Mẹ chồng tôi

Mẹ chồng tôi
Tám mươi năm trước, ở một miền quê ven sông trà, có hai bông “hoa chanh” cùng một cuống, giống nhau như hai giọt nước, tỏa hương sắc trong vườn nhà một phú nông giàu có mà người mẹ là cô gái họ Đào – một dòng họ có những người phụ nữ nổi tiếng thông minh, giỏi giang và phát đường “quan lộ” trong vùng.

Tám mươi năm trước, ở một miền quê ven sông trà, có hai bông “hoa chanh” cùng một cuống, giống nhau như hai giọt nước, tỏa hương sắc trong vườn nhà một phú nông giàu có mà người mẹ là cô gái họ Đào – một dòng họ có những người phụ nữ nổi tiếng thông minh, giỏi giang và phát đường  “quan lộ” trong vùng. Hai cô thôn nữ nức tiếng làng trên xóm dưới bởi da trắng, tóc dài, môi cắn chỉ, thắt đáy lưng ong - chuẩn theo vẻ đẹp của phụ nữ truyền thống bấy giờ - lại hay lam hay làm, khiến bao chàng trai mê mẩn, nhưng chỉ dám đứng nhìn từ xa vì chiếc “mâm son” kia quá xa vời với họ.

Khi hai bông “hoa chanh” tới tuần cập kê, cụ đồ nho hay chữ nổi tiếng cùng làng đã “chấm” cô chị cho cậu con trai thứ ba theo nghiệp văn gia của mình (khi đó mới 13 tuổi, kém Tân nương 3 tuổi). Cô chị ấy là Mẹ Chồng Tôi - bà Quang, gọi theo tên chồng. Chỉ một năm sau, cô em  được gả cho một chàng trai con nhà khá giả trong làng - cũng kém nàng hai tuổi, đó là em gái sinh đôi của Mẹ - bà Ru.

Cuộc đời làm dâu của mẹ tôi thực sự là gánh vác việc nhà chồng. Cuộc sống bên nhà cụ đồ nho nhân đức tuy không sung sướng như ở nhà mẹ đẻ giầu có nhưng khá yên bình. Rồi những tai họa liên tiếp xảy ra trong những năm kháng chiến chống Pháp. Bố chồng mất sớm vì bệnh trọng, chỉ một năm sau (năm 1950), mẹ chồng và một người em gái chồng cùng bốn người nhà đã chết vì một quả đạn pháo của Pháp khi đang quây quần quanh nồi chuối luộc thay cho bữa cơm chiều. Mẹ chồng tôi đã thoát chết vì hôm ấy sang nhà ngoại. Sau đại nạn ấy, cả đại gia đình tan đàn sẻ nghé. Các bác trai trong gia đình nhà ông nội và bố chồng tôi đều đi kháng chiến, chỉ còn những người phụ nữ ở nhà với đàn con thơ. Mẹ tôi đã cùng bác dâu trưởng đã nuôi nấng, cưu mang người em trai út của gia đình khi đó mới 11 tuổi – chú Nghiễn. Sau này, chú cũng học hành giỏi giang, trở thành một kỹ sư nông nghiệp, có vị trí trong Sở Khoa học - công nghệ của tỉnh. Chú luôn kính trọng, nhắc nhớ về công ơn nuôi dưỡng, yêu thương của mẹ tôi - người chị dâu nhân hậu. Năm ông 76 tuổi cũng là khi mẹ tôi được xã làm thượng thọ 90, ông đã viết tặng mẹ tôi một bài thơ, tôi chỉ nhớ được hai câu rất cảm động:

Trước đây Anh đã thay Cha

Nay Chị thay Mẹ chăm lo “út già”

                        (Chị tôi – Nguyễn Văn Nghiễn)

 

Mà quả thực, tôi chưa thấy một bà chị dâu nào thương em chồng như thế. Bà luôn nhắc nhở chúng tôi phải quan tâm tới ông. Chú tôi cũng mắc căn bệnh “di truyền” của dòng họ - bệnh dạ dày - nên sức khỏe yếu. Không phải dịp lễ tết nào ông cũng về được, nên mẹ tôi không bao giờ quên “dành phần” cho ông – như cái thủa xưa lam lũ đói nghèo. Mẹ tôi hay kể: “Ông Nghiễn hiền lành lắm, ở với tao, nhà nghèo, đông con, có miếng ăn gì cũng phải chia. Các cháu đói, tham ăn hay ăn vèn của chú; chú hiền và thương các cháu nên hay nhịn nhường, vì vậy, tao luôn phải giấu phần của ông đi, đưa vào lúc không có chúng nó ở đó”. 

