Tết về Hà Nội hái tầm xuân

Tết về Hà Nội hái tầm xuân
Thuở nhỏ, tôi mê đi hái tầm xuân. Bây giờ tìm tầm xuân không dễ. Còn nhớ ở miếu làng gần đình Cổ Nhuế có một bụi tầm xuân, tôi thử đến tìm. Tự trách mình trí nhớ lá khoai, thấy đường mở rộng, nhà cửa vài ba tầng mọc lên san sát, quên cả lối xưa, thở dài đi ngược về Chèm…


Thuở nhỏ, tôi mê đi hái tầm xuân. Bây giờ tìm tầm xuân không dễ. Còn nhớ ở miếu làng gần đình Cổ Nhuế có một bụi tầm xuân, tôi thử đến tìm. Tự trách mình trí nhớ lá khoai, thấy đường mở rộng, nhà cửa vài ba tầng mọc lên san sát, quên cả lối xưa, thở dài đi ngược về Chèm…


Tới đê, bỗng ngẩn người, thấy vắt ngang trời sông một dải lụa đỏ. Màu đỏ của cờ treo dọc con cầu Thăng Long. Xe cộ chạy nườm nượp trông bé như những cái hộp di động. Ngày xưa, trước mênh mang sóng nước, nhà thơ chỉ thấy tràng giang và những kiếp phù du trôi giạt. Con mắt nhà thơ nhìn xuống, hắt ra những tiếng thở dài. Tôi không biết làm thơ, trước con cầu, ngu ngơ nghĩ đó là đường lên trời. Nhưng con đường lên trời này không thể đi bộ. Đành gọi taxi… Xe chạy trên cầu, tôi có cảm giác như đang trên mái nhà mình nhìn xuống. Hà Nội, một vườn hoa đa sắc…


Anh lái xe lấy làm lạ khi tôi đòi xuống chân cầu. Anh ta mỉm cười, vì nhớ lại chuyện tôi kể lúc nãy, rằng tôi đang đi hái tầm xuân. Thực ra, bên Đông Anh không có tầm xuân hoặc có mà tôi không hề biết. Tôi muốn đến thăm một gia đình quen cũ. Đó là gia đình bác Tào, gốc gác mãi tận ở Cổ Gia, dạt về đây sống nhờ nghề sông nước. Nhà có quán nước, bác gái bán trà và kẹo lạc, kẹo vừng hay rượu Vân với lạc rang. Em Vui làm thợ may. Em Vẻ đi học đại học. Bác Tào trai suốt ngày ngồi trên thuyền đánh bạc. Nhớ lúc hàn vi, nhờ biết chút ít võ vẽ, tôi hay được bác Tào cho xuống thuyền làm đệ tử. Tiền to cuộn lại đẩy ra phía sau, tôi vo lại lẩn vào cạp quần, chờ lúc được sai đi mua rượu là đem về cho bác gái. Một lần công an bắt được tất cả những người chơi bạc. Tôi đi mua rượu nên không bị bắt, lòng cứ ngậm ngùi… Nói cho đúng, tôi không ham cờ bạc. Tôi chỉ có máu tò mò. Tôi theo bác Tào xuống thuyền chẳng qua là một kiểu học đòi. Học đòi các nhà văn ấy. Đi thực tế mà! Tôi biết khối chuyện về cờ gian, bạc bịp. Ví như chiếu bạc có bốn người thì phe bác Tào ba, người kia chơi cách nào rồi cũng thua ba người. Trên chiếu, bác Tào hầm hè với hai người bạn coi như xa lạ. Lúc đám tan, họ lại về nhà bàn đánh chén, bàn dụ con mồi khác…


Làng tôi ở bên kia sông. Chỉ đi đò, đi phà qua mà thành thân. Vợ chồng bác Tào tỏ ý yêu mến ra mặt. Vui và Vẻ chỉ nhìn tôi cười khúc khích. Sau này, tôi vào Sài Gòn làm báo, ít dịp về quê cũ, tưởng đã quên cả… Tôi gọi taxi ngược trở lại vì bác Tào đã chuyển vào Ngọc Nhật. Chắc là theo con gái lấy chồng ở làng hoa. Tôi tìm được nhà bác không mấy khó khăn. Hỏi cô Vẻ, Giám đốc công ty trách nhiệm hữu hạn Bờ Bắc, không mấy ai không biết. Về sau, tôi biết cô nổi tiếng không phải vì giàu có mà vì một mối tình… Chao ôi! Có những sự nổi tiếng đượm buồn…


