Bài học thức tỉnh của Truyện Kiều
- Thứ bảy - 18/01/2020 20:01
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Mười lăm năm cuộc đời trầm luân chìm nổi của Nàng Kiều được bắt đầu trong bối cảnh gia đình và xã hội hết sức thanh bình.
Rằng năm Gia Tĩnh Triều Minh
Bốn phương phẳng lặng hai kinh vững vàng
Có nhà Viên ngoại họ Vương
Gia tư nghĩ cũng thường thường bậc trung
Gái hai trai một rốt lòng
Vương Quan là chữ nối dòng nho gia
Mười sáu năm thơ ấu của Kiều đi qua êm đềm, hứa hẹn một tương lai tươi sáng, không gợn chút lo âu.
Êm đềm trướng rủ màn che
Tường đông ong bướm đi về mặc ai
Có ai ngờ sau buổi đi lễ Tảo mộ, Đạm Tiên tìm gặp Thúy Kiều và hé lộ bí mật của đời nàng.
Mấy lòng hạ cố đến nhau
Mấy lời hạ tứ ném châu gieo vàng
Vâng trình hội chủ xem tường
Mà sao trong sổ đoạn trường có tên
Mới hay là ai ai khi đến cõi đời này cũng đều mang theo mình một quá khứ, nhà Phật gọi là Nghiệp. Chúng ta đến đây là để trả cái Nghiệp mà ta đã tạo ra từ kiếp trước. Cái Nghiệp ấy là gì thì chỉ có Phật Tổ Như Lai mới soi thấu được.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa
Vậy nên, ai ai cũng nên biết mà tu tỉnh bản thân, đừng để nghiệp dày thêm nghiệp, và quẩn quanh ở cõi đời này cho đến lúc diệt vong. Ai sớm tỉnh ngộ ra mà lo làm điều thiện, tu thân tích đức thì nghiệp cũng được giải. Vậy nên mới có thơ rằng:
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài
Đây chính là giá trị khai trí của Truyện Kiều mang tư tưởng của đạo Phật một cách rõ ràng. Thi hào họ Nguyễn chỉ rõ cho chúng ta lẽ thật về thân tâm con người và những phương cách giúp con người vượt qua mọi thống khổ. Nếu chúng ta biết nương vào đó mà hành tri triệt để thì sẽ phát triển trí tuệ đạt đến giác ngộ giải thoát.
Trong suốt mười lăm năm lưu lạc, Kiều không kêu ca phàn nàn, không đấu tranh hay đổ lỗi cho ai cả. Có chăng ta chỉ thấy nàng than thở về số kiếp của mình và kiên tâm trả nghiệp trong im lặng.
Kiếp tu xưa ví chưa dày,
Phúc nào nhắc được giá này cho ngang !
Hay:
Kiếp xưa đã vụng đường tu,
Kiếp này chẳng kẻo đền bù mới xuôi!
Dù sao bình đã vỡ rồi,
Lấy thân mà trả nợ đời cho xong!
Nhiều lần Kiều cũng cùng quẫn nghĩ đến quyên sinh, nhưng vãi Giác Duyên lại xuất hiện và giúp nàng vượt qua thử thách, tiếp tục trên con đường về cội nguồn của mình. Khi Kiều tự vẫn trên sông Tiền Đường, Giác Duyên lại thuê người kết chài giăng sông để cứu sinh mạng cho Kiều.
Thuê năm ngư phủ hai người,
Đóng thuyền chực bến kết chài giăng sông.
Một lòng chẳng quản mấy công,
Khéo thay gặp gỡ cũng trong chuyển vần!
Rồi cũng chính nhờ Giác Duyên mà Kiều có được những ngày êm ả trong quãng đời trầm luân của mình.
Gửi thân được chốn am mây,
Muối dưa đắp đổi tháng ngày thong dong.
Kệ kinh câu cũ thuộc lòng,
Hương đèn việc cũ, trai phòng quen tay.
Sớm khuya lá bối phướn mây,
Ngọn đèn khêu nguyệt, tiếng chày nện sương
Kiều là người con hiếu nghĩa, yêu thương gia đình và chẳng ngại gian khổ để báo hiếu cho cha khi gia đình lâm vào cung tai biến.
Quyết tình nàng mới hạ tình
Dẽ ra để thiếp bán mình chuộc cha
Vì lòng hiếu thảo với cha mẹ, kiên tâm trên con đường trả nghiệp, và những ngày gửi thân ở chốn am mây, nên cuối cùng, Kiều đã trở về mái nhà xưa yên ấm.
Một nhà về đến quan nha
Đoàn viên vội mở tiệc hoa vui vầy
…
Bây giờ gương vỡ lại lành
Khôn thiêng lừa lọc đã đành có nơi
Còn duyên may lại còn người
Còn vầng trăng bạc còn lời nguyền xưa
Còn chúng ta thì sao? Bao giờ mới trở về quê nhà hay là vẫn mải lang thang nơi đất khách? Câu trả lời vẫn còn ở phía trước và mỗi chúng ta phải tự giải đáp cho mình. Riêng tôi cho rằng, người sáng tác ra Đoạn Trường Tân Thanh và Truyện Kiều không chỉ là những thi nhân trác tuyệt, mà còn là những người tôn sùng đạo đức giác ngộ giải thoát đáng kính của nhân loại, dùng văn để chuyên chở đạo lý, giúp cho loài người thức tỉnh từ chốn u mê về với miền tươi sáng.
Hy vọng rằng nhiều thế hệ bạn đọc người Việt sẽ ôn lại bài học cảnh tỉnh này từ đó biết thương mình và thương người nhiều hơn. Khi người ta trải lòng từ bi đến với nhau, cuộc sống sẽ tốt đẹp lên rất nhiều. Câu chuyện quê mùa chắp nhặt dông dài xin chia sẻ cùng quý bạn đọc.
Tuấn Khanh