam Quốc… Nhưng đối với tuổi thơ của tôi, thì “Không Gia Đình” là cuộc đời, của những yêu thương và khốn khổ; “Hoàng Tử Bé” là vũ trụ, của những kì ảo và bất ngờ; “Những cuộc Phiêu lưu của Karik và Valia” là thế giới, của tò mò và khám phá... Ba cuốn sách tuy khác hẳn nhau, nhưng có sự trùng hợp một cách kì lạ. “Karik và Valia” là những cuộc phiêu lưu,  “Hoàng Tử Bé” là những cuộc phiêu lưu, và “Không Gia Đình” cũng là những cuộc phiêu lưu. Tuổi thơ ai cũng gồm “Những cuộc Phiêu lưu…” là như vậy.

Nhưng “Những cuộc Phiêu lưu…” của tuổi thơ tôi đã chấm dứt khi tuổi đã không còn thơ nữa. Lần thứ hai tôi đọc Hoàng Tử Bé, cách đây hơn chục năm, lần này thì còn nhớ tên dịch giả, đó là “Trung niên thi sĩ” Bùi Giáng. Bản dịch lãng mạn như cổ tích, đùa bỡn như phóng tác, trọn trong cái bóng của Bùi Giáng, đến nỗi tưởng nhầm ngài quý tộc họ Đờ kia chính là… “Trung niên thi sĩ” họ Bùi, hay họ Bùi là hậu thân (kiếp sau) của ngài quý tộc họ Đờ? Không thể biết được. Thế nhưng tôi đã không còn cái hứng thú giống như khi đọc lần đầu nữa, chỉ vì tôi đã trở thành… người lớn, y như những người lớn, dẫu từng nhìn thấy con trăn nuốt chửng con voi, song lại không nhìn thấy con voi nằm trong bụng con trăn trên bức tranh của cậu bé 6 tuổi, nhân vật “tôi” ở trong truyện, mà chỉ nhìn thấy đó là một… chiếc mũ. Cậu bé 6 tuổi ấy đã cố gắng lần nữa, vẽ phía trong bụng con trăn, để lộ con voi ra, nhưng những người lớn cũng vẫn không hiểu, một chủ đề rất đơn giản: một con trăn đang tiêu hóa con voi. Người lớn thấy đó là một chiếc mũ, nhưng về sau, cũng bức tranh số một ấy, Hoàng Tử Bé đã nhìn thấy ngay con voi, dẫu nó nằm trong bụng con trăn. Chi tiết thú vị này là khởi nguồn cảm hứng và sáng tạo ra chủ đề tư tưởng của ngài quý tộc họ Đờ...

Trung niên thi sĩ Bùi Giáng đã nuốt chửng tác phẩm, nuốt chửng cả ngài quý tộc họ Đờ, và “tiêu hóa”, y như con trăn đã nuốt con voi, khiến những người lớn như tôi sẽ không còn hứng thú trước cuộc “tiêu hóa” rất… Bùi Giáng ấy, cũng như ở đoạn sau, hình vẽ chiếc thùng sẽ không còn hồn vía gì nữa, nếu không tin rằng trong chiếc thùng ấy có một… con cừu. Ngoài Bùi Giáng, còn hàng chục dịch giả khác đã dịch “Hoàng Tử Bé” sang tiếng Việt, tưởng thế là đủ cho các thế hệ trẻ thơ nối tiếp nhau của người Việt lắm rồi.

Vậy mà có người, vừa mới đây thôi, vẫn tiếp tục dịch “Hoàng Tử Bé”. Người đó là tiến sĩ Bùi Đại Dũng. Đây là bản dịch tôi đọc lần thứ ba, đã rất “người lớn” rồi, mà vẫn tiếp tục… bất ngờ. Nhưng bất ngờ lần này không giống cái bất ngờ của trí tưởng tượng trong lần đọc đầu tiên, cũng không giống cái bất ngờ mất hứng của lần đọc thứ hai, mà là một bất ngờ trước sự Thực chứng của trí tuệ.

Ở bản dịch này, tôi gặp lại đúng người bạn của Hoàng Tử Bé trong vũ trụ của họ (nhân vật “tôi” trong tác phẩm), tức là ngài quý tộc họ Đờ, chứ không phải “Trung niên thi sĩ” họ Bùi. Không có bóng dáng cái “tôi” của dịch giả trong câu chuyện. Đó là một bản dịch trong suốt, giống như những chiếc gương, soi cùng một hình ảnh, chứ không phải những họa sĩ vẽ cùng một hình ảnh. Vũ trụ bao la trong Hoàng Tử Bé mới gọn ghẽ, xinh xắn và nhiệm màu làm sao, tựa như một cây bưởi trĩu quả, mỗi quả bưởi là một hành tinh… Hoàng Tử Bé đã “phiêu lưu” trong sáu hành tinh như thế, tới Trái Đất là hành tinh thứ bảy.

