Dòng đời

Dòng đời
Cái điệp khúc này cứ diễn ra như thế suốt gần hai năm qua, kể từ khi Hằng bị suy tim phải nghỉ việc nằm ở nhà chữa bệnh. Minh, chồng Hằng đang hí hoáy lau xe ở cổng định đứng lên đưa tiền cho Hạnh thì Hạnh đã bước nhanh qua. Hạnh luôn tránh giáp mặt với Minh.

Sáng, Hạnh đi chợ, ngó vào cổng nhà Hằng gọi:

- Hằng có muốn mua gì không? 

Tiếng Hằng yếu ớt vọng ra:

- Mua cho tớ mớ rau ngót với một ít tôm đồng. 

Cái điệp khúc này cứ diễn ra như thế suốt gần hai năm qua, kể từ khi Hằng bị suy tim phải nghỉ việc nằm ở nhà chữa bệnh. Minh, chồng Hằng đang hí hoáy lau xe ở cổng định đứng lên đưa tiền cho Hạnh thì Hạnh đã bước nhanh qua. Hạnh luôn tránh giáp mặt với Minh. Không đừng được thì Hạnh nói trống không, vu vơ rồi đi. Đã năm sáu năm là hàng xóm, kề cổng sát ngõ nhưng những cuộc đối thoại của Hạnh với Minh chắc không quá dăm câu. Hạnh coi đó là nguyên tắc sống của mình. Có việc phải sang nhà, Hạnh chỉ hỏi Hằng hoặc hỏi bé Linh. Coi như không có Minh ở nhà. Minh cũng tránh Hạnh tới mức có thể. Cũng chỉ có Hằng và bé Linh sang nhà Hạnh. Còn Minh chắc cũng không quá hai lần. Ngay cả tết nhất, Quang, chồng Hạnh nhiệt tình mời gọi sang uống trà, uống rượu, Minh cũng chỉ ậm ừ rồi tìm cách thoái. Hằng lúc đầu cũng ngạc nhiên và dò xét, nhưng cũng chẳng tìm hiểu được gì qua câu giải thích của Hạnh "ông Minh nhà cậu mặt lạnh, tớ thấy ngại hỏi, vậy thôi ". Hằng tin và về góp ý với chồng. Nhưng tình hình vẫn không cải thiện là mấy. Hai người vẫn xa lạ với nhau, nhưng Hằng thấy bắt bẻ dò la cũng không ổn nên thôi kệ. Thấy Hạnh cư xử đúng mức với mình và bé Linh nên Hằng không để ý nữa. Quang, chồng Hạnh xem chừng vô tư hơn. Thấy quan hệ láng giềng của hai nhà rất ổn nên chẳng để tâm gì. Vả lại, Quang biết tính Hạnh vẫn kiêu kiêu trước đàn ông như thế. Hạnh có suồng sã mới lo chứ kiêu kiêu thì chậc... chậc càng hay. Tất cả chỉ là tầm phào, soi xét kỹ làm gì cho mệt thân. 

Hôm nay cũng thế, đi chợ về Hạnh vẫn thấy Minh còn ngồi lau xe ở cổng. Hạnh không gọi Hằng nữa, lách qua chỗ Minh ngồi, mang rau và tôm vào nhà. Hằng ngồi dựa lưng vào tường, có vẻ mệt hơn mọi hôm, bé Linh ngồi kèm sát mẹ. Hạnh ái ngại "Hay là cậu đến viện đi, ở nhà biết thế nào ".Hằng lắc đầu, chỉ tay vào đống thuốc. Hạnh đỡ cho Hằng nằm xuống, kéo chăn đắp cho Hằng rồi đi ra cửa. Minh đứng dậy, đợi cho Hạnh ra rồi lặng lẽ chốt cổng. Hạnh chợt thấy lòng nhoi nhói.

Hạnh nhớ như in cái ngày từ một vùng quê biển bước chân vào học viện báo chí. Lần đầu đến thủ đô Hạnh như cua bò đường nhựa. Không có người thân thích, ngu ngơ xa lạ với mọi thứ xung quanh. 

