• dau-title
  • Truyện ngắn
  • cuoi-title

Hai nửa cuốn thơ Tagore

Thứ tư - 01/01/2020 21:52

 

Cả một buổi trưa bồn chồn, vơ vẩn. Tôi lý lẽ với mình: “Có gì khác đâu giữa chiều nay và sáng mai?  Bây giờ đã muộn rồi, đường thì xa. Sáng mai đi, sẽ thong thả hơn!”. Nhưng không trấn tĩnh nổi mình. Cái phong thư mỏng manh, bình thản nằm yên, mà cứ làm bàn tay tôi rịn mồ hôi. Tôi tìm cách xin phép mẹ. Mẹ băn khoăn: “Có cần thiết phải đi chiều nay không con?” – “ Cần, mẹ ạ. Cần lắm, sợ ngày mai người ta mua mất quyển sách cuối cùng đó. Con cần nó lắm!” Mẹ ái ngại: “Ừ, thì đi đi, nhanh mà về con nhé, nhớ đi đường cẩn thận!”. Câu dặn cuối cùng của mẹ chỉ còn sượt qua vai, vì tôi đã nhảy lên xe, phóng một mạch. Đường xuôi gió, cứ như là cái xe đạp tự đi, còn tôi bay trên đó. Gió thổi tung những sợi tóc, chiếc áo màu xanh da trời có cổ áo lá sen tròn, bay phần phật, làm tôi có cảm giác áo là chiếc cánh lớn, một mình vi vút giữa bầu trời. Tôi nạt mình:“ Làm sao mà cứ cuống quýt lên thế, có gì lắm đâu, chỉ là một nhờ vả, và đang gây phiền phức cho mình đây thôi!”. Nhưng không trấn an được cảm giác lâng lâng, náo nức trong lòng. Sáng nay tôi nhận được một lá thư từ một người không quen: “Anh học năm cuối khoa Văn trường Đại học Sư phạm. Anh biết em qua chị Lý, chị bạn của em. Chị Lý nói mùa thu này em nhập trường, vào khoa anh. Hẹn gặp em nhé! Hôm nay anh muốn nhờ em một việc: anh đang làm đề tài Thơ Tagore. Ở Hà nội, sách vừa ra đã bị mua sạch. Anh không kịp. Có người bạn bảo còn một cuốn ở hiệu sách của huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái bình nhà em. Tìm mua giúp anh được không, anh chưa biết liệu có sắp xếp được thời gian đến đó. Phiền em nhé. Anh sẽ biết ơn em nhiều lắm đấy!” 

 

Tôi đã đọc thơ Tagore, in rải rác trên báo, nhưng chưa bao giờ có tuyển tập. Chưa nhiều bài thơ, nhưng cũng đủ để náo nức khi biết đang có người cũng thích, và tôi đang ở trong những suy nghĩ cùng người đó về những tứ thơ vĩ đại, biết chạm đến tận cùng suy tưởng và cảm xúc của con người. Tình yêu trong thơ Tagore không có tuổi. Nhịp đập của trái tim yêu trong người đàn ông bên bờ sông Hằng ấy, từ những năm 20 của thế kỷ trước vẫn còn run rẩy trong lồng ngực thiếu nữ 17 tuổi là tôi bây giờ. Những đêm tĩnh lặng, ngồi một mình với những vần thơ rạo rực trong sâu lắng, tôi thấy cuộc sống này thật lớn lao, mà trái đất thì bé nhỏ, đến nỗi, ngỡ cứ theo những lời thơ dẫn đường, mà chạy, chỉ một đoạn thôi, chỉ cần vượt qua một đồng cỏ xanh, dọc theo bờ sông lênh láng ánh trăng, là tôi chạm được vào một tâm hồn đa cảm, một trái tim tha thiết nhân quần- Tagore. Thơ Tagore làm người ta muốn yêu : tất cả, cỏ cây hoa lá, những niềm vui, những nỗi buồn, sự cô đơn và trạng thái được chia sẻ…và bao trùm lên tất cả là tấm lòng nhân ái, muốn được che chở, muốn được hy sinh…

 

Và tôi muốn hình dung ra Người yêu thơ Tagore đó. Sẽ là một người bình dị, nhưng ẩn chứa sức mạnh của một đời sống nội tâm. Sẽ là một khuôn mặt cương nghị nhưng không giấu được những nét mềm mại từ bên trong. Sẽ là một đôi mắt nâu, thật sâu, như mặt hồ phẳng lặng. Và mái tóc… ồ, tôi chưa bao giờ có một hình dung rõ rệt về một mái tóc đàn ông. Thôi, bỏ qua chi tiết này. Nhưng… có lẽ phải là một mái tóc mềm... Mái tóc mềm đó phủ một phần vầng trán rộng, phẳng phiu…Tôi tự nhủ: Thế là ổn rồi, và thú vị nhận thấy người ấy như được đi ra từ những vần thơ Tagore.

