• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Búp trên cành – Quả trên cây

Thứ hai - 28/10/2019 22:46


Nhóm Văn Búp tại buổi lễ ra mắt các tác phẩm văn học tại Vườn Vua (Phú Thọ) tháng 8/2019

Trong bộn bề những bận rộn của công việc thường ngày, chúng tôi vẫn tranh thủ tụ họp, có thể bất kỳ lúc nào vào khoảng thời gian xen kẹt, giữa những con người vốn cùng niềm đam mê “viết lách” khi còn ở lứa tuổi từ cái thủa “Búp trên cành” tại Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình.

Một lần, vào cuối cuộc gặp gỡ, khi cuộc vui đầy ắp tiếng cười và chúng tôi thì vẫn đang tranh nhau nói, chợt Nhà thơ Kim Chuông lắng lại, rồi ông ra hiệu cho cả nhóm: “này, các cậu, tớ có ý tưởng thế nhé… thế nhé…”. Đấy chính là xuất xứ của cuốn sách này.

Với tôi, thật khó khi phải bắt đầu từ đâu để viết “phần của mình”. Tôi cứ lần khân mãi, chẳng biết phải viết theo thể loại gì. Trong khi đó, các chị, các bạn và các em nhà Búp cứ lần lượt tuôn trào sản phẩm, công bố trên FaceBook của nhóm, nộp cho chú Kim Chuông biên tập. Rồi tôi nhận được lời nhắn của chị Tâm, điện thoại của chú Chuông: có gì thì cứ viết. Viết cái mình tâm huyết ấy…

Đó là vào quãng mùa hè năm 1979, nhà tôi mới chuyển ra khu Kỳ Bá, mạn kho gạo, cạnh Phòng Lương thực Thị xã phía dưới đầu cầu Kiến Xương (góc ngã ba, đường Lý Thường Kiệt với đường Ký Bá, nay là đường Lê Đại Hành – Thành phố Thái Bình). Buổi chiều, tôi thường chạy vào khu tập thể cơ quan Công ty Thủy sản, nơi vốn đã gắn bó với tuổi thơ của mình sau khi đi sơ tán từ Đông Tân (Đông Hưng) trở về Thị xã năm 1973 cho đến quãng năm 1978 -79. Lũ trẻ chúng tôi không bỏ sót ngóc ngách nào ở đấy; nhớ từng cây bàng, cây phượng, cây nhãn bên trong hàng rào và cả mấy cây cơm nguội bên ngoài vỉa hè nơi góc đường Trưng Trắc (nay là Hai Bà Trưng) giao cắt đường Lý Thường Kiệt. Cuối khu tập thể ấy có mấy bể nước và một cái giếng rất to – nơi thiên đường tắm táp, nghịch ngợm của tụi trẻ lau nhau như chúng tôi vào mùa hè.

Một chiều (tôi còn cảm giác nhớ rất rõ ánh nắng xiên khoai lúc bấy giờ!) khi tôi vừa từ khu bể nước, chạy về mạn cổng cơ quan chỗ có cây nhãn rất mát, để chầu rìa xem mấy bác đang đánh cờ tướng thì chợt có tiếng gọi “Thông ơi, Thông, lại đây, có chú nhà văn đang tìm này!”. Tôi nhìn thấy cái xe đạp đang để nằm xoài cạnh bậc hè, một chú khách lạ, mái tóc bồng bềnh, trán rộng, áo ngắn tay kéo vếch lên vai, một tay đang vê vêđiều thuốc lào, tay kia cầm cái đóm cứ búng búng… Chú nhìn tôi, đôi mắt dài, nheo nheo, rồi chú bỏ cái đóm xuống, vỗ vỗ vào vai tôi: ờ, cu này được đây, nghịch lắm hả, cái tai này là cũng bướng đây… ha ha…

Lần đầu tiên tôi gặp Nhà văn Lê Bính là như vậy! Chú nói với tôi về Lớp bồi dưỡng sáng tác văn học cho thiếu nhi (toàn tỉnh nhé) do Hội Văn học - Nghệ thuật tổ chức vào mùa hè hằng năm, rồi in ra sách, tên gọi “Búp trên cành” nhé, ăn ở ngay tại trong Hội cùng chúng tớ nhé; với toàn những “tay” khá lắm nhé, chúng tớ đi khắp nơi trong tỉnh để tuyển chọn về đấy nhé. Rồi chú giải thích vì sao tôi được chú đến tìm. Nguyên do là bài thơ (duy nhất cho đến bây giờ) của tôi, đăng trên một tập san của Phòng/Ban Văn hóa Thông tin Thị xã và Đài Phát thanh Tỉnh. Bác biên tập đã kể với chú Bính.