Bác Tào trai đang cặm cụi ngoài vườn. Sao mà lắm quất, thược dược, lay ơn… Bác đang uốn cành cho những cây quất đã được tạo dáng theo mười hai con giáp. Tôi suýt bật cười thành tiếng vì bác nghĩ tôi chỉ là một khách đi đặt hoa. Chuột chạy, Mèo lười. Trâu cười, Hổ phục… Trông đến vui mắt. Tôi đến gần bác, nói nhỏ: “Cháu đặt cửa này ạ!”. Bác Tào so lại kính, nhìn chằm chằm vào tôi, vất ô-doa nước, lạc giọng kêu lên: “Thằng Bắc! Giời ơi là giời!”. Rồi ôm lấy tôi, mắng yêu: “Bố anh! Cái giống bạc! Biệt tăm ở mãi đâu…”. Tôi nói gia đình tôi vào Nam hết, lâu lắm mải kiếm kế sinh nhai nơi đất lạ, chưa về thăm được… 


Tôi và bác Tào ngồi uống rượu. Uống với quất chín ngay trong vườn. Bác Tào gái đã mất từ lâu. Vui lấy chồng rồi theo chồng vào Đà Nẵng. Vẻ đi tối ngày. Một mình bác Tào bầu bạn với cây, hoa. Tháng, năm bứng gốc quất. Trước đó, trên cành có nụ, có hoa nào phải ngắt đi cho bằng hết. Rồi sau tháng năm có lá non nào trổ, bấm hết đi cho đến khi nào nụ hoa bật khỏi cành. Quất vào dịp Tết chưa đủ trái chín vàng, sai trẻ con tè vào chai lúc sáng sớm, hòa một thùng nước, phun đều lên từng cây là được vừa ý. Còn hoa lay ơn, thược dược… muốn Tết có hoa chơi và bán, phải trồng làm nhiều đợt. Một ngày nắng hoa lớn nhanh bằng bảy ngày rét. Cứ thế mà tính trồng xen… Việc cứ bù cả chân tay, bác Tào nói vậy. Tôi hỏi bác về đào sau khi đã nâng ly cụng cùng bác. Bác Tào nói bác không có duyên đào. Cũng ngắt nụ, ngắt lá, tỉa cành mà đào của bác chưa có vụ nào nở hoa đúng Tết. Năm nay, lạ thay, rét ngọt thế, lười chăm thế, đào vẫn trổ bông. Những nụ hoa nhỏ như cái cúc bấm đo đỏ sắp hé chờ mưa xuân…


Khuya. Vẻ tự lái xe về nhà. Tôi và bác Tào đã chuếnh choáng men hoa. Không phải say rượu. Vẻ nói bác Tào đưa tôi vào nhà, kẻo hai bác cháu dễ cảm gió. Nghe đến gió, tôi mới thấy lạnh. Áo hai bác cháu trắng hạt bụi mưa xuân. Nhà lớn quá, sang trọng quá, nhưng cũng trống vắng quá. Máy điều hòa ro ro… Chỉ có Vẻ là ít nói, lặng lẽ nhìn tôi: “Anh cũng chẳng thay đổi mấy”. Tôi nói: “Em cũng vậy”. Cô buồn buồn hỏi về bố mẹ tôi, công việc của tôi. Tôi kể nhà tôi ở Gò Vấp, bố mẹ tôi tối ngày bên vườn hoa, tôi tối ngày lang thang trên các nẻo đường lượm tin, đêm ngồi viết bài. Tôi kể hơn một năm nay bố mẹ tôi tỏ mặt giận dỗi vì cứ nhắc đến chuyện vợ con là tôi lấy xe ra, đi lên tòa báo… “Cũng như em”, Vẻ nói, nhìn lại bác Tào âu yếm như định nói ngầm với người cha một điều gì đó. Bác Tào rót cho tôi và bác mỗi người một ly, chép miệng: “Rồi anh chị ế cả thôi…”.


