• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Khúc thời gian

Chủ nhật - 12/04/2020 12:59

 

 

Có câu rằng: Hành trình của dòng sông là tập hợp của những bình yên, những gập ghềnh, của những khúc bồi, khúc lở, cả những ào ạt dâng trào hay cạn lòng khô đáy. Hành trình của cuộc đời con người cũng thế, nó là tập hợp của các thời khắc. Nếu để riêng lẻ thì mỗi thời khắc ấy chỉ là đơn vị đo lường rất ngắn ngủi. Nhưng khi hợp lại thì chúng sẽ thành tựu nên “lịch sử vĩnh hằng”. Và, nếu mỗi một thời khắc trong cuộc đời đều được chúng ta quý trọng, nâng niu và sử dụng hiệu quả thì cuộc đời này sẽ rất đáng để sống. 

 

Nhiều người trong chúng ta đã nhận thấy rằng thời gian bây giờ trôi nhanh hơn trước nhiều, thậm chí là nhanh hơn rất nhiều. Vừa mới thức giấc, vừa mới được thưởng thức ánh ban mai bắt đầu một ngày mới thì đã thấy hoàng hôn ụp xuống, kéo theo màn đêm giăng giăng, rồi khép lại vòng quay của một ngày. Vừa mới  tụ họp sum vầy vui xuân đầu năm mới đây thôi, đã phải lo chuẩn bị tổng kết cuối năm, rồi đón bữa tất niên chia tay một năm cũ với bao nhiêu vất vả. Có lẽ chỉ khi đã ngập chìm trong bận mải hay khi thấy cái vòng “sáng - tối” đang ngắn dần, cạn dần, chúng ta mới thấy thấm thía lời dạy của cổ nhân: Thời gian quý hơn vàng

Cũng có câu: Thánh nhân không quý ngọc bích một thước, mà quý trọng một thốn thời gian. Thánh nhân thấy quý tiếc thời gian bởi họ “ngộ” được về mục đích sống của con người trên thế gian này. Đời người rất ngắn ngủi, chỉ tựa như một “giấc mộng kê vàng” trong câu chuyện của vị tiên Lã Động Tân. Nhà Phật có câu: “Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn”. Có được thân người là trân quý, bởi một sinh mạng phải tu bao nhiêu kiếp trong luân hồi mới có thể có được cái thân người. Vì vậy, khi đã có thân người rồi thì phải biết quý trọng bản thân, quý trọng thời gian, phải biết cách tận dụng từng thốn thời gian mình đang có để rèn giũa, học tập, trau dồi kiến thức, tu dưỡng và nâng cao cảnh giới tinh thần của mình. 


Thời gian trôi không bao giờ dừng lại. Nó như cánh chim trời, như làn mây bay hoài, bay mãi. Khi thời gian đã qua đi, không có cách gì có lại được nó. Con người cũng không có cách gì làm ra thời gian để rồi chiếm hữu nó, sử dụng nó. Nhà thơ Biên Linh cũng đã từng ghi lại cảm ngộ này trong bài thơ “Thời gian”: 


Thời gian tựa như cánh chim
Bay đi xa hoài xa mãi...
Thời gian sẽ không dừng lại
Mặc ta tha thiết đón mời
Mặc ta xót xa tự hỏi
Thoáng thôi mà đã mấy mươi?

 

Sáng đi làm, bất chợt nhìn thấy cúc Họa Mi trên đường Hà Nội, giữa miên man sắc trắng khúc giao mùa. Ơ hay, là tháng Tư rồi! Hè đã lao xao trên mỗi sắc Xuân, sao lại ngập ngừng một màu trắng của loài hoa đã từng được coi là tín hiệu báo mùa Đông về? Là bởi cái se lạnh đang quẩn về trong nỗi niềm háo hức của nàng Bân vụng dại? Hay là Họa Mi đang nở vì ai, vì những nỗi niềm không thể gọi thành tên? Để những cánh búp trắng tinh, ngọc ngà thanh tao thêm một lần liu diu sắc lạnh chớm Đông, thêm một lần chơi vơi khúc sang Hè! Để người xưa lại bần thần trong nhớ thương mà nhặt bóng thời gian cất vào kỷ niệm! Để những câu thơ theo lòng người ngậm ngùi cất tiếng gọi: 

 

 

KHÚC THỜI GIAN


Xuân đã tròn trên những thảm bông mây

Hương thời gian ấp sắc ngày tươi mới

Gió quẩn mùa lạnh bước sương dợm lối

Chùng chình cánh nắng lao xao.


Muôn muốt búp ngà dâng cao

Diệu khúc Tháng Tư óng ả

Giữa dàn Loa Kèn rộn rã

Ngập ngừng một sắc Họa Mi.





Cứ tưởng Hạ về, cứ tưởng Xuân đi

Ngỡ đã quên rồi bóng hình xưa cũ

Quá đông tàn sao hoa còn bung nụ

Bần thần ướt mí Tháng Ba.


Nỗi niềm gì mà nở trái mùa hoa

Mà lộng lẫy cho đi, mà tàn phai nhận lại

Để bước Hè thêm một lần ngần ngại

Buông lạnh trái mùa 

cho riêng một màu hoa.


Thương thầm bỏng dại niềm xa

Nàng Bân ngậm ngùi nhặt bóng ngày cất vào xưa cũ

Mùa vẫn dâng đầy, bước Hè vẫn vậy

Gió lạnh quẩn về

xao xác khúc thời gian.

 

Lại ngậm ngùi trước nỗi nhớ thương những phút giao mùa. Lại thấy tiếc những thời khắc đã qua đi. Thấy tiếc những “Khúc Thời Gian” đang trôi, đang rơi... Lại thấy cần phải tận tâm, tận sức hơn nữa. Thấy tự xa xăm, có tiếng lòng mình vang vọng lại: Cố lên TÔI ơi!



Trần Huyền Tâm

 

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.