Thế là mùa hè các năm 1979 - 82 tôi được về học những đợt bồi dưỡng thiếu nhi viết văn làm thơ của Hội Văn học Nghệ thuật Tỉnh. Những lứa trẻ em từ khắp thôn làng, phường xã tụ về mái nhà của Hội. Lối đi cạnh Sở Giáo dục – Đào tạo vào phía Đoàn Chèo, ngõ nhỏ rải đá, cát với vũng nước đọng sau cơn mưa mùa hạ đã trở nên thân quen với chúng tôi cứ mỗi độ hè về dạo ấy. Những kỷ niệm không thể nào quên! Nơi tôi đã được học nhiều thứ khác biệt hơn, cùng với những gì tôi vốn được học và “mài mòn bút” bên vô số trang văn đủ các thể loại ở lớp năng khiếu từ 2 lên 7 (hết cấp 2, Trung học cơ sở bây giờ). Chẳng hạn, trong giờ học về chủ đề Quan sát, tôi “bị” nhà văn Bùi Công Bính (nổi tiếng với tập sách “Những anh hùng quê ta” mà tôi rất thích!) gọi đứng lên: cái áo mà cháu đang mặc có mấy cúc phía trước, ấy, không cúi nhìn xuống nhé, thế… cái lá bàng ngoài kia có màu gì, à đấy là nhìn từ đằng này… nhưng lát nữa thử xem từ phía kia, có nắng chiếu vào thì nó khác thế nào nhé.

Lần đi thực tế ở Tân Hòa (Vũ Thư), tôi vốn rất tò mò và thích chuyện lịch sử nên say sưa ghi chép cuộc nói chuyện của các bác lãnh đạo xã, nhà văn hóa xã suốt cả buổi sáng về vùng đất “đồng trắng nước trong, rong rong cua kềnh”. Quá trưa, bác Nguyễn Hoa, nhỏ nhẹ nói với tôi: bác sẽ hướng dẫn cháu viết một bài ký. Ôi, lúc đó tôi cứ hân hoan, thầm nghĩ như mình sắp thành nhà báo đến nơi rồi và háo hức ngồi vào viết luôn. Cuối mùa hè năm ấy, tôi có một “tác phẩm” để nộp và được bác khen lắm.


Lớp bồi dưỡng năng khiếu cho thiếu nhi - Hội VHNT tỉnh Thái Bình, Hè năm 1977

Chúng tôi là “nhóm Thị xã” cho nên hết các đợt tập trung học hè rồi vẫn cứ thi thoảng “vào Hội chơi”. Hỏi các bác các chú về bài viết, về tứ thơ, về ý tưởng sáng tác. Chầu rìa những cuộc nói chuyện, đàm đạo của các bậc cha chú mà có khi đầu óc non nớt chưa thể hiểu hết “chuyện thế sự trong ngoài trang viết”. Nhưng với tôi, tất cả đều thấm đẫm tinh thần văn chương cao quý lắm tỏa ra từ nơi ấy.

Sự ngưỡng mộ khi tôi thấy thấp thoáng qua rèm cửa là bóng dáng của bác Bút Ngữ, nhà văn Chủ tịch Hội, với tác phẩm tiểu thuyết đồ sộ “Pháo đài đồng bằng” mà tôi được đọc từ trước khi gặp bác. Hè năm 1982, tôi học xong lớp 11, chuẩn bị lên lớp 12, hè tiếp theo sẽ không tham gia Trại viết nữa vì hết tuổi thiếu niên rồi, phải ôn thi đại học. Trước khi chia tay, các bác các chú trò chuyện riêng với từng đứa chúng tôi, hỏi han cặn kẽ sang năm sẽ thi vào trường đại học nào, định học ngành nghề gì… rồi ghi cho chúng tôi những dòng lưu bút khuyên bảo hết sức ân cần, chu đáo. “Cháu có thể viết tốt về văn xuôi, nhưng đừng làm người lớn sớm” là câu mà bác Bút Ngữ viết trong cuốn sổ nhỏ của tôi.

