Một số kiến thức về việc Uống rượu

Một số kiến thức về việc Uống rượu
Đã có rất nhiều nhà "rượu học" khuyên chúng ta nhiều thứ về rượu. Gì nhỉ? Đại loại là phải thế này thì mới lâu say, phải thế kia thì mới nhanh tỉnh… Ai cũng nói và đều chắc như đinh đóng cột. Khổ mỗi thằng uống. Tự say tự chịu, còn thằng khuyên nó đã ung dung về nhà từ lẩu từ lâu...




(Ảnh: St)

 

MỘT SỐ KIẾN THỨC VỀ VIỆC UỐNG RƯỢU
(Dương Chính Chức)

Đã có rất nhiều nhà "rượu học" khuyên chúng ta nhiều thứ về rượu. Gì nhỉ? Đại loại là phải thế này thì mới lâu say, phải thế kia thì mới nhanh tỉnh… Ai cũng nói và đều chắc như đinh đóng cột. Khổ mỗi thằng uống. Tự say tự chịu, còn thằng khuyên nó đã ung dung về nhà từ lẩu từ lâu...

Lại có chuyện khi chuyên gia A phán rằng uống mà mặt phải đỏ mới tốt, lập tức chuyên gia B nóng mặt cắt ngang "chú thì hiểu cái gì, đỏ mặt chả có gì tốt, nhanh say hơn thằng mặt tái thì tốt gì". Chỉ khổ thằng uống rượu, vừa uống vừa nhìn gương, rồi say quay cu đơ lúc nào chả biết.

Nói chung, liên quan đến các nhát chém về rượu, chốt một câu ngắn gọn là toàn chủ quan, võ đoán và thiếu chứng cứ khoa học.

Mình vừa sưu tầm được chút kiến thức về uống rượu trên mạng, bằng tiếng Hàn. Các bạn chịu khó ngẫm nghĩ nhé. Có khi những nội dung này cũng chỉ là những nhát chém, vậy nên chỉ để tham khảo thôi.

* Nồng độ cồn được tính như thế nào? 

Nó là công thức: Nồng độ cồn = lượng rượu x nồng độ. VD, lượng cồn của 1 cốc bia tươi 500cc với độ cồn 4% là 20gr(500x0.04).

* Uống rượu nhiều thì tửu lượng có tăng? 

Tửu lượng được quyết định bởi 2 yếu tố là khả năng tiên thiên (giời sinh ra thế) về việc hấp thụ cồn và năng lực hậu thiên do "luyện tập". Nếu ai đó không uống được rượu mà kiên trì uống thường xuyên thì khả năng phân giải cồn của gan sẽ tăng và thế là uống được. Ví như ta uống liên tục 2 tuần thì năng lực phân giải cồn của gan tăng 30%. Rồi nếu ta uống rượu thường xuyên, tế bào não sẽ quen dần với sự có mặt của cồn và theo đó, nó sẽ trì lâu hơn trước rượu. Vì thế, ta lâu bị say hơn.

* Tại sao nữ uống rượu không bằng nam?

 Đấy chính là bởi nữ nhiều mỡ hơn và ít cơ bắp hơn nam. Mỡ cản trở hấp thụ cồn cho nên toàn bộ phần không phải mỡ còn lại trở thành cái hũ đựng rượu trong khi lượng cơ bắp của nữ lại ít nên khả năng hấp thụ và phân giải cồn kém, nhanh bị say. Đấy là lý do mà đàn ông, nhất là ai nặng cân, ít mỡ, nhiều cơ bắp có thể uống nhiều, lâu và trì hơn.

 

* Người mặt đỏ thì tửu lượng kém? 

Có thể là thế, cũng có thể là không. Người có tửu lượng kém là bởi do khả năng phân giải rượu bị kém, bị chậm và vì thế mà mặt bị đỏ. Nhưng không phải vì thế mà cho rằng mặt nhanh đỏ là uống kém. Mặt đỏ do nhiều nguyên nhân. Ông nào uống được, nhưng da mẫn cảm thì vẫn đỏ như thường và loại ấy nhiều lắm.

* Nồng độ cồn trong máu cao nhất khi nào?

 Tùy người nhưng cơ bản là sau khi uống từ 60-90 phút, nồng độ cồn sẽ lên mức cao nhất, sau đó giảm dần (với điều kiện đã dừng uống). Nếu uống 1000cc bia thì sau 5-6 tiếng, nồng độ cồn trong người sẽ về Không (0). Với rượu, tùy nồng độ, tùy lương mà thời điểm nồng độ cồn trong máu về zero khác nhau. Uống nhiều, lâu thì mức "giã rượu" cũng tốn thời gian hơn. Đương nhiên là thế rồi.

* Có thể uống rượu mà CSGT thử vẫn không ra? 

Nồng độ rượu có quan hệ mật thiết với khả năng phân giải cồn của gan. Người uống được thì tức là gan họ tốt, phân giải nhanh thì nồng độ cồn.

* Người uống tốt và không uống tốt cùng uống 1 lượng rượu như nhau thì bị "tổn hại" giống nhau không? 

Uống tốt hay không tốt là nói về khả năng phân giải rượu chứ còn mức độ gây hại là như nhau. Não, gan của họ bị tổn thương như nhau, thậm chí, vì người uống được tưởng mình ổn nên lại uống nhiều hơn và bị tổn thương nhiều hơn.

* Nôn có làm tỉnh rượu nhanh hơn? 

Nôn là một hình thức phòng vệ tự nhiên của cơ thể. Vậy nên không nên nhịn nôn, thậm chí, nếu buồn nôn mà khó nôn thì cần móc họng để hỗ trợ. Vì nôn ra rồi nên dạ dày sẽ tránh bớt được cồn, vậy nên nhanh tỉnh hơn.

