Chuyện về Lão Tử

Chuyện về Lão Tử
Lão Tử là thủy tổ của Đạo gia, trước tác Đạo Đức Kinh. Theo các tài liệu lịch sử có thể khảo sát được thì tư tưởng của Lão Tử có cội nguồn gắn liền với Quy Tàng, một trong ba bộ sách Thần thư lớn thời cổ đại – gồm Liên Sơn nhà Hạ, Quy Tàng nhà Ân và Chu Dịch nhà Chu.

 

Lão Tử là thủy tổ của Đạo gia, trước tác Đạo Đức Kinh. Theo các tài liệu lịch sử có thể khảo sát được thì tư tưởng của Lão Tử có cội nguồn gắn liền với Quy Tàng, một trong ba bộ sách Thần thư lớn thời cổ đại – gồm Liên Sơn nhà Hạ, Quy Tàng nhà Ân và Chu Dịch nhà Chu.

Tương truyền Lão Tử sống khoảng năm 600 TCN đến năm 470 TCN, vào thời kỳ Xuân Thu. Phụ thân của Ngài là Lão Tá – quan Tư mã của nước Tống. Mùa hè năm 573 TCN, nước Sở dấy binh chinh phạt nước Tống, Lão Tá dẫn đầu binh sĩ và bị tử vong trên chiến trường, quân đội nước Tống tan vỡ. Lão phu nhân và hai người thị nữ duy nhất còn lại bên bà cùng một gia tướng đánh xe, trên đường chạy trốn ra khỏi kinh đô nước Tống đến Tương Ấp nước Trần (tức vùng phía Đông của Lộc Ấp tỉnh Hà Nam ngày nay). Đang trên đường đi thì Lão phu nhân đột nhiên cảm thấy bụng đau. Thì ra Lão phu nhân đang mang thai. Gia tướng vội vàng dừng xe bên đường rồi chạy vào trong làng tìm một bà cụ đến. Qua thời gian vài khắc, chỉ nghe thấy tiếng khóc oe oe từ trong xe vọng ra, một bé trai đẻ non chào đời, đó chính là con trai của Lão Tá: Lão Tử.

Đó cũng chính là tại sao phần Lão Trang Thân Hàn Liệt Truyện trong quyển thứ 63 sách Sử Ký đã ghi chép rằng, Lão Tử là người làng Khúc Nhân, xã Lịch, huyện Khổ, nước Sở (tức thị trấn Đông Thái Thanh Cung, huyện Lộc Ấp, tỉnh Hà Nam ngày nay). Sử Ký có viết, Lão Tử họ Lý, tên Nhĩ, tự Bá Dương, tên thụy là Đam. Ông đảm nhiệm chức Thủ tàng sử, là một vị quân tử ẩn cư, tức là người có đức hạnh ẩn cư ở trần thế.

Tương truyền khi Lão Tử giáng sinh, thân thể yếu mà đầu lại to, lông mày dài và tai lớn, mắt trong suốt như viên minh châu dưới vực sâu, trên mũi có hai sống mũi như vết bánh xe. Vì ông có đôi tai lớn nên đặt tên là Đam. Chữ “Đam” nghĩa là tai to và dài.

Từ nhỏ Lão Tử đã rất thông minh, thường tĩnh lặng suy nghĩ và hiếu học, và thường quanh quẩn bên người gia tướng để nghe những chuyện quốc gia hưng vong, chiến tranh thành bại, thờ cúng chiêm bói, xem tinh tượng dự đoán sự việc. Lão phu nhân đã mời một vị tiên sinh tinh thông lễ nhạc triều Ân Thương là Thương Dung để truyền thụ cho con trai. Thương Dung thông thiên văn, tường địa lý, hiểu rộng lễ nghi cổ kim, được cả nhà Lão Đam kính trọng.

Một ngày nọ, Thương Dung dạy Lão Đam rằng: “Giữa trời đất, thì con người là cao quý, giữa chúng nhân, thì vua là gốc”. Lão Đam liền hỏi: “Trời là vật gì?”. Tiên sinh nói: “Trời là cái thanh thanh ở trên cao”. Lão Đam lại hỏi: “Cái thanh thanh là vật gì?” Tiên sinh nói: “Cái thanh thanh chính là thái không”. Lão Tử lại hỏi: “Trên thái không lại là vật gì?” Tiên sinh nói: “Trên thái không là cái thanh của thanh”. Lão Tử lại hỏi: “Trên đó nữa lại là vật gì?” Tiên sinh trả lời: “Trên cái thanh của thanh là là cái thanh của thanh thanh”. Lão Tử lại hỏi: “Nơi tận cùng của cái thanh là vật gì?” Tiên sinh nói: “Các bậc tiên hiền chưa truyền thụ, các thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”. Đêm đó, Lão Đam đem những nghi hoặc của mình hỏi mẫu thân, mẫu thân không thể trả lời được. Lão Đam hỏi gia tướng, gia tướng cũng không biết nói sao. Thế là ông ngửa mặt quan sát mặt trời mặt trăng và các vì sao, cúi đầu suy nghĩ trời ở trên trời là vật gì, cả đêm không thể ngủ được.