Một buổi chiều vắng, nhớ nhà quá, Hạnh ngồi khóc trên ghế đá cuối sân. Tiếng khóc càng cố nén càng nức nở. Bỗng có một tiếng quàu quạu phát ra từ một lùm cây " Vô duyên thế. Ai cho khóc ở đây ". Hạnh nín bặt nhìn quanh. Một thằng cha chui ra, ôm chồng sách nhìn cô cáu kỉnh. Những ngày sau dù có nhớ nhà quay quắt cô cũng không dám ra đó ngồi nữa. Cô đành đi loanh quanh, vu vơ nhìn cảnh vật. Đang lững thững, Hạnh lại giật mình, khi từ trong lùm cây, thằng cha hôm nọ lại chui ra giễu "Hôm nay không khóc nữa à. Thấy đời vui rồi à?". Hạnh vừa lúng túng, vừa khó chịu liền bỏ đi. Gã trai vẫn bám theo "Mà này đằng ấy khóc hay phết, róc rách như tiếng suối ở bản tớ ấy". Hạnh chưa biết phải cắt đuôi ra sao thì gã trai đã lấy lại nghiêm chỉnh "Tớ đùa chút thôi. Đừng giận. Tớ đợi ở đây để xin lỗi bạn mấy hôm nay rồi. Hôm ấy tớ vô lý quá ". Hạnh chưa nói gì, gã trai lại bồi tiếp " Tớ là Minh, dân tự nhiên, chứ không báo chí, nhân văn gì đâu". Ra thế.Hạnh phì cười. Hạnh nghe các chị "ma cũ" kể, bọn con trai có nhiều chiêu trò làm quen độc lắm. Trò này cũng tạm được. Sau này thân thiết hơn, Hạnh thấy gã cũng ổn, cao ráo, thông minh, ham học, mỗi tội mặt lạnh như tiền. Bù lại là chu đáo, chân thành. Với một cô gái quê xịn như Hạnh, được gã quan tâm cũng là một may mắn rồi. Dân tự nhiên nhưng cũng thơ phú. Cũng khối nàng phố thị chết mê. Hạnh cũng từng bắt gặp có ánh mắt ghen hờn khi thấy Hạnh đi cùng gã. Nhờ có gã, Hạnh đã nhanh chóng thích nghi với cuộc sống thị thành, thay da đổi thịt từng ngày. 

Hết năm nhất, gã tư vấn cho Hạnh kỹ năng làm gia sư và tìm nguồn học trò cho Hạnh. Năm thứ hai, Hạnh đã có tiền trang trải cho mình, ít phải nhận chu cấp từ bố mẹ. Gã luôn nhắc nhở Hạnh đừng ham kiếm tiền mà coi nhẹ việc học. Nếu để phải thi lại môn nào thì đừng có nhìn mặt gã nữa. Dần dần trong lòng Hạnh đã có bóng hình của gã, ấm áp và gần gũi. Gã cũng dành cho Hạnh như thế. Có thời gian là cả hai cặp kè bên nhau, luyên thuyên đủ thứ chuyện mà không biết chán. 

Hạnh vào năm thứ ba thì gã ra trường. Vắng gã, Hạnh phải tự lập nhiều thứ. Gã an ủi Hạnh "Thành phố như lòng bàn tay, gặp lúc nào chả được ". Và gã giữ lời hứa với Hạnh. Dù chỗ làm việc cách mấy chục cây số nhưng gã thường xuyên đến thăm Hạnh. Vẫn tay xách, nách mang lo cho Hạnh đủ thứ. Gã bảo, Hạnh cứ bình yên là gã vui rồi. Hạnh âm thầm nghĩ đến một tương lai đẹp đang đợi Hạnh và gã ở phía trước. 

