Đại sư Huyền Trang

Đại sư Huyền Trang
Sư Huyền Trang tên tục là Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y 陳褘) sinh vào khoảng năm 600 (niên hiệu Khai Hoàng thứ 20, đời Tùy), tại Lạc Châu (洛州), huyện Câu Thị (緱氏縣), tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Từ nhỏ Sư nổi danh thông minh đĩnh ngộ,

 

Theo Wikipedia, Sư Huyền Trang tên tục là Trần Huy (Trần Vĩ hoặc Trần Y 陳褘) sinh vào khoảng năm 600 (niên hiệu Khai Hoàng thứ 20, đời Tùy), tại Lạc Châu (洛州), huyện Câu Thị (緱氏縣), tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Từ nhỏ Sư nổi danh thông minh đĩnh ngộ, sớm được thân phụ chỉ dạy những nghi thức Nho giáo. Năm lên 13 tuổi Sư đã xuất gia và thọ giới cụ túc năm 21 tuổi. Sư tu học kinh sách Đại thừa và thấy có nhiều chỗ giảng giải mâu thuẫn. Đây là lý do chính thúc đẩy Sư lên đường đi Thiên Trúc để tự mình tìm hiểu. 


Mặc dù bị Hoàng Đế ra lệnh cấm đi du hành qua Ấn Độ, năm 629, Sư liều mình ra đi để hành hương chiêm bái quê hương Đức Phật, hy vọng sẽ tìm kiếm và nghiên cứu kinh điển mà hồi đó Trung Quốc chưa biết tới. Sư dã hành qua miền Tây Trung Quốc, Tây Tạng, các nước Trung Á, lần theo con đường buôn bán Á  - Âu, nhằm hướng Tây mà đi cho đến khi tới miền đất Phật ở Ấn độ. Tổng cộng quãng đường chừng 5 vạn dặm, qua 128 nước. Có lần bị đói khát sắp chết, bụng tính quay trở về, để tìm chỗ xin nước uống đem theo rồi sẽ đi nữa, nhưng vừa quay ngựa trở về thì Sư lại tự nhắc mình: “Đã nguyện thì phải giữ lời. Nếu qua không đến Ấn Ðộ, quyết không trở về một bước. Thà đi về hướng Tây mà chết, còn hơn quay trở về hướng Đông để sống hèn”. Cứ thế, Sư đi mất 2 năm, du học ở Ấn độ 13 năm, và trở về Trung quốc sau 2 năm. Khi về, Sư đã mang theo 150 Xá Lợi Tử (tinh cốt của Như Lai), 2 tượng Phật gỗ đàn tô ngân cao 4 thước, 3 Tượng Phật bằng đàn hương cao (3,5 - 2,9 - 2,3 thước), 657 bộ Kinh Phật chia làm 520 hiệp, cùng một số bảo vật khác nữa và phải dùng voi, lạc đà và 24 ngựa mới chở hết.


Sau khi trở về cố quốc, Sư viết lại bộ sách có tên Đại Đường Tây Vực Ký, kể về địa lý, xã hội và tập quán của những nơi Sư đã đi qua. Những câu chuyện từ bộ sách này đã được dân gian truyền tụng, thêm thắt, huyền thoại hóa và cô đọng lại trong chuyện Tây Du Ký Diễn Nghĩa của tác giả Ngô Thừa Ân. Tác phẩm này trở thành một trong bốn tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất mọi thời đại ở Trung quốc và các nước lân cận, ngang hàng với Tam Quốc Diễn Nghĩa, Thủy Hử và Hồng Lâu Mộng.


Tây Du Ký Diễn Nghĩa đã được đóng thành phim từ năm 1927, song do nhiều lý do phim này không được phổ biến rộng rãi. Cho đến năm 1986, Bà Dương Khiết (Jang Jie, 1929-2017), đạo diễn tài ba và là người có tâm với Phật Pháp ở Trung Quốc đã được chọn ra để chuyển thể bộ truyện này thành tác phẩm điện ảnh. Đây là trọng trách hết sức nặng nề vì mục tiêu được đặt ra cho Bà Dương Khiết là phải làm sống lại tác phẩm Tây Du Ký Diễn Nghĩa với đầy đủ tính giáo dục xã hội nguyên bản của nó trong bối cảnh xã hội đương thời. Sự này xem ra chẳng kém gì với việc Sư Huyền Trang đi Tây Trúc thỉnh Kinh cách đây hàng ngàn năm trước.


Ba nam diễn viên cũng được lựa chọn để hóa thân thành Sư Huyền Trang dẫn dắt các đồ đệ vượt qua 81 kiếp nạn trên đường đi Thiên Trúc. Lần lượt là Uông Việt, Từ Thiếu Hoa và Trì Trọng Thụy. Uông Việt là lựa chọn đầu tiên của Bà Dương Khiết, nhưng nam diễn viên này chỉ xuất hiện trong 3 tập phim, sau đó ông xin rút lui vì lý do cảm thấy mình không phù hợp với phim truyền hình. 