 

Đoạn đường dài chạy tụt lại phía sau lúc nào không biết. Một dòng sông uốn theo con đường đi. Mặt sông lấp lóa dưới nắng hè. Nắng chạm vào những hạt nước làm bật lên ngàn vạn đốm sao lấp lánh. Chợt có ý nghĩ, vào một thời nào đó, có những dải mây từ bầu trời sa xuống, mà biến thành sông. Có nỗi nhớ ngược dòng, gió mang  nước mắt tụ lại trong mây, rồi từ đây, mưa dỗi hờn trút xuống trần gian. 

 

Không hiểu người yêu thơ Tagore ấy có khi nào nghĩ như tôi?  A, thêm một hình dung nữa: giọng người ấy nhất định trầm và ấm, giống như tiếng vọng của một chiều tháng Bảy, không vang, nhưng rung xa, và sâu… “Thôi nào, có gì đâu mà nghĩ nhiều về điều ấy thế!”- Tôi lại cảnh báo mình. Vẫn không dẹp được những hình dung và những thôi thúc được giãi bày. Có lẽ vì tôi đã trót say đắm thơ Tagore, và trong đó có đủ cho tôi mọi hình dung về cuộc sống, về thế giới đang bao bọc quanh ta, về những người đã gặp và sẽ gặp trong đời. Thơ Tagore nhuốm màu tiên tri và tiền định.

Phố huyện Quỳnh Côi lần đầu tôi gặp. Một đường phố dài phủ dày bụi với những hàng quán im lìm nằm cạnh nhau, hiền lành, nhường nhịn, chẳng mang chút gì của cạnh tranh buôn bán. Hai hàng dâu da lưa thưa những chùm quả, những chùm quả cũng lẳng lặng nằm im. Không gặp mấy người đi trên phố. Hiệu sách phố huyện chẳng khác gì nhiều những ngôi nhà khác. Có chăng là hàng chữ to đã ố màu: “Hiệu sách nhân dân huyện Quỳnh côi”. Bên trong vắng lặng, sách không nhiều, đứng nép cạnh nhau, bàng bạc, cũ cũ. Ngoại trừ mấy quyển sách màu đỏ bề thế, là các tuyển tập Mác-Lenin, còn lại, tất cả sách đều mang gương mặt buồn buồn. Cô nhân viên bán hàng thấp đậm, nhưng lại có dáng thắt đáy lưng ong, nên nhìn thấy duyên. Cái áo màu hồng bó chẽn tấm lưng cong, may hơi ngắn, gợi nhớ đến một câu đồng dao rất vui thời trẻ con ai cũng đọc: “Cào cào giã gạo cho nhanh, mẹ nhuộm áo đỏ, áo xanh cho cào…”. Khi tôi hỏi thì cô thong thả đứng lên khỏi chiếc ghế đẩu đang ngồi, nhẩn nha đi về phía giá sách cuối gian, vừa đi vừa ngo ngoe nắm tóc dày trong tay, búi tó: “Ông Tagore là ông nào mà lắm người hỏi thế không biết! Nhưng mà còn mỗi một cuốn, anh này vừa mới mua rồi!” 

 