Lại một ngày nọ, Thương lão tiên sinh dạy rằng: “Trong lục hợp có tồn tại thiên, địa, nhân, vật. Thiên có Thiên Đạo, Địa có địa lý, người có nhân luân vật có vật tính. Có Thiên Đạo cho nên mặt trời mặt trăng và các vì sao mới có thể vận hành. Có địa lý cho nên núi sông hồ biển mới có thể hình thành. Có nhân luân cho nên mới phân biệt tôn ti lớn bé. Có vật tính nên mới có thể phân biệt được dài ngắn bền giòn”. Lão Đam hỏi: “Mặt trời mặt trăng các vì sao là do ai đẩy chúng vận hành? Núi sông hồ biển là ai tạo nên? Tôn ti lớn bé là ai định mà phân ra? Dài ngắn bền giòn là ai đặt ra để phân biệt?” Tiên sinh nói: “Tất cả đều là do Thần làm”. Lão Đam lại hỏi: “Tại sao Thần có thể làm được như vậy?” Tiên sinh nói: “Thần có khả năng biến hóa, có công tạo vạn vật, do đó có thể làm được như vậy”. Lão Đam hỏi: “Khả năng của Thần từ đâu mà có? Công của Thần khi nào đầy đủ?” Tiên sinh nói: “Các vị tiên sư chưa truyền, các thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”. Đêm đó Lão Đam lại đem những nghi hoặc của mình hỏi mẫu thân, mẫu thân không thể trả lời được. Lão Đam hỏi gia tướng, gia tướng cũng không thể nói được. Thế là ông quan sát các vật và suy nghĩ, sờ các vật để phân loại, chuyên tâm chăm chú 3 ngày không biết đến mùi vị của thức ăn.

Lại một ngày nọ, Thương tiên sinh dạy rằng: “Vua là người đại diện cho Trời để quản lý thế gian. Dân là người chịu sự chế ngự của vua. Vua không hành xử theo ý Trời thì sẽ bị phế bỏ”. Lão Đam liền hỏi: “Người dân sinh ra không phải là vua, không thuận theo sự chăn dắt của vua thì cái lý đó có thể lý giải được. Vua sinh ra là ý Trời, vua trái ngược với ý Trời thì là đạo lý gì?” Tiên sinh nói: “Thần sai khiến vua đại diện cho Trời để quản lý việc thế gian. Vua sinh ra như tướng ở bên ngoài vậy. Tướng ở bên ngoài thì có lúc có thể không tiếp nhận mệnh vua. Vua ra đời thì ý Trời cũng có khi không chấp nhận”. Lão Đam hỏi: “Thần có khả năng biến hóa, có công tạo vạn vật, sao không tạo ra vị vua nghe theo mệnh?” Tiên sinh nói: “Các bậc tiên Thánh chưa truyền, các thư tịch cổ đại chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”. Đêm đó, Lão Đam đem những nghi hoặc này hỏi mẫu thân, mẫu thân không thể giải đáp được. Lão Đam hỏi gia tướng, gia tướng cũng không thể nói được. Thế là ông cầu giáo và đi bái kiến tất cả những nhân sĩ ở Tương Ấp, chuyên tâm cầu học, đến mức “bị mưa không biết ướt, có gió mà không cảm giác thấy”.

Một ngày nọ, Thương tiên sinh giảng rằng: “Việc trong thiên hạ, hòa là quý. Bất hòa thì sẽ giao tranh, giao tranh thì sẽ tương tàn, tương tàn thì sẽ cả hai bị thương, cả hai bị thương thì có hại mà không có lợi ích. Thế nên làm lợi cho người tức là làm lợi cho mình, gây họa cho người tức là gây họa cho mình”. Lão Đam hỏi: “Thiên hạ bất hòa là đại họa của bách tính, tại sao vua không trị sửa?” Tiên sinh nói: “Dân tranh đoạt lẫn nhau, đó là bất hòa nhỏ. Bất hòa nhỏ thì bị tai họa nhỏ, khi đó vua có thể trị sửa được. Quốc gia tranh đoạt lẫn nhau, đó là bất hòa lớn. Bất hòa lớn thì bị tai họa lớn, tai họa lớn là lỗi lầm của vua, lấy gì để tự trị sửa mình?” Lão Đam lại hỏi: “Vua không thể tự trị sửa mình, tại sao Thần không trị sửa vua?” Tiên sinh nói: “Các bậc tiên triết chưa truyền, các thư tịch cổ chưa ghi chép, thầy ngu dốt không dám nói bừa”. Đêm đó Lão Đam đem nghi vấn của mình hỏi mẫu thân, mẫu thân không thể giải đáp được. Ông hỏi gia tướng, gia tướng cũng không thể nói được. Thế là ông bái kiến các nhân sĩ trong Tương Ấp, đọc hết các sách của Tương Ấp, chuyên tâm chăm chú đến mức “gặp trời nóng mà không biết nóng, gặp trời lạnh mà không biết lạnh”.

