Leo núi kiểu Nhật
- Thứ hai - 10/02/2020 22:04
- |In ra
- |Đóng cửa sổ này
Đọc bài viết “Sự Lựa Chọn” của Trần Huyền Tâm đăng trên nhabup.vn, tôi sực nhớ lại câu chuyện leo núi Fansipan của một đoàn du khách Nhật bản cách đây 25 năm. Huyền Tâm viết: “Thế mới biết cái gì không phải tự mình, của mình thì có rồi cũng chẳng thấy quý, có rồi cũng mất”. Càng ngẫm tôi càng thấy đúng quá. Mọi thứ mà chúng ta có được phải được đổi bằng sự cố gắng, nỗ lực của chính bản thân mình. Ai đó có giúp mình cũng chỉ là chỉ lối mách đường, chỉ có đôi chân ta mới mang ta đến nơi ta muốn đi, muốn đến. Khi quyết tâm đã có, thì Fansipan cũng chỉ là một ngọn núi thôi.
Đó là mùa hè năm 1994. Tôi chỉ là người chứng kiến chứ không phải là người leo núi. Phần lớn câu chuyện này là nghe một cán bộ trong ngành lâm nghiệp của tỉnh truyền đạt lại. Mong rằng ghi chép này giúp bạn đọc hiểu thêm về việc leo núi mà Huyền Tâm đã nói đến.
Hồi đó người nước ngoài đến Sapa còn khó lắm. Phải có đủ giấy phép của nhiều ban ngành của tỉnh rồi của địa phương rồi lại có lực lượng công an theo dõi nắm bắt tình hình. Vì mục đích của nhóm du khách Nhật này là leo lên đỉnh Fansipan nên tỉnh lại giao cho lực lượng kiểm lâm phối hợp thực hiện. Nhóm du khách gồm 9 người đều là những người đã từng leo núi ở Nepal và các nước khác trong khu vực. Mong muốn của họ thật đơn giản, chỉ là leo núi và thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên của dãy núi Hoàng Liên Sơn mà thôi.
Mặc dù vậy, việc chuẩn bị là hết sức chu đáo. Không biết việc chờ đợi giấy phép là bao lâu, chỉ riêng việc chuẩn bị đồ đạc trước khi xuất phát từ thị trấn Sapa cũng mất hơn một tuần. Mỗi người trong nhóm có một nhiệm vụ riêng, người lo đồ ăn, thức uống, người lo định hướng, ghi chép chụp ảnh, người lo về thời tiết, thuê người dẫn đường, đeo gùi vật dụng. Có người chuyên lo về thể lực, sức khỏe, dinh dưỡng cho cả đoàn. Tôi thấy ai cũng làm việc hết sức chu đáo, tỉ mỉ vì bất kể sai lầm nhỏ nào trong lúc chuẩn bị đều có thể gây tổn thất cho cả đoàn. Nặng nhất có lẽ là người dự báo thời tiết, vì lúc đó không có internet và trạm quan trắc của ta tại Sapa cũng không có đủ thông tin cho đoàn làm việc.
Hầu hết mọi đồ đạc phục vụ chuyến leo núi này đều được đưa đến Sapa từ Nhật. Từng thùng hàng bao gồm máy móc, quần áo, trang thiết bị, thuốc men, đồ ăn, nước uống, kể cả túi đựng rác thải đều được đóng gói cẩn thận, sau đó lại chia vào … gùi để cho đoàn phục vụ người Sapa cõng. Mười hai người địa phương, chủ yếu là người H’Mong, được tuyển để dẫn đường và chuyển đồ. Nhóm dẫn đường là người từ bản Cát Cát, họ biết con đường nào lên núi gần nhất, dễ đi nhất và ít nguy hiểm nhất. Du khách Nhật ưu tiên chọn nhóm dẫn đường và phục vụ là người thân anh em con cháu với nhau trong bản, vì họ hiểu rằng chỉ có mối quan hệ như vậy mới đảm bảo cho chuyến đi an toàn và thành công. Ngôn ngữ là một vấn đề rất lớn, vì trao đổi phải qua tiếng H’Mong, tiếng Kinh, tiếng Nhật, và đôi khi cả bằng tiếng Anh vì chả có ngôn ngữ nào đủ để trao đổi hết một kế hoạch chi tiết như vậy. Hơn nữa, người địa phương không biết đọc bản đồ, và không hình dung được địa hình thực tế trên bản đồ.
