ĐẠO HẠNH CỦA NGƯỜI TU LUYỆN
- Thứ năm - 22/09/2022 11:23
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
(Ảnh: Trần Bảo Toàn)
Chuyện cổ Phật gia: Đạo hạnh của người tu luyện
Theo Phật gia, khi loại bỏ được thất tình lục dục và các tâm xấu của con người thì người tu luyện sẽ đạt đến cảnh giới “không”, đó là cảnh giới mà tâm trong như nước, tĩnh lặng như núi, nhẹ như làn mây. Lòng từ bi của những bậc đắc đạo ấy đã để lại cho thế nhân nhiều câu chuyện cảm động lòng người.
Chuyện kể rằng ở một vùng nọ, có một vị hòa thượng trụ trì rất được kính nể vì sự từ bi và phong thái đức độ, bao dung. Danh tiếng của ông vang xa, khiến nhiều người có lòng tu hành tới chùa bái ông làm sư phụ.
Một ngày kia, có một người con gái trẻ đẹp nhà gần chùa bỗng bị chửa hoang. Không biết cha đứa bé là ai, bố mẹ cô gái vô cùng tức giận và xấu hổ, đã đánh đập tra khảo con gái để biết lai lịch kẻ gian. Ban đầu cô con gái không chịu nói gì cả, nhưng vì bị đánh đập dữ dội, trong lúc túng quẫn, cô đành bịa ra rằng đó là vị sư trụ trì nọ.
Một vị sư được người người kính trọng lại làm ra chuyện bại hoại như thế. Câu chuyện lan ra khắp xóm làng, dân chúng dị nghị, nghi ngờ, xầm xì, khinh thường, cho rằng ông ấy mà tu hành gì, đồ đạo đức giả…
Đối mặt với tất cả, vị sư trụ trì vẫn bình thản im lặng. Đệ tử của ông dần dần bỏ đi gần hết.
Gia đình cô gái thì vô cùng tức giận, chờ đứa con được sinh ra rồi, họ mang đứa bé tới dúi cho vị sư trụ trì. Họ nói: “Đấy, con của ông đấy, ông giữ mà nuôi lấy, đồ đạo đức giả!”.
Vị sư trụ trì không nói gì, chỉ bình thản nhận lấy đứa bé.
Vì không có sữa cho đứa bé, bị đệ tử xa lánh, chỉ còn có một mình trong chùa, nên chính ông phải bồng đứa bé ngày ngày đi xin sữa, bị người đời chê bai, dè bỉu.
Sau một thời gian dài, đến khi đứa trẻ khôn lớn một chút, cô gái và người con trai khi xưa mới kín đáo tìm đến vị sư trụ trì, xin lại con của mình.
Trước cảnh đứa bé được mình nuôi lớn, chăm bẵm hàng ngày sẽ rời đi, vị sư trụ trì vẫn bình thản đồng ý.
Ngay sau khi gia đình nọ rời đi thì vị sư trụ trì cũng viên tịch trong ngôi chùa nọ. Người ta kể rằng thời khắc ấy trong vùng có chấn động nhẹ, có lẽ ở bên kia, Thần Phật đã đại hiển, đón người tu luyện viên mãn về với thế giới thiên quốc của Phật Đà.
Phật gia nhìn nhận rằng, giữa người với người đến với nhau bởi quan hệ nhân duyên, nên những sự việc xảy ra giữa người với người đều không phải ngẫu nhiên mà là để trả nhau ân oán. Có thể là đời trước vị sư trụ trì đã mắc nợ người ta, nên kiếp này mới nhận phải vu oan tày trời như vậy. Vì hiểu được điều đó nên ông chỉ bình thản tiếp nhận mọi thứ, dùng thiện để hóa giải, để mọi chuyện qua đi, coi như trả xong một món nợ.
Những câu chuyện tu luyện tương tự xuất hiện vô cùng nhiều trong lịch sử nhân loại, đơn cử như chuyện Quan Âm Thị Kính mà người Việt rất đỗi thân quen. Vậy nên mới nói người tu luyện đắc đạo không vì bị tổn hại mà quay lưng lại với thế nhân hay hành xử theo kiểu hơn thua “ăn miếng trả miếng”. Lòng từ bi của họ có thể hoá giải hết thảy nỗi oán hận và những mâu thuẫn, tranh đấu thiệt hơn; cảm hoá nhân tâm, dẫn dắt con người quay trở về với chính đạo.