Đi nơi vô tang tích, tìm một vật vô danh

Đi nơi vô tang tích, tìm một vật vô danh
Cá là một là một loài động vật mà ai cũng biết rằng hầu hết chúng chỉ có thể sống được trong nước và thở bằng mang. Rồng là một loài vật truyền thuyết mà dường như chúng có thể sống được bất cứ nơi nào, dù là trên không, dưới nước, thậm chí trong đất.

(Ảnh: Trần Bảo Toàn)

Cá là một là một loài động vật mà ai cũng biết rằng hầu hết chúng chỉ có thể sống được trong nước và thở bằng mang. Rồng là một loài vật truyền thuyết mà dường như chúng có thể sống được bất cứ nơi nào, dù là trên không, dưới nước, thậm chí trong đất. Điển tích cá hóa rồng được nhiều người giải thích có ngụ ý là sự đỗ đạt cá nhân trong khoa cử. Riêng cá nhân tôi muốn liên tưởng điển tích cá hóa rồng với quá trình nhận thức.

 

Có một vị thầy nói với tôi rằng: “Quá trình nhận thức thật là giản dị, đó là đừng bao giờ quên thắc mắc của mình”. Sau nhiều năm tháng, tôi dần dần hiểu ra rằng không buông bỏ các thắc mắc của mình là một phần quan trọng của quá trình nhận thức. Tiền nhân đã dạy rằng: “Khi đặt ra câu hỏi, bạn đã giải quyết được một nửa vấn đề”. Tôi cũng tin như vậy. 

 

Việc đặt ra câu hỏi, hoặc nói một cách giản dị hơn là khi có một thắc mắc nảy sinh chính là bước khởi đầu của một quá trình nhận thức. Có lẽ cần nhấn mạnh thêm về cái giai đoạn sau của sự khởi đầu ấy, đó là cần nuôi dưỡng thắc mắc đó cho đến thời điểm nó được làm sáng tỏ.

 

Không biết bạn có giống tôi không? Tôi từng có rất nhiều thắc mắc nảy sinh trong đầu, nhưng điều đáng buồn là phần lớn những thắc mắc ấy bị quên lãng như những mầm cây không được chăm sóc nên chết yểu trước khi chúng lớn lên để có thể đơm hoa, kết trái. Tôi đã đánh mất cái khởi điểm, tiền đề của những nhận thức như vậy. Tình trạng “thắc mắc rồi lại quên lãng” ngay chỉ với một vấn đề không chỉ xảy ra một lần mà có thể còn nhiều hơn thế. Trong cái lãng đãng “thắc mắc – quên quên”, một cá tính nhàn nhạt, thờ ơ có thể nảy sinh và cá tính ấy không ngừng xói mòn động lực say mê tìm hiểu. Quá trình nhận thức vì thế bị ngưng trệ.

 

Trái lại, sự bền bỉ kiên cường của thói quen không buông bỏ thắc mắc giống như quá trình phát triển của mầm rễ nhỏ, cứ lặng lẽ đơn độc làm việc trong sự vắng lặng để vươn xa thẩm thấu, tiếp thu các nguồn chất nuôi cây. Có một khía cạnh thú vị trong chuyện “Hoàng tử nhỏ” của Saint- Exupery, đó là cậu bé không bao giờ từ bỏ một câu hỏi cho đến khi tìm được lời giải đáp. Có phải đây là một thông điệp mà tác giả muốn gửi gắm tới người đọc thông qua cá tính của hình tượng Hoàng tử nhỏ chăng?

 

Hình như nhận thức của mỗi người cũng không khác nhiều lắm với hầu hết mọi người trong xã hội. Chúng ta đã trải qua quá trình nhận thức từ không thắc mắc đến có thắc mắc; từ thắc mắc đến giải quyết được thắc mắc… và tiếp tục phát sinh thắc mắc như thế ở bình diện lớn hơn, ở tầm cao hơn. Để trình bày một cách trực quan, tôi xin sử dụng một sơ đồ giản dị chia không gian nhận thức thành ba vùng hoặc là ba miền:

 

Vùng 1: “Biết”. Cái biết của vĩ nhân hoặc của cả nhân loại thật bao la, rộng lớn. Tuy nhiên, có thể cho rằng phạm vi “biết” này là hữu hạn trong thời điểm cụ thể đối với một cá nhân. Vì vậy, vùng “biết” được giới hạn trong một đường khép kín. Biết rằng mình biết một điều gì đó là một cảm giác có thật. Tuy nhiên, thật sự điều đó đã là “biết” hay chưa thì còn có thể tốn nhiều giấy mực. Để tránh sa vào tranh luận chi tiết, có lẽ nên thống nhất rằng ranh giới nêu trên của vùng “biết” không hẳn là một đường rõ rệt. Nó có thể là một miền mờ chồng lấn và biến đổi theo thời gian. Sự biết với ai đó có thể là biết rõ nhưng với một người khác có thể là “biết không đúng”, hoặc “biết lờ mờ”; và theo thời gian thì hôm trước biết lờ mờ, hôm sau có thể biết rõ... Sự biết có thể dần dần hình thành sau nhiều năm tháng đồng thời cũng có thể lóe hiện như một tia chớp.