Hóa ra trong gian hàng còn một người nữa, một anh con trai mặc bộ quần áo bộ đội không còn mới. Tôi thất vọng nhìn cô bán hàng, cô ấy chẳng có ý định nói gì, an ủi gì, nét mặt vô tư như dáng vẻ những quyển sách thờ ơ trên giá. Tôi bắt đầu ghen tị, có đôi chút tức tối nhìn người khách hàng may mắn hơn tôi. Anh ấy không mấy để ý đến tôi, chăm chú lật lật các trang sách giữa một mớ những cuốn sách bày la liệt trên bàn. Không gian thật tĩnh lặng, và giữa những giá sách lặng câm, có cảm giác thời gian ngừng chảy, một thế giới chẳng liên quan đến bên ngoài. Làm sao bây giờ?  Người yêu thơ Tagore với đôi mắt như mặt hồ lặng, trong hình dung, nhìn tôi chờ đợi. Tôi đánh bạo với đề nghị: “ Em cần cuốn sách này lắm. Một người bạn ở xa tha thiết nhờ em, anh ấy đang làm luận văn về thơ Tagore. Anh, anh làm ơn nhường lại cuốn sách cho em đi!”. Người khách hàng duy nhất ấy ngẩng lên nhìn tôi, không hiểu sao phải một lúc lâu mới nói: “Thật tiếc, tôi cũng cần nó lắm, không thể để lại cho em được đâu!”. Chắc là cái mặt tôi phải thất vọng lắm, chắc là cái nhìn của tôi nuối tiếc lắm, chắc là giọng nói tôi lo âu lắm, nên người ấy đề nghị: “Hay là thế này nhé, tôi và em cùng ngồi xuống đây, chép lại cuốn thơ. Chia đôi, mỗi người chép một nửa cho nhanh. Rồi nếu em cần để tặng, tôi nhường cuốn sách lại cho em. Còn tôi giữ bản chép tay!” Cô bán hàng nghe đến đấy thì giật bắn giọng: “Ối, ôi, không được đâu, tôi sắp đóng cửa hiệu sách rồi, làm sao kịp! Cuốn này mà đưa tôi chép, có mà cả ngày cũng chưa xong!”. Anh này hứa:  “Không đâu chị ơi, chúng tôi quen tốc ký rồi, chị cứ yên tâm, chép một loáng là xong thôi!”. Chị kia giao hẹn: ”Không biết! Cứ đúng giờ là tôi đóng cửa đấy, anh chị muốn làm gì thì làm!” rồi ngúng nguẩy đi ra. Cái người hiền, có cố làm ra ghê gớm cũng chẳng làm ai mất lòng. Chúng tôi nén cười nhìn nhau, và bắt tay vào việc. Chúng tôi mua hai quyển vở học sinh, loại vở có dòng kẻ rất đậm, màu xanh. Ngồi cạnh nhau, chia đôi số trang sách, anh chép nửa đầu, tôi chép nửa sau. Tôi hối hả viết. Những sợi tóc mai dính bết trên trán rịn mồ hôi. Ngòi bút đi mê mải. Ngón tay mỏi nhừ. Vết chai nhỏ trên ngón tay học trò cầm bút, đã bắt đầu đau đau. Tôi nén chịu, cúi sát bên trang sách.

 

Có đôi khi tôi nhìn trộm sang bên, để ngầm kiểm tra xem người ấy có làm việc cật lực như tôi không. Bắt gặp mắt người ấy đang nhìn ra ngoài cửa sổ, xa xăm lắm. Ánh mắt chẳng nói lên rằng người ấy đang vội vã. Kệ, đã giao hẹn rồi, mỗi người một nửa, phải chép cho xong. Tôi lại cắm cúi xuống trang sách. Nhưng có gì bồn chồn, thúc giục tôi nhìn sang: lại một ánh mắt tha thiết, không phải với trang sách. Tôi đã chép đến những trang cuối cùng, bắt gặp một tứ thơ thật hay, tự nhiên tay ngừng viết, tôi muốn được giãi bày đôi chút về những cảm xúc đang dâng trào trong lòng. Nhưng mà lòng vùng vằng: “Thôi, không nói, sẽ để dành nói với người yêu thơ Tagore của tôi. Chắc anh ấy sẽ rất thú vị, rất hào hứng bàn bạc cùng tôi. Một chút kiêu kiêu trong lòng, đến nỗi rất muốn khoe rằng tôi có một người bạn, anh ấy yêu thơ Tagore, chúng tôi rất giống nhau trong ý nghĩ... Nhưng khi ngẩng lên định khoe như thế, thì tôi bỗng rất lúng túng gặp cái nhìn thật sâu của người bên cạnh. Tôi trốn cái nhìn ấy, cố lơ đãng nhìn ra ngoài cửa sổ, mà sao lòng chộn rộn không yên. Tôi nhắc mình: “Người yêu thơ Tagore trong hình dung của tôi cũng có cái nhìn sâu thẳm, cũng có nụ cười dịu dàng, có mái tóc rủ mềm, và…và…”. Kìa, có cái gì nóng rực tỏa khắp bên má, ánh mắt người ấy dừng lại trên má tôi. Người ấy không đẹp, hoàn toàn không đẹp. Không phải là một cặp mắt to như mặt hồ, không phải là đôi bờ môi thanh tú, không phải một làn da nâu mịn… chỉ duy nhất gợi nhớ một nét tưởng tượng trong tôi: một bờ trán phẳng phiu, cao, rộng, mớ tóc mềm thanh thản phủ xuống như một dải mây nhẹ che thấp thoáng một mảng trời.

