Bức tượng gỗ “Em bé chăm chú”

Bức tượng gỗ “Em bé chăm chú”
Bức tượng này gắn với kỷ niệm về cây táo ở góc sân Hội Văn nghệ Thái Bình một thuở. Ban đầu, năm 1970 Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình được thành lập nhưng vẫn ở chung bên Ty Văn hoá. Đến năm 1975 thì Hội có cơ ngơi mới ở sau Ty Giáo dục. Dọn về cơ quan mới, các bác, các anh cải tạo lại nhà ở kiêm phòng làm việc, sửa sang hội trường, nhà bếp nhà ăn… làm sân vườn cổng ngõ. Mỗi người đều góp sức mình làm cho trụ sở Hội khang trang hơn.
Bức tượng này gắn với kỷ niệm về cây táo ở góc sân Hội Văn nghệ Thái Bình một thuở. Ban đầu, năm 1970 Hội Văn học - Nghệ thuật Thái Bình được thành lập nhưng vẫn ở chung bên Ty Văn hoá. Đến năm 1975 thì Hội có cơ ngơi mới ở sau Ty Giáo dục. Dọn về cơ quan mới, các bác, các anh cải tạo lại nhà ở kiêm phòng làm việc, sửa sang hội trường, nhà bếp nhà ăn… làm sân vườn cổng ngõ. Mỗi người đều góp sức mình làm cho trụ sở Hội khang trang hơn.
 
Có sân, có vườn rồi, người thì trồng liễu cho cảnh quan trông thơ mộng, anh Lê Bính kiếm được cây vối trồng ngay mé cổng cơ quan, ở góc sân không nhớ ai đó đã trồng một cây táo …
 
Đất mới, dân văn nghệ cũng từng làm vườn làm ruộng mà ra, nên mát tay, trồng cây gì cây nấy xanh tốt lớn mau, rồi cây vối cây táo cũng sớm bói, sai hoa nhiều quả. Khi những chùm quả vối chín đỏ là lúc chim Chào mào kéo đến vừa ăn vừa gọi mời nhau líu lo, ríu rít râm ran cổng hội. Cây táo kết trái sai rúc rích, những quả táo cứ lớn dần, không chỉ chào mời đám chim muông mà lại vô cùng hấp dẫn đám con trẻ bên ngoài cơ quan đến nhòm ngó. Thừa cơ lúc các văn nghệ sĩ nhà ta đang mải mê (trà thuốc) sáng tạo nghệ thuật trong buồng làm việc là bọn trẻ xúm vào, vừa vặt, vừa ăn, vừa nhét túi quần rồi rầm rập chạy, biến! Chúng ồn như chợ vỡ làm lay động chốn "lâu đài văn chương" yên tĩnh của các bác văn nghệ văn ngừng! 
 
… Rồi cũng qua mùa táo không kịp rụng quả vì lũ trẻ vặt trộm, là đến lúc Hội mở các lớp bồi dưỡng sáng tác văn thơ hội họa cho những học sinh có năng khiếu viết lách, vẽ vời, tuyển chọn từ các trường phổ thông trong tỉnh về học vào mỗi dịp hè sang. Sau mỗi khóa, các "tiểu tác phẩm" của học sinh lớp viết, lớp vẽ được Hội tuyển chọn in thành tập văn thơ mang tên "Búp trên cành", và các tác giả nhí đương nhiên gọi nhau nghe rất văn vẻ, thân thương, là các "Búp”. Búp Nhớn, Búp Nhỡ, Búp Nhỏ…. theo các lớp trước, sau. Ngoài dấu ấn bài vở của các Búp được in trong những trang “Búp trên cành”, nhiều Búp còn lưu bút của mình cùng các bạn văn thơ lên thân cây táo trong sân Hội bằng cách lấy mảnh chai, cặp tóc khắc vạch tên mình lên vỏ cây, để rồi hè tới đã thấy tên mình được ăn da non thành sẹo! 
 
Nhưng các bác trong Hội thì chịu hết nổi cái đám vặt trộm táo cứ quấy quả, thế là một quyết định của lãnh đạo Hội được đưa ra nhằm triệt nguồn cung táo bằng cách tận diệt chặt tận gốc cây táo!
 
… Ôi những "thư pháp" thành sẹo cây của các Búp nay còn đâu, thật tiếc thay!
 
Những vết sẹo “thư pháp" lưu bút của các Búp cũng theo phận cây táo mà ngã xuống!


Có bác thợ mộc được mời đến cưa cây. Mình thì vừa trải qua chuyến đi Tây Nguyên về, trong đầu còn ám ảnh những tượng khắc gỗ của người Thượng. Thế là mình xin cái gốc cây táo, mong làm được một cái gì đó theo phong cách tượng kia.
 
Có cái gốc táo trong tay, xoay ngang xoay dọc, đặt xuôi dựng ngược, ngắm ngắm, nghía nghía và rồi với 7 mạch cưa và vài nhát đục gợi nét mặt, bàn tay, thì tượng "Em bé chăm chú " này khai thân. Sau đó nó được trưng bày qua triển lãm này đến triển lãm khác, từ Mỹ thuật Địa phương đến Mỹ thuật Toàn quốc. Mới rồi, hồi đầu năm có đồng nghiệp mời bày bán, nhưng vì tượng làm vào dịp cậu con cả của mình chào đời, nên như một kỷ niệm, mình không nỡ bán.
 
Trước khi làm tượng, mình đã phải bóc lớp vỏ cây có nhiều sẹo chữ mà bỗng thấy tiếc cho các Búp lắm. Đến giờ nghĩ lại vẫn còn thương.
 
Cây táo ở góc sân Hội ngày xưa không còn, nhưng vẫn còn đó một cái tượng từ gốc của nó, và còn mãi những kỷ niệm với các Búp một thời trẻ trung đẹp đẽ. 
 
Các Búp ngày ấy nay đã đang ở khắp các chân trời, sang cả trời Tây. Nhiều Búp đã thành nhà nọ nhà kia: nhà giáo, nhà báo, nhà đài, nhà văn, nhà thơ, doanh nhân, luật sư, giáo sư, tiến sĩ… nhưng trong tâm khảm mỗi người, bao giờ và mãi mãi vẫn là các Búp thân thương!
 
Hà Nội, tháng 8 năm 2015
Họa sĩ - Điêu khắc Hà Trí Dũng