• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

Bến đời

Thứ sáu - 05/11/2021 09:51


(Ảnh: Rom Vang)


BẾN ĐỜI!
(Phạm Minh Châu)

 
Lạ thật! Tôi đã thấy trong số bạn bè mình rất nhiều người chẳng có dính dáng, hiểu biết gì về Biển mà tự nhiên cứ yêu nó. Trong số ấy có cả tôi...
 
Tuy nhiên tôi có thể giải thích được một phần cái nguyên nhân ấy từ Văn chương, sách vở. Có lẽ những trang sách, bài thơ, bức tranh, phim ảnh hiếm hoi của một đứa trẻ nông thôn đã gieo vào lòng tôi cái tình yêu rất vu vơ, lãng đãng nhưng cũng rất kỳ lạ khó lý giải từ tuổi thơ trong xanh mà tất cả giận hờn hay yêu thương chẳng cần chân lý nào soi rọi.
 
Từ trang sách đến cuộc đời, ở cái tuổi biết yêu, tôi đã thầm ngưỡng mộ những Người đi về Biển. Đầu tiên là những người Lính Biển, rồi đến những chàng “thủy thủ Xin-bát”đang khoác áo sinh viên trong trường Đại học Hàng Hải (ngôi trường danh giá bậc nhất trong những năm 80 của thế kỷ trước). Hơn cả tình yêu, chúng tôi trân trọng và ngưỡng mộ nhau, luôn nghĩ về nhau bằng những hình dung, tưởng tượng đẹp đẽ lãng mạn nhất của tuổi mười bảy. Người bạn trai cùng lớp (Ngô Vương Tuấn) và người anh họ (anh Hựu) của tôi... là thủy thủ, và họ đã thành những Ngôi sao Biển lấp lánh trong giấc mơ Thời hoa đỏ luôn âm vang tiếng sóng và lời hát trong tôi.
 
Như một Duyên Phận, năm 24 tuổi, tôi kết duyên với một Người Lính Biển, và năm 26 tuổi, tôi rời quê hương theo chồng ra sinh sống ở Thành phố Cảng Hải Phòng – nơi mà sau này chúng tôi hay gọi bằng cái tên thân thương, gần gũi: Làng Chài!
 
“Chưa bao giờ nghĩ Hải Phòng có em!”, một người bạn hơn tuổi đã rời thành phố vào Nam lập nghiệp, sau nhiều năm gặp lại đã nói với tôi như vậy. Đúng là cuộc đời con người có quá nhiều ngã rẽ không ngờ! Tôi đến với mảnh đất này như sự sắp đặt của số phận, mà bàn tay nhân hậu của Thần Phật, Thánh Mẫu Lê Chân – Người tạo dựng nên mảnh đất này - đã âu yếm chở che. Tôi tốt nghiệp Đại học Sư phạm vào những năm khó khăn nhất của đất nước (Năm 1991) trở về quê hương, được nhận vào dạy ở ngôi trường danh giá nhất lúc đó – Trường Phổ thông Trung học Chuyên Thái Bình. Cuộc sống của tôi bình yên và thuận lợi bên anh chị tôi, bên những Người Thầy tài năng và nhân hậu, những người anh, người chị, người bạn đồng nghiệp mẫu mực, giỏi giang ở vùng quê lúa… Tôi và cả chồng tôi cũng chưa hề nghĩ đến một sự di chuyển nào vì mọi thứ đều quá bình ổn, êm đềm. Thường cứ chiều thứ sáu, chồng tôi lại từ Hải Phòng về với vợ con và đi vào chiều chủ nhật. Việc đi lại tuy chưa thuận lợi như bây giờ, nhưng khi tất cả mọi người đều chung hoàn cảnh như mình, cộng với tuổi trẻ và tình yêu đang nồng nàn của những năm đầu hôn nhân, khiến chúng tôi đều cảm thấy thoải mái.
 