 

Tôi chép đến những dòng cuối cùng của phần mình, tạo thân thiện, tôi quay sang hỏi: “Anh chép xong chưa?” mà thầm nghĩ, chắc phải ngồi chờ một lúc kha khá để anh ấy chép cho xong, vơ vẩn thế, làm sao đã làm kịp được. Tôi bỏ bút, vặn vẹo ngón tay, tính ngồi đợi. Thì anh ấy gấp sách lại, giọng chắc chắn: “Anh chép xong rồi!” Tôi không tin, và hơi bực: “Đâu nào, đưa em xem!”. Anh ấy mở quyển vở ra: chỉ có một bài thơ! Không hơn! Một bài thơ tự do với những dòng chữ khi dài mênh mang, khi lại gấp gáp như bước chân bước vội. Không là thơ Tagore. Bài thơ anh vừa viết. Anh đưa nó cho tôi, đôi bàn tay nén cảm xúc. Tôi đọc bài thơ, thấy có mình trong đó, trong bộn bề cảm xúc, trong trào dâng hạnh phúc và phấp phỏng lo âu, trong bất ngờ đón nhận và xa lắc chờ mong. Tôi bối rối muốn lấn át những gì đang dậy lên trong lòng, bằng cách cầu viện đến Người yêu thơ Tagore. Không, anh ấy sẽ khác, rồi tôi sẽ gặp anh ấy. Bất chợt tôi nhìn thấy mặt hồ thăm thẳm buồn trong mắt người đối diện. Anh ấy có nhận ra rằng tôi đang cố gắng khép cánh cổng vườn mình, để giam chặt mùi hương đang muốn bay theo gió? Không, tôi phải gặp Người yêu thơ Tagore của tôi - ý nghĩ cứng cỏi mà tự nhiên giống như một giọng nói yếu ớt của một người vừa nói, vừa lui dần, lui dần…

 

Hoàng hôn tháng Bảy rực rỡ. Cả không gian được bao bọc trong màu nước quả anh đào đặc sánh. Màu hoàng hôn mang vị ngọt đậm. Một cảnh huy hoàng tôi chưa từng thấy trong đời. Mặt trời đỏ rực như một quả cầu lửa, không có những tia sáng, chỉ có một thứ ánh vàng đầy quyền uy phủ lên tất cả. Những đám mây lớn mang màu quyền uy đó đính trang nghiêm trên bầu trời, dường như chúng đã đứng ở đó từ ngàn năm nay. Chiều tháng Bảy trầm tư như một hòn đá tảng, dầm chân giữa biển, mang trong nó vẻ bình yên một cách bí hiểm, dáng uy nghi xa xăm,  vẻ bình thản mà sao gợi đầy giông tố… Anh dường như đọc được chút hốt hoảng của một cô bé nhỏ trước cảnh hùng vĩ bí ẩn của thiên nhiên, giọng anh trầm mượt: “Em nhìn kìa!” theo tay anh chỉ, tôi nhìn xuống dòng sông, nó lặng yên như mặt gương, và trên đó một chiếc thuyền đậu. Một người phụ nữ ghế nồi cơm sắp cạn nước trên cái bếp nhỏ đặt trên trên mui thuyền. Từ chỗ đó, một ngọn khói bay lên, làm mềm hẳn lại một góc hoàng hôn. Một cậu bé nhỏ với một chú cún con đang ngồi nghển mặt ngắm mặt trời phía xa. Một người đàn ông ở trần, để lộ vầng ngực đỏ au, đang cầm trong tay cuộn dây lớn… Buổi chiều của một gia đình thuyền chài, bình yên, hạnh phúc. 