* Ăn nhiều thì bớt say? 

Không phải bớt say mà chậm bị say hơn thôi. Đồ ăn vào sẽ cản trở tốc độ ngấm cồn nên thấy nhẹ bụng và lâu bị say hơn. Tuy nhiên, rốt cục thì vẫn say nêu đạt mức tối đa chịu đựng. Ăn nhiều khiến ta cảm thấy an tâm nên uống nhiều hơn, vì thế lại dở hơn. Ăn chỉ đỡ hơn nếu uống ít, ăn nhiều thôi.

* Uống từ từ có đỡ bị nhanh say? 

Nguyên lý giống như vấn để ăn nêu ở trên vậy. Uống từ từ thì ngấm từ từ, chỉ có điều ngấm từ từ thì lại uống nhiều thêm, vẫn độc hại như thế. Nó chỉ đỡ nếu uống ít và từ từ thôi. Đôi khi, thà làm 1 hay 2 hay 3 cốc rượu bom, rồi quay cu đơ luôn ra đấy có khi lại hay, đỡ phải uống nhiều.

* Tác dụng của đồ ăn làm tỉnh rượu? 

Nói toẹt ra là uống nó có chút tác dụng và không hại gì. Ví dụ như giá đỗ chẳng hạn. Giá đỗ có chứa  axit aspartic giúp đẩy nhanh quá trình phân giải cồn, hạ bớt độ độc của rượu. Tuy nhiên, nó chỉ có tí tác dụng và vấn đề ở đây là người uống lại uống thả cửa vì tin tưởng giá đỗ.

* Rượu ngũ cốc sao lại say sâu hơn? 

Không phải. Nó liên quan đến kỹ thuật tinh chế. Vang nho đỡ đau đầu hơn vì nó được tinh chế kỹ hơn. Mấy loại rượu hoa quả tự ngâm cũng làm ta nhanh say hay đau đầu hơn. Rượu gạo, kể cả nhẹ như nếp, hay maggeolly của Hàn cũng sẽ làm ta say nhanh vì mức độ tinh chế sơ sài, còn nếu tinh chế tốt vẫn ổn. Lỗi tại công nghệ chứ không hẳn bởi tại làm từ cái gì.

* Bộ nhớ bị lỗi nếu uống nhiều rượu? 

Nếu uống nhiều sẽ bị. Chụp MRI sẽ thấy hồi hải mã của não (hippocampus) bị "gặm nhấm" nhiều dần sau mỗi năm. Không chỉ hồi hải mã, thùy thái dương và thuỳ trán cũng bị tổn thương. Cồn gây mất trí nhớ là vậy. Khi chuỗi ký ức mà bị tổn thương và đứt thì cần phải chữa trị. Nếu tiếp tục uống nhiều, nó sẽ đứt tiếp và ta dần trở thành vô tri.

* Tại sao khi uống rượu vào cũng mót tè như uống bia? 

Rượu bản thân nó là thuốc lợi tiểu. Bia thì đương nhiên. Thực ra, một chén rượu vào bụng nó sẽ tạo rất nhiều nước từ bản thân nó và cả từ cơ thể do bị kích thích. Khi uống bia rượu vào và đi tiểu thì nước tiểu chỉ là nước đã được phân tách, chứ không có chuyện tè cả ra bia rượu. Uống rượu vào cơ thể sẽ bị mất nước và đấy là lý do ta khát nước sau một đêm uống say và thức dậy.

* Hút thuốc khi uống rượu thì sao? 

Rượu và thuốc lá, kể cả xì gà, đều là thứ gây nghiện. Rượu vào, ngấm qua máu và phá hủy cơ chế ức chế nghiện, nó làm ta dễ nghiện hơn. Rượu vào thì gan cần nhiều oxy hơn trong khi hút thuốc lại làm suy giảm lượng oxy trong cơ thể, không đủ cho gan. Uống rượu đã hại gan, hút thêm thuốc là giáng thêm đòn trí mạng cho gan.

* Xông hơi tắm hơi (Sauna) có giúp tỉnh rượu nhanh vì mồ hôi ra nhiều? 

Tắm sẽ kích thích tuần hoàn máu, thải độc. Nhưng phải cẩn thận. Uống rượu sẽ gây mất nước và hao hụt điện giải, nếu sauna nữa sẽ rút thêm cả mồ hôi sẽ có thể khiến ta bị ngất và ngấm rượu sâu hơn.

* Uống rượu hôm trước, hôm sau uể oải? 

Đấy là do đường huyết bị hạ. Cồn gây trở ngại cho tạo đường huyết cho nên nếu uống nhiều quá thì hôm sau sẽ mệt, tự cảm thấy thèm ăn, có điều là ăn cũng không lại người ngay được. Tốt nhất là uống nước đường, hay mật ong để bù đường.

* Ăn gì uống gì tốt cho giã rượu? 

Đừng uống nước nhiều mà phải uống những thứ có tính điện giải như nước canh, nước lèo, sinh tố, nước bổ sung ion cho vận động viên thể thao. Khi uống rượu mà uống nước lọc thì chỉ tổ đi tè, và đi tè vậy là tè luôn cả chất điện giải, ta sẽ mệt hơn. Cứ nước canh, nước lèo mà xài.

* Hậu phẫu, bị mụn nhọt thì có được uống rượu? 

Quan niệm cho rằng rượu sẽ làm trầm trọng hơn các vết viêm tấy là sai. Chả sao hết. Chỉ có điều, rượu nó làm vô hiệu các loại thuốc đang uống chữa bệnh thôi. Vậy nên cứ phải kiêng rượu khi uống thuốc đông y, tây y là vậy.