Chuyện về những dòng sông

Chuyện về những dòng sông
Thật ra đến hôm nay gã cũng không biết đã đi qua bao nhiêu con sông, bao nhiêu cây cầu. Mà không chỉ có gã bao người khác cũng vậy. Có ai biết một đời người biết được mình đã đi qua bao cây cầu, bao nhiêu con sông cơ chứ!



CHUYỆN VỀ NHỮNG CON SÔNG

(Lương Duyên Thắng)

 

Thật ra đến hôm nay gã cũng không biết đã đi qua bao nhiêu con sông, bao nhiêu cây cầu. Mà không chỉ có gã bao người khác cũng vậy. Có ai biết một đời người biết được mình đã đi qua bao cây cầu, bao nhiêu con sông cơ chứ! Vớ vẩn ! Ai mà nhớ được kia chứ. Qua đò, qua phà, qua cầu đường sắt, cầu đường bộ…. Vâng cũng chính vì những cái ngớ ngẩn đó mà tôi cứ vẩn vơ đi tìm…Tìm để trả lời những câu hỏi. Ví dụ như, tại sao lại có tên sông Luộc sông Đáy. Hay tại sao gọi là sông Thái Bình mà lại không chảy qua Thái Bình ?

Có những điều mà ngày xưa gã không biết nhờ tìm hỏi bác Google cũng giúp gã hiểu biết thêm phần nào.

CÁI SAI THỨ NHẤT: ranh giới tỉnh Thái Bình

Khi còn học phổ thông và tới tận sau này gã vẫn nghĩ Thái Bình như một ốc đảo hình Tam giác với  3 cạnh là sông Hồng sông Luộc và bờ biển huyện Tiền Hải và Thái Thụy. Nhưng thật ra Thái Bình có hình như tứ giác có 3 cạnh như trên và  cạnh thứ tư có tới 2 con sông là sông Hoá và sông Thái Bình. Con sông Thái Bình hạ lưu chỉ là một con sông nhỏ nhận nữa nước từ sông Hoá và sông Thái Bình hạ lưu và đổ ra cửa Thái Bình. Sông Hoá và sông Thái Bình hạ lưu là ranh giới giữa Thái Bình với Hải Phòng.

CÁI SAI THỨ HAI: Bến Bình Than

Con sông Thái Bình  thượng lưu lớn hơn bắt đầu từ  sông Lục Đầu Chí Linh Hải Dương. Sông Lục đầu là một con sông ngắn dài khoảng 10km là hợp lưu của 4 sông Thương, sông Cầu, sông Đuống và Lục Nam chảy về hạ lưu nó phân thành hai nhánh là sông Thái Bình và sông Kinh Thầy để chảy ra biển Đông.  Sông Thái Bình chảy về xuôi nó hợp với sông Bắc Hưng Hải thành tên Bắc Hưng Hải, hợp với sông Luộc thành tên sông Văn Úc đổ ra cửa Văn Úc thuộc Hải Phòng. Gã cùng từng đi nhiều nơi, phiêu du tận Côn Sơn Kiếp Bạc, từng đứng trước Đền thờ Đức Thánh Trần ở Vạn Kiếp nhìn ra dòng Lục Đầu mênh mang sóng nước, phóng tầm mắt về phía bến Bình Than điều mà khi tới Chí Linh gã mới biết ( vì ngày xưa gã tưởng là hội nghị Diên Hồng tại bến Bình Than là ở Quảng Ninh ( cứ Than là ở Quảng Ninh, ấu trĩ đến thế là cùng)

Và rồi gã cũng nhận ra, cái sông Lục Đầu ở Chí Linh kia cũng nhận nước từ sông Cầu, nước chảy lơ thơ dù rằng ở cuối nguồn quê gã người ta hát Chèo còn trên đó lại hát Quan họ…

CÁI SAI THỨ BA VỀ VOI ĐÁ NGỰA ĐÁ 

Sẵn đầu óc phiêu lưu gã cũng đã từng viếng đền Trần, thăm Lăng của  Linh từ  quốc mẫu Trần Thị Dung, hội Tiên La của huyện Hưng Hà hay nhà thờ Lê quý Đôn ơi xã Độc lập..,

Ngay từ khi còn nhỏ gã đã được đọc truyện về Đức Thánh Trần khi đi đánh giặc con Voi Ngài cưỡi bị sụp xuống đầm lầy không thể đi được. Việc quân không thể trễ, Ngài nhìn thấy Voi đang nhìn Chủ ứa nước mắt, Ngài tuốt gươm mà chỉ xuống dòng sông “Nếu lần này không thắng giặc Thát ta quyết không về bến sông này. Quân Nguyên đại bại, Thoát Hoan phải chui vào ống đồng tháo chạy về nước. Con Voi của Ngài cưỡi cũng Vĩnh viễn không về. Dân làng chôn cất Voi cẩn thận và làm một ông Voi to bằng đá xanh để tưởng nhớ ông. Gã cứ ngỡ Voi đá ở xã Chương Dương ( cách nhà gã chừng 6 km) là chứng tích cho câu chuyện này nhưng hoá ra gã đã nhầm. Ngày đó Đức Thánh Trần cưỡi voi qua An Thái Quỳnh Phụ (nơi trữ lương của quân Trần) vượt sông Hóa đi tắt về phía Bắc ra Bạch Đằng làm nên đại thắng quân Nguyên Mông lần thứ 3 năm 1 288 lịch sử.  Lưu lại tại bên bờ sông Hoá là đền Voi phục, thôn A sào xã An Thái huyện Quỳnh Phụ.Hàng năm cứ vào  đầu tháng 2 âm lịch lại có lễ hội tưởng nhớ công lao của Hưng Đạo Đại Vương tại nơi này.  Còn đền thờ với đá ngựa đá ở Chương Dương là đền thờ ông quận công Phạm Huy Đĩnh thời vua Lê chúa Trịnh

CÁI SAI THỨ TƯ: toàn bộ đất và dân của Thái Bình chỉ ở phía hữu ngạn sông Luộc. 

Thật ra không phải như vậy. Khi tìm hiểu về đền voi phục gác mới tình cờ biết được có hai thôn nằm bên kia sông Luộc ( vùng đất huyện Ninh Giang Hải Dương) là thôn Đại Đồng xã An Khê và thôn Trại Vàng thuộc xã Quỳnh Hoàng huyện Quỳnh Phụ. Chuyện này theo gã nghĩ thì có lẽ tới 99% người Thái Bình cũng có cái sai như Gã… Nào có ai ngờ bên kia sông Luộc mênh mông kia không chỉ có một mà lại có hai thôn thuộc hai xã khác nhau của Thái Bình ở đó ! Hai thôn này đã có ở bên kia sông Luộc đã từ  khoảng 200 năm do biến chuyển của dòng chảy sông Luộc. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử sát nhập rồi chia tách tỉnh huyện, xã nhưng tới nay hai thôn này vẫn là vùng đất bên kia sông Luộc với bãi bồi phù sa trồng rau trồng màu của Tỉnh Thái Bình !