• dau-title
  • Trang văn
  • cuoi-title

Vịt tơ

Thứ hai - 11/11/2019 06:45

Bột, Đen, Mập, Còi, Lùn, Sếu . . . vân vân và vô số kể, đó là những biệt danh mà một thời chúng tôi đặt cho mấy đứa bạn trong lớp để sau này lại mỉm cười mỗi khi nhắc lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết, cũng nhớ về gốc tích những biệt danh của bạn bè. 


Lớp chuyên Văn Trường Phan Bội Châu (Nghệ Tĩnh) của lũ chúng tôi có mấy biệt danh, nhưng kêu nhất là "Bình Vịt Tơ". Nói về gốc tích của biệt danh này tôi phải kể cho có gốc có ngọn theo phong cách: Con tằm nó ăn lá dâu; nó nhả ra tơ; tơ dệt thành lụa; ông mua lụa về may áo; hôm nay ông mặc chiếc áo đó và nãy giờ nó đang cháy ạ!!! Sự thể là thế này:


Năm 1979, lũ chúng tôi được vào lớp 8 Văn của Trường Phan do thầy Lê Thái Phong làm Chủ nhiệm. Hồi đó, Trường tôi "lập căn cứ địa" ở xã Hưng Lộc, cách chợ Cọi khoảng 2 cây số. Có thể nói, cái biệt danh "Vịt Tơ" có phần liên quan đến chợ này. Với lũ học trò chúng tôi, chợ Cọi gắn bó cả về vật chất lẫn tinh thần. Đó là nơi cung cấp những nhu yếu phẩm như giấy bút, dầu đèn. . . Nhưng ấn tượng nhất là kẹo lạc và xôi bắp. Tuy nhiên, với tư cách là một con dân của huyện Hương Sơn (nơi phát tích của kẹo Cu-đơ nức tiếng), tôi xin nói ngay rằng: Kẹo lạc chợ Cọi rất dở. Mật có màu nâu đỏ, hơi chua, kẹo có khi hơi khét, thanh kẹo rất cứng. Còn kẹo lạc Hương Sơn thì mật vàng óng, ngọt lịm, thơm phức; kẹo mềm và dẻo. Kẹo lạc chợ Cọi hồi đó còn độn thêm mỳ hột (bo bo). Nếu nhìn trên mặt kẹo thì mật che phủ hết, nhưng để ý vào vết cắt 2 bên thanh kẹo ta sẽ phát hiện mấy hột trắng xốp. Đích thị đó là hột bo bo rang. Thì cũng "tố" vậy thôi, chứ dở thì lũ chúng tôi đâu phải muốn ăn lúc nào cũng được. Có lần, tôi với thằng bạn đi lên chợ Vinh (cách Trường chừng mươi cây số). Khi lê bộ về qua chợ Cọi thì chân tay rã rời. Vét túi còn được mấy hào vừa đủ một miếng kẹo lạc bằng 3 ngón tay. Bẻ đôi mỗi đứa một nửa, vừa đi vừa nhấm nháp. Tỉnh cả người. Riêng xôi bắp chợ Cọi là số 1. Sau này tôi đã thưởng thức món xôi bắp ở cả 3 miền nhưng không đâu qua mặt được xôi bắp chợ Cọi. Ngô nếp Vinh vốn có tiếng dẻo, thơm lại được người dân nơi đây nấu thật khéo. Hạt ngô không bung hết cỡ mà vừa đủ chín, vừa dẻo vừa chắc hạt. Nếp cũng chín tới, không ướt, không vón cục; các hạt nếp bám đều vào hạt ngô. Đậu xanh giã nhuyễn, vắt thành cục to như chiếc mũ cối. Khi trộn xôi, bà chủ lấy con dao nhỏ hớt từng lát thật mỏng làm tăng độ mịn và xốp của đậu. Ấy là kể vậy chứ thi thoảng bọn tôi mới có dịp thưởng thức món đặc sản này. Hồi đó, chỉ có anh Hùng Xuân lớp 10 Toán (con cô Xuân Phó Ty Giáo dục) là hay dùng món này nhất. Cứ vài ngày là anh lại phóng chiếc xe đạp "không chuông, không phanh, không gác đờ bu” ra chợ Cọi làm một gói. Đúng là nhà có điều kiện! 