Quả thật, trong khi tôi chỉ viết theo kiểu “nghiêm, ngắn” cho nên, đến bây giờ, tôi vẫn chẳng thể nào hết ngưỡng mộ những câu thơ văn của các “bạn văn” thủa ấy, sao mà tự nhiên thế, sao mà tươi non thế… “Quỳnh Trang buổi ấy em về/  Mùa lên 8 tấn bộn bề niềm vui”; “phù sa đục ngầu ngầu/ Mà sao màu lá biếc/  Có phải tiếng chim hót/  Đánh rơi giọt sương tròn”; hoặc là: “tôi yêu con sông Trà Lý chảy qua Thị xã Thái Bình quê tôi đến kỳ lạ. Mùa đông, dòng nước trong văn vắt, sông như đang nằm in lìm với giấc ngủ. Mùa hạ thì cuồn cuộn phù sa đỏ nồng nàn, những hôm lũ về, nước ngập lên tận mí cỏ”. Chỉ với từ “mí” thôi, bài văn được giải Nhất, được cô giáo chủ nhiệm 7E đọc trước cả lớp chuyên Toán và chuyên Văn học ghép tại Trường cấp 2 Minh Thành.

Cũng tại nơi này, những lớp bồi dưỡng sáng tác văn học thiếu nhi cỡ toàn tỉnh vào mùa hè mà chẳng nơi nào ở Miền Bắc (thậm chí là cả nước) có được, ở cái thủa bấy giờ, thời bao cấp “gạo châu củi quế” ấy đã đem lại cho chúng tôi biết bao nhiêu kỷ niệm, góp phần tạo dựng cho chúng tôi nền tảng về cách thực hiện một bài viết; cách chúng tôi trân quý tình cảm và chữ “duyên gặp gỡ” được nhau trong cuộc sống.

Có một lần, nhóm chúng tôi nẩy ra ý định trốn đi chơi đâu đó vào chiều tối. Cả bọn quyết định sẽ đạp xe về nhà chị Tâm (Trần Huyền Tâm) ở tận thôn Hữu, xã Mê Linh, Đông Hưng. Ngặt nỗi, nhiều đứa muốn đi mà xe đạp thì không đủ. Chúng tôi gặp chú Lê Bính thầm thì, tìm đồng minh để xin “kế” vì chú vốn nuông chiều lũ trẻ. Chú cười ha hả và bảo: phải đóng kịch! Tớ muốn xem các cậu diễn kịch thế nào…! Cả bọn ngơ ngác. Chú bảo: này nhé, một đứa chạy hốt hoảng từ ngoài cổng vào, hô ầm ĩ lên, nhưng phải rất thật nhé, mặt tái đi, mồ hôi mồ kê… ối ôi… có đứa… có đứa… abc bị tai nạn gì gì đó ngoài kia… cho chúng cháu mượn xe chở nó ra bệnh viện Việt - Bun nhé các bác các chú… thế rồi phải thật nhanh nhé, dắt đại một chiếc xe đang dựa ở hàng hiên kia xuống, phóng đi luôn… à, mà nhớ chọn cái xe của ông xyz nhé, cái đấy tốt lắm, đèo được 2-3 đứa đấy.

Kịch thì không dám diễn nhưng chúng tôi đã cùng nhau bày ra trò khác để có xe đạp, rong ruổi, miệt mài với quãng đường xa lắc lơ vào cái tuổi đó, về đến nhà chị Tâm lúc đã tối mịt, được ăn cơm mới thơm đến thế, với món ăn ngon không tưởng là trứng gà đánh muối, xào với lá hẹ. Cả một đàn gà của nhà tớ đấy nhé, trứng gà sẽ nở ra gà con chứ. (Tôi không bao giờ quên được ánh mắt nheo nheo, vui và hóm hỉnh, nụ cười ấy của Bác – mẹ chị Tâm, người mà sau này tôi còn có biết bao nhiêu kỷ niệm).