Khó khăn là thế mà cuối cùng kế hoạch leo núi vẫn được lập ra. Nhóm người Nhật chọn con đường xa hơn con đường ngắn nhất khoảng 2 ngày, nhưng dễ đi hơn và ít bị lũ suối hơn. Mãi đến giờ tôi mới hiểu ý của họ là không vội vàng cắt ngắn thời gian, mà để cho đỡ tốn sức và để cho đoàn có thời gian thích nghi dần với độ cao, không để ai bị choáng phải bỏ cuộc giữa đường. Xuất phát từ đại bản doanh là Nhà Nghỉ Kiểm Lâm Sapa, đoàn dùng ngựa thồ theo đường đi chợ của dân chuyển hàng xuống bản Cát Cát, nằm đối diện với nhà máy thủy điện của Pháp cũ qua dòng suối Cát Cát. Thế là đã mất một ngày. Đêm đó, đoàn nghỉ tại bản Cát Cát, dân bản tổ chức uống rượu hát múa cho đoàn lên núi may mắn.
Bắt đầu từ bên kia dòng suối là đoàn phải cõng gùi trên lưng vì ngựa không leo nổi nữa rồi. Hai ngày tiếp theo đoàn cần mẫn đi theo con đường mòn của người đi rừng vượt qua những cánh rừng thưa nhằm đỉnh núi mà đi. Thi thoảng lắm đoàn mới gặp vài người H'Mông người Dao đi tìm mật ong, hái thảo quả hoặc đi đặt bẫy trong rừng. Nhóm dẫn đường dừng lại hỏi thăm đường đi, mực nước suối và các hiểm nguy phía trước. Đêm cắm trại, ngày đi, sang đến ngày thứ ba thì rừng thưa lùi lại phía sau, còn phía trước là núi đá sừng sững như thách thức đoàn người. Nhóm dẫn đường bảo từ đây đoàn phải đi từ từ, có nhóm tiền trạm đi trước, khi có thông báo đường thông mới đi tiếp. Họ nói có đoạn họ chưa chắc chắn lắm, hoặc quên đường hoặc mới nghe người đi về nói, nên cứ phải vừa đi vừa dò đường.
Hết ngày thứ ba, rừng thưa hơn, đá cheo leo hơn, cây cối chủ yếu còn lại là cây trúc và cây thông, mà chúng mọc thành bụi rất thấp, vì gió rất mạnh nên nếu mọc cao chúng sẽ bị đổ gãy. Với nhiều người trong đoàn, từ đây mới là thử thách. Trước là núi, sau cũng là núi, đã là người trong đoàn thì chỉ có đi cùng. Ở lại không chết vì thời tiết thì cũng chết vì nhiều thứ khác. Một nhóm người tay không leo lên trước, ném dây xuống cho những người còn lại đeo đồ bám dây mà đi lên. Cũng may là người Nhật tính toán thật kỹ, họ xác định địa điểm trên bản đồ, đánh dấu và để lại thức ăn nước uống chờ ngày đi xuống. Thế nên nhiều chiếc gùi nặng đã được để lại trên đường, hành lý của đoàn cũng nhẹ dần, nhẹ dần, mà vách núi cứ cao dần.