Nhưng cuộc sống không màu hồng như gã và Hạnh nghĩ. Nhờ có mối quan hệ của ông chú họ và một khoản tiền chắt bóp bao năm của bố mẹ, gã mới có được suất hợp đồng dài hạn ở một cái viện vốn dành cho đám con ông, cháu cha này. Gã biết, giỏi chuyên môn thôi chưa đủ. Cuộc sống còn có những mối quan hệ chồng chéo, ràng buộc khác. Vô tình và khắc nghiệt. Dù giỏi, gã vẫn chỉ là một thằng nhà quê còn kiết xác. Ở đâu không biết, chứ ở đây gã thấy sự phân biệt đẳng cấp rõ ràng lắm. Từ công việc đến quan hệ. Có lần đám đồng nghiệp thành phố đã đẩy gã vào một tình huống bi hài. Ngày cuối tuần họ đi picnic, họ cố tình cho gã biết họ đi chơi nhưng không cho gã nhập hội. Có người thấy áy náy với gã, đám đông gã gạt đi "Cho thằng mọt sách nhà quê vào hãm lắm, mất hứng". Dường như người ta đang cho gã biết gã là ai. Gã đau đớn. Ý nghĩ kiếm tiền để thay đổi đã thôi thúc gã. Các đề tài nhỏ, các dự án con, đám công chức thành phố cho là không đáng làm, gã làm tuốt, làm hùng hục như trâu, như húc đầu vào đá. Những lần đến chỗ Hạnh gã mang theo cả tiếng thở dài. Sự hài hước của gã đã thay bằng những suy nghĩ thực tế. Có lần như không kìm được gã thốt lên trước mặt Hạnh "Phải có tiền. Phải kiếm thật nhiều tiền em ạ".

Rồi dịp may (hay không may với Hạnh) cũng đến. Nhờ kinh nghiệm và cả chút thủ đoạn, gã đã được đứng tên trong một dự án kha khá. Gã sẽ phải lên đường đi khảo sát ở các tỉnh phía Nam. Gã tạm biệt Hạnh vào một tối muộn rồi bay vào đó. 

Hạnh ra trường với tấm bằng loại khá rồi rạc dài đi làm cộng tác viên cho một số tòa soạn. Cuối cùng cô cũng được nhận một chân hợp đồng ở một tạp chí. Có công việc nỗi buồn xa gã cũng bớt đi. Có ngày gã gọi điện, nhắn tin cho Hạnh vài lần. Có khi ba bốn ngày không gọi. Gã bảo gã bận lắm. Gã nói vậy thì Hạnh còn biết nói làm sao. Biết Hạnh đã đi làm, gã chỉ bảo: Thế thì tốt rồi. 

Bẵng đi vài tháng, Hạnh nhận được thư của gã. Thư viết tay hẳn hoi. Lãng mạn đã quay về với gã rồi chăng? Hạnh hồi hộp tưởng tượng lời lẽ trong thư. Nhưng sao lời lẽ lại lạ thế này. Nội dung thư là lời xin lỗi Hạnh, gã đã có bạn gái trong này. Bố của cô ấy đang là đối tác lớn của gã. Gã cần có một sự nâng đỡ lúc này. Đành phải từ biệt Hạnh thôi. Buông lá thư, Hạnh lả người đi. Không nghĩ đến bố mẹ chắc Hạnh đã lao từ tầng bốn xuống cho quên đi nỗi cay đắng này rồi. 

Cũng đúng lúc này, Hạnh được ký hợp đồng dài hạn với tòa soạn. Cô lay lắt sống như cái cây vừa đi qua đợt lốc xoáy ngả nghiêng. Rồi Hạnh gặp Quang, dân xây dựng. Quang đơn giản và tốt tính. Sáu tháng sau họ nên vợ nên chồng.. Nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ Quang, cả hai đã mua được một miếng đất con con trong ngõ nhỏ, lúc bấy giờ còn là ngoại thành thưa thớt. Rồi tích góp cả hai cũng làm được nhà. Rồi cu Bi ra đời. Rồi công việc của Quang cũng mỗi ngày một khá. Hạnh cũng đã quên đi những cay đắng ngày nào. Quang không để ý đến chuyện cũ của Hạnh. Phần vì Quang đơn giản, phần vì Quang yêu Hạnh. Quang đang vui với những gì đang có : vợ đẹp, con trai đầu lòng.

