Nhớ mãi một thời đã qua

Nhớ mãi một thời đã qua
Bây giờ đang là tháng Sáu, hoa phượng nở đỏ rực những góc phố và trải thảm hồng trên các con đường thân quen. Bất chợt tôi nhớ về mùa hè năm ấy…Ngày ấy, hơn 40 năm trước, chúng tôi tuổi còn rất trẻ, khăn quàng đỏ thắm trên vai đã tụ lại bên nhau trong Trại sáng tác hè của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình. Cái duyên đến với văn thơ của tôi bắt đầu từ nơi ấy.


Bây giờ đang là tháng Sáu, hoa phượng nở đỏ rực những góc phố và trải thảm hồng trên các con đường thân quen. Bất chợt tôi nhớ về mùa hè năm ấy…

Ngày ấy, hơn 40 năm trước, chúng tôi tuổi còn rất trẻ, khăn quàng đỏ thắm trên vai đã tụ lại bên nhau trong Trại sáng tác hè của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình. Cái duyên đến với văn thơ của tôi bắt đầu từ nơi ấy.

Tôi nhớ mãi ngày đầu vào lớp viết, cũng là ngày hè tháng Sáu nắng nóng, nhưng con đường dẫn tôi đến lớp học rợp bóng hàng cây. Đón chúng tôi là bác Bút Ngữ, Phó Chủ tịch Hội và các chú Lê Bính, Kim Chuông, những nhà thơ, nhà văn của Hội; ai cũng gần gũi vui vẻ.

Lần đầu sống tập thể thật bỡ ngỡ nhưng tôi đã nhanh chóng bắt nhịp với cuộc sống đầm ấm nơi đây và dần dần yêu mến nó. Ngày đó, tôi ở ngoại trú, nhưng tối đến tôi vẫn vào khu nội trú ngủ cùng các bạn. Trời nóng, giường chật, nhưng chúng tôi cứ vui đùa rúc rích đến tận khuya.

Văn vẻ. Cái lớp văn thơ thật lắm vẻ. Bạn Huyền có đôi mắt nâu mơ màng. Thu Huê lúc nào trán cũng đầy rôm. Mai Hương trầm tư. Còn tôi bé nhỏ, lém lỉnh được đặt biêt danh là “nhòn”.



Người bạn mà tôi yêu mến nhất trong lớp là Sóng Biển, bạn ấy mập mập, mạnh mẽ rất hay cười.
Đêm hè nóng nực, cả phòng chỉ có một cái quạt trần, người ai cũng đẫm mồ hôi. Nhưng tôi vẫn cứ đòi ngủ với bạn ấy, phần vì tôi rất... sợ ma.. Còn nữa tôi thích gác chân nữa… Hihi, xấu tính vậy đó.

Ngày Biển theo gia đình vào Nam sinh sống, tôi buồn vơ vẩn mãi. Nhiều năm sau trại hè vắng bóng bạn ấy nhưng nụ cười rạng rỡ và những câu văn bạn ấy viết thì chẳng ai quên, như “Cây bồ kết” bạn ấy “trồng” vẫn đơm hoa và kết trái trong nỗi nhớ của tôi.

Người ta thường nói: khi có tuổi hay nghĩ về quá khứ, về tuổi thơ, về bạn bè.., có lẽ cũng đúng.
Ngày ấy chúng tôi thường được các bác, các chú trong Hội cho đi tham quan thực tế: thăm Lăng Bác, thăm Ao cá Bác Hồ,, Làng vườn Thuận Vi, Quỳnh Trang mùa lúa chín, Biển Hạ Long... Mỗi chuyến đi đều để lại nhiều cảm xúc lắng đọng. Để rồi những bài thơ, bài văn đã ra đời. Tôi nhớ mãi chuyến đi đầu tiên ra Hà Nội. Ngày ấy, tôi hay say xe lắm. Cứ nhìn thấy xe là chỉ muốn khóc, người nôn nao. Trên đường đi Hà Nội, tôi nằm, mệt lả đi, đầu gối lên đùi chú Lê Bính. Do say xe nên tôi nôn hết ra quần áo chú… Eo ui, giờ nghĩ lại, vẫn thấy sợ. Chú bảo: Nôn ra cho nó nhẹ người cháu ạ.

Là chủ nhiệm lớp, quản lý một lũ lau nhau nên chú Chuông và chú Bính rất vất vả. Các chú luôn phải lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ, từng viên thuốc... trong suốt khoảng thời gian chúng tôi ở trại viết xa nhà.

Bẵng đi một thời gian dài không gặp, môt ngày cuối năm, tôi nghe tin chú Bính bệnh nặng. Vào thăm chú, thấy chú gầy yếu, nhưng nụ cười vẫn thế hồn hậu và đầy lạc quan.

Sau bao năm gặp lại, câu đầu tiên chú nói với tôi: A! Hương “nhòn” đấy à, học trò của tôi đây.. Rồi chú kể chuyện, ngâm thơ… Tôi không ngờ được là cái biệt danh ấy của tôi mà chú vẫn nhớ đến tận bây giờ. Nhìn chú bệnh trọng, lòng tôi đau thắt. Tôi hiểu rằng ngày chú ra đi không còn bao lâu.

Rất nhiều ngày sau khi chú mất tôi vẫn cứ nhớ về chú với những kỷ niệm cùng lớp Búp chúng tôi. Nhớ nhất là kỷ niệm về đêm trăng ở Quỳnh Trang, chú dẫn chúng tôi ra sân kho hợp tác, đường đi len lỏi qua bờ tre, khóm chuối.Vừa đi, chú vừa kể chuyện. Chú bảo nói chuyện như thế để mình khỏi sợ tối.
 
Một người thầy mà chúng tôi rất quý trọng, nhà thơ Kim Chuông đã gắn kết chúng tôi trở về ngôi nhà văn chương ấy. Chú vẫn như xưa, tận tình chu đáo.. khiến chúng tôi rất cảm động. 
Nhưng tôi biết là tôi đã lỗi hẹn với chú, với Nhà Búp mà tôi yêu quý.. 

Chúng tôi lớn lên mỗi người một ngả, kẻ Nam, người Bắc, người vượt cả đại dương xa xôi. Nhưng trong lòng chúng tôi vẫn mãi nhớ về nơi ấy, về ngôi nhà thân thương đầm ấm nơi tuổi thơ từng gắn bó, những ngày hè đầy lưu luyến. Từ trong sâu thẳm lòng mình, niềm yêu thích văn thơ đã giúp chúng tôi tìm lại nhau, tìm lại tuổi thơ đã từng gắn bó và tụ hội như một cơ duyên.
 
Các Búp trên cành ngày ấy giờ đã vào tuổi tri thiên mệnh, thành ông bà nội, ngoại với mái tóc đã pha sương, với những dấu vết thời gian đã in hằn trên trán. Nhưng chúng tôi biết, trong sâu thẳm tâm hồn mình, chúng tôi vẫn là Búp trên cành: Búp Na, Búp Chè, Búp Ổi, Búp Dứa.... như ngày xưa. Búp trên cành giờ đây vào mùa hoa nở!

Hôm nay cũng ngày hè. tháng 6 như hơn 40 năm trước. Kỷ niệm về Búp trên cành, về Nhà Búp khiến tôi rưng rưng, nao nao khó tả. Sao nhớ thế… Cứ nhớ mãi… một thời đã qua..
 
Tháng 6/2019
Trần Thị Vân Hương