Thương lão tiên sinh truyền thụ cho Lão Đam 3 năm, một hôm tiên sinh đến từ biệt Lão phu nhân và nói: “Lão phu học thức nông cạn, Đam nhi tư duy nhanh nhạy, không phải là lão phu không truyền thụ đến cuối, không phải là Đam nhi học không chuyên cần. Thực sự là học vấn của lão phu cũng đã hết rồi. Lòng cầu học của Đam nhi là vô cùng vô tận, lấy cái hữu hạn cung cấp cho cái vô cùng, chẳng phải khó khăn lắm đó sao? Đam nghi là đứa trẻ có chí hướng cao xa và to lớn. Tương Ấp là một nơi hẻo lánh, nếu muốn mài giũa đá thành ngọc thì cần phải đến kinh đô nhà Chu đề cầu học chuyên sâu. Ở Kinh đô nhà Chu, điển tịch nhiều như biển, hiền sĩ nhiều như mây, là Thánh địa của thiên hạ, không đến đó thì khó trở thành bậc đại tài được”.

Lão phu nhân nghe những lời này thì trong lòng thấy khó xử: Thứ nhất, Lão Đam khi đó mới 13 tuổi, đến kinh đô nước Tống còn chưa đi, đến kinh đô nước Chu chẳng phải càng khó đó sao? Thứ hai, dòng họ Lão chỉ còn có một mình Lão Đam nối dõi, sao có thể yên tâm để con trai một thân một mình đi được?

Đúng lúc còn đang do dự chưa biết trả lời thế nào, không ngờ tiên sinh đã đoán biết nỗi khó xử đó, ông vội nói tiếp: “Xin nói thực, sư huynh của lão phu làm quan Bác sĩ Thái học của nhà Chu, học thức uyên bác, tấm lòng rộng lớn thoáng đạt, yêu tài kính hiền, lấy việc trồng người làm trọng trách, lấy việc trợ giúp hiền tài làm niềm vui, lấy việc tiến cử người hiền tài làm trách nhiệm. Nhà sư huynh có nuôi dưỡng mấy vị Thần đồng, đều lựa chọn từ trong dân gian. Không cầu cung cấp ăn mặc, ông đối xử với các cháu đó như con ruột. Vị Bác sĩ đó nghe lão phu nói, biết Đam nhi hiếu học giỏi tư duy, thông tuệ siêu thường, từ lâu đã mong gặp gỡ. Mấy hôm trước có mấy người gia bộc của ông trên đường qua đất này, có gửi thư cho lão phu, ngỏ ý muốn đưa Đam nhi đi đến kinh đô nhà Chu. Đây là cơ may nghìn năm khó gặp, mong hãy trân quý”.

Sau khi nghe xong, Lão phu nhân không nén nổi vui buồn lẫn lộn. Vui mừng là được tiên sinh bảo lãnh tiến cử, khiến con trai có cơ duyên đến kinh đô nhà Chu, buồn vì mẹ con ly biệt, ngày nào mới có thể gặp lại? Ba ngày sau, toàn bộ gia đình và Thương tiên sinh tiễn Lão Đam đi cả ngoài 5 dặm đường. Lão Đam quỳ xuống bái lạy từng người rồi lên ngựa theo những gia bộc của vị quan Bác sĩ khởi hành về phía Tây. Lão phu nhân ngóng trông theo hình bóng con trai đi xa, rồi mới rầu rầu lên xe, buồn bã trở về.

Lão Đam vào nhà Chu bái kiến quan Bác sĩ, vào học ở Thái học, các môn thiên văn, địa lý, nhân luân, không môn nào không học, các kinh sách Thi, Thư, Dịch, Lịch, Lễ, Nhạc không sách nào không xem, văn vật, điển chương sách sử, không cái nào là không học tập, sau 3 năm đã có bước tiến rất lớn. Vị quan Bác sĩ lại tiến cử Lão Tử làm viên lại Thủ tàng thất.

Thủ tàng thất là nơi sưu tầm lưu giữ điển tịch của triều Chu, tập hợp văn của cả thiên hạ, thu thập sách của cả thiên hạ, sách nhiều đến mức xe trâu chở đổ mồ hôi, sách chất cao đến tận mái nhà, không gì là không có. Lão Đam ở trong đó, như giao long vùng vẫy trong biển cả, biển rộng rồng mặc sức vẫy vùng, như chim ưng vươn cánh trên trời xanh, trời cao chim mặc sức bay lượn. Lão Đam như đói như khát, đọc nhiều xem rộng, dần dần nhập giai cảnh, thông tỏ cội nguồn của lễ nhạc, minh tỏ yếu chỉ của đạo đức, sau 3 năm, Lão Tử được thăng làm Thủ tàng thất sử.

(Theo mạng Đạo Đức Kinh)