Vậy mà trớ trêu làm sao, số phận lại đẩy Minh về đây, về làm hàng xóm của Hạnh. Dông gió đã bình yên lại trở nên bão tố trong Hạnh. Hóa ra vòng đời quá hẹp, càng cố tránh càng va đập mạnh hơn. Ngày Minh chuyển nhà đến cũng là lúc Hạnh vừa đi làm về. Chồng Hạnh cũng đúng hôm về sớm đang lăng xăng chuyển đồ giúp hàng xóm mới. Chứng kiến cảnh này Hạnh thấy nghẹt thở. Ngay cả trong mơ Hạnh cũng không nghĩ đến tình thế này. Cô giận dữ bừng bừng kéo chồng vào nhà. Cô còn định xông đến tát vào mặt Minh, nếu còn chút thể diện hãy cút khỏi đây. Nhưng cô lấy cớ gì để làm thế được. Chẳng lẽ lại thô lỗ đến thế ư? Không mắng chửi được ai, Hạnh òa khóc tức tưởi. Nước mắt sau bao năm dồn nén lại, giờ mới vỡ ra như thác lũ. Tâm hồn cô sẽ chẳng bình yên nữa rồi. 

Khi biết mình là hàng xóm của Hạnh, Minh cũng sững sờ không kém. Minh biết mình đã tránh trời không khỏi nắng. Anh đã bị trừng phạt. Suốt một tuần liền Minh không ra khỏi nhà. Chỉ có cô vợ và đứa con gái nhỏ ra ra vào vào. Hạnh nhìn chằm chằm vào vợ Minh, tình địch một thời, đã lấy đi của cô bao nhiêu nước mắt. Tưởng cô ta ngà ngọc thế nào hóa ra cũng tiều tụy thế kia. 

Hạnh đón chào những người hàng xóm mới của mình bằng vẻ mặt lạnh tanh, vô cảm và cả khinh khỉnh nữa. Trong mắt Hạnh, họ dưới một bậc. Thì đấy cứ nhìn là rõ. Nhà Hạnh ba tầng xinh xắn, hai vợ chồng hai con xe đẹp long lanh. Còn anh ta mang tiếng dự án nọ, dự án kia mới chỉ mua lại được căn nhà cấp bốn xập xệ. Cô vợ đến thời này còn đi chiếc xe máy cà tàng. Nghe hàng xóm xì xầm họ bị phá sản trong Nam mới dạt ra đây. Hạnh nghe mà hả hê. Thật đáng kiếp. Hàng ngày Hạnh váy áo tưng bừng, nước hoa ngào ngạt, ôm eo chồng thật chặt khi đi qua Minh. Hạnh thể hiện một cuộc sống "quý bà" của mình. Hạnh quyết phải làm cho Minh đau khổ. Phải cho anh ta cay đắng hiểu rằng: phản bội Hạnh là sai lầm lớn nhất trong cuộc đời anh ta. Hạnh thề không để cho anh ta yên. 

Cô vợ của Minh không hề biết ngõ ngách sâu thẳm của chồng. Hằng hồn nhiên với cuộc sống mới của mình. Ngay ngày đầu về đây, Hằng đã sang chào Hạnh và các nhà lân cận. Gặp Hạnh, Hằng vồn vã chào hỏi trước, đi đâu về cũng có quà cho cu Bi. Dường như Hằng không để ý đến sự miễn cưỡng, dửng dưng của Hạnh. Có lần, Hạnh đi tụ tập với đám bạn, bù khú cũng hơi lâu, cu Bi ở nhà với bố khóc chết lặng đòi mẹ về. Hằng nghe tiếng khóc đã sang đón cu Bi chơi với bé Linh, cho hai đứa ăn uống. Khi Hạnh về, Hằng bế cu Bi đang ngủ ngon lành trao cho Hạnh. Quang nhìn Hằng trìu mến bảo Hạnh: Hôm nay không có Hằng, anh không biết phải đánh vật với nó thế nào. 

Hạnh đứng thừ người, cả chồng Hạnh và vợ Minh đều vô tư, trong sáng quá. Họ không hề biết những dằn vặt trong Hạnh. Hạnh định trả thù ai đây khi quanh mình không có kẻ đối đầu. Cả Minh và Quang nữa, Hạnh để ý, hằng ngày họ cởi mở với nhau, trân trọng nhau lắm. Và Minh cũng điềm tĩnh cứ có lập cập gì nữa đâu. Hạnh đã nghĩ mọi thứ quá lên rồi chăng? Để tạo cuộc sống "quý bà " trước mặt Minh, nhiều lúc Hạnh đã vung tay quá trán. Tiếp tục thế này sẽ cháy túi mất. Rồi đến lúc vợ chồng lục đục lại chả xấu hổ với hàng xóm về sự hoang tàn. Càng nghĩ, Hạnh càng thấy mệt mỏi. 