Rồi như một cơ duyên, sự hình thành của các Trường Chuyên ở mọi cấp học khi ấy đã giúp tôi trúng tuyển trong kỳ thi chọn giáo viên dạy Chuyên Văn cấp Trung học Cơ sở của quận Ngô Quyền năm 1994. Con trai đầu vừa đầy tuổi, là khi tôi tạm biệt Phổ thông Trung học Chuyên Thái Bình - bến đỗ đầu tiên của cuộc đời, nơi lần đầu tôi bước chân lên bục giảng với tư cách Người Gieo Hạt trên chính quê hương mình. Tôi sẽ mãi nhớ về nơi này - nơi đã cho tôi một sự khởi đầu tốt đẹp về Gia đình, Tình yêu, Sự nghiệp… Tôi mãi mãi biết ơn những Người Thầy tuyệt vời, những người anh người chị đồng nghiệp tài năng, nhân hậu, yêu thương và giúp đỡ tôi hết lòng trong những ngày đầu chập chững vào nghề. Từ Bến đỗ này, tôi đã trưởng thành và vững vàng bước đi trên đôi chân mình! Dù không đi xa và đạt được những đỉnh cao như bè bạn, nhưng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc với sự lựa chọn của mình. Nơi đây, tôi có những học sinh thuộc thế hệ Tinh hoa sinh ra sau ngày đất nước thống nhất (năm 1976). Tôi đã được dạy những bài bọc thực tế đầu tiên của cái nghề Gánh Chữ trong ngọt ngào, hạnh phúc chưa biết đến đắng chát, nhọc nhằn! Tôi nghĩ: tôi là Người Lái Đò hạnh phúc vì được giương buồm ra khơi từ Bến Sông này!
 
Tháng 9 năm 1994, Hải Phòng - mảnh đất Hải tần phòng thủ, Người Lính trấn giữ Biển Đông Bắc của đất nước, nơi có rất nhiều dòng sông ra biển đã trở thành quê hương thứ hai của tôi.
 
Tôi không cô đơn ở mảnh đất này ngay từ những bước chân đầu tiên. Bạn thân cùng phòng, cùng giường tầng của tôi thời Đại học (em Thủy Tròn) còn chưa lấy chồng. Họ hàng nội ngoại của tôi cũng lập nghiệp thành công ở mảnh đất này. Mọi người nói đùa với tôi: “Em yên tâm đi, một phần tư dân số Hải Phòng là người Thái Bình đấy”. Và tôi càng tin: mình có Duyên với Biển! Trường Trung học Cơ sở Chu Văn An của quận Ngô Quyền trở thành Bến Đỗ đời tôi từ đó!!!
 
Người phụ nữ đầu tiên ở Đất Cảng ghi đậm dấu ấn trong lòng tôi chính là cô hiệu trưởng Hoàng Kim Chi.
 
Ấn tượng đầu tiên của tôi về cô không thật dễ gần: một người phụ nữ không có dáng vẻ thị thành, càng không “mắt xanh mỏ đỏ tóc phi-dê” như người ta vẫn có định kiến về gái Hải Phòng thời đó. Cô đẹp, một vẻ đẹp giản dị mộc mạc không tô vẽ đỏm dáng, hơi lạnh lùng, đúng kiểu “Bà hiệu trưởng khó tính”. Gia đình cô vốn là Việt Kiều ở Thái Lan về nước theo tiềng gọi của Bác Hồ những năm kháng chiến chống Pháp. Hai mươi sáu tuổi, dù đã có chồng con, nhưng thế hệ tôi ngày ấy không khôn khéo, lanh lợi và sành đời như bây giờ. Tôi lại là một… người nhà quê ra tỉnh, nên không khỏi choáng ngợp và e dè khi đối diện với cô - một trong số những người quyết định công ăn việc làm của tôi ở đây.
 
Tôi đến gặp cô với tư cách là một giáo viên xin được thi tuyển vào dạy Chuyên Văn ở trường Chuyên cấp Trung học Cơ sở của quận. Cô rất thẳng thắn nói với tôi: “Dù cháu có là chỗ quen biết do đồng nghiệp cũ của cô nhờ cậy thì cô cũng không giúp được, vì đây là kỳ thi tuyển của Sở và Phòng giáo dục. Việc thẩm định chuyên môn là của mạng lưới, cháu phải thực sự cố gắng để khẳng định mình thì mới vượt qua đối thủ”. Nghe cô nói vậy , tôi cũng run run, nhưng vì chưa va chạm với thực tế phức tạp của việc thi tuyển bao giờ nên tôi rất hồn nhiên, tự tin vào mình và cố gắng nhất có thể. Chồng tôi cũng động viên tôi: “Em cứ cố gắng, thi được thì như “chuyện thần thoại”, không được thì em vẫn trở về Thái Bình dạy ở ngôi trường mơ ước của bao người mà em yêu quí, anh cũng không ngại về quê với mẹ con em đâu”.
 
