• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Gieo hạt

Thứ ba - 10/12/2019 17:03

(Kính tặng Phụ Nữ - Người Gieo Hạt cho cuộc đời).

Nhà bà ngoại có một cái chum đựng nước mưa. Mưa thất thường nên chum nước  lúc đầy, lúc vơi. Lúc chum đầy nước là những khi trăng hay chui vào đó chơi. Trăng trong chum nước long lanh như nụ cười em bé. Lúc chum vơi, là khi mình hay thò đầu vào đó và nghêu ngao hát. Tiếng hát trong chum rỗng nghe vang vang, ngân nga, có cảm tưởng giống giọng mấy cô văn công hát chèo xóm dưới.

Có một buổi sáng thức dậy, lấy nước đánh răng, vô ý để nước rơi tung ra từ cái gáo nhỏ, rơi xuống mảnh đất phía sau chum, những hạt nước rơi trúng đầu một cái hạt đang đội mầm nhô lên.

Cảm giác ngỡ ngàng, sung sướng, cảm giác hân hoan, hiếu kỳ, và khi mình cúi xuống, lấy ngón tay chạm rất khẽ vào hạt mầm ấy, bỗng trào lên cảm giác yêu thương, nâng niu, che chở….Trong cái đầu của cô bé 5 tuổi ấy xốn xang ý nghĩ được làm Mẹ. Mình đã âu yếm cái Mầm ấy mỗi sáng, mỗi chiều, bằng mắt, bằng vô vàn những ý nghĩ yêu thương trong đầu, có đôi khi bật ra thành tiếng.

Mình bẻ những cành cây khô thành những mẩu nhỏ xíu “làm nhà” cho cô bé Mầm ấy. Một hàng rào xinh xinh, đều tăm tắp bao bọc cô bé Mầm, mà mình nghĩ rằng nếu có con gì đó muốn tấn công cô, cũng sẽ ngần ngại, chả nỡ.

Cô bé Mầm lớn nhanh, mỗi ngày mỗi khác, từ màu trắng trong chuyển sang xanh nõn, rồi xanh lam, rồi xanh lục. Rồi đến một buổi sáng nó xòe ra hai cái lá, nhỏ xíu, non nớt. Tuổi thơ mình cứ đinh ninh rằng tại vì những bài hát mình cố dịu dàng hát cho giống tiếng ru, tại vì những câu chuyện thủ thỉ mình nghĩ ra chỉ để nói riêng với cô bé…mà cái Mầm mở hai con mắt, là hai cái lá, ngóng chờ.

Cây lớn lên cùng mình. Khi những cánh hoa đầu tiên rung rinh, bà bảo đó là một cây hạt đậu. Thế là trí tưởng tượng thơ ngây lại đinh ninh với mình rằng đó chính là hạt đậu từng được giấu dưới 20 lớp đệm của cô công chúa bé nhỏ, để rồi cô trằn trọc suốt đêm không ngủ được, vì cứ cảm thấy cái gì cồm cộm dưới lưng. Và có con chim nào đó đã nhặt được hạt đậu, nó bay mải miết từ xứ sở Andersen, bay qua mùa thu, về trú đông ở cái làng nhỏ bé đầy nắng ấm của bà ngoại, và đã thả hạt đậu bé nhỏ đó xuống cạnh chum nước nhà bà.

Rồi những cánh hoa dần khép lại, vẻ rực rỡ nhường cho dáng mệt mỏi và sắc phai phai. Bông hoa đã làm Mẹ. Khi những chùm quả lúc lỉu trĩu cành mảnh mai, mình nhận thấy cái cây thật dịu dàng, thật nhẫn nại, chịu đựng như Mẹ trước lũ con đáng yêu, nhưng vô cùng nghịch ngợm.

Khi nắng đã có phần chói chang giữa hạ, bà bảo quả đỗ già rồi, hái về lấy hạt. Cái cây Mẹ trở nên gầy guộc, xanh xao, và nét mặt thì buồn thiu thiu. Nó nhớ quả, nhớ hạt.

Một buổi sáng trời hiu hiu gió, những đám mây sà xuống ngậm mưa, cái cây gầy gục đầu trên đất. 


