• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Người Hiền

Thứ tư - 06/11/2019 16:40

NGƯỜI - HIỀN…!!!

Bác trưởng họ bên nhà chồng tôi nói: ở xã Đông Xuân (Đông Hưng – Thái Bình), họ Nguyễn nhà tôi không phải là một dòng họ lớn như họ Vũ và họ Đặng, nhưng con cháu họ Nguyễn thì rất tự hào về truyền thống hiếu học của dòng họ. Cụ sinh ra bố chồng tôi là một Đồ Nho nổi tiếng hay chữ trong vùng những năm đầu thế kỷ hai mươi. Cụ Đồ có bốn người con trai thì bốn người đều  học chữ Thánh Hiền do Cụ dạy và sau đó, ba người đều được học đến hết bậc Thành Chung (bậc học cao nhất ở các tỉnh nhỏ lúc bấy giờ, tương đương cấp Trung học cơ sở hiện nay).

Hai bác anh trai của cha tôi đều sớm thoát ly, tham gia kháng chiến chống Pháp. Bác Cả sau này trở thành một cán bộ trong văn phòng trung ương Đảng. Bác Hai theo đường binh nghiệp, là Đại tá Trung đoàn trưởng trong kháng chiến chống Mỹ, đã hy sinh ở chiến trường miền Nam. Các anh chị con hai bác tôi đều học hành giỏi giang và thành đạt ở nhiều lĩnh vực.



Cha chồng tôi là con trai thứ ba trong nhà. Như hai anh, cha tôi cũng được học hết bậc Thành chung thì Cách mạng Tháng Tám thành công, rồi  kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Ông là lớp trí thức đầu tiên được hưởng nền giáo dục Đại học non trẻ của nhà nước ta trong kháng chiến. Ông thuộc lớp sinh viên khóa một của Khoa Ngữ Văn trường Đại học sư phạm Hà Nội I (bây giờ thuộc Đại học quốc gia), khi ấy học ở Thanh Hóa (trong kháng chiến chống Pháp, Thanh Hóa là một trong số những vùng giải phóng đầu tiên của ta).

Trong mắt tôi cũng như những người đã từng làm việc, người thân thiết hay tiếp xúc với ông, cha chồng tôi thực sự là một Người-Hiền rất điển hình của những trí thức xưa. Cha tôi không còn những tấm ảnh thời thanh niên, những tấm ảnh xưa nhất của gia đình còn lại đến bây giờ cũng là khi cha tôi đã có đứa con thứ năm – là chồng tôi. Nhưng chắc chắn một điều, ngày còn trai trẻ cha tôi rất đẹp  (mẹ chồng tôi cũng nói thế). Cha tôi có dáng người dong dỏng, da trắng và một gương mặt đẹp: mũi và trán cao, mắt sáng, miệng rộng, nét môi cương nghị rất đàn ông. Nhưng nổi bật, gây ấn tượng đặc biệt nhất là đôi tai của ông: đôi tai dày. to, đẹp như tai Đức Phật…

Điều đáng nói là: tất cả những nét ấy đều hài hòa lại thành một vẻ đẹp hiền hậu, mực thước, thân thiện… đặc trưng của một nhà giáo thời xưa.

Khi tôi về làm dâu con trong nhà (năm 1992), cha tôi đã nghỉ hưu được mấy năm. Lần đầu tiên tôi gặp cha chồng tôi là năm 1990, khi ấy tôi còn là một sinh viên đại học năm thứ tư. Chị gái tôi và chị gái chồng tôi đã ngấm ngầm làm “bà mai” cho hai em mình và sắp xếp một cuộc gặp gỡ rất tự nhiên cho chúng tôi ở nhà anh.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về cha chồng trong lần gặp đầu tiên ấy cũng là sự hiền hậu, dễ gần, dù nhìn ông vẫn toát ra sự nghiêm nghị, mực thước của một nhà  giáo ngày xưa.

Đến nhà anh, tôi thích thú vô cùng trước một vườn táo xanh tươi và một giàn nho quả còn non xanh nhưng lá rất đẹp. Sau này tôi mới biết, vườn táo ấy là do cha chồng tôi chọn giống từ Hưng Yên về trồng và chăm sóc. Cũng giống cha đẻ tôi, ông rất thích làm vườn và trồng cây. Cha tôi thì thích trồng hoa, còn ông  thì thích trồng cây ăn quả. Sau này, lần nào về quê tôi cũng thấy các cha tôi cặm cụi trong vườn vào các buổi sáng: nhặt cỏ, vun gốc, tỉa cành, tưới cây hay hái quả. Thấy con cái về, ông hồ hởi vào nhà tay mang theo những thứ rau trái vườn nhà cho các con thưởng thức, và bao giờ cũng có một câu nói vui vẻ “Bố giờ thành nông dân rồi”.