Cuối những năm năm mươi, sai sót của việc cải cách ruộng đất ở làng đã đẩy gia đình bên ngoại của mẹ vào cảnh điêu đứng và ly tán. Bà ngoại - cô gái họ Đào - giỏi giang xinh đẹp, dù không được học hành lại sớm phải chịu cảnh góa bụa (ông ngoại tôi mất khi mới 49 tuổi) nhưng đã có một tầm nhìn xa trông rộng hơn người khi đầu tư cho bốn người con sau học hành bài bản (ba cậu và một cô). Bà sẵn sàng bán ruộng đất cho con vào Thanh Hóa ăn học. Khi bị liệt vào thành phần “Địa chủ”, dù thoát cảnh lao lý, nhưng bà lâm vào cảnh không nhà không cửa, các con đang học hành giỏi giang phải bỏ quê lánh đi. Mẹ chồng tôi, may thay, làm dâu con của cụ đồ nho nghèo, bố chồng tôi lại tiếp nối nghiệp nhà làm thầy giáo (ông là một trong những sinh viên khóa đầu tiên của Khoa Ngữ Văn – Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội-I – đã từng giữ chức Phó Ty giáo dục Thái Bình) nên thoát nạn. Và gánh nặng gia đình trong cơn bĩ cực ấy đã phần nào trĩu xuống đôi vai của mẹ. Vừa ngấm ngầm, mạo hiểm tiếp tế cho mẹ bị cô lập, vừa âm thầm chiu chắt giúp đỡ các em đang học hành lỡ dở, vừa thay chồng đi công tác xa nuôi đàn con lít nhít ... mẹ đã trở thành “trụ cột” cho một Đại gia đình trong hoạn nạn. Vốn là “con gái nhà dòng”, kế thừa được tất cả sự thông minh, lanh lợi của bà ngoại, mẹ tôi tháo vát, tảo tần vừa làm ruộng, vừa bán buôn nuôi con, giúp đỡ các em ăn học. (Có thời gian còn nuôi cả cháu giúp em dâu đi học chuyên nghiệp). Sau sửa sai, bà ngoại được phục hồi danh dự. Phúc nhà “ở hiền gặp lành” cả bốn người con của cụ (trong đó có Giáo sư, Tiến sỹ khoa học Vũ Đình Cự, Phó Chủ tịch Quốc hội - người được tặng giải thưởng Hồ Chí Minh vì có công trong việc tìm ra phương pháp gốc rà phá bom mìn từ trường và rà phá thủy lôi luồng cảng Hải Phòng, trong Kháng chiến chống Mỹ cứu nước) sau đó đều được học tiếp Đại học và trở thành những trí thức có uy tín. Mẹ tôi hay kể về những năm tháng lao đao ấy của gia đình bằng niềm kính trọng và xót xa với người mẹ của mình. Tôi cứ hình dung: mẹ tôi là phiên bản của Bà Ngoại – nhưng được hưởng phúc nhà chồng nên không phải chịu đau khổ. Ông nội chồng tôi – cụ Đồ nho có con mắt tinh đời - đã chọn được người con dâu đảm đang, gánh vác giang sơn nhà chồng một cách xứng đáng.

Năm 1990, khi tôi học năm thứ 4 đại học, chị gái tôi và chị gái chồng tôi cùng làm một cơ quan đã làm “bà mai” cho chúng tôi. Hai bà chị khéo sắp xếp một cuộc gặp gỡ “vô tình” ở nhà anh, dưới sự chứng kiến của cha mẹ. Trong cuộc gặp gỡ ấy, may thay, mẹ đã “chấm” tôi cho cậu con trai thứ ba (chồng tôi) trong bốn người con trai của bà. Năm ấy, chồng tôi đã 32 tuổi, đang có tên trong nhóm … nguy cơ “ế ẩm”. Một năm sau khi ra trường (năm 1992 ), tôi về làm dâu con trong gia đình – thôn Lê Lợi xã Đông Xuân – Đông Hưng – Thái Bình. Bốn chị em dâu chúng tôi, mỗi người một hoàn cảnh, công việc và tính cách khác nhau, nhưng đều kính trọng, khâm phục và thấy may mắn vì được làm dâu con của Mẹ!