Cứ thế, người ta không ngừng tiến lên cho đến chiều ngày thứ tư, họ đã đến đỉnh Fansipan. Cả đoàn mừng lắm, họ ôm nhau, chúc mừng nhau, rồi chụp ảnh ghi lại những giây phút thành công. Tôi nghe kể lại rằng thực ra trên đó lúc đấy có gì đâu, chỉ toàn mây với đá. Vậy điều gì đã khiến cho nhóm du khách Nhật này phải vượt qua ngàn khó khăn gian khổ để lên đỉnh núi vậy? Chắc chắn là cái được của họ phải lớn lắm, lớn đến nỗi một người tầm thường với suy nghĩ bình thường như tôi không thể nào hình dung ra nổi.
Nghỉ đêm trên đỉnh núi, rồi cả một buổi sáng ngày thứ năm, đoàn ghi ghi chép chép, vẽ vẽ, rồi chụp ảnh. Trên đường họ chụp ảnh rất ít, vì chắc thời gian và dung lượng pin đều bị hạn chế. Rồi sang buổi chiều, họ lần theo đường cũ để đến địa điểm nghỉ đêm trên đường về. Trước khi rời đỉnh núi, họ thu nhặt từng vật dù là nhỏ nhất mà họ đã đem lên, bỏ vào túi và đem xuống núi. Dường như họ không muốn để lại một chút dấu vết nào trên suốt chặng đường đã đi qua. Họ không đồng ý cho cả những người phục vụ được chặt một cành cây nhỏ trên đường để làm gậy chống. Đi lên thì khó, mà đi xuống lại nhanh. Đến chiều ngày thứ bảy đoàn đã có mặt tại bản Cát Cát, mọi người đều an toàn và không chút mệt mỏi. Vì sao vậy? Họ có kế hoạch di chuyển phù hợp với sức khỏe của đoàn. Họ dừng nghỉ và ăn uống đầy đủ. Họ không vội vã và không cãi nhau, mỗi người mỗi việc.
Một điều rất lạ là trong suốt hành trình, những người dẫn đường và phục vụ người địa phương không mang theo thức ăn và cũng không dùng thức ăn của người Nhật. Họ uống nước suối và ăn rau củ quả tìm thấy trên đường. Họ tìm thấy những củ gì như củ sâm mọc trong kẽ đá để ăn. Họ ăn các lá cây với muối trắng mang theo như ta ăn salad vậy. Họ sợ thức ăn lạ của người Nhật làm họ đau bụng rồi ốm.
Sau chuyến leo núi đó, đoàn khách Nhật đã dựng lại một sơ đồ địa hình thu nhỏ của những nơi họ đã đi qua. Họ đánh dấu từng con suối, từng khe đá, các điểm dừng chân và chú thích tỉ mỉ các điều ghi nhận trong suốt hành trình. Sơ đồ này được trưng bày tại Nhà Nghỉ Kiểm Lâm cho đến mãi về sau này đi đâu tôi không được biết nữa. Chắc chắn trong suốt những năm ấy, nhiều người đã xem lại con đường nhóm du khách Nhật đã đi qua, và nhiều người đã tự đi theo con đường của họ. Những tài liệu họ để lại có vai trò quan trọng trong công tác quản lý và bảo vệ rừng quốc gia Hoàng Liên sau này.
Ngày nay người ta lắp cáp treo và làm đường tàu leo núi lên đỉnh Fansipan. Cây sồi già trên mỏm núi nơi tôi thường ngồi ngắm dãy Hoàng Liên Sơn và khe suối chảy ra từ trong núi giờ không còn nữa. Tôi nghe nói người ta ngồi lên đến đỉnh, quay phim chụp ảnh thoải mái rồi quay về thị trấn chỉ hết mấy chục phút. Nhanh thật. Nhưng tôi nghĩ các chuyến đi lên đỉnh núi của du khách bây giờ không thể để lại được dấu ấn và giá trị như chuyến đi của đoàn du khách Nhật năm xưa.
Tuấn Khanh