Bhutan - đất nước hạnh phúc

Bhutan - đất nước hạnh phúc
Vương quốc Bhutan nằm dưới chân dãy núi Himalaya với dân số chưa đến 800 nghìn người và 72% lãnh thổ được bao phủ bởi rừng. Bhutan có nhiều cái nhất, song có lẽ hai cái nhất cơ bản là nền kinh tế nhỏ bé nhất và được nhiều người đánh giá là đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới. Theo lời của ông Lotay Tshering, Thủ tướng Bhutan, có được những kết quả như vậy là do xã hội và nền kinh tế Bhutan được xây dựng trên cơ sở luật nhân quả, vì đại đa số người Bhutan theo đạo Phật.

Vương quốc Bhutan nằm dưới chân dãy núi Himalaya với dân số chưa đến 800 nghìn người và 72% lãnh thổ được bao phủ bởi rừng. Bhutan có nhiều cái nhất, song có lẽ hai cái nhất cơ bản là nền kinh tế nhỏ bé nhất và được nhiều người đánh giá là đất nước hạnh phúc nhất trên thế giới. Theo lời của ông Lotay Tshering, Thủ tướng Bhutan, có được những kết quả như vậy là do xã hội và nền kinh tế Bhutan được xây dựng trên cơ sở luật nhân quả, vì đại đa số người Bhutan theo đạo Phật.

Cốt lõi của luật nhân quả là mọi sự việc đều là kết quả của những nguyên nhân sâu xa xảy ra trước đó. Nhân quả tương tác theo luật tương ứng: gieo nhân nào thì đắc quả nấy; hạt táo không thể sinh ra quả bưởi, hạt xoài không thể sinh ra quả đào. Phật Pháp ghi rằng "Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt".

Nói ví dụ, trên 80% dân số Bhutan làm nông nghiệp và đóng góp xấp xỉ 38% tổng sản phẩm quốc dân, xong người nông dân Bhutan không hề biết đến thuốc trừ sâu, diệt cỏ hay các loại hóa chất nguy hiểm khác. Sản phẩm nông nghiệp của Bhutan có sản lượng thấp và giá cả gấp đôi sản phẩm cùng loại được nhập vào từ Ấn độ, nhưng người dân Bhutan chỉ lựa chọn dùng sản phẩm trong nước. Ấy là vì người Bhutan tránh sát sinh. Sâu bọ côn trùng hay cỏ dại cũng là chúng sinh trong trời đất, hủy diệt chúng cũng là hủy diệt chính mình. Con người không thể truy cầu hạnh phúc cho mình bằng cách tiêu diệt các sinh vật khác và không có sự sống tốt đẹp nào được xây dựng bằng sự chết chóc. Đại đa số dân chúng Bhutan chỉ ăn các thức ăn có nguồn gốc từ rau củ quả sạch vì họ tin rằng như vậy cơ thể họ chay tịnh sạch sẽ và là nơi trú ngụ cho những linh hồn đẹp đẽ, cao thượng. 

Một ví dụ nữa về quan hệ nhân quả: tất cả trẻ em Bhutan đều được đi học mà cha mẹ không phải đóng tiền. Từ 6 đến 12 tuổi, trẻ em được học Phật Pháp và thực hành lối sống của Phật Gia. Người Bhutan hiểu rằng nếu trẻ em được tiếp nhận sự giáo dục bài bản ngay từ nhỏ, thì cơ hội để trở thành một công dân tốt đóng góp cho xã hội gần như là đương nhiên. Nếu ai ai cũng được giáo dục như nhau, cùng một mục đích sống như nhau, thì cả xã hội sẽ thuần nhất và tính cộng đồng sẽ rất cao. Giáo dục của Bhutan là trách nhiệm của xã hội và có vai trò như việc ươm mầm công dân cho tương lai, tuyệt nhiên không có tính thương mại. Mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển như nhau nên không hề có sự cạnh tranh, mánh khóe, hay gian lận trong giáo dục, và đó chính là cơ sở bền vững của xã hội nơi vương quốc này. Nhân nào quả ấy, ươm sự lành thì ắt sẽ có xã hội yên bình.

Kinh tế Bhutan chỉ đứng thứ 165 so với các nước khác trên thế giới, song các nguồn thu nhập của họ lại rất ổn định và lâu bền. Lời phát biểu của Quốc vương Bhutan "Tổng Hạnh phúc Quốc gia quan trọng hơn Tổng Sản phẩm Quốc nội" cho thấy sự cam kết của nhà vua trong việc xây dựng một nền kinh tế dựa trên các giá trị tinh thần Phật Giáo. Định hướng này đã gặt hái được những kết quả mong muốn bởi nó chính là tư tưởng của người dân Bhutan không chạy đua đi tìm hạnh phúc từ sở hữu vật chất tầm thường. Họ luôn chăm lo hạnh phúc từ nội tâm của chính họ, từ bi, yêu thương và thiện nghĩa, đó chính là nguồn hạnh phúc dồi dào và vô tận. 

Khắp nơi trên vương quốc của hạnh phúc không có nhà cao sừng sững, ô tô đắt tiền và điện thoại thông minh đời mới nhất, không có đèn xanh đỏ trên đường phố và không có nhà hàng sang trọng. Chỉ có những khuôn mặt rạng rỡ hạnh phúc của những con người hướng thiện và lòng tin nơi cõi Phật. Du khách đường xa chắc chắn sẽ tự hỏi mình, liệu con đường truy cầu hạnh phúc nơi vật chất của bản thân họ có thực sự đang dẫn họ tới hạnh phúc không? Không ít người đã từ đây mà phát nguyện tu hành, cải hóa và tìm được hạnh phúc cho riêng mình. Câu chuyện về Bhutan này chính là câu chuyện về một vị vua và một vương quốc hết lòng phụng sự Phật Pháp đã có được những phúc lợi thái bình.


21/4/2020

Tuấn Khanh