Bạn hãy tưởng tượng: một bà mẹ chồng nhà quê, dòng dõi con nhà gia thế, đi làm dâu nhà cụ đồ nho từ 16 tuổi với đủ “tam tòng, tứ đức” nhưng đã nói với con dâu mới về nhà chồng: “Sáng sớm, chẳng có việc gì đâu, chúng mày cứ ngủ cho thoải mái, dậy thì ăn xôi mẹ nấu để ở bếp, mẹ đi chợ sớm là việc của mẹ, không phải ngại gì”. Và cứ như thế, hơn 20 năm làm dâu trong nhà, chẳng bao giờ mẹ trách cứ, yêu cầu, ngăn cấm cả bốn chị em dâu chúng tôi một việc gì. Chị em chúng tôi cảm thấy mẹ còn dễ với chúng tôi hơn cả mẹ đẻ mình, hơn cả con gái mẹ. Chúng tôi có lười nhác, vụng về trong công việc hay cư xử mẹ cũng không bao giờ trách móc. Mẹ bảo với bà Ru - người em sinh đôi: “Mình chẳng có công nuôi dạy, tự nhiên được thêm đứa con gái về lo việc nhà mình, sao lại đòi hỏi nó, nó cũng như con gái mình thôi ...”. Chị em song sinh cùng trứng không chỉ giống nhau về hình thức mà cả tính tình. Dì tôi cũng chiều và quí con dâu như mẹ. Thậm chí, dì còn nổi tiếng vì một câu chuyện hiếm có ở nông thôn về “mẹ chồng, nàng dâu”. Chuyện là cách đây hơn chục năm, vợ chồng con trai út của bà có mâu thuẫn, vì em dâu họ tôi mắc vào chuyện thị phi. Khác với một số bà mẹ chồng hay bênh con trai, hai bà cùng nhỏ to bàn bạc và một mực bênh vực em dâu tôi, át điều tiếng thêu dệt bên ngoài để bảo vệ hạnh phúc cho gia đình con, cháu. Mẹ nói với chị chồng tôi: “Phải bảo vệ con dâu, vì đó là mẹ các cháu mình. gia đình nó tan vỡ thì cháu mình bơ vơ. Đàn bà có ai không khổ, nó lại là đứa con dâu tốt, nó có sai lầm thì cũng là chuyện thường, con trai mình cũng có vô tội đâu”. Tôi kể chuyện ấy cho bạn tôi ở thành phố nghe, tất cả đều lặng đi vì cảm phục và xúc động. Đó bà mẹ chồng “nhà quê” đã hơn 80 tuổi, không được học hành, lại được giáo dục bằng lễ giáo phong kiến ... nhưng lòng nhân từ, vị tha và sự sáng suốt của các cụ, tôi nghĩ, nhiều người trẻ, có học có khi không bằng .. Có lẽ chính vì hai bà mẹ như vậy, nên chúng tôi càng nể và kính trọng mẹ, luôn bảo nhau phải sống “trọn đạo”, và biết giữ mọi điều trong giới hạn cho phép.  

Mẹ tôi còn là một người hay chuyện, có duyên kể chuyện và rất dí dỏm. Anh em, con cháu hai họ ai cũng yêu mến bà và thích nghe bà kể chuyện ngày xưa - dù đó là những câu chuyện kể rất nhiều lần. Bà không kể chuyện cổ tích, nhưng các cháu nội ngoại, trai gái, khi còn nhỏ, mỗi lần nghe bà kể chuyện đều sung sướng cười nắc nẻ. Những câu chuyện về bố và mẹ chúng ngày còn nhỏ, trong lời kể hài hước, sôi nổi, lại thêm nhiều gia vị, mắm muối của bà hấp dẫn, thú vị như chuyện tiếu lâm. Mẹ tôi yêu quí và đối xử công bằng với tất cả con cháu trong nhà, không phân biệt nội ngoại, trai gái, dâu rể. Bà luôn có phần thưởng khá to cho các cháu khi học hành, đỗ đạt. Bà luôn cầu khấn tổ tiên cho các cháu trong việc học hành, và những lời nguyện cầu ấy, thật kỳ diệu, rất linh thiêng.  

Mẹ tôi còn được tiếng là “tốt vía”, do đó có những người trong thôn hay tìm đến bà xin làm “Con nuôi” để đổi vận (theo lời của thầy bói). Mẹ tôi rất nhiệt tình vui vẻ làm những điều ấy, đến nỗi họ hàng phải “có ý kiến” vì sợ bà nhận người ngoài làm con nuôi thì người trong họ sẽ bị ... “mất lộc”....!!!

Trong họ Nguyễn, chi nhà tôi là Trưởng. Cho dù bố chồng tôi không phải là trưởng tộc nhưng vì các bác tôi rời quê đến thành phố, mẹ tôi lại là người duy nhất giữ được đất hương hỏa của tổ tiên nên từ đường dòng họ dựng trên đất nhà tôi. Mẹ tôi “tự nhiên” trở thành lo việc hương khói cho từ đường. Ở tuổi ngoài 80, bà vẫn là người đề xướng và làm những việc lớn của dòng họ như xây sửa mộ phần, lập từ đường, am miếu, nghĩa trang gia đình, giỗ chạp... Mọi đề xuất của bà đều được họ hàng, con cháu ủng hộ vì bà luôn là một “Lãnh tụ tinh thần” uy tín và sáng suốt, nói được làm được.