Những người lớn không thấy những gì mà trẻ con nhìn thấy. Cũng tức là khi cái tâm đã nhuốm màu tục lụy… thì sẽ khác với cái tâm lúc vẫn còn thanh tịnh. Đây là chủ đề xuyên suốt của tác phẩm, là nguyên tắc tiếp cận với những điều mà tác giả kể ra. Trong cuộc phiêu lưu của Hoàng Tử Bé, thì mỗi hành tinh là một nhân vật, bắt đầu là một ông vua, thứ đến một kẻ khoác lác, rồi đến tay bợm nhậu, doanh nhân, người thắp đèn, nhà địa lý… Những “nhân vật” này hiện ra một cách hết sức hồn nhiên với trẻ con, y như con chuồn chuồn khổng lồ, con gọng vó, niềng niễng, con châu chấu, con rệp… mà Karik và Valia đã gặp trong “Cuộc phiêu lưu kì lạ” của chúng. Song lại có vẻ kỳ dị, thậm chí nhảm nhí đối với những người lớn, đó là cảm giác của hai lần đọc trước kia của tôi.

Nhưng ở bản dịch này, tức là lần thứ ba tôi đọc, dù không còn trong veo như trẻ con, thì tuyệt cũng không còn thấy cảm giác nhảm nhí như ở lần đọc thứ hai. Dẫu không còn thấy sự hiện ra hồn nhiên của nhân vật, song sự sinh động và nhiệm màu lại vụt hiện ra. Đó là kinh nghiệm của Thực chứng. Không có điều gì là không thể, tức là trong cái Không, hiện ra muôn vàn cái Có. Một đôi mắt tuy đã nhuốm màu tục lụy, nhưng khả năng Thực chứng thì vẫn còn trong veo, y như cái thuở ban đầu. Khiến tôi nhìn rõ cuộc phiêu lưu của Hoàng Tử Bé từ hành tinh này sang hành tinh khác, gặp gỡ các nhân vật tượng trưng, kì dị… cũng tức là Thiện Tài Đồng tử đi khắp pháp giới, gặp gỡ những quái nhân, dị kiệt… tất thảy đều là những “thiện trí thức”, giúp cho ta trở về với khả năng Thực chứng của mình. Hoàng Tử Bé cũng thế, Thiện Tài Đồng tử cũng thế, Karik và Valia cũng thế, mà mỗi chúng ta cũng thế. Chúng ta cũng “phiêu lưu”, cũng gặp vô vàn “thiện trí thức”, từ những vật vô tri như ngọn núi lửa đang cháy và đã tắt, bông hoa hồng có gai… đến những “hữu tình” như ông vua, gã khoác lác, tay bợm nhậu… cả những con chuồn chuồn, gọng vó… tất thảy đều là những “thiện trí thức” trên con đường Thực chứng của trí tuệ. Vũ trụ thật là kì diệu, nhiệm màu, y như trong lần đọc thứ nhất, song phải đến lần đọc thứ ba, tôi mới nhận ra.

Chu du tới Trái Đất, Hoàng Tử Bé trước khi làm bạn với con người, với ngài quý tộc họ Đờ, thì cũng gặp những “thiện trí thức” như thế. Đó là con rắn, con cáo… Chúng đã “dạy” cho Hoàng Tử Bé hiểu rằng, cát sa mạc sẽ có ánh sáng huyền bí, nếu biết rằng ở đâu đó bên dưới có nước. Ngôi nhà cổ sẽ trở nên huyền ảo, nếu biết rằng có ở đâu đó chôn giấu kho báu… Khiến Hoàng Tử Bé đã phải ghi nhớ: “điều cốt yếu thì không thể nhìn thấy bằng mắt”…

Giới thiệu một bản dịch trong trẻo và kỳ thú đến như thế này, có lẽ tôi còn muốn nói nhiều nữa. Song điều đó rất có thể sẽ khiến bạn đọc cụt hứng. Cổ giả (người xưa) nói: “thuật nhi bất tác”, nói mà không bịa ra điều gì cả. Dịch giả nói: “dịch nhi bất tư”, dịch mà không nghĩ gì cả. Độc giả nói: “độc nhi bất tận”, đọc mà không bao giờ cùng. Đó là kinh nghiệm của Thực chứng. Thế mới là nói, thế mới là dịch, và thế mới là đọc vậy.


Phạm Lưu Vũ