Cha

Cha
Ngày của cha, mà chưa có một bài thơ nào viết về cha, cũng thấy phần nào áy náy. Viết cho mình, cho người thì nhanh thế mà cho cha mình thì cứ ngắc ngứ... chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Lạ vậy!



CHA... 


Ngày của cha, mà chưa có một bài thơ nào viết về cha, cũng thấy phần nào áy náy. Viết cho mình, cho người thì nhanh thế mà cho cha mình thì cứ ngắc ngứ... chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Lạ vậy! 


Cuộc đời của cha vừa bình lặng, vừa vẻ vang, cuộc đời của một cựu binh già vừa tài hoa, vừa thua thiệt ! Tuổi trẻ, cha học tập tại một học viện nông lâm của Trung Quốc. Rồi cha tham gia đoàn chuyên gia giúp Lào, lăn lộn ở chiến trường nước bạn với tỷ lệ thương tật 19  phần trăm, vết thương nơi hông, giờ cứ giở giời là đau nhức.


Xong nhiệm vụ Quốc tế vẻ vang, cha về công tác trong ngành Dâu tằm tơ tại Thái Bình. Khi đó người ta bảo cha là ở đây cán bộ, kỹ sư đã sắp xếp đủ rồi. Thế là để có điều kiện gần gia đình, từ một chuyên gia có trình độ, cha trở thành một công nhân đi cày ruộng để trồng dâu, suốt những năm bao cấp nhọc nhằn. 


Ngoài giờ làm việc, cha cùng mẹ nuôi gà, nuôi thỏ, nuôi lợn nái, nuôi bò.Chúng sinh sôi nảy nở đàn đàn lũ lũ như một trang trại nhỏ. Điều ấy đã làm ngứa mắt vài ba người nào đó.Ông trại trưởng và bà chủ tịch công đoàn đã nhiều lần phê phán gay gắt cha mẹ giữa cuộc họp sự chăm chỉ của cha mẹ là tư hữu cá nhân. 


Và rồi vào một đêm khuya chuồng lợn, chuồng bò nhà mình bị cháy. Xót xa làm sao khi những con lợn nái đến ngày sắp đẻ bị cháy đen thui. Còn đàn gà bị dính thuốc sâu  giãy đành đạch hàng loạt rồi chết. Những luống đỗ cha mẹ trồng đang mơn mởn giữa các luống dâu cũng bị những bàn chân tàn nhẫn dẫm ngang cho gãy gục. Những vạt dong riềng đang xanh tốt, bị những nhát dao oan nghiệt phạt ngang thân, nhựa ứa lên như máu trắng, nhìn mà cay đắng, xót xa. Rồi nhà kính, nơi nuôi tằm bị người trong cơ quan gỡ trộm kính đi bán, nhưng một bà kĩ sư quá lứa nhỡ thì, đang quan hệ với người đã có vợ con cứ đổ cho cha gỡ đem đi bán. Trớ trêu hơn bà ấy còn bảo chính con gái cha, đã nói thế. Đứa con gái của cha, là con lúc ấy mới 12 tuổi đã bị người ta lôi vào cuộc tố cáo cha mình. 


 Giữa lúc cha mẹ chuẩn bị mua nhà riêng để ổn định cuộc sống thì bất ngờ có quyết định chuyển công tác đến đơn vị khác. Nhưng những người chuyển cha mẹ đi một cách bất thường chưa tính hết đường hại cha, lại chuyển cha mẹ đến một trại dâu gần thị xã, bây giờ là thành phố nên cha mẹ  đã mua được nhà nơi đô thị để chúng con có điều kiện học tập tốt hơn nơi cũ rất nhiều. 


 Thực ra thì những người làm khó, làm khổ cha mẹ, đốt phá chuồng trại nhà mình năm ấy đều có kết cục buồn. Bà chủ tịch công đoàn, đồng hương với mẹ, không chồng không con mất  ở tuổi 58 vì bệnh nặng. Ông trại trưởng mất vì tai nạn giao thông. Bà kĩ sư giờ mất trí nhớ, không con cái, nhớ nhớ quên quên ,sống lay lắt trong một trại dưỡng lão. Con không muốn tin đó có phải là nhân quả không nhưng xét đến cùng cuộc đời họ cũng là những bi kịch. Bây giờ con chỉ thấy họ đáng thương hơn đáng giận. Ôi, nếp nghĩ của một thời bao cấp gian lao!  


Đời thường, cha chỉ giỏi làm không giỏi nói, không luồn cúi. Vì thế, danh hiệu liên quan đến tiền bạc và danh dự lúc bấy giờ người ta không bình bầu cho cha mẹ vì cha mẹ đã sống và làm khác với họ. 


Nhưng sự tài hoa âm thầm đã giúp cha trở thành nghệ nhân cây cảnh. Những vần thơ cha viết đã được in trên nhiều báo và những tập sách in chung. Bấy nhiêu thôi cũng đủ cho chúng con rất đỗi tự hào về cha của mình rồi. 


Tuổi gần 80 cha ít bệnh tật, trồng cây và làm thơ, vui cùng bầy cháu nội ngoại, giờ lên chức cụ, lại  được mẹ chăm sóc hằng ngày. Thế là bình yên cha nhỉ. Thôi, cha cứ trồng cây, chăm hoa cho con được chụp ảnh từ vườn của cha mỗi ngày. 


Phạm Hồng Oanh