• dau-title
  • Thể ký
  • cuoi-title

Một kỷ niệm nhỏ

Chủ nhật - 15/12/2019 00:20

Năm 2002, tôi được phân công chủ nhiệm lớp 12A8. Lớp này do 2 lớp 11B1 và 11B2 nhập lại với sĩ số 35 em. Hầu hết học sinh lớp tôi học hệ bán công vì điểm đầu vào chưa đủ học hệ công lập.


Nhiều em lớn tuổi hơn so với các bạn cùng lớp (Do hoàn cảnh khó khăn nên việc học bị gián đoạn. Cũng có em ham chơi nên học chưa tốt.)


Chủ nhiệm lớp này quả là gian khổ nhiều so với lớp khác trong trường. Nhưng việc đã được phân công không thể thoái thác. Tôi trằn trọc bao đêm suy nghĩ với câu hỏi: “Mình phải làm thế nào ở lớp học mới này ?” …

Bắt đầu là buổi lao động dọn vệ sinh lớp đầu năm học. Sau khi phân công các nhóm, tôi chủ động làm cùng với các em nữ. Con gái lớp này cũng lớn và chỉ có 6 em, đứa nào cũng có vẻ “đảm đang” hơn nữ lớp khác. Thấy tôi lấy giẻ lau bàn, chúng ngạc nhiên nhìn (vì hầu hết thầy cô chỉ phân công việc rồi tự học sinh phải làm).


Sau buổi lao động với việc làm gương mẫu của người thầy, học trò có vẻ dễ bảo hơn. Được hơn một tháng, tôi bắt đầu lên kế hoạch đi thăm nhà từng em một, để hiểu hoàn cảnh của từng em. Tôi cho học sinh ghi danh sách những em ở gần nhau, lập ra một tổ rồi cử đại diện dẫn tôi cùng đi thăm từng nhà vào các ngày chủ nhật. Lớp không quá đông nên chỉ cần 2 ngày là tôi đã thăm hết lượt. Nhiều em, nhà ở tận thung lũng sâu, tôi phải tháo dép đi bộ bằng chân không mới xuống thăm được nhà. Cũng có em nhà ở lênh đênh trên chiếc thuyền ghép lại trên lòng bờ hồ thủy điện Thác Mơ, từ nhà em đến trường gần 20km. Có em, cha mẹ chẳng đoàn viên, mấy mẹ con phải vất vả nuôi nhau. Có em gia đình khá giả, chỉ có một con nên muốn gì được nấy…


Hiểu được hoàn cảnh từng em để mà thông cảm, mà thương khi chúng lỡ đi học trễ, hoặc vì sao bài tập không làm.


Có tuần, tôi dẫn học sinh đi dã ngoại. Nơi cô trò tôi chọn là thác trời, gần trường. Lúc rảnh rang, cùng luộc khoai, róc mía ăn. Ấy là lúc chúng tâm sự cho tôi nghe nhiều điều sâu kín, về hoàn cảnh gia đình, về ước vọng của bản thân. Nếu không có những phút thế này mà chỉ gò bó với những giờ trên lớp, với những tiết sinh hoạt, toàn báo cáo với kiểm điểm thì tôi đã không bao giờ hiểu được các em, những anh chàng ngỗ nghịch, những cô nàng bướng bỉnh thực ra lại rất dễ thương và tình nghĩa vô cùng. Chúng làm tôi ngạc nhiên và thích thú, có cả phần thương mến nhiều hơn.


Cô trò tôi càng ngày càng gần gũi, đến hết học kì I thì chúng đã coi tôi như người nhà vậy. Tôi thấy chúng giống như những đứa cháu ruột của mình. Hễ rảnh là cả lớp lại kéo lên nhà tôi - dù cách xa gần 5 km. Hầu hết con trai nên việc đạp xe chặng đường như vậy chẳng thấm gì với tuổi “17 bẻ gãy sừng trâu” của chúng.


Lên nhà cô giáo, nhiều khi có gì ăn nấy, vài gói mì tôm pha một nồi rồi mỗi đứa một đôi đũa không cần bát, một loáng đã xong. Mỗi lần chúng đến, căn nhà nhỏ của tôi ồn ã hẳn lên. Có lần trong lúc ngồi chơi, tôi để ý thấy một “chàng” và một “nàng” tí tí lại nhìn trộm nhau tủm tỉm cười. Tôi đoán ra nhưng giả làm lơ. Mấy bữa sấu hai đứa chở nhau lên nhà tôi, mà không đi chung với lớp. Tôi đang loay hoay nấu cơm cho thợ sửa nhà nên bảo nhỏ:


-  Này chờ nhé, cô nấu cơm cho thợ đã!
-  Dạ! Cô ơi! Để em phụ cho. Anh “cu chàng” chạy theo tôi xuống bếp còn “cô bạn” thì lấy bình rót nước giúp tôi mang ra cho thợ. Cu cậu hỏi tôi giọng hồi hộp và ấp úng, khi hai cô trò đã ở bếp:
-  Cô ơi! Cô thấy nó sao cô?
Tôi chợt hiểu ỷ nó muốn tôi nhận xét về “con bé” đối tượng mà nó đang xao xuyến.   
- Cô thấy sao thì quan trọng gì? Quan trọng là em thấy nó sao?
Cậu ta hớn hở :                                                                                  
- Dạ em thấy nó dễ thương... cô nhỉ?
- Ừ. Rồi sao nữa?
-  Dạ là nó học cũng được cô ạ
- Ừ.
- Nó hiền cô nhỉ ?
- Ừ. Thế tóm lại là hai đứa sao?
- Dạ. Em thưa thật với cô là em thích nó!
- Thế “Nó” thì sao? Dạ. Nó cũng thích em ạ!
-  Ở tuổi các em bây giờ có tình cảm đặc biệt với bạn khác giới cũng không sao, nhưng cô dặn trước là không được quá đà đâu đấy! Lo mà học. Cứ vớ vẩn mà ảnh hưởng học tập thì biết tay cô!
-  Dạ em biết ạ! Em cảm ơn cô!