Hình như đó là niềm vui của tất cả những trí thức sống thanh cao và trong sáng của thời ông, cái thời của những “kẻ sỹ Bắc Hà” mang trong mình cả hai nền văn hóa Hán học và Tây học, trọng chữ  “Thanh, Liêm” biết buông bỏ “tham, sân, si” để tìm về một chữ Nhàn, giản dị như phong cách của những bậc Hiền Nho ngày xưa:


Thu ăn măng trúc, Đông ăn giá

Xuân tắm hồ sen, Hạ tắm ao.

(Nguyễn Bỉnh Khiêm)

Vườn táo ấy của cha tôi mấy năm sau các anh chị tôi quyết định chặt đi, trồng cây khác. Lý do là vì ở quê tôi bấy giờ nó là vườn quả quá độc đáo nên hay bị “kẻ trộm” (mà đa số là trẻ con) vào quấy phá. Cha mẹ tôi phần vì tiếc của, phần vì bị làm phiền, lại có nguy cơ “Trẻ con làm mất lòng người lớn” nên cũng đồng ý chặt đi. Tôi có lẽ là người tiếc nuối nhất khi mất vườn táo, bởi tôi không chỉ thích ăn mà còn vì nó rất đẹp, nó là mong ước của tôi từ thủa bé thơ, một “giấc mơ con” mà khu vườn của cha đẻ tôi không có được.Và nữa, nó là hình ảnh ấn tượng đầu tiên trong tôi khi bước vào nhà anh - nơi tôi sẽ trở thành Dâu con  hơn hai năm sau đó!

Không còn vườn táo, cha tôi cũng nhàn hơn trong việc làm vườn, mẹ tôi cũng đỡ vất vả khi đến mùa thu hoạch cứ phải cặm cụi hái táo đem bán.  Và cũng từ đây, mỗi khi về nhà, tôi thường thấy ông cặm cụi ngồi bên bàn viết. Sau này, qua lời kể của nhà thơ Kim Chuông, người thầy yêu quí của nhiều thế hệ Lớp Đào tạo, bồi dưỡng các em thiếu nhi có năng khiếu sáng tác văn học ở Thái Bình từ những năm 70, 80 của thế kỷ trước. Tôi mới biết, cha chồng tôi không chỉ là một nhà giáo, nhà quản lý giáo dục (ông đã từng là Phó Trưởng Ty  Giáo dục Thái Bình, rồi Trưởng ban tuyển sinh Tỉnh), mà còn là một hội viên, một Ủy viên Ban thường vụ của Hội văn học nghệ thuật Thái bình khóa Một (năm 1971 – 1976).

Vốn là dân văn chương, tôi cũng tò mò muốn biết ông cứ miệt mài viết gì… Thì ra cha tôi say sưa viết về làng quê của ông những năm kháng chiến chống pháp. Cũng phải nói thêm rằng: Trực Nội quê tôi ngày xưa (bây giờ là xã Đông Xuân) là một trong số những nơi sớm có phong trào Cách mạng từ trước tháng 8 năm 1945, cũng là một địa bàn giao tranh căng thẳng giữa Ta và Địch trong kháng chiến chống Pháp. Hầu hết các tác phẩm của ông đều viết về cuộc sống kháng chiến của những con người nơi ông sống. Tôi bắt gặp trong đó hình ảnh của những người thân trong dòng họ mà tôi không gặp mặt. Từ hình ảnh của Ông Đồ Hiện (Bố đẻ của cha chồng tôi ), đến hình ảnh của các bà, các bác, các chú, thím, cậu, mợ… Những con người, số phận, tên gọi… đã trở thành nhân vật trong tác phẩm của ông. Sau này, mỗi lần theo mẹ chồng đi Chùa hay thăm hỏi bà con làng xã, trong tôi lại văng vẳng những lời kể của cha tôi trong cuốn tiểu thuyết “Đồng quê máu lửa”: “Lúa sắp chín rồi. Cánh đồng Thiên Mẫu, cánh Bờ Xầy, cánh Mả Lai… đã chuyển từ màu vàng nhạt sang màu vàng  kén. Nếu như trước đây, khi bước vào mùa gặt, làng quê chỉ có hai màu đậm nhất là màu xanh của lũy tre, màu vàng của lúa; chỉ có tiếng sáo sậu, chích chòe, chiền chiện… lảnh lót, ríu ran thì giờ đây, không gian bị xé toạc bởi đây đó những cột khói đen kịt của những ngôi nhà bị đốt và tiếng súng nổ, tiếng gầm rú của các loại xe trên đường Mười. ” (Mở đầu chương VII).

