Căn cước

Căn cước
Tên gọi giấy tờ chứng minh thân phận công dân tại mỗi nước một khác nhau. Xét riêng trong các nước đồng văn với nhau thì tên gọi "Căn cước" của Việt Nam cũng là rất đặc thù.

(Ảnh: Lam Châu)


CĂN CƯỚC

(Dương Chính Chức)


Tên gọi giấy tờ chứng minh thân phận công dân tại mỗi nước một khác nhau. Xét riêng trong các nước đồng văn với nhau thì tên gọi "Căn cước" của Việt Nam cũng là rất đặc thù.


1. Trước hết, ta cần hiểu nghĩa của "căn cước" là gì. Căn (根) là rễ như căn bản (gốc rễ), căn nguyên (nguyên nhân gốc); Cước (腳) là chân như quyền cước (nắm đấm và chân), sơn cước (chân núi), mã cước (vó ngựa)...Căn cước là nơi ta đặt chân, tức chỉ gốc gác, xuất thân. Vậy nên thẻ căn cước là giấy tờ có thông tin về xuất thân, thân phận.


2. Nhiều nước dùng giấy tờ chứng minh thân phận như vậy với tên gọi khác nhau.


Ví dụ: 

- Ở Hàn Quốc gọi là 주민등록증 (住民登錄證 - trú dân đăng lục chứng, Resident Registration Card), áp dụng từ 1965 đến nay, đôi khi gọi tắt là 민증 (民證), 주민증 (住民證), hay gọi chung là 신분증 (身分證).


- Ở Triều Tiên thì đơn giản, dùng 3 chữ 공민증 (公民證 công dân chứng).


- Tại Trung Quốc thì NGHE NÓI dùng 居民身份證 (Cư dân thân phận chứng). Còn Đài Loan thì dùng 國民身分證 (quốc dân thân phận chứng).


- Chưa kịp tìm hiểu xem Nhật Bản dùng tên gì.


- Việt Nam thì qua nhiều thời kỳ dùng nhiều tên, khi thì Giấy chứng minh (aka Chứng minh thư), khi thì Giấy chứng minh căn cước, rồi Chứng minh nhân dân, Thẻ Căn cước công dân...Mỗi cái tên đều được cân nhắc, có căn cứ để đặt. Gần đây, để chuẩn hóa, chúng ta cân nhắc các mặt để rồi chọn ra một cái tên là Thẻ Căn cước. 


3. Dù tên là gì thì vẫn có yếu tố "chứng" (證), tức là chứng minh, là cái cho thấy nội dung abc gì đó là đúng. Chứng minh thư aka Giấy chứng minh.


4. Thẻ Căn cước công dân có phạm vi hẹp, chỉ áp dụng cho công dân Việt Nam và nay để cho toàn diện, hướng tới cả các đối tượng đang cư trú trên lãnh thổ, ta chuyển thành Thẻ Căn cước. Nó là vậy, là sự điều chỉnh hoàn thiện chứ không phải đơn giản là bỏ 2 chữ "công dân" cho gọn như vài anh chị bỉ bôi.