 

… Mùa thu năm ấy tôi nhập trường. Nhưng không phải khoa văn, trường Đại học Sư phạm, mà là khoa Lưu học sinh, trường Đại học Ngoại Ngữ. Những ngày bận rộn để nhồi cho kịp một ngoại ngữ mới mẻ vào đầu, để sau đó sang Liên Xô học đã chiếm của tôi tất cả thời gian và hầu hết mọi ý nghĩ. Tôi đã hối hả chạy sang trường Đại học Sư phạm ngay buổi chiều thứ bảy đầu tiên không có giờ học ngoại khóa. Người yêu thơ Tagore không còn ở đấy nữa, anh có một khóa thực tập kéo dài ở phía nam. Một cảm giác ngơ ngác giữa một ngã ba vừa mới lộ ra một nẻo đường mới, mà bàn chân chưa biết lối rẽ vào. Và cảm giác tiêng tiếc một điều gì đó, dù rất chưa định hình rõ nét.Tôi nghĩ đến chân trời phía trước, xứ sở của những mùa thu vàng, niềm rạo rực lấn át chút buồn man mác. Tôi lên đường, đi về chân trời mới. Tập thơ Tagore gửi lại một người cùng khóa của anh. Tôi xếp lại một mùa gió Bấc hanh hao, một góc sân nhỏ có hoa mướp vàng thơ thẩn, cả thơ Tagore nữa trong một góc nhỏ tâm hồn…rồi mải mê, ào ạt lao vào mùa thu vàng, mùa tuyết tan, và mùa hoa syren mới lạ…

 

Tháng Bảy năm ấy bỗng ồn ã hẳn lên, bởi có một đoàn học sinh dự bị từ trong nước mới sang. Một buổi chiều tôi đứng một mình cạnh cửa sổ, nhìn mung lung ra vạt đồi phía sau Kí túc xá. Một chiều tháng bảy thật lạ, nó không đỏ au, đằm thắm, nó không sáng một màu ấm áp, trầm tĩnh, không phải là một ráng chiều đặc quánh có thể cảm thấy được từng mảng vỡ trong tay, như tôi vẫn gặp, vẫn thường hình dung trước đây. Đó là một buổi chiều ngậm nước.Tất cả đang căng mọng, bức bối, đang muốn vỡ òa, mà buộc phải nằm im, nhức nhối trong cái vỏ màu ghi xám của một bầu không gian oi ả. Một bầu trời với những đám mây nặng nề luôn đang muốn chuyển từ màu xám sang màu đen. Một mặt trời không rõ hình khối và màu sắc, chỉ là một vòng tròn màu thiếc phát ra thứ ánh sáng lạnh sắc.Những đàn chim âm thầm, chỉ như những nét chấm phảy màu đen, đôi khi bỗng nhiên che rợp cả mặt trời. Mây xám ngổn ngang trên trời, tả tơi trên những cành cây và xõng xoài trên mặt đất. Tất cả là một bức vẽ trắng đen câm lặng. Tiếng gõ cửa giải thoát tôi khỏi tâm trạng u mê khủng khiếp đó. Tôi quay lại: một em sinh viên dự bị! Chút phấn chấn trong lòng kéo tôi về thực tại. Một chàng trai cao nghều và gầy nghêu. Chiếc quần âu của “chú Sứ” phát cho treo lơ lửng trên cổ chân khẳng khiu cách đôi giày dài và rộng như chiếc xuồng chắc phải đến cả gang tay. Một chàng trai chóng lớn vượt cỡ. Cặp kính cận dày cộp che nửa mặt, và vì thế mà cặp môi rất dày của cậu bé hóa ra lại là nét hài hòa của khuôn mặt: “Chị là chị Huyền ạ? Có người gửi cái này cho chị!”. Nó nhoẻn cười rất ngộ nghĩnh, rồi quay ra ngay, làm tôi chẳng kịp hỏi tên. Sinh viên dự bị thường e thẹn. Tôi mở cái bọc nhỏ: thư chị Lý, bạn tôi: “Huyền ơi, Nam mất rồi!”. Tôi sửng sốt ngồi xuống giường, cuốn thơ Tagore và một cuốn vở học trò rơi ra từ trong bọc: “Đây là tất cả những gì Nam nhờ chị gửi đến cho em!”. Tôi đọc thấy dòng chữ “Gửi em một chiều tháng Bảy” viết cả trong cuốn thơ Tagore và trong cuốn sách học trò có một nửa cuốn thơ Tagore chép tay. Và một dòng chữ ngập ngừng: “Có lẽ tôi đã làm em buồn, nhưng xin em một điều: Cho phép tôi được yêu!”.