Các cụ trong dòng họ Nguyễn nhà chồng tôi là những người đi theo cách mạng từ rất sớm. Trong dòng họ, có Cụ Nguyễn Văn Viễn (anh trai của ông nội chồng tôi) là Liệt sỹ - Lão thành Cách mạng, hoạt động từ những năm 1930, hy sinh trước khi cách mạng thành công.

Cha tôi lớn lên, học tập và trưởng thành trong kháng chiến, chứng kiến những mất mát, đau thương của gia đình, dòng họ trong những năm chiến tranh nên ông rất nặng lòng với quá khứ. Ký ức đau thương nhất của ông là cái chết của Mẹ và Em gái trong một trận pháo kích vào tháng ngày 25 tháng 8 âm lịch năm 1950. Bữa tối định mệnh của 8 người trong họ, trong đó có Bà Nội và Cô út của chồng tôi (sau này mẹ chồng tôi kể lại) mãi là một vết thương không lành trong lòng ông. Vốn là người hiền hậu và giàu tình cảm, lần nào được về quê làm giỗ, tôi cũng thấy ông khóc khi đứng trước bàn thờ tổ tiên. Ông không bao giờ khấn thành lời, chỉ có mẹ chồng tôi làm các thủ tục và cầu khấn. Có lẽ vì thế mà bao nhiêu yêu thương, đau xót, nhớ nhung với làng quê, với Mẹ và Em ông dồn vào những trang viết. Ông còn làm cả thơ cho các cháu, sáng tác nhạc không lời cho ghi-ta. Nhưng không bao giờ tôi thấy ông nói đến việc in những tác phẩm của mình. Có lẽ với ông, viết là thôi thúc, cho mình, vì mình. Thế là đủ…! Sau này, anh chị em trong gia đình tôi đã tập hợp những trang viết của cha, nhờ bác trưởng họ là người có nghề Văn, in thành một tập, làm kỷ niệm cho con cháu trong nhà.

Cha tôi là người kiệm lời và sống nội tâm, khiêm tốn, ít giao du bạn bè. Đọc sách, viết văn, chơi đàn ghi ta và bóng bàn là những sở thích và say mê của ông. Thời gian biểu của ông  lặp lại hình như không bao giờ nhàm chán. Sáng sớm ông dậy, ra vườn tưới và chăm cây. Ông ăn sáng ở nhà “một trăm phần trăm” hoàn toàn do mẹ chồng tôi chăm lo. Rồi ông ngồi vào bàn viết, đọc sách hay nghe nhạc. Và cây đàn ghi ta với những bản nhạc cổ điển  lại ngân nga khi ông ngừng đọc sách. Chiều ông mang đôi vợt đi đánh bóng bàn cùng những người bạn đủ mọi lứa tuổi có cùng sở thích… Cái thú thanh nhàn tao nhã ấy của ông là một hình ảnh rất điển hình cho một lớp trí thức tinh hoa, được đào tạo ở cả hai chế độ mà sau này ta chỉ còn tìm trong trang viết.

Tôi hình dung ngày còn trẻ, hẳn ông là một chàng trai tài hoa lắm. Có lần, mấy chị em dâu quây quần bên cha mẹ chồng, tôi hỏi đùa mẹ tôi:“ Mẹ ơi,  ngày trẻ, bố đẹp trai, tài hoa thế này thì nhiều cô mê lắm nhỉ?”. Mẹ chồng tôi vốn là người phụ nữ nông thôn con nhà địa chủ vừa xinh đẹp vừa giỏi giang, lại thông minh hóm hỉnh… bà cười vui và rất tự tin nói với chúng tôi: “Bố mày có bao nhiêu cô mê thì vẫn mê tao nhất!”. Bố tôi cười rất sung sướng. Cha mẹ tôi đúng là mẫu mực của tình vợ chồng gắn bó từ thuở tao khang, cho dù một người là Đại-trí-thức ở nông thôn thời bấy giờ, một người chỉ biết đọc qua lớp bình dân học vụ. Phải chăng, cha mẹ tôi là cặp “trời sinh” ở chốn làng quê xưa, được các bậc sinh thành xe duyên từ độ “Nữ thập tam, nam thập lục” (mẹ tôi hơn cha tôi ba tuổi, và khi lấy nhau, bà mới mười sáu tuổi).

