Chợ Thuận Vi

Chợ Thuận Vi
Có lẽ không có ai có thể biết chợ quê mình có từ bao giờ nhưng nó đã là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của đất Bách Thuận và sẽ mãi trường tồn để phục vụ bà con quê nhà. Tôi cũng chẳng cần phải tả chi tiết hay kể lể là trong chợ có gì bán gì

 


Chủ đề về cái chợ quê mình thì đã được nhiều người viết, ngay trong trang Bách Thuận Quê Mình tôi cũng có bài "Câu chuyện cái chợ " được viết đã lâu trong tiêu đề Bách Thuận một thời để nhớ hoặc có thể gõ Google tìm đọc bài này trong "bachthuanvanhoa.blogspot.com" của cô Thúy Hằng hay trong các trang mạng. Bởi thế câu chuyện cái chợ viết hôm nay nhằm tới một vấn đề khác và dĩ nhiên đó chỉ là ý kiến của cá nhân tôi.


Có lẽ không có ai có thể biết chợ quê mình có từ bao giờ nhưng nó đã là một phần quan trọng không thể thiếu trong đời sống và văn hóa của đất Bách Thuận và sẽ mãi trường tồn để phục vụ bà con quê nhà. Tôi cũng chẳng cần phải tả chi tiết hay kể lể là trong chợ có gì bán gì vì ai ai cũng thân thuộc cũng biết cả rồi mà chỉ có một nhận xét về quy hoạch và sắp xếp trong chợ. Một thực tế là chợ quê ta còn quá đơn sơ và hơi lộn xộn,hàng hóa được bày bán không hề theo quy hoạch mà theo sở thích cá nhân người bán nên không có sự ngăn nắp dẫn tới lãng phí diện tích dành cho những lối đi quá nhiều. Chợ tuy đã được mở rộng rất nhiều mà vẫn để người bán tràn ra đường chính gây cản trở buôn bán và lưu thông thì không thể là một phương pháp hay, nhìn vào chợ thấy bạt chăng đủ kiểu gây cảm giác bừa bộn, phản cảm v.v…


Tôi thì cứ mơ một khi nào đó chợ được đầu tư làm thành từng dãy thẳng tắp và ngăn nắp,được phủ lợp đều đặn và kiên cố cùng được phân định mặt hàng bán theo từng khu nhất định. Những người buôn bán cố định được thuê chỗ trong chợ chính có bàn bày hàng cao gọn, những người bán không chuyên thì bố trí ra khu chợ phụ mở rộng xong cũng xây bàn bày hàng và thu lệ phí. Chợ cũng đã có khu vệ sinh,nếu có thể bố trí cho người quét dọn ở chợ thu lệ phí và có trách nhiệm dọn dẹp hàng ngày thì tốt biết mấy vừa sạch sẽ vừa văn minh.


Sẽ chẳng có việc gì là dễ dàng nhất là vấn đề tài chính xong mọi  việc không phải là không thể. Tôi thì không rõ, rằng hiện nay chợ đã được cá nhân nào đó thầu chưa hay chính quyền xã đang quản lý, xong tất cả vấn đề đều ở trong tay chính quyền. Đó là nếu chợ đã được thầu thì kêu gọi cá nhân đó đầu tư và được xã  trợ giúp vốn từ ngân sách hoặc bảo lãnh vay ngân hàng cùng  kêu gọi sự đóng góp ban đầu của những người buôn bán muốn có chỗ cố định, nếu chợ vẫn đang được xã quản lý thì mạnh dạn tổ chức đấu thầu xã vừa có nguồn thu cố định cho ngân sách và chợ quê nhà cũng được đầu tư đẹp đẽ khang trang. 


Với những người đã ly hương như chúng tôi thì cái chợ chỉ còn là nơi mỗi khi về quê thì ghé qua vãn cảnh cùng chào hỏi người quen,  đám phụ nữ như cô Thược Ba Nàng Công Chúa thì hàng quà  bao giờ cũng là điểm đến chỉ để thưởng thức bánh trái đặc sắc hương vị độc đáo của quê nhà. Còn tôi và đám đàn ông đã đứng tuổi thì khi nghĩ tới hay nhìn thấy chợ là nhớ về một thời xa xưa mỗi dịp Tết cùng nhau tụ tập kín chợ đánh đáo bằng những đồng xu có lỗ và nhớ lại những việc độc đáo như dân quê mình đong gạo bằng bơ lại còn be thêm cho đầy, mua lá chè tươi bằng nón kẻ bốc thêm người giằng lại ngộ lắm nhưng chả thấy ai vì thế mà cãi lộn nhau bao giờ và một vật không thể thiếu của các bà các chị thời đó ngoài thúng rổ thì ai cũng có một cái bị đan bằng sợi cói để đựng đồ hoặc lót trên đầu khi đội hàng.


Nguyễn Như Thạnh