Chúng tôi cứ vô tư, cứ nghịch ngợm và có cả chảnh chọe để lớn lên, để học cách viết những bài văn thơ khi thì rất trong sáng, bay bổng, lúc lại rất suy tư và sâu lắng. Bài viết của chúng tôi được các bác, các chú hướng dẫn, rèn dũa, chỉnh sửa câu chữ, chấm phẩy để trở nên long lanh và đáng tự hào, vượt qua phạm vi tỉnh Thái Bình và sau này còn đi xa hơn nữa... Rời mái trường phổ thông, chúng tôi đi học đại học. Nhiều bài viết thời sinh viên của từng Búp vẫn được các bác các chú ở Hội dõi theo: ồ, với bài viết này là nó tuyên ngôn chấm hết trẻ con, biết yêu rồi nhé; bài này thì giải A sinh viên toàn quốc là đương nhiên đấy. Văn thơ của Búp Thái Bình len lỏi khắp các cuộc vui, các buổi sinh nhật, các đêm thơ, bình thơ ở Đại học Sư phạm, Ngoại giao, Tổng hợp, Kinh tế, Ngoại ngữ… Có những dịp vui như thế, tôi lại góp thêm phần làm ồn ào một góc nhỏ của Khoa Văn với Nguyễn Thị Toán, khuấy lên sự yên tĩnh của các nhà Ngoại giao tương lai nơi ký túc xá chị Tâm Trần.

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân, tôi chưa biết một từ Tiếng Anh nào, vì chỉ được học Tiếng Nga suốt thời cấp 2, cấp 3, đại học. Thế là mùa xuân năm 1989, trong lúc chờ công việc chính thức đi làm ở Bộ Ngoại giao, chị Tâm trở thành giáo viên Tiếng Anh đầu tiên của tôi – giảng viên đại học tập sự.

Những buổi tối mùa xuân mưa phùn, tôi đạp xe đến chỗ chị ở ngõ Liên Trì, gần phố Nguyễn Du, hồ Hale (Thiền Quang) để học; bắt đầu là phát âm cho đúng a, b, c (ây, bi, xi) rồi thuộc bảng chữ cái, phân biệt quán từ “the” và “a”. Hết năm bài đầu tiên trong cuốn sách Kernel One là coi như tôi xong phần “vỡ lòng” về Tiếng Anh của mình. Năm 1995, học thạc sĩ, tôi đi Mỹ với khá nhiều điều “nghe lỏm và học mót” qua các câu chuyện từ anh chị Tâm Dũng. Quãng thời gian 1998 - 2000, khi tôi học ở Nhật Bản, chị Tâm công tác tại Đại sứ quán Việt Nam, Seoul, Hàn Quốc. Hơn cả thân thiết, như một người chị ruột thịt, chị viết cho tôi rất nhiều email chia sẻ với tôi về sự xa nhà, học hành, công việc và dự định tương lai. Năm 2009, lần đi Mỹ thứ hai bằng cuốn hộ chiếu công vụ được cấp với chữ ký của chị, tôi từ bang California lên Washington DC, tới chỗ chị ăn tối, cùng ôn lại kỷ niệm về bữa tối thấm đẫm và tràn trề ánh trăng trên mảnh sân nhà ở Thôn Hữu năm nào…

