Cuộc thi định nghĩa tình yêu

Cuộc thi định nghĩa tình yêu
Hôm nay là ngày TÌNH YÊU, chợt nhớ một cuộc thi vô tiền khoáng hậu 40 năm trước ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội: THI ĐỊNH NGHĨA VỀ TÌNH YÊU. Số là năm ấy tôi vào năm Thứ Nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội.

 



Hôm nay là ngày TÌNH YÊU, chợt nhớ một cuộc thi vô tiền khoáng hậu 40 năm trước ở Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội:  THI ĐỊNH NGHĨA VỀ TÌNH YÊU.


Số là năm ấy tôi vào năm Thứ Nhất Đại học Tổng hợp Hà Nội. Một thằng nhà quê đang lơ ngơ giữa bao điều mới mẻ của xứ Tràng An thì gặp ngay cuộc thi thú vị này, thế là nằm lòng tất cả. 


Cuộc thi lúc đầu chỉ là một ý tưởng đơn sơ nhưng không ngờ chỉ sau mấy tháng nó đã vượt ra khỏi ranh giới nhà trường, thu hút đông đảo thí sinh đủ mọi giai tầng xã hội tham gia. Rất nhiều định nghĩa nổi tiếng về tình yêu tồn tại cho đến nay đã ra đời từ đó. 40 năm, cuộc thi với hàng trăm định nghĩa không thể nhớ hết, tuy vậy cũng xin hầu bạn đọc một số định nghĩa mà tôi còn nhớ được:


Theo ban tổ chức, bài dự thi đầu tiên là của sinh viên khoa Vật lý: 


“Tình yêu là hiện tượng hút nhau giữa hai điện cực trái dấu”.


Khoa Toán cơ cũng không kém cạnh:


 “Tình yêu là bất phương trình

Bao nhiêu ẩn số bực mình bấy nhiêu”


Sinh viên Khoa Hóa định nghĩa:


“Tình yêu là một phản ứng tỏa nhiệt”


Khoa Triết học thì định nghĩa rất là Triết học” 


“Tình yêu là sự đấu trang và thống nhất của các mặt đối lập”


Không hiểu sao khoa Văn lại rất khiêm tốn, chỉ có Trần Côn gửi mấy câu dự thi: 


“ Cầu thang tối cho tình yêu đến

Để râu dài cho mặt đỡ trơ”


Cuộc thi sau đó lan rộng ra các trường Đại học ở Hà Nội:


Sinh viên Trường Đại học Giao thông Vận tải, gửi bài dự thi: “Tình yêu là sự va chạm hoàn toàn mềm”.


Sinh viên Khoa tâm lý Đại học Sư phạm I Hà Nội định nghĩa rất hiền: “Tình yêu là sự hòa điệu của 2 trái tim, làm cho người trong cuộc say sưa và thấy mọi vật tốt đẹp hơn”


Sinh viên trường Đại học Y Hà Nội thì định nghĩa rất chuyên ngành:  “Yêu là lúc huyết áp tăng lên, tim đập mạnh hơn, bộ máy hô hấp làm việc dồn dập hơn. Tình yêu rất nguy hiểm đối với sức khỏe những người tim yếu”


Và "Tình yêu là bệnh đau răng ở Tim".


Sinh viên trường Đại học Pháp lý (tiền thân của Đại học Luật):  “Tình yêu là những điều luật, nhưng không thể sắp xếp nó thành một bộ luật”


Cầu thủ bóng đá Thế Anh nổi tiếng của đội Thể Công cũng gửi mấy định nghĩa rất “bóng đá”: “Tình yêu là quả bóng tròn

Đá đi, đã lại vẫn còn vét – xi” 


Và: 

“Tình yêu là quả bóng tròn

Anh rê, em dắt vào gôn em rồi”


Nhưng thật bất ngờ, tất cả các anh tài trên mọi phương diện học thuật và xã hội đã nhường Giải Nhất cho một bà bán bún riêu cua Nam Định với một chùm định nghĩa xuất sắc:

“Tình yêu là bát bún riêu

Chưa đưa đến miệng đã tiêu mất rồi”


Và:

“Tình yêu là bát bún riêu

Bao nhiêu sợi bún bấy nhiêu lòng thòng”


Chuyện thật như đùa, không biết Ban giám khảo thời ấy là các nhà giáo: Trần Ngọc Vương, Nguyễn Hùng Vỹ, Trần Nho Thìn có còn nhớ đến cuộc thi này nữa không?


Thái Văn Sinh