Cát bụi
- Thứ ba - 26/11/2019 23:43
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đời người rất ngắn ngủi. Nó tựa như một giấc mộng kê vàng. Phật gia giảng rằng: Nhân thân nan đắc, Phật Pháp nan văn. Có được thân người là trân quý lắm, bởi một sinh mạng phải tu bao nhiêu kiếp trong luân hồi mới có thể có được cái thân người. Vì vậy, khi đã có thân người rồi thì phải biết quý trọng bản thân, quý trọng thời gian, phải biết cách tận dụng từng thốn thời gian mình đang có để rèn giũa, học tập, trau dồi kiến thức, tu dưỡng và nâng cao cảnh giới tinh thần của mình.
Người ta bảo, Trịnh Công Sơn là người chịu nhiều đau khổ cuộc đời. Đấy cũng chỉ là ta cảm nhận, có đau khổ không, như thế nào chỉ Trịnh Công Sơn biết. Nhưng ta nghĩ là có.
Người ta bảo nhạc Trịnh đậm tính thiền. Cũng đúng. Mỗi câu từ đều đậm chất triết lý, đằng sau mỗi đau khổ đều là một sự giác ngộ, thức tỉnh, đúc kết. Bởi vậy, khó hát bài của Trịnh Công Sơn, không biết tâm sự gửi gắm của Ông, không thể hát hay được.
Bài "Cát bụi" cũng vậy. Đằng sau sự đau khổ khi biết thân này từ cát bụi mà nên, sẽ lại thành cát bụi sau mệt mỏi trăm năm.
"Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi
Để một mai tôi về làm cát bụi
Ôi cát bụi mệt nhoài
Tiếng động nào gõ nhịp khôn nguôi"
Con người ta cũng như vạn vật, như hạt bụi, thân xác chịu trong vòng sinh lão bệnh tử, sinh ra từ cát bụi rồi lại hoàn về cát bụi. Tiếng động là tiếng tích tắc của thời gian, mỗi nhịp qua, đời người lại ngắn bớt đi một ít. Vừa sống nghe tiếng tích tắc đó, cảm thấy mệt mỏi lắm. Vậy mới có câu "đang sống tức là đang chết dần".
"Bao nhiêu năm làm kiếp con người
Chợt một chiều tóc trắng như vôi
Lá úa trên cao rụng đầy
Cho trăm năm vào chết một ngày"
Kiếp người như bụi, mải miết sống. Một đời vật vã mệt nhoài, chân đi đó, đi đây, tay nắm chặt những thứ tưởng quý giá, mỏi quá rồi cũng đến lúc buông tay, dừng lại. Qua thời thanh xuân hừng hực sức sống, một ngày, ta thấy mệt, trầm lại, nhìn vào gương, chợt thấy ta đã già, tóc bạc như vôi, mới thảng thốt, hóa ra, ta đã bươn chải, ngụp lặn trong đời những từng đấy năm. Lá xanh rồi cũng úa, không còn sức hút nhựa sống từ cành. Bách niên giai lão chỉ là sự động viên gượng ép, tự lừa dối bản thân. Trăm năm, nghìn năm rồi cũng chết vào một ngày.
"Mặt trời nào soi sáng tim tôi
Để tình yêu xay mòn thành đá cuội
Xin úp mặt bùi ngùi
Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui"
Động lực sống chưa hẳn đã xuất phát từ mục tiêu sống hợp lẽ tự nhiên. Danh lợi phải chăng là mặt trời soi sáng con tim? Tình yêu phải chăng là động lực để ta sống? Có những người sống thanh thản đến phút cuối cùng. Có những người, đến phút cuối, lá vàng về cội, lại bùi ngùi tiếc nuối. Từng ngày qua mỏi ngóng tin vui là ngóng cái gì? Thoát khổ ải chăng?
"Cụm rừng nào lá xác xơ cây
Từ vực sâu nghe lời mời đã dậy
Ôi cát bụi phận này
Vết mực nào xóa bỏ không hay"
Xác xơ là sự vật vã. Vật vã là bởi đau khổ. Chỉ an nhiên sống khi mặt trời đang soi sáng kia là chân lý mới, pháp lý mới, khác hẳn với cái giáo lý cũ ta vẫn tiếp nhận xưa nay, nhìn nhận ra lẽ sinh diệt tự nhiên, mọi sự vô tướng, vô hình, vô thường. Chỉ an nhiên lìa cành khi nhận ra rằng, một đời tu tâm sửa tính, nhẫn nhịn đến tột cùng với mọi đau khổ để khi lìa cành, chẳng ở lại vực sâu với thân như cát bụi nữa, thoát khỏi ràng buộc tứ đại, trở thành sự tồn tại tinh nguyên tại một nơi an bình trong vũ trụ, thuận lý tự nhiên, vết mực cuộc đời tưởng như không xóa được bỗng nhiên mất đi.
Lời mời mới lạ gọi ta dậy từ vực sâu khiến ta thức tỉnh, đổi thay trước khi ta vốn như cát bụi trở về với cát bụi. Đấy là nhân duyên.
Dương Chính Chức