Khai trường Công Thần

Khai trường Công Thần
Những người đầu tiên có công xây dựng nên một nhà nước được phong là KHAI QUỐC CÔNG THẦN. Những người đầu tiên đóng góp công sức xây dựng một nhà trường thì được gọi là KHAI TRƯỜNG CÔNG THẦN.


Những người đầu tiên có công xây dựng nên một nhà nước được phong là KHAI QUỐC CÔNG THẦN. Những người đầu tiên đóng góp công sức xây dựng một nhà trường thì được gọi là KHAI TRƯỜNG CÔNG THẦN. Mình cùng các bạn Văn - Toán khóa 8 xứng đáng với danh hiệu này của Trường Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh).


Khóa 8 là cách gọi sau này chứ ngày trước chỉ gọi theo năm học. Bọn mình là Khóa 79-82. Cái mùa hè năm 1981 ấy có những dấu ấn đặc biệt đối với lũ học trò bọn mình. Đó là năm đầu tiên thực hiện cải cách giáo dục theo hệ 12 trong cả nước. Thế là bọn mình "đại nhảy vọt" từ lớp 9 lên lớp 12. (Nhưng Sách giáo khoa thì "vũ như cẩn": lớp 10!!!). Thực ra thì cả hệ thống được thăng lớp, nhưng cái oai của bọn mình là phắt một phát là lên tới đỉnh cao nhất của trường. (Nếu chi li thì hè năm ấy trong trường còn anh chị K7, nhưng coi như không tính bởi họ chỉ học hết lớp 10 thôi, mà cũng chẳng được lên trường mới để . . . lao động! Rõ là "làm anh khó đấy, phải đâu chuyện đùa". Lớn nhất rồi thì phải lao động nhiều nhất thôi. Thế là gần trọn hè năm 81, bọn mình thường xuyên đi bộ 10 cây số từ trường cũ ở Hưng Lộc lên trường mới để lao động. Nói là lao động nhưng thực ra cũng chỉ dọn dẹp lặt vặt thôi. Đáng kể nhất có lẽ là lớp mình trồng được mấy bụi tre làm hàng rào phía trước. Ngày ấy chưa có điều kiện để trồng kỷ niệm những cây có giá trị, để rồi ngày hội khóa 30 năm tốt nghiệp thì 2 lớp mới trồng tặng trường một cây lộc vừng. 


Đáng nhớ nhất là những đêm trực bảo vệ trường mới. Ngày đó, nhà trường mượn được một lều bạt của tiểu đoàn bộ đội pháo cao xạ. Lều được căng ngay góc phải phía trước của trường. Cứ ăn xong bữa tối (cũng không nhớ cụ thể là ăn gì, có thể là mì hột, mì cục hay ngô xay, chứ nhất quyết không phải là cơm!!!) là bọn con trai theo nhóm được phân công đi lên trực bảo vệ trường. Bọn con gái không được trực đêm vì con gái xưa nay vẫn là chúa nhát gan, nhất là sợ ma. Mà bọn mình thì lại nghe đồn là ở trường mới nhiều ma lắm. Nào là vùng đất này là nghĩa địa chôn người chết đói năm 45. (Thì ngoài hàng rào bên trái còn khoảng chục ngôi mộ đấy). Nào là có đứa rửa chân ở mấy vòi nước ngay sân trường đã thấy trồi lên mấy khúc xương. Rồi cũng không biết ai kể là dãy nhà Ban Giám hiệu xây 2 lần đều bị đổ, về sau phải cúng mới xong. (Chuyện này nghe hao hao như chuyện An Dương Vương xây thành Cổ Loa vậy). Tóm lại là chỉ toàn nghe đồn như kiểu tin vịt trên mạng bây chừ ấy. Thế là, buổi tối mà muốn đi tè thì bọn tôi cũng phải cầm cái đèn chai và dựng một thằng đi kèm). (Nếu bắt bọn con gái lên trực thì chắc phải sắm thêm cái bô!!!). Sáng dậy, lấy ngón tay ngoáy vào mũi là lôi ra một cục đen sì. Có đứa bảo là do âm khí nó tụ lại. Trong khi suốt đêm ngọn đèn làm bằng một cái chai 65 đổ đầy dầu mazut thì cứ cháy phừng phừng suốt đêm trong cái lều bạt bịt kín.


Vui nhất trong đợt trực trường này là chuyện thằng Sinh tìm được kim cương. Số là ngay cổng trường có mấy đống đá hộc để làm móng nhà. Không hiểu sao mà Sinh gõ gõ được cả chục viên hình lục lăng màu vàng lóng lánh rất đẹp. Nghi là kim cương nên nó thử rạch vào một miếng kính thì thấy có một vết xước. Đúng là kim cương rồi! Cả bọn reo lên. Sinh thì mơ màng: "Ta sẽ đeo lên cổ nàng, Ngân ơi!". Cả bọn hộc tốc về trường hỏi cô Hương dạy Hóa và thầy Đào dạy Lý (biệt danh là Lep Lan Đao) thì cô và thầy nói không phải. Chưa tin, Sinh với mình và Tiến ra Liên đoàn Địa chất 4 để hỏi thì được biết đó là quặng pirit có ở mỏ đá Rú Mượu (Hưng Nguyên). 


Cũng trong hè 81, toàn trường chuyển lên cơ sở mới nhưng việc xây dựng chưa hoàn thành. Lúc này, toàn trường mới có: 01 dãy nhà Ban Giám hiệu, 03 dãy nhà ở giáo viên, 01 nhà bếp và 02 dãy phòng học gồm 06 lớp. Trường chưa kịp xây khu nội trú cho học sinh. Thế là nhà trường đành bố trí cho học sinh ở ngay trong phòng học. Theo cách: Một nửa phía bục giảng thì dồn bàn ghế để làm lớp học, một nửa thì ghép các tấm phản để ngủ. Khi lớp học thì lấy các tấm chăn giăng ngang như một tấm bình phong nhiều màu. Nam Toán và nam Văn ở trong phòng học của lớp Toán; ngược lại, nữ Toán và nữ Văn ở chung trong phòng học của lớp Văn. Được cái là phòng học xây khá rộng, học sinh chỉ không quá 30 người một lớp, hơn nữa là đã quen chật chội ở Hưng Lộc rồi nên mọi người cũng thấy . . . bình thường thôi!!! 


Một hôm, đang say sưa giảng bài thì bất chợt thầy Phong dừng lại, ánh mắt hướng về cuối phòng, nét mặt thoáng bối rối. Cả lớp ngoảnh lại. Thì ra, hôm ấy bạn Hảo sốt cao phải nằm ở nửa cuối phòng. Chắc là do trong lúc thiếp đi nên bạn ấy làm rơi tấm chăn căng ngang. Một bạn nữ nhanh nhẹn chạy về sửa lại. Sư phụ Lê Thái Phong hóm hỉnh lẩy một câu thơ của Tố Hữu:


"Nửa công trường, nửa nhà trường xôn xao"!
 

26/6/2020

Trần Anh Chiến