Và vận may đã một lần nữa mỉm cười với tôi, khi tôi chiến thắng áp đảo đối thủ nặng ký (người nhà gì đó của cán bộ Sở) để trúng tuyển trong kỳ sát hạch. Gia đình nhỏ của tôi bắt đầu một bước ngoặt sau hai năm gây dựng. Tôi trở thành công dân của Thành Phố Cảng từ mùa thu năm ấy! Người của thế hệ được Bác Hồ đào tạo ấy trở thành Sếp đầu tiên của tôi ở mảnh đất này. Cô là điển hình của một thế hệ các nhà giáo sống thanh cao liêm khiết, cương trực, có đức có tài, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Sau này sống gần cô, tôi càng hiểu được tấm lòng yêu thương, bao dung của cô với đồng nghiệp và thế hệ trẻ chúng tôi. Lứa chúng tôi (Châu, Vũ Hường, Quân, Nhàn, Thuận, Trần Huyền, Ngoan, Kim Anh) cùng về năm trước, năm sau. Đã bao lần chúng tôi phải ấm ức vì bị cô la mắng (có cả oan). Nhưng chúng tôi vẫn luôn biết ơn và kính trọng cô. Nhờ có sự khó tính và nóng nảy “thẳng ruột ngựa” của cô mà chúng tôi đã trưởng thành. Cho dù cô không phải là một Hiệu trưởng lý tưởng trong mọi lĩnh vực, cho dù có nhiều đồng nghiệp đánh giá cô cứng nhắc, nguyên tắc không biết làm lợi cho mình và cho trường... Nhưng với thế hệ 6X và 7X chúng tôi, cô vẫn mãi là một tấm gương về Người Thầy, về một người phụ nữ truyền thống với những nét Đẹp Xưa: nhân hậu, nhẫn nhịn, hy sinh và là một “người Sếp Tử Tế” hiếm hoi so với những “Chúa Trường” thời nay. Tôi nghĩ mình thật may mắn khi lò dò những bước chân đầu tiên trong nghề ở Hai Quê hương đều gặp những người như cô. Một phần nhờ cô mà tôi đã trưởng thành trong công việc; nhưng điều quan trọng nhất là cô đã cho chúng tôi một tấm gương về bản lĩnh, niềm tin, một nhân cách Người Thầy để theo đuổi cái nghề Gánh Chữ mỗi ngày một khắc nghiệt và nhọc nhằn này.
 
Phúc hay Duyên để tôi sắp trọn Đời Nghề trong một tập thể có những con người ưu tú, giỏi giang có đức, có tài và rất “nghệ sỹ”.
 
35 năm trước (1986) là một học sinh giỏi Văn luôn ở vị trí đầu bảng tại một trường cấp ba nổi tiếng của một vùng quê có truyền thống hiếu học nhưng tôi đã trượt đại học vì thiếu nửa điểm. Như một con Chích Chòe người đang ngất ngư trên ngọn tre cao nhất bị sét đánh gẫy cánh và rơi xuống vũng nước, tôi gần như sa vào trạng thái trầm cảm… Nhưng người xưa đã từng nghiệm: “trong cái rủi có cái may”… Chỉ vì trượt đại học năm ấy mà khi ôn thi lại, tôi đã gặp gỡ và kết thân với những người bạn cùng cảnh ngộ rất tuyệt vời, được học những người thầy giỏi, tài hoa, cá tính và khí phách nhất ở tỉnh Thái Bình khi đó (thầy Đặng Thuyên, Thầy Nguyễn Hải Đạm, Thầy Dương). Ánh sáng của tri thức và sự cao lớn về nhân cách Người Thầy, người nghệ sỹ trên bục giảng của họ soi chiếu cho tôi. Để rồi sau này, sự ảnh hưởng của họ tới tôi trong nghề nghiệp cũng như cuộc đời là những yếu tố quan trọng tạo nên một TÔI - chắc là không tệ - bây giờ.
 