Chợ Cọi còn gắn bó với bọn tôi với tư cách là một bãi chiếu phim. Hồi đó, ngoài dân địa phương, xung quanh chợ Cọi có nhiều cơ quan, như: Ty Công an, Ty Lâm nghiệp, Liên đoàn Địa chất 4, Bệnh viện Quân y 4, Trường Bồi dưỡng Cán bộ Giáo dục tỉnh và Trường tôi. Bởi thế, địa điểm này ban ngày họp chợ, ban đêm có thể chiếu phim. Vào khoảng cuối năm 79, ở đây chiếu 2 bộ phim gây xôn xao. Đó là phim "Những con đường" với 2 diễn viên chính là Lê Vân và Bùi Bài Bình. Bộ phim tâm lý xã hội này khá cảm động với một số cảnh tình tứ. Lũ học trò đã tranh luận. Có đứa quả quyết rằng ngoài đời thì đôi diễn viên này yêu nhau (không yêu sao dám nắm tay, quàng vai như thế?!!!);có đứa lại phán rằng "giới văn nghệ sỹ là hay lăng nhăng lắm!" (làm mấy đứa đang ấp ủ làm nhà thơ, nhà văn hơi e ngại!!!). Nhưng chủ đạo là sự trầm trồ với vẻ đẹp thuần Việt của Lê Vân. Rồi có người phát hiện thấy cô bé Thục Anh con thầy Tuấn cô Lý rất giống Lê Vân, nhất là đôi mắt to tròn và rất sáng. Lại có cậu bé An Tĩnh con thầy Phong rất tuấn tú là bạn cùng học lớp 4. Mỗi buổi nhìn 2 đứa cùng đi học, bọn tôi thích thú bảo chẳng khác chi một đôi Tiên đồng Ngọc nữ! Hồi ấy chủ yếu là phim chiến tranh của Liên Xô và Việt Nam. Lũ học trò thường kháo nhau: Phim Liên Xô thì "Bôn sê vic"; phim Ba Lan, Tiệp Khắc thì rất thoáng. Rồi bãi chợ Cọi giới thiệu bộ phim "Cánh cửa rộng mở" của Tiệp. Mới nghe thôi đã xôn xao rồi. Phim kể về chuyện tình của đôi trai gái là Pitơ và Dên (Jên). Sau nhiều trắc trở, cuối cùng họ đã tìm lại nhau. Phim kết thúc bằng cảnh Pitơ chạy tới, dang rộng hai tay và hét to: "Dên, anh yêu em!". Rồi... họ ôm chầm lấy nhau. Rồi họ... hôn nhau... một cách... rõ ràng và mãnh liệt! Choáng!!! Nó gây chấn động cho lũ học trò hơn cả phim bom tấn bi giờ. Lại nổ ra tranh luận. Đứa thì cho rằng đó là nhiễm lối sống tư sản; đứa thì bảo "đẹp thế nhưng cho tao cũng không thèm lấy"; có đứa nghe mà chẳng nói gì. Sáng hôm sau, tôi nói với thằng Bình (là một cặp nghiện cờ Súy với nhau):  "Đố mày vào lớp và nói: Dên, anh yêu em". Thế là nó đứng giữa bục giảng, hai tay dang rộng hướng về phía bạn Diên và nói to: "Dên, anh yêu em!". Cả lớp vỗ tay ầm ầm. Có ai đó nói to: "Bình Pitơ!". Thế là xuất hiện một biệt danh. Một cái tên rất Tây như cái mũi của thằng Bình! 


Rồi đến một buổi sinh hoạt văn nghệ, Lớp phó Lê Hải Hà chỉ định "Bình Pitơ" hát một bài. (Nó đã có 1 "tiền sự" là xung phong hát bài "Nằm mắc võng hai đầu Trường Sơn" làm cả lớp cười vỡ bụng). Cũng phải kể thêm là hồi ấy đang có mốt đồ Lào: Dép tông Lào, quần xẹc Lào, áo mút Lào đỏ chót; mùa Đông trùm kín đầu bằng mũ len Lào). Thế là "Bình Pitơ" thể hiện luôn một bài, mà nói theo cách bi giờ là "nhạc chế": "Bay sang Lào, em bay sang Lào. Vịt tơ ngắn cánh cũng đòi bay cao. Bay sang Lào, em bay sang Lào . . . ". Cả lớp lại cười ầm lên. Lại có tiếng ai đó hô to: "Bình Vịt Tơ!". Thế là một biệt danh rất Tây đã trở nên thuần Việt!


Hồi ấy lũ chúng tôi 14, 15. Giờ đây đã 54, 55. Có đứa đã lên bà, có đứa đã thành ông. Ấy thế mà gặp nhau vẫn kể: Đợt về Vinh tớ có gặp Vịt Tơ. Mà có gặp nó thì cứ tự nhiên: Này Vịt Tơ! 


Vũng Tàu, gần đến ngày 20/11!

Trần Anh Chiến

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.