 

Một thông tin đơn lẻ thể có thể mang theo nó nhiều thông tin phức tạp nếu được đặt trong bối cảnh cụ thể với nhiều liên hệ khác. Nếu hỏi một em bé lớp một: “1 cộng 1 bằng mấy?”, em bé có thể tự hào trả lời “bằng 2” để khẳng định sự biết của mình. Nếu hai sinh viên đại học hỏi nhau câu này, người trả lời có thể bỏ qua đáp số “bằng 2” mà đáp lại bằng một câu chuyện khôi hài nào đó. Sự “biết” đặt trong mối liên hệ phức tạp chứa đựng nhiều thông tin khác mà các nhà phê bình văn học gọi là “ý tại ngôn ngoại”. Giới phân tích thông tin còn đặt một thông tin vào các mối liên hệ nhiều chiều để hiểu các giác độ khác xung quanh thông tin cụ thể ấy, ví dụ như ý đồ, mục tiêu, diễn biến tiếp theo của thời điểm xuất hiện thông tin đó nữa.

 

Vùng 2: Biết là không biết. Biết rằng mình không biết điều gì đó là một miền nhận thức xác định. Miền này có thể rộng hơn, bao phủ ngoài miền biết. Biết rằng mình không biết đã chứa đựng một mức độ hiểu biết nhất định về sự tồn tại của sự vật/ hiện tượng đó rồi. Có lẽ quá trình từ khi phát sinh câu hỏi đến trước khi có được câu trả lời là thuộc về vùng “biết rằng mình không biết” của mỗi người. Khó có thể khái quát được nền tảng của miền nhận thức “biết là không biết”, nhưng chúng ta chắc chắn không ít lần đã từng trả lời: “Việc này thì tôi không biết”. Câu trả lời này dường như đã chứa đựng sự ngầm định nào đó về nhận thức giữa người trả lời và người đặt câu hỏi rằng: “Vấn đề mà chúng ta đang đề cập ấy thì tôi không có thông tin cụ thể để trả lời, nhưng đó là thứ thuộc về phạm trù mà chúng ta đều thừa nhận là có tồn tại”.

 

Vùng 3: Không biết là không biết. Có những điều vẫn tồn tại xung quanh ta nhưng ta chưa bao giờ nhận thức được có những điều ấy tồn tại. Miền nhận thức ấy là vùng tiềm tàng những điều ta chưa biết mà không hề biết rằng mình không biết, dù là mơ hồ nhất. Chắc hẳn nhiều người đồng ý rằng câu trả lời “tôi không biết” khác biệt khá xa với câu “từ trước tới nay tôi chưa bao giờ nghĩ là có chuyện đó” hoặc “Có chuyện đó ư?”. Ví dụ câu hỏi: “khoảng cách từ Hà Nội tới Paris là bao nhiêu km?” Nhiều người sẽ trả lời là “tôi không biết”. Còn đối với câu hỏi: “loại hạt cơ bản gì khi quay nó một vòng vẫn nhìn không giống như trước, mà phải quay hai vòng?” chắc có khá nhiều người trả lời “tôi không hiểu anh hỏi gì” hoặc “có chuyện đó ư?” và thậm chí: “anh có hiểu anh đang nói gì không?”. Những câu trả lời đối với câu hỏi thứ hai chắc là khó có thể dùng cho câu hỏi thứ nhất. Dường như các vùng càng xa trung tâm “biết” thì càng mờ nhạt và khó có thể được trình bày, mô phỏng một cách rõ ràng. Vùng 3 này còn rộng lớn hơn, bao phủ bên ngoài Vùng 2 và dường như không có ranh giới bên ngoài. Đối với vùng này, thậm chí những manh mối lờ mờ nhất của sự nhận thức còn chưa lan tới được, đến mức còn chưa thể phát sinh câu hỏi.

 

Cũng có người đề cập tới vùng gọi là “không biết là mình biết”. Có lẽ đây là vùng “biết” được lưu giữ trong tiềm thức như các nhà tâm lý học lý giải. Tuy nhiên, những gì được gọi là “biết” không thể dễ dàng mất đi hoặc quên lãng mà vẫn tồn tại đâu đó và có thể được sử dụng trong một hoàn cảnh phù hợp. Việc có dễ dàng vận dụng nó hay không có thể dẫn đến ngộ nhận là “không biết rằng mình đã biết”. Về dài hạn, có thể xếp phạm vi kiến thức “không biết rằng mình đã biết” thuộc về vùng “biết” với đặc điểm ít thường xuyên sử dụng.