Thi lần thứ 2 mới đỗ đại học, tôi học cùng khóa với các bạn sinh năm 1970 kém tôi một tuổi. Lứa sinh viên tuổi Canh Tuất của Văn Khoa Sư phạm Hà Nội I năm ấy nổi trội trong trường ngay từ những ngày đầu tiên nhập học bởi cả sự xinh đẹp và tự do đầy “Chất nghệ sỹ”. Tám mươi phần trăm sinh viên khóa tôi là học sinh được tuyển thẳng vào trường sau khi tham dự kỳ thi Học sinh giỏi Văn toàn quốc. Được gần những Tinh Hoa như vậy, cuộc sống của bạn sẽ trở nên phong phú và thú vị biết bao. Khóa Sư phạm Văn khoa-K37 của chúng tôi nổi tiếng tài hoa, tài tử và bướng bỉnh khó quản. Chúng làm Khoa không ít lần tức giận; làm thầy cô nhiều chuyện đau đầu nhưng vẫn phải yêu thương. Ký ức đẹp đẽ về một thời Thanh Xuân Huyền diệu mãi mãi khắc ghi trong tim, và quan trọng hơn, nó luôn đồng hành với chúng tôi trong cuộc sống. Sau 30 năm ra trường, chúng tôi vẫn luôn gắn bó và chia sẻ vơí nhau những vui buồn. Các Thầy Cô vẫn yêu quí lớp tôi, vì chúng tôi luôn nhớ và tri ân thầy cô. Tôi cảm thấy mình thật may mắn vì được làm bạn của họ. Cái rủi đã trở thành cái may (hay cái Duyên) trong cuộc đời tôi!
 
Ngôi trường mới của tôi ở Đất Cảng cũng vậy. Sinh sau đẻ muộn, nhưng tọa lạc ở vị trí đắc địa (bên hồ An Biên, cung văn hóa Thanh niên, cung văn hóa Việt Tiệp), ngay từ đầu trường đã được đầu tư để trở thành một trường trọng điểm của quận Ngô Quyền - quận nội thành lớn nhất thành phố. Vì lý do trên mà những giáo viên kỳ cựu ở các trường được lựa chọn về đây để thu hút học sinh. Một lần nữa, tôi lại được sống và làm việc với những đồng nghiệp giỏi, nhiều kinh nghiệm khi vừa chân ướt chân ráo đến nơi này.
 
Bắt đầu lạị nghề Gieo Chữ trên một cánh đồng xa lạ, tôi không khỏi bỡ ngỡ, hoang mang. Người đất Cảng phóng khoáng, nồng hậu dù có phần thô mộc xù xì. Người Đất Cảng ồn ào mạnh mẽ, liều lĩnh bất cần nhưng cũng rất nhân hậu, bao dung.
 
Vừa bập bẹ học việc ở Trung học phổ thông dưới bóng những cây đại thụ của một miền đất hiếu học, tôi lại phải học lại từ đầu ở một môi trường mới lạ về cả kiến thức, phương pháp và phong cách sống. Bốn năm trải nghiệm ở một cấp học mới cũng là bốn năm hoà nhập với nhịp sống đô thị, thành phố Cảng đã cho tôi một mái ấm gia đình nho nhỏ nhưng vững chãi và những người thân, bè bạn, đồng nghiệp mà tôi yêu quí và suốt đời mang ơn.
 
Chiếm đa số ở trường tôi bấy giờ là hế hệ các anh chị giáo viên sinh ra vào những năm 50, đầu những năm 60 của thế kỷ XX. So với các truờng bạn,trường tôi có nhiều giáo viên Nam vì họ đều là những người thầy giỏi phụ trách các lớp chuyên Toán, luyện “Gà Chọi” để đi thi các cấp. Tôi có Duyên với các lớp chuyên Toán. Tôi dạy Văn cho các lớp Toán từ khi ở THPT Chuyên Thái Bình. Đây cũng là một cơ may vì sẽ luôn được tiếp xúc với những người thầy giỏi, những học sinh tài năng và cá tính. Đa số chúng đều ngại học môn Văn, nhưng thông minh, độc đáo trong cảm nhận văn chương và có cái lãng mạn Toán học rất riêng của “dân Tự nhiên”. Vui vì tôi luôn được chúng chấp nhận. Thích học Văn thì chắc là ít, nhưng chắc chắn là không chán, không ghét và “mít đặc” cái môn học “dài, dai, dắt, đắt” ấy... Còn những Người Thầy của chúng thì đúng là “Nhất quả đất” luôn! Thầy Hoàng Hùng mảnh mai như “thầy giáo Thứ” (nhân vật trong tiểu thuyết của Nam Cao), mặt lúc nào cũng đăm chiêu, hình như luôn băn khoăn vì có một bài toán chưa tìm được các giải tối ưu nhất. Anh được học sinh “thần tượng”, phụ huynh tin tưởng và đồng nghiệp nể trọng, thực sự xứng đáng với danh hiệu cao quý: Nhà Giáo Ưu Tú.
 