Trong thời gian công tác ở ngành giáo dục, cha tôi có rất nhiều năm làm công tác quản lý. Mẹ tôi kể: ông đã từng là Hiệu trưởng của trường cấp ba ở Thái Ninh (Nay là Thái Thụy – Thái Bình). Rồi ông được điều động sang làm cán bộ của Ty Giáo dục Hưng Yên. Trong thời gian này, ông đã đưa chồng tôi sang Hưng Yên nuôi dạy vì chồng tôi là một đứa trẻ hiếu động và bướng bỉnh. Mẹ chồng tôi lúc ấy quá vất vả vì phải nuôi một đàn sáu đứa con thơ ăn học. Một thời gian sau, cha tôi về làm Phó Ty Giáo dục Thái Bình, rồi Trưởng ban Tuyển sinh của tỉnh. Dù đã từng “làm Quan” nhiều năm, nhiều nơi, song cũng như những cán bộ lãnh đạo thanh liêm thời xưa, gia đình chồng tôi vẫn rất nghèo. Cha tôi vì thế mà vô cùng tiết kiệm, giản dị trong sinh hoạt. Điều đó mãi sau này vẫn được giữ nguyên trong cuộc  sống của ông, ngay cả khi anh chị em tôi đã trưởng thành và có điều kiện chăm sóc cha mẹ. Cha tôi luôn nhắc nhở con cái không được lãng phí, và cần đơn giản những thủ tục rườm rà, cầu kỳ trong mọi công việc. Cha tôi tỏ ra không vui ngay cả khi chúng tôi nấu thức ăn nhiều quá, ăn thừa hay làm nhiều món, ăn không hết …

Những năm công tác cuối cùng ở ngành giáo dục, cha tôi sang Ăng-gô-la làm chuyên gia,vì ông khá giỏi tiếng Pháp (trong kháng chiến chống Pháp, ông đã từng làm phiên dịch cho bộ đội). Sau chuyến đi công tác ấy, cùng với sự chắt chiu cả đời của mẹ chồng tôi, sự chăm chỉ tự đóng, nung gạch của chú út, (chú Dũng), chút vốn liếng của anh trai thứ ba đi công nhân kỹ thuật ở Nga… gia đình tôi mới xây được một ngôi nhà ba gian mái bằng khá khang trang. Về nghỉ hưu, cha tôi mới được sống trong một ngôi nhà xây.

Khi về hưu, dường như cha tôi không tham gia vào một hoạt động xã hội nào cũng như rất ít đi chơi với bạn bè (điều này khác hẳn với cha đẻ tôi). Một phần vì ông là người sống hướng nội, một phần vì cha tôi bị bệnh dạ dày - căn bệnh di truyền của dòng họ. Phải cắt đi ba phần tư dạ dày trong lần phẫu thuật khi gần sáu mươi tuổi nên cha tôi chỉ ăn được rất ít và phải ăn thức ăn mềm. Điều này khiến ông rất khó đi chơi và ngại ăn uống bên ngoài vì bệnh kinh niên và phải kiêng khem nhiều thứ.