 

Như vậy, con đường của sự nhận thức có lẽ không chỉ bắt đầu từ “thắc mắc” mà còn xuất phát từ một điểm lờ mờ hơn nữa. Đó có thể là sự “hồ nghi” xuất phát từ một linh cảm nào đó mà chưa phải là một câu hỏi cụ thể. Sự hồ nghi giúp củng cố những gì chưa biết chắc chắn trong Vùng 1 và tiếp tục nảy sinh mong muốn giải đáp những câu hỏi ở Vùng 2. Khi làm rõ được những câu hỏi thuộc Vùng 2 tức là Vùng 1 đã được mở rộng thêm. Sự hồ nghi cũng giúp chúng ta tránh được sai lầm “những gì tôi biết là tất cả” để mở rộng nhận thức sang Vùng 3. Saint-Exupéry cũng thông qua câu chuyện Hoàng Tử nhỏ để chia sẻ với chúng ta rằng: “Cái chủ yếu thì mắt chẳng thể thấy”. Vùng 3 chứa đựng những thứ ta chưa hề biết tới, nhưng may thay con người có được một phương tiện đắc lực, đó là năng lực suy luận để thâm nhập vùng này. Với năng lực đó, những hồ nghi khoa học giống như những tia sáng ban đầu phóng vào vùng bóng tối vĩnh cửu của sự không biết nguyên thủy, giúp phát sinh những câu hỏi mới. Như vậy, quá trình nhận thức là sự vận động mở rộng từ Vùng 1 sang Vùng 2 và từ Vùng 2 sang Vùng 3, hoặc đồng thời mở rộng cả ba vùng này.

 

Vị thầy đáng kính của tôi cũng nhắn nhủ thêm rằng để tăng cường tiến trình nhận thức, cần tôn trọng hai nguyên tắc, đó là: (i) không nên cho rằng những gì mình không biết là không có; và (ii) Những gì mình đã biết là tất cả. Vì ta không biết mà bảo rằng không có giống như câu ngạn ngữ: “điếc không sợ súng” hay “bịt tai ăn trộm chuông”. Sự tồn tại của thực tại khách quan xung quanh ta không phụ thuộc vào việc nhận thức của ta có bao quát thực tại ấy hay không. Còn cho rằng “những gì mình đã biết là tất cả” thì giống trường hợp “thầy bói mù xem voi” hay nguy hại hơn nữa là việc áp đặt những điều đã biết để lý giải cho những điều chưa biết như giảng giải về mặt trời cho người mù bằng “cái mâm đồng nung nóng”.

 

Năm 1845, Ông Ellsworth là giám đốc Ủy ban cấp bằng sáng chế phát minh đệ đơn lên Tổng thống Mỹ xin từ chức với lý do: “Ngày nay, mọi bí ẩn tự nhiên và những sáng chế cần thiết đã được con người tìm ra, tôi không có lý do nào tồn tại ở vị trí này nữa”. Ngay đến Joseph Louis Lagrange, nhà toán học lỗi lạc người Pháp trong Thế kỷ 18, cũng từng cho rằng: “Newton đã tìm ra hết mọi bí mật rồi, chẳng còn gì lớn cho chúng ta làm nữa”. Đến nay, khối lượng tri thức loài người mới tìm kiếm được đã gấp nhiều lần khối lượng tri thức loài người có được cho tới Thế kỷ 18. Những lời phát biểu nêu trên đã trở thành câu chuyện khôi hài. Tuy vậy, đối với mỗi người chúng ta, có thể không tránh khỏi lúc nào đó sự phát triển nhận thức vấp phải bức tường thép vô hình của tình trạng không biết hoặc không biết là mình không biết... giống như vậy.

 

Đối với câu hỏi chưa được trả lời, đừng dễ dàng bỏ qua và quên lãng câu hỏi ấy. Nếu bỏ qua câu hỏi đã đặt ra là ta đã lãng phí một nửa chặng đường đã có. Nên kiên trì đi tiếp nửa chặng đường còn lại bằng việc duy trì không sao lãng câu hỏi cho đến khi tìm được câu trả lời. Đối với những vùng kiến thức chưa phát sinh câu hỏi thì sao? Việc cần thiết nên làm là không ngừng rèn luyện tâm trí để tăng cường khả năng cảm nhận một cách sắc sảo và dũng cảm, cởi mở và không định kiến để khai phá vùng u mê mờ tối, tạo tiền đề cho quá trình mở rộng nhận thức. Đi nơi vô tang tích, tìm một vật vô danh là bản chất của sự sáng tạo. Nếu biết nó ở đâu, nó là cái gì thì rõ ràng đó không phải là sự sáng tạo.

 

Bùi Đại Dũng