Đối lập với cái trầm tư suy tưởng của thầy Hoàng Hùng, thầy Bình Minh như một Nghệ sỹ chọn nhầm nghề. Mắt sáng như sao, đi nhanh, nói nhanh, phản ứng nhanh như một cái máy tính đã lập trình sẵn…đáng lẽ ra Thầy phải là một kỹ sư hay một doanh nhân thì phù hợp hơn. Thầy là điển hình của một Thầy Giáo Nghệ sỹ tài hoa mang đạm chất Đất Cảng từ phong thái đến tính cách. Học sinh của Thầy không chỉ được học Toán theo cách thông minh nhất, mà còn học được rất nhiều điều độc đáo, khác biệt ở thầy: được đi chơi, đi ăn “tẹt ga” (như cách nói của người Hải Phòng), được nghe thầy hát và bị thầy quất vào mông (không dám để bố mẹ biết) nhưng sẽ không đứa nào bị lãng quên trong Bộ nhớ siêu việt của Thầy (kể cả lý lịch trích… dọc ).
 
Những Ông Thầy trẻ hơn sau này như Thầy Tuyến, Thầy Quảng, thầy Quân… cũng là những Người Thầy không dễ quên trong ký ức của nhiều thế hệ học sinh Chu Văn An. Nhớ về họ, tôi không chỉ nhớ về những bảng thành tích dài, mà quan trọng hơn là nhớ về một thời tươi đẹp, trong sáng, vui với nghề, sống với nghề và biết yêu  ghét, hiểu biết, trưởng thành hơn từ những đắng cay của nghề.
Tuy nhiên, các thầy giáo trong trường nào thì cũng chỉ là số ít, chị em chúng tôi luôn là “mặt tiền” của ngôi nhà. Vào những năm 80 của thế kỷ trước, Hải Phòng là nơi buôn bán sầm uất nhất miền Bắc vì có bến cảng lớn đón tầu nước ngoài. Nữ giáo viên trường tôi nhiều chị rất xinh vì các chị là sự lựa chọn số một của các chàng thủy thủ viễn dương - cái nghề “hót” nhất lúc ấy mà người Hải Phòng là đầu bảng. Là một “Người nhà quê” đến đây, tôi không tránh khỏi tâm lý tự ti trước những người phụ nữ ở thành phố nổi tiếng ăn chơi sành điệu bậc nhất cả nước. Nhưng rồi tâm trạng ấy của tôi cũng nhanh chóng qua đi, bởi đa số các chị em trong trường đều đón nhận tôi bằng thái độ thân thiện, xởi lởi, thẳng thắn rất hồn nhiên của người Hải Phòng.
 
Ấn tượng đầu tiên của tôi là: các chị mặc rất đẹp! Tùy thuộc vào hoàn cảnh kinh tế, sở thích của từng người nhưng ai cũng rất chỉn chu trong trang phục kể cả đi làm, đi chơi hay ở nhà. Tôi thích nhất vẻ đẹp thanh nhã và yểu điệu như một mệnh phụ của chị Vũ Hải dạy Toán và sự dịu nhẹ, thân thiện trong giao tiếp của chị. Tôi ngưỡng mộ vẻ đẹp Tây Phương (cái gì cũng hơi... quá  một chút) của chị Mạc Loan dạy văn. Chị Bích Liên có đôi mắt và gương mặt tuyệt đẹp, chị Phan Dung cao lớn sang trọng như một bà chủ… Điều đáng nói ở đây là các chị không chỉ đẹp mà giỏi, nhiều người trong số họ rất khéo tay, có tài lẻ. Hầu hết các chị đều biết đan, thêu để có thể tạo ra những đồ đẹp, bền cho gia đình trong cái thời bao cấp thiếu thốn khó khăn của cả nước. Chị Bích Mai (giáo viên Anh Văn) đan móc rất điệu nghệ. Chị bảo: “Đó là nghề kiếm sống của chị trước đây, khi  các trường chưa dạy Tiếng Anh”. Nhiều chị có thể tự may, sửa quần áo. Những bộ quần áo cũ vào tay các chị sẽ lập tức có thêm một cuộc sống mới, diện mạo mới. Có thể nói, các chị tôi là mẫu phụ nữ gần nhất với chuẩn mực “tứ đức” mà tôi được gặp. Đó là những cô gái thị thành giỏi việc trường, đảm việc nhà, hậu phương vững chắc của những chàng thủy thủ cả năm trời lênh đênh trên biển, những “trụ cột” vững chắc của nhiều gia đình nhà giáo trong một giai đoạn “quá độ” mà sau này thế hệ trẻ không thể hiểu nổi.
 
