• dau-title
  • Tản Văn
  • cuoi-title

KÝ ỨC TUỔI THƠ TÔI: Buổi đầu tôi đi gặt

Thứ ba - 26/05/2020 08:23

 – Châu ơi, mai con đi gặt nhé!

Câu nói ấy của mẹ tôi đối với các bạn nhỏ tuổi ở xóm tôi là chuyện thường nhưng đối với tôi thì “hệ trọng”.

Tôi là con út. Bố tôi và các anh, các chị đều đi công tác xa, chỉ còn mẹ tôi, tôi và anh Hùng ở nhà. Ở nông thôn nhưng tôi được cưng chiều và sống như các bạn ở thành phố. Sau nửa ngày đi học, tôi chỉ về nhà đọc sách và thổi cơm. Tôi không ra đồng bao giờ. Bắt cua, mò ốc, tát cá, những việc đối với học sinh nông thôn vừa là công việc, vừa là thú vui, nhưng tôi không biết làm.


Tháng 5, mùa lúa chín vàng ươm chờ tay người gặt trên đồng. (Ảnh: baothuathienhue.vn)

Tôi chưa kịp trả lời thì mẹ tôi tiếp:

– Đi làm cho quen con ạ. Xong vụ này anh Hùng vào đại học, ở nhà con phải phụ việc đồng áng với mẹ chứ!

– Vâng, mai con đi gặt với mẹ, tôi đáp vội vì sợ mẹ tôi buồn.

Từ lúc đó, tôi cứ hồi hộp, lo lắng. Tôi vào trong buồng tìm bộ quần áo cũ để mai mặc đi gặt.

Ba mẹ con tôi quẩy quang gánh ra đồng lúc trời vẫn còn mờ tối. Tôi cứ tưởng mẹ gọi dậy quá sớm. Nhưng ra đường làng tôi đã thấy rất đông người. Họ cười nói râm ran. Tôi nhận ra giọng nói của mấy đứa bạn. Cái Nga lanh chanh, cái Liễu nói oang oang, cái Oanh gầy trong trẻo, tiếng thằng Tuấn láu cá thì nhanh và hay gây cười. Tôi nghĩ: “Thế nào chúng nó cũng ngạc nhiên thấy mình đi làm đây”.

Tôi đã không nhầm. Trông thấy tôi, cái Liên đã nói to.

– Chà, nay đi gặt cơ à?

Thế là chúng nó ở đâu xúm lại:

– Ối giời ơi, đến mưa mất!

– “Nhà văn” đã đi thực tế kìa!

Nghe chúng nó đùa như vậy, tôi vừa vui vừa xấu hổ.

Từ lúc vào ruộng lúa, bước chân của tôi cứ xiêu vẹo. Tôi đi trên bờ ruộng mà như đi trên chiếc cầu tre nhỏ vắt vẻo qua sông, hai tay tôi luôn phải giơ lên giữ thăng bằng. Đôi lúc tôi chúi về phía trước và suýt ngã xuống ruộng.

Tôi đứng trước ruộng lúa chín rộ đầy ắp như một mâm xôi mà không biết bắt đầu từ đâu. Mẹ tôi chỉ cho tôi chỗ đứng, dặn dò cẩn thận kẻo cắt vào tay.

(Ảnh: Pinterest)


Sau trận mưa rào, ruộng ì ũm những nước, tôi bước chân xuống, một tiếng “ọp” gọn lỏn phát ra và tia nước đục ngầu phụt lên làm bẩn quần áo tôi. Tôi cười ngượng nghịu.

Mẹ tôi và anh Hùng đã mở được một lối bằng cái nia. Chiếc liềm sắt cong cong như mảnh trăng đầu tháng mẹ tôi đưa nhanh thoăn thoắt. Tiếng cắt lúa nghe ngọt xớt.

Tôi cúi xuống đưa lưỡi liền sát gốc rạ. Tôi tưởng liềm của mình cũng sẽ xén băng băng, nào ngờ cứa đến bốn phát gốc lúa vẫn không đứt. Tai tôi nóng lên và sợ mẹ tôi trông thấy. Nhưng mẹ đã biết điều ấy.

– Mẹ… mẹ, hình như cái liềm nó cùn ấy.

Tôi nói chữa thẹn vậy chứ cái liềm của tôi sắc nhất. Mẹ ân cần bảo:

– Con vòng cái liềm ra gốc rồi giật mạnh chứ đừng cứa cứa như kéo cưa, chậm lắm.

Tôi làm theo lời mẹ cắt xoẹt từng gốc lúa rất ngọt. Dần dần tôi cắt nhanh hơn trước nhưng vẫn bị tụt lại sau mẹ và anh Hùng. Thỉnh thoảng mẹ phải lùi lại gặt trợ giúp. Mẹ còn hướng dẫn tôi cách để lúa cho gọn bông, dễ xén, không rơi rụng, gối đầu lúa lên rạ cho khỏi ướt bông.

Mới gặt được một lúc mà lưng tôi mỏi nhừ, mặt nhễ nhại mồ hôi. Tôi bước những bước xiêu vẹo, khó nhọc, mỗi bước đi nước cứ vọt tung làm ướt thêm quần áo. Một lúc sau thì tay tôi không muốn cắt nữa. Biết tôi đã mệt, mẹ giục tôi lên bờ nghỉ trước.


Ảnh: Pinterest

 Tôi lên bờ ngồi bên gốc cây cầm cái nón quạt lấy quạt để. Một lúc sau, mẹ tôi và anh Hùng gánh lúa lên đặt tạm xuống bờ mương. Tôi cầm nón quạt cho mẹ. Anh tôi rót nước mời mẹ. Mẹ uống nước, những giọt mồ hôi ròng ròng, nhỏ vào bát nước chè xanh. Mặt mẹ đỏ sạm vì nắng.

Chiếc nón trên tay, tôi bỗng dừng lại, tôi nhìn mẹ thấy trong cổ mình có một cái gì nghèn nghẹn. Tự nhiên, tôi thấy mình có lỗi, đây là lần đầu tiên tôi phần nào hiểu được nỗi vất vả của mẹ và bà con quê tôi để làm ra hạt lúa.

Tôi kể lại chuyện này khi tôi đã trở thành một “thợ gặt” có tay nghề khá. Thế nhưng hình ảnh về buổi đầu làm việc nhà nông ấy vẫn in đậm trong tôi.

1984
Phạm Minh Châu

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.