Diễn viên thứ hai là ông Từ Thiếu Hoa, sinh năm 1958, xuất thân là diễn viên đoàn kịch nói tỉnh Sơn Đông (Trung Quốc). Đến với đoàn phim Tây du ký 1986, ông được mời đóng vai Đông Hải Long Vương Ngao Quảng và dự kiến sẽ là Tiểu Bạch Long (Bạch Long Mã) nhưng khi Uông Việt bỏ vai, ông được nữ đạo diễn Dương Khiết đôn lên vai chính, trở thành diễn viên thứ 2 đảm nhận nhân vật Đường Tăng. Cũng giống như Uông Việt, sau 8 tập phim trong vai Đường Tăng, Từ Thiếu Hoa cũng xin dừng vai vì lý do phải đi học tiếp sau đại học.


Nhìn lại bối cảnh kinh tế xã hội trong những năm làm bộ phim này (1982-1988), chúng ta không thể trách Uông Việt và Từ Thiếu Hoa sao sớm nản lòng mà không theo vai diễn cho đến nơi đến chốn. Tiền công cho vai diễn lúc đó vào khoảng 200 nghìn đồng Việt Nam cho mỗi tập phim tương đương với 1 kiếp nạn, mà mỗi kiếp nạn kéo dài từ 3 đến 4 tháng. Thực ra lúc đó cả đạo diễn và đoàn làm phim đều ăn lương nhà nước đi làm việc lớn theo kiểu “tay không bắt giặc” vậy, nên nếu không có sự phù hộ của các bậc chư thần thánh nhân thì lấy đâu có sự thành công vang dội đến như vậy. Song chính sự thành công ngoài ý muốn đó làm nảy sinh tâm danh lợi buộc Uông Việt và Từ Thiếu Hoa phải “cởi trả áo cà sa” mà đi theo sự cám dỗ của danh lợi trước mắt. Uông Việt đi làm điện ảnh với tiền công cao hơn, còn Từ Thiếu Hoa tiếp tục con đường học vấn và các vai diễn khác. 


Trong số 3 diễn viên đảm nhận vai Đường Tăng, Trì Trọng Thụy là người lớn tuổi nhất (sinh năm 1952) và gắn bó lâu nhất với Tây Du Ký 1986. Ông khoác áo cà sa hóa thân thành Đường Tam Tạng trong cả thảy 41 bộ phim, và cũng là Hòa Thượng cuối cùng đắc kinh và được Phật Tổ vinh danh là Chiên Đàn Công Đức Phật. Cũng có thể hiểu rằng Trì Trọng Thoại là người có quyết tâm cao, gạt bỏ được những chào mời cám dỗ của đời thường mà theo đuổi vai diễn cho đến tận cuối cùng, người đời gọi là “đi đến nơi về đến chốn”. Hành trình đi Tây Trúc của Sư Huyền Trang mấy trăm năm trước đầy gian nan vất vả, mà đi trọn 41 tập phim với đạo diễn Dương Khiết với trăm nghìn cam go trắc trở trong cuộc sống thì đó cũng là một kỳ tích.



Sách nhà Phật dạy rằng người tu luyện là phải hết lòng hết sức giúp Phật tổ giải cứu chúng sinh khác ra khỏi vòng lục luân. Nếu một người được chọn ra để làm việc cho Phật Pháp, tức thì người đó đã được đặt trước một cuộc thử thách cam go. Nếu cá nhân này vượt qua được khó khăn này, thì phúc phận về sau đáng thế nào quả nhiên sẽ được như vậy. Hồ những người kém đức độ so đo tính toán trước Pháp công, thì cũng sẽ bị quả báo xứng đáng. 


Sau khi hoàn thành vai diễn Đường Tăng, sự nghiệp và tình duyên của ông Trì Trọng Thụy phất lên như diều gặp gió. Ông kết hôn với bà Trần Lệ Hoa và chuyển về sinh sống ở Hồng Kông. Thời điểm đó bà Trần đã có khối gia sản trị giá hàng trăm triệu nhân dân tệ. Ông Trì Trọng Thụy còn được liên tục mời vào vai các nhân vật cao tăng đại đức khác trong những năm về sau. Hiện nay ông là chủ của một bảo tàng tư nhân với danh hiệu đơn vị dịch vụ du lịch cấp 4 sao.


Mới hay việc độ Pháp xưa nay vốn vẫn là như vậy: hữu duyên thì đắc được, việc đến tay ai người đó làm, phúc phần cứ thế mà thêm phần đầy đặn lên.


27/3/2020

Hoa Mộc Miên