Các chị trong tổ khoa học xã hội  trong mắt tôi lúc ấy như những “Ngôi Sao gần” lấp lánh ngay trước mặt. Chị Mai Anh xinh đẹp, mảnh mai có gương mặt giống như diễn viêm Diễm Hương đang nổi tiếng trên màn ảnh. Chị dạy Tập làm Văn (một phân môn khó và khô khan) rất chuẩn mực, dễ hiểu; lại là một trong hai vũ công (cùng chị Bích Mai) làm mưa làm bão trên sân khấu của ngành giáo dục ngay cả khi đã về hưu.Chi Hưng (dâu Thái Bình nhà tôi) mũn mĩm, tươi duyên, ăn mặc rất đẹp và sang, tính tình xởi lởi rộng rãi, dạy văn rất say, tự nhiên, bay bổng. Chị Nga và chị Xuân thì điềm đạm, chuẩn mực ôn thi vào cấp III rất có uy tín nên về hưu đã lâu nhưng rất nhiều phụ huynh vẫn tín nhiệm gửi con…Các chị trong tổ Ngoại ngữ ai cũng xinh đẹp, phong cách và đầy cá tính. Chị Trúc Lâm vui nhộn hài hước, nhại tiếng bác Vũ bảo vệ thì trâu bò cũng phải lăn lóc cười. Chị Tính vô tư, hồn nhiên như trẻ nhỏ, xuề xòa tốt tính, cứ rủ là xách “vấy” lên đường lại có tài hóa giải tất cả các muộn phiền cho các em bằng những chân lý không thể giản đơn hơn, kèm theo những món ăn sướng miệng. Chị Nguyễn Bích trẻ mãi không già, lúc nào cũng đẹp sang trọng và kiêu sa, có tiếng khái tính.
 
Có một cái tên mà các giáo viên Văn trong thành phố hầu như đều biết đến là chị Đỗ Diệu Huyền. Khi chúng tôi đang học đại học, chị đã là một “Ngôi Sao nổi tiếng”, đạt giải Nhất cuộc thi Giáo viên dạy giỏi Toàn Quốc, sau này là giải Cây Phấn Vàng của Thành Phố. Mẹ chị là con gái Bắc Ninh, có lẽ vì vậy mà ở chị hội tụ đủ tất cả vẻ đẹp và sự giỏi giang, thông minh của những người con gái Kinh Bắc xưa. Chị đã đẹp lại rất biết ăn mặc, trang điểm nên lúc nào cũng tươi tắn, duyên dáng, đoan trang đúng “chuẩn vẻ đẹp Cô giáo Văn”. Những giờ dạy Chuyên đề của chị là mẫu mực của nghệ thuật dạy Văn. Trên bục giảng, chị như một người Nghệ sỹ mà sự hài hòa về kiến thức, phương pháp, thần thái đều đạt đến chuẩn mực. Tôi cũng chưa thấy một người tổ trưởng nào ngoài uy tín chuyên môn lại khéo léo, linh hoạt và ân cần với đồng nghiệp, như chị. Mỗi lần chúng tôi thi giáo viên dạy giỏi hay lên lớp chuyên đề, chị đều là người định hướng, giúp đỡ, nhận xét rất chân tình, hiệu quả .Chi về hưu, để lại một khỏang trống không ai có thể lấp đầy trong chúng tôi.
 