Ở tuổi 90, dù bị huyết áp cao, người to béo, đi lại nặng nề, mẹ vẫn minh mẫn lạ lùng. Vốn là người tần tảo, cần cù, giỏi tính toán căn cơ từ bé, mẹ vẫn đẩy xe hàng khô (thực ra chỉ là mấy món đơn giản: vừng, lạc, đỗ, miến, gia vị….) đi chợ bán từ hơn 5 giờ sáng. Con cháu nói thế nào mẹ vẫn không nghỉ chợ (dù mỗi buổi có khi chỉ lãi năm, ba ngàn). Cái lý của mẹ khiến chúng tôi phải chịu: “Phải để tao đi cho vui, gặp gỡ người nọ người kia, câu chuyện câu trò cho đầu óc minh mẫn. Cứ ở nhà ăn với ngủ thì lú lẫn mất; không làm gì buồn chết đi được”. Vậy là tuổi 95, mẹ tôi vẫn đi chợ bán hàng khô, vẫn mua hàng tạ lạc vỏ vào mỗi vụ rộ mùa, phơi đầy sân và ngồi tỉ mẩn bóc bán dần – vì ai cũng thích mua “lạc tươi, sạch, bóc tay, được lạng nào bán lạng ấy của bà cụ già”.

Mặc dù từ trước, gia đình tôi không thuộc hàng giàu có trong làng, nhưng nhờ mẹ tôi là người giỏi tính toán, chắt chiu, tiết kiệm (bố chồng tôi nói: bà học ở cha chồng tính cần kiệm) nên mọi việc lớn nhỏ trong nhà, trong họ bà đều tự mình lo toan, xoay xở là chính, không trông chờ ỷ nại vào người khác. Bố chồng tôi là một người vô cùng hiền hậu, ông hầu như chỉ biết làm công việc cơ quan, phó thác gia đình cho vợ. Bố tôi thường nói với chúng tôi: “Mẹ các con giỏi lắm, gia đình này được như bây giờ là do công lao của bà ấy, bố chẳng làm được gì”. Bố tôi luôn khiêm tốn thế, nhưng mẹ tôi lại rất đề cao bố tôi. Bà kính trọng và rất mực yêu thương, chăm sóc ông; vì đó là một người chồng vô cùng yêu thương vợ con, sống trong sáng, nhân hậu, trầm lặng, không biết hại ai bao giờ... và cũng là một người rất tài hoa, đủ cả: cầm, kỳ, thi, họa. Cha tôi là người thọ nhất trong dòng họ (ở thế hệ ông), nhưng Người đã rời xa chúng tôi ở tuổi 86, dù còn kém mẹ tôi ba tuổi.

Năm nay, tai nghe kém hơn, nhưng mẹ tôi vẫn minh mẫn, khỏe mạnh. Lịch sinh hoạt của cụ đều đặn: sáng dậy từ năm giờ, nấu cơm cho hai con chó (có khi còn là một đàn chó con) sau đó ăn nhẹ, uống thuốc huyết áp, đẩy xe đi chợ. Khoảng chín giờ về nhà nghỉ ngơi, ăn cơm do con trai thứ hai nấu, rồi nghỉ trưa. Hai giờ chiều ngồi tỉ mẩn bóc lạc, nghe ti vi hay làm việc lặt vặt, bốn giờ chiều tập thể dục nhẹ nhàng trong sân nhà (đi lại, vẩy tay tự do), quét sân ngõ, cho hai chú cún ăn, tắm giặt … rồi ăn cơm, khóa cổng, xem tivi đến khi buồn ngủ …. Nhịp điệu sinh hoạt ấy cùng với một tính cách vô tư thoải mái, bao dung, khiến mẹ tôi luôn sống khỏe, vui, không phải nhờ đến con cháu nhiều.

Tôi tự cảm thấy mình may mắn vì được làm con dâu của mẹ - đứa con dâu vụng về, đểnh đoảng, lại hay ngấm ngầm làm sai ý mẹ, nhưng vẫn được mẹ bỏ qua, thậm chí bao che, không kể tội với chồng. Chồng tôi thường bảo với tôi: “Đấy là do ngày xưa mẹ chọn nên bây giờ mẹ phải chịu”. Tôi không biết điều đó đúng nhiều không, nhưng chắc chắn là đúng ....  Và tôi lại nhớ đến những lời thơ trong bài Mẹ của anh của Xuân Quỳnh – nữ sỹ tình yêu mà tôi rất mê:

Mẹ nào mẹ của riêng anh

Mẹ là mẹ của chúng mình đấy thôi

Mẹ tuy không đẻ, không nuôi

Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong....

 

Hải Phòng – Mùa Phượng – 2019

Phạm Minh Châu