Cha tôi nghiện thuốc lá từ ngày còn công tác và không bỏ được. Có lẽ đó là thói quen xấu duy nhất làm ông thấy xấu hổ và có lỗi với mẹ tôi và các con. Mặc dầu vậy, vốn là người hiền lành, cha tôi rất tuân thủ quy định của mẹ tôi: một ngày không được hút quá năm điếu thuốc, và chỉ được hút sau khi đã “ngoan ngoãn” ăn hết khẩu phần do bà quy định. Có bữa ăn, ông cứ ngồi nhìn bát cơm nhăn nhó mà không ăn nổi, mẹ tôi dỗ dành “Ông ăn đi, rồi tôi lấy cho điếu thuốc lá”. Chúng tôi nghe vừa thương, vừa buồn cười vì lời dỗ dành của bà, nhưng nó lại có hiệu quả sau đó. Tuy nhiên, có hơn một ý kiến cho rằng: “Không nên kiên quyết yêu cầu ông bỏ thuốc lá, vì ông già rồi, có thú vui gì khác đâu!”. Tôi không biết đó có phải là sai lầm của hai trong số bốn “đinh nam” quý giá của ông (trong đó có chồng tôi) hay không, nhưng chứng kiến cha tôi thèm thuốc (mong mẹ tôi đi chợ về để được hút điếu thuốc thứ hai trong ngày) thì cũng thương thật! Và tất nhiên, cũng có lần, tôi lấy trộm thuốc lá mẹ  giấu, đưa cho bố tôi… “hút vụng”. Không hiểu như vậy, có tội lỗi nhiều không nhỉ !!! Trong bốn anh em trai, chú út nhà tôi là người chiều cha tôi trong khoản thuốc lá nhất, vì chú cũng… “có nết xấu giống bố” – cha tôi thường nói thế, bằng một thái độ hơi ngượng ngùng. Những lúc đó, nhìn ông, tôi biết ông đang vui, vì có đồng minh đáng tin cậy.

Vốn là người rất hiền lành, lại có người vợ đảm đang, tần tảo, quán xuyến mọi việc trong nhà ngoài họ, dù không phải con trưởng (do các bác tôi đã lên Hà Nội sinh sống từ lâu), nên cha tôi dường như phó thác mọi việc cho mẹ tôi lo liệu. Khi còn trẻ, cha tôi có một thời gian sống xa vợ con, làm việc ở giáo dục Hưng Yên. Sau này về sống gần nhà, ông dường như không phải lo lắng gì, từ việc nhỏ đến lớn đều sang tay mẹ tôi. Mẹ chồng tôi hay nói đùa: “Có lẽ Bố chúng mày chả biết mặt đồng tiền thế  nào đâu các con ạ, vì cái gì tao cũng phải lo”. Tôi cũng nghĩ mẹ tôi nói không ngoa, vì cha tôi không bao giờ có nhu cầu dùng tiền, ngay bao thuốc lá ông hút cũng do mẹ tôi mua. Ông tỏ ra rất vui vẻ về điều này và còn hài hước coi mình như một “đứa con đặc biệt của vợ”, giống như Tú Xương ngày xưa tự trào mình.

Nói về mẹ tôi, lúc nào cha tôi cũng dành cho những lời yêu thương và ghi công trân trọng. Ông luôn coi những gì gia đình tôi có được là do công lao và sự giỏi giang xoay xở, làm lụng của của bà. Ông luôn nói với con cái: “Bà ấy thật giỏi, gia đình ta được như hôm nay là nhờ có bà ấy, các con phải ghi nhớ công lao của mẹ”.

Trong nhà tôi có bốn chị em dâu, mẹ chồng tôi đã là người rất dễ tính, thoải mái với con dâu, cha tôi lại hiền như thế, nên bốn chị  em tôi rất sung sướng. Tất cả chúng tôi đều kính trọng cha mẹ chồng và sống hòa thuận, vui vẻ. Năm 2002, bố đẻ tôi đột ngột từ trần vì tai nạn giao thông! Khi việc tang lễ của cha tôi xong, tôi về nhà, nhìn thấy tôi, cha tôi khóc và cầm tay tôi nghẹn ngào: “Bố đau đớn lắm, nhưng không dám đến viếng cha con, vì bố không chịu nổi”. Tôi hiểu cha tôi là người sống  tình cảm và quá nhạy cảm. Tôi chỉ biết khóc. Từ đó, tôi cảm nhận thấy cha tôi thương tôi hơn. Nhưng tôi không bao giờ dám nhắc đến cha tôi với ông, vì cứ nhắc đến là ông khóc… Bốn năm sau, nỗi bất hạnh tương tự như vậy lại giáng xuống gia đình chị dâu thứ trong gia đình chồng tôi (chị Hà). Mẹ chị cũng mất vì tai nạn giao thông, khi mới 68 tuổi! Một lần nữa, tôi lại phải chứng kiến cha chồng tôi khóc thương thông gia. Từ đó, cha tôi sống lặng lẽ, suy tư hơn, và tôi biết, ông rất thương hai đứa con dâu cùng có chung một nỗi đau… Chị em tôi vì thế mà càng thêm gắn bó với nhau, và tìm thấy nhiều tiếng nói chung trong nỗi đau mất cha mẹ!