Nhớ lại những ngày đầu về trường, là một giáo viên trẻ chưa có kinh nghiệm, lại ở THPT xuống dạy THCS, tôi gặp nhiều khó khăn trong công việc khi phải làm quen với chương trình, đối tượng và phương pháp mới. Trong quá trình hòa nhập ấy, tôi đã được các chị trong tổ, nhóm bảo ban, giúp đỡ rất ân cần. Nhưng dù rất cố gắng tôi vẫn không sao học được ở các chị sự cẩn thận, chỉn chu, tròn trịa trong công việc. Tôi hay hấp tấp, không biết kiềm chế và cân đối lượng kiến thức, trình bày bảng luộm thuộm, chữ xấu nên các chị luôn nghiêm khắc phê bình và góp ý. Tuy nhiên các chị lại khoan dung trong cách đánh giá, và sẵn sàng “đỡ đòn” cho tôi trong những lần thanh, kiểm tra. Với các chị, tôi luôn nhận được sự động viên, khích lệ, không hề có kiểu xét nét, soi mói của các “bà ráo rà” mà ta thường thấy. Hình như ở những người giỏi, tâm hồn họ thường phóng khoáng bao dung, chả có chỗ cho những bon chen tủn mủn bới long tìm vết thường tình. Sau này được các chị mới kể lại “Chúng tao đã “duyệt” mày từ giờ dạy sát hạch đầu tiên rồi, cứ cố gắng mà vo cho tròn em ạ!”… Thế là từ đó tôi càng tin vào “số mệnh”. Tôi chẳng có “số làm quan” (gà Ri mà nị) nhưng Mệnh tôi thì may mắn trong cái “đường bạn bầu” (Hồi sinh viên Thủy Tròn bói bài Tây cho tôi nói thế).
 
Khi tôi viết những dòng này thì thế hệ ấy chỉ còn hai chị, cũng sắp về hưu ngay trong năm học 2021-2022 đầy biến động khắc khoải. Một cảm giác luyến nhớ và trống vắng đã xuất hiện trong tôi mấy năm nay càng nặng trong lòng. Chúng tôi ngày nay sẽ không bao giờ có thêm những Nguời Chị Công Đoàn hết lòng vì anh em như chị Vương Huyền, chị Đặng Thủy, anh Bình Minh, chị Kim Sinh… Những chuyến đi du lich xa cùng các anh chị trong thiếu thốn, eo hẹp về kinh phí nhưng vui bất tận vì tính hài hước, dí dỏm và sự ấm áp chu đáo đến từng cái tăm, lọ dầu, những thứ đồ “chuyên dụng” cỏn con tế nhị của chụ em phụ nữ.
 
 Sinh ra ở nông thôn trong một gia đình nghèo đông con, tôi không được dạy dỗ cẩn thận về nữ công gia chánh. Các chị đã chỉ bảo tôi từng chút trong việc nội trợ. Tôi được dạy cách đi chợ chọn hải sản, chế biến những món dễ và ngon (hợp với cái “lăng khếu” hạn hẹp của mình). Tôi vốn vụng về lại hay đãng trí, nên các chị đành phải “miễn giảm”các công việc (vì an toàn chung). Thế  là chú “gà mờ”- là tôi - lại hay được “chiếu cố” và được cho các món “bí truyền” của các chị  mỗi dịp lễ tết ,hội hè để “khai hóa văn minh” cho con em dại “ở nhà quê mới ra”. Sung sướng và cảm động biết bao khi bạn luôn nhận được những móm quà thơm ngon của Biển từ những bà nội trợ khéo tay,sành ăn ,chiều chồng con nhất mực. Chị Mai Anh muối dưa hành, làm mắm rươi siêu đẳng. Chị Hưng có món ốc bươu nấu chuối chết lịm dạ dày. Chị Vương Huyền độc đáo món nước hoa quả dầm. Chị Đặng Thủy làm các món cuốn tuyệt vời. Chị Quí nấu món thịt đông ăn rất tốn cơm. Bạn Ngoan có món Chả nem hải sản gia truyền. Chị Sinh và chị Nhạn nấu cỗ chuyên nghiệp, gói bánh chưng nhoay nhoáy… Tóm lại, ăn uống là một cái “đường” quá sung sướng chỉ được khai thông khi tôi đến ngôi trường này. Đó là chưa kể những buổi liên hoan tổng kết, ngày 8-3… hay đôi khi là những ngày ngẫu hứng thèm ăn, cùng các chị đổ bộ đến những quán ngon vỉa hè mà ai về Hải phòng cũng ước ao được đến. Ngay cả sau này khi các chị đã nghỉ hưu, chúng tôi vẫn gọi điện đến quấy nhiễu mọi lúc: từ nấu một món ăn, cách chữa bệnh ở nhà cho con, địa chỉ quán ngon, cửa hàng đồ xịn mà giá rẻ; địa chỉ bác sỹ giỏi hay tìm một ông thầy thầy bói cao tay, lễ cúng ngày này, chỗ nọ thì sắm cái gì…Tóm lại, cuộc sống của chúng tôi luôn có một sợi dây nối với Một thời – mãi - nhớ ở Trường Con Voi (tên Nôm của trường tôi những ngày đầu, vì sân trường dạo ấy có một cái cầu trượt hình con voi).
 