Sau quãng 40 năm, mùa hè 2015, nhờ những kết nối internet và FaceBook, các lứa Búp trên cành tụ họp lại lần đầu tiên, thật vui mừng khôn tả. Chúng tôi tới thăm bác Bút Ngữ, hạnh phúc rưng rưng khi nghe Nhà văn gần 90 mùa xuân mà vẫn nhắc tên các Búp, kể về một câu thơ, ý văn của lũ trẻ như vừa mới hôm qua mà nay đã vào lứa trên 50-55 tuổi. Rồi mọi người cùng đến thắp hương tưởng nhớ bác Văn Hoa trong sự thành kính và lắng đọng. Một buổi chiều cùng nhà văn Đức Hậu, nhà thơ Kim Chuông, họa sĩ điêu khắc Hà Trí Dũng về Thái Thụy thăm nhà văn Lê Bính. Mặc dù có vấn đề sức khỏe khá nghiêm trọng nhưng “đã lâu lắm rồi, chưa bao giờ tớ vui thế này”. Chú đàn hát say sưa như người nhập đồng. Hấp háy đôi mắt tinh anh, chú nhắc tôi về “cái đận các cậu (hai vợ chồng) tìm về nhà tớ ở đầu cầu Bo cũ bên mạn Hoàng Diệu để hỏi việc bốc thuốc cho mẹ… và định cả xem bói nữa nhỉ… hihi…”. Rồi chuyện chú gọi điện, tớ lên Hà Nội, vào nhà cậu chơi nhé, cho tớ nghỉ một đêm nhé, này, nhưng mà đừng bày vẽ ăn uống gì đấy. Chú cháu trò chuyện rất khuya. Chú bảo, tớ thức khuya lắm, cái tật của mấy anh văn thơ ấy mà… à, mà tớ còn tật hư, thôi, tớ phải ra cái ban-công vườn này làm mồi thuốc lào nhé, hút tạm vào cái ống giấy cuộn này vậy. Chú tặng bọn nhỏ nhà tôi mấy cuốn chuyện thiếu nhi (Chuyện kể của ông Đại tá), mắt lấp lánh, chú khen mấy đứa nhỏ chuyện học hành. Rồi chú cháu say sưa nói chuyện nhân tình thế thái. Mãi sau chú bảo, thôi, tớ đi ngủ đây, mai dậy sớm ra Nguyễn Đình Chiểu. Ôi, lúc đó, tôi mới biết chú lên dự lễ trao quyết định kết nạp Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, vì tớ cứ lừng khừng mãi cho nên đến giờ chuyện ấy mới diễn ra, thôi, cũng chẳng có gì quan trọng đâu…
Chú nằm ngủ được chừng giấc dài, thức dậy, thấy tôi vẫn đang lạch xạch bên bàn phím máy tính thì bảo, cậu cũng thức khuya quá nhỉ, không tốt đâu. Rồi chú lại ra ngoài ban-công làm mồi thuốc lào. Sáng hôm sau, nhất quyết chú không cho tôi đi tiễn, cũng không nói là lúc nào, sáng hay chiều thì đến lượt nhận quyết định ở Hội Nhà văn, các cậu đừng đến, đừng bảo ai nhé, đừng đem hoa quà tặng lên đấy nhé! Ôi, chú Lê Bính!

Viết và kể về Búp trên cành, với chúng tôi sẽ là những kỷ niệm và nguồn cảm hứng không bao giờ vơi. Nhớ lại thủa miệt mài cùng các bạn lớp chuyên cuốc bộ đi học,khắp các trường cấp 1, 2 ở Thị xã Thái Bình; những mùa hè oi ả mồ hôi lăn trên má, dinh dính trên lưng, ngồi trong phòng có chiếc quạt trần ù ù ở Hội Văn Nghệ tỉnh,“thật là một thời kỳ kinh khủng nhỉ, toàn bọn kin kin, thế mà được dạy cho những thứ thật là đặc biệt nhỉ; tu từ, đảo ngữ, cấu tứ, thi pháp, bút pháp, nhãn quan nghệ thuật.., mà sao thấy tò mò mà hào hứng và say sưa thế nhỉ. Những ngón tay vẹt đi vì cầm bút, miệt mài hết đoạn này, trang kia; đua bạn, theo bè và rồi chúng tôi lớn lên… Sau này, ở từng giai đoạn học tập và mỗi vị trí công việc của mình, tôi đều như thấy được những giá trị thu lại, nhận về từ những năm tháng ấy. Những cách viết chuyên đề, luận văn, luận án; những báo cáo khoa học hoặc văn bản hành chính mà chúng tôi có thể hoàn thành; hoặc chỉn chu hơn, hoặc gãy gọn hơn, hoặc sáng ý hay mạch lạc hơn; đều ít nhiều được nuôi dưỡng nguồn, vun đắp gốc từ cái thủa chúng tôi còn đương là Búp trên cành.

Vũ Huy Thông

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.