 

Thấy cô giáo chỉ khuyên mà không ngăn cấm, rầy la, cậu ta vui thích chạy ra hớn hở khoe  bạn gái. Từ bữa đó, tuần nào hai đứa cũng chở nhau lên nhà tôi. Đứa thì phụ xếp gạch cho thợ xây, đứa thì phụ cô cơm nước. Bẵng đi chừng một tháng không thấy tăm hơi. Rồi một buổi chiều, chỉ có một mình “anh chàng” lên nhà, nhìn mặt nó không hớn hở như mọi khi, tôi hỏi:


- Nó đâu rồi?
- Dạ em... bỏ nó rồi cô ạ!
- Sao mới gắn bó giờ lại bỏ rồi?
- Em nói thật với cô, con ấy nó láo lắm cô ạ!
Tôi ngạc nhiên

- Sao bữa trước khen hiền ngoan... bữa nay lại...
- Để em kể cô nghe: Cô tính coi, em cứ nói một câu, nó cãi một câu, em tức mình tát nó một cái, nó cũng tát lại em một cái. Em tức quá, bỏ luôn!

 

Nghe cu cậu dãi bày, tôi bất giác bật cười.
 

Thật đúng là...
 

Tình cảm của lũ học trò cấp III kể cũng lạ. Thích nhau, chán nhau chỉ vì lý do chả đâu vào đâu. Cãi nhau, giận nhau rồi coi như chả có chuyện gì xảy ra. Chúng vẫn đi học nhóm chung với nhau nhưng không chở nhau đi chơi riêng nữa.
 

Rồi năm học 12 cũng kết thúc, nhìn lũ trẻ ngày nào giờ đã lớn khôn, đứa nào cũng chững chạc vì sau này ngày càng chăm học hơn lại được nhà trường phân công nhiều thầy cô có kinh nghiệm, nhiệt tình giảng dạy nên kỳ thi tốt nghiệp và thi đại học năm ấy, lớp đạt kết quả cao hơn hẳn nhiều lớp công lập khác. Bây giờ đã có hai đứa công tác tại sở Nội vụ của tỉnh. Có đứa là giáo viên toán cấp III... Nhiều đứa khá thành công trong cuộc sống. Dù xa cách, chúng vẫn nhớ và quan tâm đến cô giáo cũ một cách rất chân thành: Trương Quốc Hòa đang công tác tại sở Nội vụ tỉnh có mở thêm nghề tay trái là dán tường, giấy dán tường của Hàn Quốc. Công việc của nó khá thuận lợi. Còn nhớ, tối ngày 16/11/2013, Hòa gọi điện cho tôi bảo: Cô ơi! Ngày mai chúng em lên dán nhà cho cô nhé!


Tôi chưa kịp trả lời nó đã nói thêm: Hôm trước lên nhà cô em thấy tường nhà cô bị mốc rồi. Cô yên tâm, em dán cho nhà cô đẹp hết chê!


Sáng ngày 17/11, bốn đứa kéo về dán nhà cho cô. Chúng làm việc miệt mài đến 10 giờ đêm mới xong. Căn phòng cũ kỹ bỗng sáng bừng lên. Hòa còn mua thêm một bức tranh chạm gỗ tuyệt đẹp có khắc tên và dòng chữ “Tri ân” treo trang trọng trên tường, nó bảo:


- Cô ơi! Đây là món quà 20/11 em tặng cô. Tôi xúc động không nói lên lời.
 

Gần 11 giờ đêm ấy, học trò cũ của tôi mới dọn đồ nghề về để mai còn đi làm việc. Trời mưa tầm tã, nhìn dáng các em xa rồi, tôi mới bật khóc vì xúc động.
 

Đứa học trò nhỏ sớm mồ côi cha năm xưa, giờ đã là cán bộ, là ông chủ nhỏ, tặng cô món quà của tấm lòng chân thành.
 

Còn mấy đứa con gái ngày ấy, chỉ hai đứa đi dạy mầm non, đứa học trung cấp rồi về làm ở xã, có đứa lấy chồng chỉ buôn bán lặt vặt mưu sinh. Có đứa vợ chồng bất hòa phải điện lên cô “cầu cứu” ...
 

Mỗi đứa một số phận, nghĩ mà thương! Nhưng chúng cũng làm tôi ngạc nhiên xúc động vô cùng vì tấm lòng chân tình không dễ gì có được. Đó là khi con tôi đậu đại học, phải xa con sau bao năm “mẹ đâu con đấy” nhà chỉ có một đứa con nên tôi nhớ con khôn tả. vẫn biết rằng phải để cho con học hành khôn lớn nhưng tôi vẫn không khỏi nhớ, buồn khi phải xa con... Tôi không ăn, không ngủ vì nhớ con, mắt tôi mờ đi, tôi sút đi 10 kg trong 2 tháng đầu con đi học. Thật bất ngờ, mấy đứa nữ biết tin, rủ nhau đến thăm và còn thay nhau nấu nước Hà thủ ô, nước lá chùm bao cho tôi uống để an thần. Rồi thay nhau đến nhà chơi, động viên tôi. Tôi thấm thía tình thầy trò hơn bao giờ hết...
 

Là giáo viên chủ nhiệm khó biết bao nhưng cũng hạnh phúc biết bao.
 

Bùi Thị Biên Linh

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.