Tôi đã trở về Hà Nội như vậy. Những hôm sau, Vẻ đưa tôi đến công ty của cô. Cô buôn bán máy vi tính. Tiếc thay, chẳng có cái máy nào tính đúng đường đời cô. Cô đã chờ một người hầu như vô vọng… 


Chúng tôi bơi thuyền trên Hồ Tây căm căm gió bấc. Ai nấy lại nóng ran cả mặt. Và ngồi nhà Thủy Tạ uống ca cao, cùng đón gió bấc! “Chỗ này chính diện gió”, tôi nói và kéo Vẻ vào một góc khuất. “Em tưởng anh thích gió lạnh mãi?”. Tôi cười. “Rồi anh sẽ nói…”. Hai đứa nhìn bờ hồ xanh cây, lọt thỏm trong bốn bề nhà cao tầng như sâu hơn, sẫm hơn. Vẻ hỏi tôi còn nhớ anh Quan. Tôi nhớ và hai anh em xuống khu “Cao-Xà- Lá” cũ ở Thượng Đình tìm bạn. Khu trường Đại học Tổng hợp giờ bị vây kín với khu tập thể Thanh Xuân dựng trên trận địa cao xạ ngoài đồng năm xưa. Nhìn cảnh cũ đổi thay, tôi bỗng giật mình nhớ cách đây gần hai mươi năm, Vẻ đã tắt đồng từ khoa Lý xuống khoa Văn thăm tôi. Tôi đã tiễn em về. Trời căm căm gió rét. Tôi đã nắm lấy tay em và bảo: “Đi sau anh. Gió chính diện! Rét ghê…”. Lúc chia tay, tôi đã vô tình không nhìn vào đôi mắt hơi ươn ướt của em. Vô tình quá! Cái nắm tay chặt quá, làm em đã gửi lầm một niềm tin… Chúng tôi dừng ngoài đường, cùng ngược về quá khứ. Khác là bây giờ chúng tôi đã lớn. Vẻ ngồi sau tay lái, quay về phía tôi. Tôi nắm lấy tay em và bảo: “Giờ thì anh không để mất em nữa”. Vẻ khóc… Cái cơ ngơi của Vẻ bây giờ bắt đầu từ vốn bán quất. Từ giã sông nước, hai bác Tào chuyển sang trồng cây, hoa. Bác kể ở trong tù hồi bị giam giữ vì tội đánh bạc có tổ chức, một người tù đã truyền nghề cho bác. Mấy mùa xuân, quất của bác vàng rực cả phố phường Hà Nội. Vẻ mở một cửa hàng bán máy. Rồi phát triển thành công ty như bây giờ…


Tôi đã bay trở lại làng hoa Gò Vấp. Từ trên máy bay, Sài Gòn trắng xóa màu vôi, sơn mới quét. Máy bay nghiêng cánh lượn vòng, đủ để tôi nhìn rõ thành phố y như một ngôi sao năm cánh… Sông Sài Gòn uốn khúc hình chữ V rất lạ. Một người ngoại quốc bảo tôi đó là chữ Việt Nam. Một người nói đó là biểu tượng chiến thắng hay cất cánh gì đó. Vẻ ơi, tôi nghĩ đến em… tôi nhớ đến căn nhà bé tí, quán nước, con đò nơi bến Chèm và con cầu đang bay lên trời. Tôi nhớ bác Tào, nhớ vườn quất và thược dược, nhớ bụi tầm xuân… 


Hình như hôm qua cầu Thê Húc, lúc vào đền Ngọc Sơn, tôi bỗng nhìn thấy um tùm cây lá. Mắt có lầm không khi nhác thấy một bụi tầm xuân. Tay có lầm không khi tôi nắm lấy tay em… Ở Gò Vấp không có tầm xuân. Quất vườn nhà đang vào mùa vàng mọng. Bố tôi giục tôi ra Hà Nội. Có thể ăn Tết ở đó cũng được. Người già tinh đến tận lòng con.


Vẻ ơi, hôm nào rỗi, em nhớ ghé qua Ngọc Sơn xem anh có nhìn lầm không nhé! Trời đã cho anh gặp tầm xuân. Và se duyên cho chúng mình sau dâu bể, thăng trầm? Lẽ nào giữa Hà Nội hiện đại, vẫn còn nguyên sơ một bụi tầm xuân không dễ gì kiếm được ngay cả ở chốn rừng hoang? Lẽ nào cái nắm tay ở Thượng Đình năm ấy không đủ sức gắn ta lại với nhau? Tết này, ta cùng đi hái tầm xuân, em nhé!


Nguyễn Quốc Văn