 

Trong cuộc đời, có lẽ có những lúc, những sự việc được người ta nhận ngay ra, hiểu ngay ra bằng linh cảm. Tôi chỉ có thể giải thích như thế. Tôi đã nhận ra người yêu thơ Tagore, và người chép thơ Tagore cùng tôi. Đã từng có lúc, tôi ước hai người ấy là một, đã từng có lúc tôi sắp đặt một trường hợp trùng lặp. Đã từng có lúc tôi ước mong được ngồi bên và cùng nói về Tagore. Giờ đây chỉ còn mình tôi với hai nửa cuốn thơ Tagore đang ghép vào thành một. Anh ấy đã trút hơi thở cuối cùng trên dòng sông, khi đang cứu các học trò trong cơn lũ quét đột ngột đổ về. Tôi mở từng trang cuốn vở chép tay của anh. Chỉ thấy ở trang đầu bài thơ viết cho tôi vào buổi chiều tháng Bảy hôm đó, và ở trang cuối duy nhất một bài thơ của Tagore:

Nếu em mang bình đi xách nước, hãy đến, xin hãy đến hồ tôi. Nước sẽ đổ xô quanh chân em thì thầm, tâm sự. Bóng mưa in trên cát mịn; mây giăng thấp ngang viền cây xanh tựa làn tóc màu mun phủ vầng trán thơ ngây. Tôi quá quen nhịp bước em đi, mỗi nhịp đập vang mạnh vào tim. Hãy đến, xin hãy đến hồ tôi nếu đi kiếm nước. Nếu em ngồi thẫn thờ, uể oải để bình trôi trên sông, hãy đến, xin hãy đến hồ tôi.

 

Đường dốc, cỏ mịn xanh, hoa dại nhiều vô số. Ý nghĩ trong em sẽ vượt khỏi tròng mắt nhung đen lang thang như chim non rời tổ. Màn che mặt sẽ rơi xuống chân em. Cứ lại, xin cứ lại hồ tôi nếu em muốn ngồi thẫn thờ uể oải. Nếu thôi đùa nghịch, nếu muốn dầm mình trong nước, hãy đến, xin hãy đến hồ tôi. Trải áo choàng màu xanh lên bờ cỏ: màu nước xanh sẽ giấu kín em đi. Sóng sẽ nghển lên hôn nhẹ cổ trắng ngà rồi thì thầm bên tai em. Hãy đến, xin hãy đến hồ tôi nếu em muốn dầm mình trong nước.

 

Nếu quẫn trí và muốn quyên sinh cứ đến, xin cứ đến hồ tôi. Ở đấy mát lạnh và sâu thăm thẳm. Ở đấy âm u như giấc ngủ không mơ. Ở đấy trong sâu thẳm, ngày đêm là một lời ca, là im lặng triền miên. Cứ tới, xin cứ tới hồ tôi nếu em muốn trầm mình, giã từ trần thế.”

 

Tôi đau một nỗi đau xa xôi lắm, nó ở đâu đó, và cứ rõ dần cảm giác bóp nghẹt ở nơi con tim. Nếu kịp có một cảm nhận bằng xương, bằng thịt, thì có lẽ nước mắt đã có thể trào ra được, đằng này chỉ là một hình bóng làm nên cơn nức nở trong lòng.Tôi úp mặt lên những dòng thơ Tagore, thấy dường như từng giọt nước mắt mình đang rơi xuống mặt hồ thăm thẳm, mặt nước đang lặng câm, bỗng lặng lẽ vỡ ra, đón từng giọt nước mắt tôi, mang nó hòa vào với nước, đưa nó chìm xuống tận thẳm sâu, thẳm sâu lòng hồ. Ở nơi đó không gian và thời gian là vĩnh hằng…

     

Tôi trầm mình trong áng chiều tháng Bảy.


Bùi Thanh Huyền

 

Từ khóa: n/a

Các bài viết liên quan:

Những tác phẩm cũ hơn:

Những tác phẩm mới hơn:

 
Mời các Tác giả gửi bài cộng tác cho Ban Biên tập Nhà Búp qua hộp thư email: nhabup.vn@gmail.com
Văn phòng Thường trực Ban Biên tập Nhà Búp: Số 24, Lý Thường Kiệt, Q. Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội;
Ngoài địa chỉ: www.nhabup.vn, bạn có thể truy cập vào website này qua các tên miền quen thuộc: www.nhabup.net hoặc www.nhabup.com
Website đang được thử nghiệm và điều hành phi lợi nhuận, bởi các tình nguyện viên.