 

Rồi Hằng bị suy tim. Thấy Minh lo lắng cho vợ ,Hạnh cũng cởi mở hơn. Có lẽ tại Hạnh cứ suy đoán nên mới bày đặt thế, chứ Hằng đơn giản hơn nhiều. Hằng hiền lành, hòa nhã, nhẫn nhịn, biết đâu đây chính là điểm mạnh để Minh chọn Hằng. 

 

Bệnh của Hằng nặng dần, phải nghỉ việc dài ngày để chữa bệnh. Từ ngày Hằng ốm Hạnh hay sang nhà giúp Hằng những việc lặt vặt và thường đi chợ cho cả hai nhà. Có lần, chẳng biết vì sao Hạnh đã mua cả vó bò nữa. Hằng thấy thế reo lên: Đây là món anh Minh rất thích, mà lâu rồi tớ chưa mua cho anh ấy . Nhìn nét mặt chân thành của Hằng, Hạnh chợt rưng rưng. Điều này Hạnh đã biết trước Hằng lâu rồi mà. Quang thấy vợ thay đổi như vậy thì vui lắm. Hạnh trào nước mắt trước sự vô tư, tào lao của chồng. Chính điều này đã làm cho Hạnh ngày càng gắn bó với Quang hơn. Hạnh đang hạnh phúc, còn xăm soi nữa làm gì. 

 

Ngày Hằng nhập viện cũng là ngày vợ chồng Hạnh đi xuyên Việt cùng tòa soạn. Trước khi đi, Hạnh sang dọn dẹp nhà cửa giúp Hằng. Trong thâm tâm Hạnh nghĩ sẽ mua một kỷ vật tặng Hằng, như để chuộc lại những lúc chưa phải với Hằng. Khi vợ chồng Hạnh đi, Minh vừa về đến cổng. Hai người đàn ông bắt tay nhau. Minh chúc cả nhà đi chơi vui ,cứ yên tâm nhà cửa làm Hạnh cay xè mắt. Từ khi là hàng xóm, lần đầu tiên Hạnh quay lại nhìn Minh ấm áp. 

 

Chuyến đi của vợ chồng Hạnh thật mỹ mãn. Hạnh có cảm giác đây là tuần trăng mật muộn mà bây giờ vợ chồng Hạnh mới được hưởng. Hạnh mua rất nhiều thứ. Hộp vỏ ốc sặc sỡ cho cu Bin và bé Linh. Hộp đựng đồ trang sức bằng khảm trai, mắm chua cho Hằng. Ký mực khô cho đám đàn ông trong ngõ lai rai. Xuống xe, mọi người tíu tít cười đùa, trêu vợ chồng Hạnh ngày càng phát tướng. Trong lúc đợi Quang tìm chìa khóa mở cổng, Hạnh mở cổng nhà Hằng bước vào. Nhà yên ắng quá. Chắc Hằng còn ở viện chưa về. Minh ngồi câm lặng. Bé Linh chắc vừa khóc, vẫn còn có tiếng nấc trong lúc ngủ. Góc nhà là bàn thờ mới, luẩn quẩn khói hương. Ảnh Hằng đặt chính giữa. Hằng như đang nhìn Hạnh, nét nhìn thân thiện như chưa hề có sự chia xa, như là Hằng đã biết tất cả, như muốn nói với Hạnh hãy tha thứ cho Minh. Hạnh thẫn thờ, chiếc hộp khảm trai trên tay Hạnh rơi xuống nền nhà khô khốc. Hạnh luống cuống thắp nén nhang muộn mằn. Nén nhang không còn làm được gì cho nhau nữa. Hạnh bật khóc. Những giọt nước mắt này giờ biết dành cho ai đây?


Phạm Hồng Oanh