Bốn chị em dâu trong nhà tôi đều rất yêu quý, kính trọng cha tôi, bởi ông sống rất tình cảm. Mỗi khi chúng tôi về thăm quê, bao giờ ông cũng hỏi thăm sức khỏe của cha mẹ chúng tôi và động viên chị em tôi. Ông hay hỏi chúng tôi về “tội” của mấy ông chồng  và an ủi chúng tôi chịu khó nhẫn nhịn để gia đình yên ấm. Dù không hay nói, nhưng tôi biết ông rất hiểu từng cái mạnh, cái yếu của các con mình. Ông hay kể với chị em dâu chúng tôi về chồng chúng tôi ngày xưa: tính tình, sở trường, sở đoản của từng người và khuyên chúng tôi cách đối xử, điều  hòa các mối quan hệ trong gia đình. Những lời khuyên của ông bao giờ cũng hướng về Đức, Thiện và Nhẫn. Có lẽ nền giáo dục Nho học của người cha là Cụ Đồ kiêm Thầy Thuốc luôn ảnh hưởng tới tính cách, quan điểm sống của ông. Chúng tôi hay nói vui với ông: “Sao nhà con chẳng giống ông gì cả!”. Lúc ấy ông  cười rất vui.

Sau này trong câu chuyện của chồng, tôi mới biết: tôi có may mắn nên Duyên với anh cũng một phần là nhờ cha chồng tôi. Số là năm 1990, chồng tôi học  nghiên cứu sinh ở nước ngoài về phép; nhưng cũng có ý định thăm nhà lần cuối, sau đó sẽ ở lại Cộng hòa Séc (khi ấy còn thuộc Tiệp Khắc), vì không biết đến khi nào mới về được. Biết ý định này của con, cha tôi đã khóc và thuyết phục anh trở về Tổ quốc. Chồng tôi nhìn cha khóc và nghe ông nói nên đã quyết định trở về… và vì vậy chúng tôi mới nên Duyên. Cha tôi là người sống tình cảm, nên ông không thể chịu nổi khi nghĩ đến việc một đứa con bỏ quê hương đi tha phương, không biết còn có ngày trở về.

Mẹ chồng tôi kể: trong cuộc sống hằng ngày, cha tôi không bao giờ nổi nóng  hay cáu gắt với ai. Tôi tin điều này bởi hơn hai mươi năm về làm dâu, tôi cũng chưa thấy cha tôi gắt gỏng bao giờ (điều này khác hẳn với bốn con trai của ông). Cha tôi thậm chí sợ cả tiếng nói to. Ông cũng hay giật mình khi có âm thanh hơi mạnh, ông sợ tiếng trẻ con khóc… và không bằng lòng khi chúng tôi đánh, mắng con. Tôi nghĩ: ông là một con người quá nhạy cảm. Sự nhạy cảm của một người sống rất tình cảm,  hướng nội, và cả sự nhạy cảm của một người có tâm hồn nghệ sĩ. Sau này có dịp gặp những người cùng công tác hay quen biết cha tôi, tôi hay nghe mọi người nhận xét một câu (mà tôi biết họ nói chân thành): “Cha chồng cô hiền như ông Phật!”.

Trong hai năm, cha mẹ đẻ tôi theo nhau về với tổ tiên, tôi càng thêm yêu kính và cảm nhận rõ hơn niềm hạnh phúc của những người con đã trưởng thành mà vẫn còn cha mẹ già khỏe mạnh, minh mẫn. Tôi hay về  quê với bố mẹ chồng vào những ngày nghỉ và dịp hè. Hình ảnh cha chồng tôi - một cụ già tóc bạc, mảnh mai gầy gò, với khuôn mặt hiền từ như ông Bụt, tuềnh toàng, giản dị trong chiếc áo may ô và chiếc quần đùi, lúi húi trong vườn cây hay nghiêng nghiêng bên trang sách với nụ cười hiền hậu, khuôn mặt hoan hỉ khi cháu con về nhà,  đã in sâu vào tâm trí tôi.

Cha tôi đã rời xa cõi tạm 7 năm. Biết bao biến cố cuộc đời trong gia đình tôi đã xảy ra trong thời gian đó. Vui và buồn! Được và mất! Thất bại và thành công! Tất cả đều đã qua để tôi nhận một điều giản dị: Tôi là người con hạnh phúc vì luôn được yêu thương, che chở bởi những Người Cha, Người Mẹ - NGƯỜI  HIỀN!


Hải Phòng  - Những ngày chớm  Đông 2019.

Phạm Minh Châu

 

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.