Đến với nơi này, không chỉ là đồng nghiệp, tôi còn được là em gái của các chị. Họ như những “người Thầy” của tôi trong Đại học Cuộc đời. Các chị chính là những người nhắc nhở, góp ý với tôi phải biết ăn mặc, làm đẹp cho mình để giữ Chồng. Các chị cũng là người khuyên tôi phải có “quĩ đen”, dắt lưng những đồng tiền bé nhỏ cho riêng mình chứ không phải lúc nào cũng vô tư tin tưởng, phụ thuộc vào chồng để phòng những khi “cơm không lành, canh chẳng ngọt”. Các chị là những người luôn sẵn sàng chia sẻ những ấm ức, oan sai, thiệt thòi mà lũ trẻ chúng tôi lúc bấy giờ chưa dám nói.
 
Ba mươi năm theo nghề, 26 năm gắn bó với ngôi trường này… tôi đã để lại ở đây tất cả những vui buồn, mơ ước thất bại và thành công. Tôi đã lấy đi ở đây biết bao “túi khôn, túi thơm”, biết rứt bỏ biết bao nhiêu cái ngô nghê nhà quê, thô thừa, thiển cận, để biết sống theo những gì Tử tế nhất có thể…
 
Thế hệ chúng tôi ở ngôi trường này giờ đây đều đã gần và qua tuổi Tri Thiên mệnh… Những đồng nghiệp mới rất trẻ, giỏi giang năng động và sáng tạo đang thay thế dần chúng tôi, đảm nhiệm sứ mệnh của thế hệ mình. Mấy năm nay, đã có một số học sinh khóa đầu tiên của tôi (Khóa 1994-1998) dắt con tới trường “gửi Bà dạy Cháu”... Ngôi trường thân yêu của tôi cũng đã qua tuổi 35!
 
Những ngày cuối tháng tháng Tám, cả đất nước chìm trong lo âu khắc khoải vì những con số chết chóc vẫn hàng ngày tăng lên ở Phương Nam, nơi đại dịch Covid-19 đang hoành hành. Chúng tôi đến trường học chuyên môn và chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới. Nhưng liệu trẻ thơ có được đến trường học không...? Câu hỏi đang chờ lời đáp ấy trĩu nặng trong lòng mỗi chúng tôi...!
 
Đứng trên hành lang tầng bốn, nhìn xuống sân trường im ắng đã ba tháng vắng bóng học trò, một tâm trạng nôn nao, lộn xộn ứa lên trong tôi. Chuyến Đò Đời cuối cùng của tôi ở bến sông này cũng đã bắt đầu “nửa chặng cuối”. Chỉ mấy tháng nữa thôi, tôi và ba người bạn cùng tuổi sẽ là những “bà giáo già nhất” trong trường. Tôi và họ đã có Duyên gặp nhau tại đây, cùng đứng trong đội ngũ của những Người Làm Vườn Chữ Nghĩa trên cánh đồng này. Bao mùa màng đã qua, mưa thuận gió hòa hay khô hạn úng ngập, chúng tôi vẫn bám ruộng đồng gối vụ thâm canh. Được mùa mẩy hạt hay sâu bệnh thiên tai, những người nông dân vẫn bền bỉ gieo hạt hy vọng cho ngày mai. Không phải không có lúc chúng tôi kiệt sức và mệt mỏi. Không phải tất cả sản phẩm của chúng tôi đều không bị lỗi… Nhưng rất ít người trong số chúng tôi bỏ nghề. Bởi với chúng tôi, đó không chỉ là Nghề mà còn là Nghiệp, là Duyên, là Phúc! Tôi yêu mảnh đất này, yêu những dòng sông và bến bờ nơi đây, những nẻo đường phù sa đã in dấu chân Người Gieo Hạt…Bởi nơi đây đã cho tôi một Bến Đời neo đậu, những Bạn Chài thủy chung và dẻo dai trong sóng gió... Tôi yêu Ngôi Trường này, yêu Thành Phố Những Cách Buồm-quê hương của những con tàu rẽ sóng ra khơi và sẽ lại trở về Bến Quê bình yên!
 
Tháng 9-2021
PMC


Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.