Bà ôm mình an ủi: “Vậy là xong một kiếp!”. “Cây về chầu Trời. Trời cho kiếp khác”. “Kiếp nào hả bà?” – Mình nhỏm đầu khỏi lòng bà thấp thỏm hy vọng. Bà bảo: “ Có khi nó chọn kiếp Người”! - “Ồ vậy là nó sẽ thành người Mẹ, sẽ đẻ ra những đứa con, như cháu bây giờ, phải không bà?”. Bà âu yếm nhìn xuống đôi mắt hân hoan niềm vui của mình, không hiểu sao mắt bà lại thoáng buồn khó tả.

Hai bà cháu tách những hạt đậu ra khỏi vỏ. Được hơn một vụm tay. Bà bớt lại mươi hạt, cho vào một cái hũ nhỏ xíu bằng sành, cẩn thận nút chặt lại bằng cái nút lá chuối khô. Bà bảo: “làm hạt giống cho mùa sau!”.

Mình đã xòe bàn tay bé nhỏ, vụng về đón lấy những hạt đậu, nghe râm ran một niềm nào đó chảy qua kẽ tay, chảy tràn trên lòng bàn tay, âm ấm như là nắng, mơn man như là gió, mềm dịu như có những chiếc lá non tơ vừa chạm vào. Cảm giác đó theo mãi với mình mỗi khi nghĩ đến hai tiếng: Gieo hạt!

….Vậy nên khi mình đón vào tay những chiếc bút của Salinda (*), cảm giác từ thời xa lắc bỗng ùa về. Đó là những chiếc bút làm từ thân cây khô nào đó. Nó ấm áp, dịu dàng, gần gũi và tin cậy, hoàn toàn không giống với những cây bút làm từ nhựa, từ kim loại, đang đầy rẫy một cách bất ổn. Nó mang một cảm giác an toàn, và an tâm rằng, sau vòng đời của nó, nó sẽ thanh thản vùi mình trong đất, hóa thân, mà không để lại cho người đời nỗi đau đầu vấn nạn rằng nó sẽ là rác như nhựa, như ni long, ngàn năm nằm đó, thách thức môi sinh của con người.

Và nó còn mang theo một bí mật, chỉ có Sanlinda biết, vì thế mà nó khác biệt so với những chiếc bút thân cây tự nhiên đang dần xuất hiện ngày càng nhiều trong cuộc sống của chúng ta. Bởi mỗi chiếc bút Salinda đều dấu ở cuối thân mình 3 hạt giống. Chỉ Salinda biết được đó là cây Điên điển (**). Nó sẽ ra chùm lá xanh và những bông hoa màu vàng. Những bông hoa vàng ấy cũng sẽ đậu thành quả, lại chứa những hạt mầm mới.

Viết những dòng chữ bằng bút Salinda, bạn sẽ luôn thấy thấp thoáng ý nghĩ rằng những hạt giống trong thân bút ấy đang trò chuyện với bạn, đang đọc những ý nghĩ, tình cảm mà bạn đang viết ra, chúng cũng đang mơ giấc mơ nảy mầm. Một cuộc chuyện trò với thiên nhiên trong thầm lặng, mà phải thật tĩnh tâm, phải là khi chỉ viết những lời tốt đẹp, thân ái…bạn mới cảm nhận được.

Cũng như cảm giác của tuổi thơ ngày xưa đợi hạt nảy mầm, giờ đây, trong mình thật êm ái một ý nghĩ: Sau mỗi bước chân Salinda, sẽ mọc lên những cây xanh, hoa vàng, những hạt giống lại ủ vào lòng đất…


Một ngày nào đó, có những em bé sẽ hỏi: Cây gì thế, bà ơi?. Bà sẽ mỉm cười âu yếm : “Cây Salinda đấy!”….

Salinda ngày 20/10/2018. 

Bùi Thanh Huyền

------

Chú thích:
(*) Những cây bút bằng nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, với 3 hạt giống đặt trong thân bút- một trong những sáng kiến của Salinda trong “Chương trình Tím”, tham gia bảo vệ môi trường.
(**) Cây Điên điển, có tên khoa học là Sesbania Sesban, là cây thuộc họ Đậu.

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.